Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 06/12/2019

13:04 06/12/2019

Trung tâm Báo chí TP tổng hợp một số thông tin nổi bật liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo số ra ngày 06/12/2019:

Một khu đô thị tại TP HCM. Ảnh: Lucas Nguyễn/ Nguồn: báo vnexpress
Một khu đô thị tại TP HCM. Ảnh: Lucas Nguyễn/ Nguồn: báo vnexpress

Đề xuất xây dựng 8 trung tâm logistics tại TP. Hồ Chí Minh

Đó là nội dung quan trọng tại hội thảo cuối kỳ Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội thảo được Sở Công Thương phối hợp Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) cùng các sở ngành, các doanh nghiệp hàng đầu tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 5/12.

Theo nhận định của ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ vững vai trò là trung tâm phân phối, cung ứng hàng hóa lớn nhất phía Nam. Tuy nhiên, để ngành logistics (ngành dịch vụ hậu cần) phát triển bền vững, tránh tình trạng phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm thì cần phải có một đề án phát triển tổng thể.

Đi vào cụ thể, bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện VLI, cho biết, để thực hiện hội thảo cuối kỳ, nhóm nghiên cứu đề án đã khảo sát 8 địa điểm dự kiến hình thành các trung tâm logistics trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của từng vị trí. Các địa điểm đó là: KCN Đông Nam (xã Phú Hòa, huyện Củ Chi); Khu cảng Tân Kiên (ấp 3, Tân Kiên, huyện Bình Chánh); KCN Cát Lái (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2); Khu ICD Long Bình (phuờng Long Bình, quận 9); Khu ICD Củ Chi (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi); Cảng Phú Định (phường 16, quận 8); KCN Linh Trung (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) và khu vực dự kiến phát triển thành Trung tâm logistics tại Khu đô thị cảng Hiệp Phước (xã Long Thới, huyện Nhà Bè).

Về nhu cầu vốn cho phát triển ngành logistics, TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất khá cụ thể để phục vụ 3 mục tiêu phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực logistics.

Theo đó, tổng nguồn vốn để phát triển ngành logistics của TP giai đoạn 2020-2030 là 9.072 tỷ đồng, trong đó vốn 2020-2025 là 1.136 tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện, ban nghiên cứu đề xuất, nên thực hiện theo mô hình đối tác công - tư PPP với 5 hình thức phổ biến là xây dựng - chuyển giao; xây dựng - cho thuê - chuyển giao; xây dựng - vận hành - chuyển giao; xây dựng - chuyển giao - vận hành và xây dựng - sở hữu - vận hành. Tùy mỗi giai đoạn và quy mô xây dựng, TP có thể lựa chọn mô hình hợp tác phù hợp.

(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).

Điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ

Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương, cho phép UBND TP nghiên cứu lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 trên địa bàn huyện Cần Giờ, song song với quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung thành phố và cập nhật nội dung trên vào Đồ án quy hoạch chung thành phố.

Huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: hcmcpv
Huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: hcmcpv

Lý do của đề xuất này là do nội dung ý tưởng cuộc thi có nhiều yếu tố khác so với định hướng quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010. 

Đơn cử, các khu vực chức năng, phân khu đô thị được đề xuất theo xu hướng mới, có khả năng tác động nhiều mặt đến cơ cấu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các ngành nghề sản xuất lâm - nông - ngư nghiệp, dân cư nông thôn, môi trường sinh thái biển...

Đặc biệt là cơ cấu dân số theo ý tưởng đề xuất là hơn 600.000 người, trong khi dân số theo quy hoạch chung huyện Cần Giờ hiện nay là 300.000 dân (hiện trạng toàn huyện là 70.000 người; khu đô thị du lịch biển 2.870 ha đã được duyệt quy hoạch là 230.000 người)…

Thí điểm tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận, huyện

Thông tin từ báo điện tử Vietnamplus: Liên quan đến quản lý đất đai, lập và triển khai quy hoạch trên địa bàn, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho thành phố được thực hiện thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận, huyện thành Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận huyện.

Rào chắn thi công tại Dự án hầm chui An Sương. Công trình đã tạm dừng thi công từ cuối năm 2018 để chờ giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Rào chắn thi công tại Dự án hầm chui An Sương. Công trình đã tạm dừng thi công từ cuối năm 2018 để chờ giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo UBND Thành phố, việc tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thành Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ tạo cơ hội cho các đơn vị mở rộng chức năng, nhiệm vụ, có sự tham gia của hệ thống chính trị nên đạt được hiệu quả khi Nhà nước thu hồi đất, đảm bảo tiến độ giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Đồng thời, tăng cường tính tự chủ của đơn vị, có điều kiện cải thiện thu nhập cho cán bộ, viên chức cũng như khẳng định vai trò, vị trí của các đơn vị góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Việc thí điểm tổ chức lại nầy nhằm sắp xếp toàn diện và đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiêt yếu có chất lượng ngày càng cao.

Đồng thời, giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước.

Chặt đứt đường dây ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 446 bánh heroin

Báo Thanh Niên đưa tin: Ngày 5/12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (C04), Bộ Công an cho biết các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an TP. Hồ Chí Minh và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vừa triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia do một số nghi can người Đài Loan cầm đầu. Đồng loạt khám xét 5 địa điểm cất giấu ma túy là chỗ ở, kho chứa hàng, xưởng sản xuất băng keo tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh), lực lượng chức năng thu giữ 446 bánh heroin chờ xuất đi nước ngoài. Số heroin này ước tính trị giá hơn 6 triệu USD, nằm trong diễn biến mở rộng điều tra đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do Trần Vĩ (33 tuổi, quốc tịch Đài Loan, đã bị bắt) cầm đầu mà Công an Thành phố đã khám phá hồi cuối tháng 3/2019.

Công an bắt giữ 895 bánh heroin hồi tháng 3/2019 và 446 bánh heroin tại huyện Bình Chánh đầu tháng 11/2019 (ảnh nhỏ)/ (ảnh: báo Thanh Niên)
Công an bắt giữ 895 bánh heroin hồi tháng 3/2019 và 446 bánh heroin tại huyện Bình Chánh đầu tháng 11/2019 (ảnh nhỏ)/ (ảnh: báo Thanh Niên)

Cụ thể, khi Công an Thành phố bắt giữ gần 895 bánh heroin do Trần Vĩ và các nghi can khác cầm đầu, một số nghi can người Đài Loan (Trung Quốc) ở Campuchia đã chỉ đạo hai người khác cùng quốc tịch Đài Loan là Yang Po Hung (A Hùng) và Yang Kai Chen (A Chen), từ Đài Loan nhập cảnh vào Việt Nam đến TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục kích hoạt việc vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam.

Ma túy đưa vào Việt Nam qua đường bộ, sau đó giấu trong các loại hàng hóa như băng keo nhựa, phế thải, hạt nhựa... đóng container vận chuyển bằng đường biển đến Đài Loan. A Hùng và A Chen lợi dụng một số người Việt Nam đứng tên thuê 5 địa điểm ở huyện Bình Chánh làm chỗ ở, xưởng sản xuất băng keo nhựa, xuất nhập khẩu hạt nhựa và kho chứa hàng hóa để ngụy trang hoạt động cất giấu, vận chuyển ma túy. Từ nguồn tin báo tội phạm, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện nhóm nghi can người Đài Loan điều hành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, nên xác lập chuyên án khám phá. Qua quá trình điều tra, Ban chuyên án xác định đang có một lượng ma túy lớn tập kết tại khu vực ngoại thành TP. Hồ Chí Minh chờ xuất đi Đài Loan. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án này.

Cháy tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Super Bowl

Trưa 5/12, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại công trình trung tâm thương mại giải trí Sài Gòn Super Bowl, địa chỉ A43, đường Trường Sơn, gần khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Hiện trường vụ cháy. (Ảnh: TTXVN)
Hiện trường vụ cháy. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin từ các nhân chứng, khoảng 11 giờ ngày 5/12, khi công nhân đang tiến hành tháo dỡ công trình trung tâm thương mại giải trí Sài Gòn Super Bowl, lửa bất ngờ bùng phát tại một tấm biển hiệu ở trên cao, khiến các công nhân hoảng loạn tháo chạy. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng khiến công tác chữa cháy ban đầu không thành.

Nhận tin báo, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an quận Tân Bình đã điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường chữa cháy, ngăn không để xảy ra cháy lan. Đám cháy nhanh chóng được dập tắt sau đó.

Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng đã gây ách tắc tuyến đường ra vào Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ.

(Theo báo điện tử Vietnamplus).

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh vẫn còn dư địa tăng giá

Giá nhà trung bình tăng 10% mỗi năm trong giai đoạn 2014-2018, các dự án liên tục thiết lập mặt bằng mới về giá, đặc biệt là khu Nam.

Theo Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam, diễn biến giá bán căn hộ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2019 có biến động mạnh về giá đồng loạt ở các phân khúc chung cư cao cấp (hạng A), trung cấp (hạng B) và bình dân (hạng C). Trong chu kỳ 5 năm, giá căn hộ hạng A, B và C đã tăng bình quân trên 50%.

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh có xu hướng mở rộng theo nhiều hướng, trong đó, quận 2, quận 7 vẫn giữ vị trí dẫn đầu, quy tụ nhiều dự án cao cấp và hạng sang. Các dự án hạng sang tại khu Nam dao động ở mức trên 50 triệu một m2.

Các chuyên gia cho rằng giá nhà cuối năm 2019 tăng mạnh bởi nhiều lý do, có thời điểm tiệm cận mức 50 triệu đồng một m2.

Theo Tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải, chuyên gia địa ốc Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường bất động sản khu Nam tăng mạnh trong năm 2019, dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong năm 2020.

Đầu tiên, giá bất động sản khu Nam có hiệu ứng khan hiếm nguồn hàng do đình trệ pháp lý. Báo cáo của HoREA cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố chỉ có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 83%. 

Sức bật về hạ tầng của quận 2, quận 7 là tương đối lớn. Bên cạnh các tuyến giao thông đường bộ, cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến sẽ khởi công vào quý 1/2020.

Sau một thời gian dài im ắng, cung đường ven sông "tỷ đô" Đào Trí cũng đã được UBND quận 7 có phương án cải tạo nâng cấp để chống ngập và mở rộng lộ giới thành 40m. Khi quá trình cải tạo này hoàn thành, Đào Trí sẽ là tuyến đường ven sông đẹp tại TP. Hồ Chí Minh, thúc đẩy giá các dự án bất động sản lân cận. 

(Theo báo điện tử Vnexpress).

Đề xuất tăng giá đất bằng 41% giá thị trường: Giấc mơ nhà ở cho người thu nhập thấp càng xa

Thông tin trên báo Lao Động cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP. Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi UBND Thành phố về ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2020-2024. Dự kiến bảng giá đất mới này sẽ được công bố vào ngày 1/1/2020.

Sở TNMT Thành phố cho biết, so sánh với kết quả điều tra giá thị trường khi xây dựng bảng giá đất năm 2015 thì giá thị trường năm 2018, 2019 đã tăng lên rất nhiều. Vì vậy, theo Sở TNMT, trong góp ý khung giá đất của Chính phủ, thường trực UBND Thành phố đã thống nhất khi ban hành bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 và hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn Thành phố, chọn phương án xây dựng bảng giá đất ở mức bằng 41% so với giá thị trường và bằng với khung giá dự thảo của Chính phủ. Điều này dự báo sẽ có nhiều ảnh hưởng đến người dân ở khu vực các quận huyện ngoại thành.

Với mức tăng này thì bảng giá các loại đất trên địa bàn Thành phố cũng có sự điều chỉnh tăng tương ứng. Trong đó, với nhóm đất phi nông nghiệp, Sở TNMT cho biết, căn cứ vào tình hình giá đất thị trường đã thu thập, ban chỉ đạo thống nhất xây dựng bảng giá đất từ mức tối thiểu đến mức tối đa của khung giá. Lý do là mức tối đa của khung giá đất theo dự thảo của Chính phủ là 330.660.000 đồng/ m2, chỉ bằng khoảng 41% so với giá thị trường , tại đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi là khoảng 800 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, các loại đất phi nông nghiệp giai đoạn 2015-2019 được xây dựng tương ứng 25% so với giá thị trường. Như vậy, nếu xây dựng theo phương án trên thì tỉ lệ tăng tương đối của bảng giá đất phi nông nghiệp giai đoạn 2020-2024 sẽ tăng 65% so với giai đoạn trước.

Cuối năm lại ồ ạt đào đường

Theo thông tin trên báo Thanh Niên , năm nào cũng vậy, cứ đến giáp Tết là các quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh lại thi nhau đào đường, gây xáo trộn đời sống và khiến người dân bức xúc.

Từ giữa tháng 9 đến nay, người dân sống tại tuyến đường Vĩnh Hội (quận 4) vô cùng mệt mỏi khi đồng loạt vỉa hè bị cào xới lên để sửa chữa, lát lại gạch. Việc thi công phục vụ công trình “Sửa chữa đường Vĩnh Hội, quận 4” (từ đường Tôn Đản đến đường Khánh Hội) do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 4 làm chủ đầu tư dự kiến thực hiện từ ngày 18/9 – 31/12. Dọc tuyến đường số 40, bụi bay mù mịt từ sáng tới tối, vỉa hè bị xới tung khiến nhiều gia đình phải đóng cửa cả ngày mà vẫn không thoát khỏi bụi bẩn. Đáng nói, hai bên đường số 40 hầu hết là các hộ kinh doanh. Công trình ngổn ngang kéo theo bụi mù mịt ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của những hộ này cũng như việc đi lại của người dân. Có những quán cà phê bị sỏi cát bao quanh, khách mất chỗ để xe, khu ngoài trời thường ngày rất đông nay không ai dám ngồi.

Lô cốt trên đường Võ Văn Kiệt, quận 5/ (Ảnh: báo Thanh Niên)
Lô cốt trên đường Võ Văn Kiệt, quận 5/ (Ảnh: báo Thanh Niên)

Ngay gần đó, đường Tôn Thất Thuyết được mệnh danh là “con đường lô cốt” từ năm ngoái đến nay vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh này. Lô cốt đóng chỗ này lại chuyển về chỗ khác. Người dân ngụ tuyến đường này thường đùa rằng: Ở Tôn Thất Thuyết, cứ đi là tới... lô cốt. Ngay đoạn Tôn Thất Thuyết giao với Tôn Đản, lô cốt chiếm tới gần nửa diện tích mặt đường khiến xe cộ chen nhau, ùn tắc dù chưa phải giờ cao điểm. Không chỉ cản trở giao thông, trong khoảng hơn 1 năm nay, loạt công trình dang dở chạy dọc tuyến đường này còn đẩy người dân vào cảnh khốn khổ vì đường hỏng, nhà cũng hỏng. Lô cốt giờ đã “chạy” đi chỗ khác nhưng dọc cả tuyến đường trước kia mặt đường bằng phẳng, sạch sẽ nay đã biến thành “bãi chiến trường” bẩn thỉu, bụi bặm...

Trả lời câu hỏi tại sao tới cuối năm còn cấp phép ồ ạt cho các công trình, đại diện Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Thành phố) cho biết do công tác phân bổ vốn, lập thẩm định phê duyệt dự án và đấu thầu… thường cuối năm mới xong nên lúc này dự án mới triển khai thi công được. Trước đó, Sở GTVT cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý, giám sát xử lý nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị thi công không đảm bảo các yêu cầu về tái lập mặt đường, tiến độ thi công không đúng giấy phép thi công. Dự án nào chủ đầu tư không làm hết trách nhiệm gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị sẽ bị phạt nặng, thậm chí rút giấy phép và không cấp giấy phép các dự án mới.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, đánh giá các biện pháp này chỉ có tác dụng hậu kiểm, góp phần giảm tình trạng lô cốt chây ì, chưa giải quyết được câu chuyện “cuối năm lại cấp tập đào đường”. Theo ông Ninh, nguyên nhân chính là các quận, huyện “chạy” cho kịp chỉ tiêu giải ngân, gom số ngân sách còn dư đổ vào các dự án làm dịp cuối năm vì không muốn phải trả lại cho Thành phố. Các dự án đào đường thì dễ làm, đào lên lấp lại lúc nào cũng được. Không ngoại trừ trường hợp giữa năm, tiền dự án này lại được huy động làm dự án khác, cuối năm mới cân đối được để triển khai.

Siết chất lượng an toàn thực phẩm dịp Tết

Báo Đại Đoàn Kết đưa tin: Để nguồn hàng Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) phục vụ nhu cầu tiêu dùng, Sở Công thương và Ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm soát chất lượng ATTP. Bên cạnh xử lý nghiêm hàng lậu, hàng giả, các cơ quan chức năng cũng sẽ ngăn ngừa các hành vi tiêu cực như đầu cơ, găm hàng để tăng giá.

Các nhà phân phối cũng đưa ra nhiều chỉ tiêu để tăng chất lượng an toàn thực phẩm/ (Ảnh: báo Đại Đoàn Kết)
Các nhà phân phối cũng đưa ra nhiều chỉ tiêu để tăng chất lượng an toàn thực phẩm/ (Ảnh: báo Đại Đoàn Kết)

TP. Hồ Chí Minh có dân số gần 9 triệu người, vì vậy nhu cầu sử dụng nông sản thực phẩm ở mức cao. Theo tính toán, trung bình hàng năm người dân Thành phố tiêu thụ khoảng 825.000 tấn gạo; 330.000 tấn thịt các loại; 900 triệu trứng gia cầm; 450.000 tấn thủy sản; 1.800.000 - 1.900.000 tấn rau, củ, quả, 900 triệu quả trứng gia cầm/năm,… Càng gần thời điểm Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng tăng cao. Sở Công Thương Thành phố cho biết, lượng hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tăng từ 14,6 - 17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 21 - 28% so với kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Trong đó, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết tăng 2 - 3 lần so với tháng thường. Tại 3 chợ đầu mối, thời điểm cận Tết lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 – 16.000 tấn, thay vì 9.000 tấn/ngày.

Nhằm đảm bảo ATTP cho người dân, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TP. Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch triển khai đảm bảo ATTP trước, trong, sau Tết. Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý ATTP Thành phố cho hay, thời gian tới đội quản lý thuộc Ban Quản lý ATTP sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Từ ngày 15/12/2019 đến 25/3/2020 tiến hành kiểm tra ATTP trên diện rộng. Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ có yếu tố nguy cơ cao trong dịp Tết và lễ hội, như: thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả, bánh mứt, rượu bia, phụ gia thực phẩm,… Song song đó, các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra cơ sở phục vụ ăn uống. Theo kế hoạch đề ra, Ban Quản lý ATTP Thành phố huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức kiểm soát, giám sát tại các đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, đơn vị vận chuyển thực phẩm nhằm kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa.

Hành trang an toàn cho học sinh

Nhằm góp phần giảm thiểu tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông gây ra cho trẻ em độ tuổi tiểu học, Ban An Toàn Giao Thông (ATGT) TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức Lễ phát động chiến dịch “Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ” tại Trường Tiểu học Hồ Văn Thanh (quận 12).

Các em học sinh Trường TH Hồ Văn Thanh (quận 12) được trao tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn tại lễ phát động/ (Ảnh: báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh)
Các em học sinh Trường TH Hồ Văn Thanh (quận 12) được trao tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn
tại lễ phát động/ (Ảnh: báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh)

Tại Lễ phát động chiến dịch, các địa biểu đến từ Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GD&ĐT, Bộ GTVT, Sở GD&ĐT Thành phố, Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương, đại diện Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) và nhà tài trợ UPS đã hướng dẫn các em học sinh cách đội mũ bảo hiểm và thực hiện cam kết tại lớp học. Đặc biệt trong buổi lễ, các đại biểu đã trao tặng mũ bảo hiểm tượng trưng cho các em học sinh, thực hiện nghi thức phát động chiến dịch và tham gia diễu hành trên đường phố cùng với học sinh, phụ huynh, giáo viên nhà trường.

Đây là chương trình tuyên truyền thuộc dự án “Hành trang an toàn” do Quỹ UPS phát động vào ngày 14/11/2015. Mục tiêu của dự án nhằm kêu gọi cộng đồng tham gia giao thông an toàn, tập trung nâng cao kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ở lứa tuổi thanh thiếu niên và trẻ em bậc tiểu học tại khu vực Đông Nam Á. Trong những năm qua, dự án “Hành trang an toàn” đã được triển khai tại 6 nước gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Philippines và Ấn Độ. Tại Việt Nam, dự án được thực hiện ở TP. Hồ Chí Minh từ tháng 4/2019 đến tháng 12/2020 với tổng kinh phí 100.000 USD (khoảng hơn 2,3 tỷ đồng). 

(Theo báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh).

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục