Cổng Dịch vụ công quốc gia chính thức đi vào hoạt động

17:21 09/12/2019

Chiều nay (9/12/2019), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Hà Nội, kết nối với 5 điểm cầu khác gồm: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Nam và Kon Tum. Cổng Dịch vụ công quốc gia được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất www.dichvucong.gov.vn, là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia - Ảnh: Thống Nhất (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia - Ảnh: Thống Nhất (TTXVN)

Tại lễ khai trương, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành bấm nút khai trương, vận hành hệ thống, một số người dân và doanh nghiệp tại nhiều địa phương đã thao tác trực tiếp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Khách sạn Majestic đã thao tác đăng ký cấp điện trung áp cho công trình khách sạn Majestic mở rộng (với quy mô 27 tầng gồm 350 phòng và 4 tầng hầm, hồ bơi, 3 nhà hàng… công suất khoảng 4.000 kW h). Chỉ sau ít phút thao tác trên địa chỉ www.dichvucong.gov.vn, ông Nhàn đã hoàn tất các thủ tục cần thiết. Tương tự, một người mẹ mới sinh con ở tỉnh Quảng Ninh cũng đã trải nghiệm đăng ký giấy khai sinh cho con trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngay sau khi hệ thống báo hồ sơ thực hiện thành công, người dân và doanh nghiệp đều đã nhận được tin nhắn của các cơ quan về điện thoại báo đã nhận được hồ sơ yêu cầu thực hiện thủ tục và thời hạn giải quyết.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Khách sạn Majestic thao tác đăng ký cấp điện trung áp
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Khách sạn Majestic thao tác đăng ký cấp điện trung áp

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất được Chính phủ chỉ đạo từ năm 2015. Đó là một trong những hợp phần quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, vốn được Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trải nghiệm Cổng Dịch vụ công quốc gia - Nguồn ảnh: báo Thanh Niên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trải nghiệm Cổng Dịch vụ công quốc gia - Nguồn ảnh: báo Thanh Niên

Ngày 12/3/2019, tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia và giao trách nhiệm cho Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Sau 9 tháng tích cực triển khai xây dựng, rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu; nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt yêu cầu đầu tiên là những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước. 

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng Dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng.

Cổng Dịch vụ công quốc gia ra đời giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải các hệ thống thông tin qua việc cung cấp các nền tảng, dữ liệu dùng chung, gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; hệ thống phản ánh, kiến nghị; bộ câu hỏi/trả lời; nền tảng xác thực (VNConnect); nền tảng thanh toán (PaymentPlatform). Ngoài ra, còn giúp các cơ quan nhà nước tăng cường việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Mặt khác, Cổng thông tin cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua cơ chế công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách.

Cổng Dịch vụ công quốc gia có chức năng cho phép giấy tờ, thông tin tổ chức, cá nhân đã cung cấp một lần thành công được tái sử dụng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau và kết quả giải quyết thủ tục hành chính được công nhận tính pháp lý trên toàn hệ thống. Cổng Dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm đáng kể chi phí trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên Hợp Quốc.

Theo tính toán, tổng chi phí tiết kiệm được của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các dịch vụ công cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tháng 12/2019 khoảng 4.222 tỷ đồng/năm; trong đó lợi ích khi thực hiện trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (Lợi ích tăng thêm so với khi thực hiện ở Cổng Dịch vụ công của bộ, địa phương) khoảng 1.736 tỷ đồng/năm.

Các giải pháp chức năng tính năng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá đảm bảo chất lượng, phù hợp với các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế. Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá mức độ an ninh an toàn thông tin để đảm bảo mức độ an toàn, và sẵn sàng các giải pháp bảo vệ đối phó, ứng cứu, đảm bảo an toàn thông tin. Theo đó, khi người dân, doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, sẽ cần phải sử dụng số điện thoại chính chủ để đảm bảo tính bảo mật, bên cạnh đó còn có bảo mật bằng chữ ký điện tử.

Giao diện Cổng Dịch vụ công quốc gia
Giao diện Cổng Dịch vụ công quốc gia

Tại thời điểm khai trương, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố như đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mãi, cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng, dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Cung cấp 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại TP. Hồ Chí Minh là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là đăng ký khai sinh… Theo lộ trình tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, năm 2020 sẽ tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; sau năm 2020, tăng dần mỗi năm tích hợp 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương.

Dự kiến trong quý I/2020, các dịch vụ công được tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm: Nộp thuế điện tử đối với cá nhân (thuế thu nhập cá nhân, cá nhân kinh doanh); cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách; hủy tờ khai hải quan; khai bổ sung hồ sơ hải quan; thu phí, lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy; thu phạt vi phạm giao thông đường bộ; đổi giấy phép lái xe (mức độ 4); cấp mới giấy phép lái xe; đăng ký kinh doanh; cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; nhóm dịch vụ công về trang thiết bị y tế; đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; khai sinh; cấp phiếu lý lịch tư pháp; nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.

Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục