Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 10/12/2019

10:54 10/12/2019

Trung tâm Báo chí TP tổng hợp một số thông tin nổi bật liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 10/12/2019:

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ảnh: VIỆT DŨNG/SGGP
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ảnh: VIỆT DŨNG/SGGP

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tiếp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Chiều 9/12, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã có buổi tiếp ngài Barack Obama, cựu Tổng thống Hoa Kỳ.

Tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh chuyến trở lại thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Barack Obama và khẳng định chuyến thăm Việt Nam lần này của ngài cựu Tổng thống và phu nhân thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và sự phát triển của Việt Nam nói riêng. Kể từ khi bình thường hóa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã và đang tiếp tục phát triển, mở rộng, đi vào chiều sâu, được thể hiện qua các chuyến thăm lẫn nhau thường xuyên hơn giữa các lãnh đạo cấp cao hai nước. Đặc biệt là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ năm 2015 và chuyến thăm chính thức Việt Nam đầy ý nghĩa của ngài Barack Obama trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2016.  

Đánh giá cao những đóng góp của cá nhân ngài Barack Obama trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ trước đây đối với sự phát triển của quan hệ song phương, đặc biệt trong giai đoạn hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn ngài Barack Obama sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hai bên chuẩn bị hướng đến kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 2020.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và phu nhân Michelle Obama có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 8 đến 11/12, trong khuôn khổ chuyến thăm một số nước châu Á. Tại Việt Nam, mục đích chính của chuyến thăm là nhằm quảng bá chương trình Global Girls, góp phần thúc đẩy phổ cập giáo dục, nhất là giáo dục cho trẻ em gái và phụ nữ tầng lớp lao động.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng).

Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh: “Không chấp nhận loại hình đòi nợ thuê”

Báo Tuổi Trẻ thông tin: Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh khóa IX sáng 9/12, Giám đốc Công an Thành phố - Trung tướng Lê Đông Phong chia sẻ: “Quan điểm của chúng tôi là không chấp nhận loại hình đòi nợ thuê”.

Quảng cáo cho vay trả góp, vay tín chấp là hình thức lôi kéo người nghèo vay với lãi suất cao/ Ảnh: báo Tuổi Trẻ
Quảng cáo cho vay trả góp, vay tín chấp là hình thức lôi kéo người nghèo vay với lãi suất cao/ Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Tại buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phản ảnh tình trạng tín dụng đen hoành hành, nhiều vụ đòi nợ, tạt chất bẩn khiến tình hình an ninh trật tự khu dân cư bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Nhiều con nợ lo sợ không dám tố giác, phía công an có khi cho đó là tranh chấp dân sự nên không can thiệp. Vậy Công an TP có giải pháp gì để giải quyết hay không?”, bà Trâm hỏi.

Trao đổi lại, Giám đốc Công an Thành phố Lê Đông Phong cho biết năm 2019, lực lượng công an đã xác định được 51 nhóm với 178 đối tượng có dấu hiệu thực hiện hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật. Công an Thành phố cũng khởi tố được 9 vụ, 34 đối tượng, xử lý chung 38 nhóm và 168 đối tượng. Theo ông Phong, hành vi cho vay, đòi nợ thuê được xác định là trái pháp luật nhưng quy định về xử lý vẫn còn nhiều khó khăn trong việc chứng minh yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố.

Công an Thành phố đã xác định trách nhiệm, chỉ đạo các lực lượng chủ động phát hiện ngay từ đầu, tránh xảy ra tình trạng xâm phạm trật tự công cộng. “Chúng tôi đã kiến nghị UBND Thành phố kiến nghị Chính phủ không chấp nhận loại hình đòi nợ thuê. Hành vi này dù hỗ trợ cho việc giao dịch nhưng lại có việc khủng bố tinh thần con nợ, gây mất an ninh trật tự. Loại hình đòi nợ thuê còn ẩn chứa nhiều đối tượng xấu”, ông Phong nêu quan điểm. Theo ông Phong, các cơ quan chức năng cần nắm bắt và ngăn chặn ngay từ đầu những hành vi đòi nợ thuê, ngay cả hình thức cho vay nặng lãi.

Bế mạc Kỳ họp thứ 17 Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Báo điện tử Vietnamplus đưa tin: Sau 3 ngày diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, chiều 9/12, kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX đã bế mạc, thông qua 20 Nghị quyết quan trọng liên quan đến các vấn đề kinh tế văn hóa-xã hội thành phố năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.

Bế mạc Kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Bế mạc Kỳ họp thứ 17, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Đáng chú ý, Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, chấp thuận điều chỉnh giảm 9.424 tỷ đồng; đồng thời bố trí 1.749 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2012-2020 cho 15 dự án cần thiết mới phát sinh của thành phố.

Hội đồng Nhân dân thành phố cũng thống nhất tiếp tục thực hiện Đề án chương trình sữa học đường đến hết học kỳ 2 năm học 2019-2020, thay vì hết học kỳ 1 năm học 2019-2020 như lộ trình đề ra; đồng thời thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý, trong đó, từ năm 2020 đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập đảm bảo không thấp hơn 1,2 và không vượt quá 1,8 lần tiền lương.

Nhận định năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm triển kinh tế-xã hội cả giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Thành phố phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 cũng như chỉ tiêu cả nhiệm kỳ. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa GRDP bình quân từ 8,3-8,5%; tỷ trọng đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp vào GRDP đạt từ 36% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 35% GRRP…;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông qua nhiều giải pháp; triển khai mạnh mẽ các hoạt động thực hiện chủ đề năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa, nếp sống văn minh đô thị; triển khai các thủ tục đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa; chú trọng văn hóa gia đình; tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, vận động người dân không xả rác, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Bệnh nhân bị chuyển lòng vòng

Báo Thanh Niên đưa tin: Một số bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh hiện đã xài hết dự toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hoạt động cầm chừng chờ… hết năm 2019 dẫn đến việc, người bệnh bị chuyển “lòng vòng” hoặc được “khất”… đến năm sau.

Bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại Viện Tim/ Ảnh: báo Thanh Niên
Bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại Viện Tim/ Ảnh: báo Thanh Niên

Một bác sĩ tại Viện Tim thừa nhận do bệnh nhân đông và nặng, nên bệnh viện đã xài hết quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Có thời điểm, bệnh viện rất khó khăn “Bệnh nhân có thể trì hoãn được thì trì hoãn, còn những bệnh nhân nặng cần giải quyết thì vẫn phải mổ, sau đó sẽ xin bổ sung tiền sau”, vị Bác sĩ này nói.

Một chuyên gia quản lý BHYT cho biết, do tình trạng cạn quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên hiện nay đáng lo là bệnh nhân vào viện thì các bệnh viện phải chuyển viện. Có trường hợp bị thương nặng phải chuyển lòng vòng qua 2 bệnh viện, đến bệnh viện thứ 3 mới được phẫu thuật, mặc dù các bệnh viện trước đều thực hiện được kỹ thuật này.

Trước thực trạng này, có nhiều phương án được Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Sở Y tế bàn tính, trong đó có phương án cho các bệnh viện thêm tiền để hoạt động, chờ quyết định bổ sung kinh phí hơn 1.700 tỉ đồng từ Chính phủ (theo đề xuất của Thành phố). Ưu tiên bổ sung kinh phí cho các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa công lập…để hoạt động đến cuối năm. Ngoài ra, còn có phương án, các bệnh viện tự cân đối, quyết định bệnh nào nhận, bệnh nào không – tức bệnh khẩn cấp, nặng thì nhận; còn bệnh có thể kéo dài được thì hẹn… sang năm 2020 (!?)

Để tạm thời “giải vây” cho tình trạng này, ngày 4/12, Giám đốc BHXH Thành phố Phan Văn Mến đã có văn bản điều chỉnh dự toán chi khám chữa bệnh BHYT, tức là chi thêm tiền cho các bệnh viện đã hết quỹ khám chữa bệnh BHYT. Giám đốc BHXH Thành phố đề nghị các đơn vị căn cứ dự toán được giao, có biện pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người bệnh; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chi phí khám chữa bệnh. BHXH Thành phố sẽ không thanh toán chi phí khám chữa bệnh gia tăng do nguyên nhân chủ quan; lựa chọn và chỉ định thuốc, kỹ thuật… rộng rãi, không phù hợp với tình trạng bệnh và các quy định về chuyên môn.

Nhà ống, nhà phố: Cháy chạy đâu?

Đó là tiêu đề bài viết trong mục Góc nhìn phóng viên của báo Thanh Niên. Theo tác giả, thực trạng nhà ống, nhà phố vừa ở, vừa kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh luôn rình rập nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tại Thành phố, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà thương tâm làm 3-4 người, thậm chí 8 người trong cùng một gia đình đều tử vong. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến cháy được xác định là chập điện sinh hoạt, chập điện xe máy. Đặc biệt, các vụ cháy diễn ra vào đêm khuya, trong ngôi nhà có duy nhất một lối thoát hiểm (cửa ra vào) chính vì vậy, nạn nhân không thoát ra ngoài được, ngạt khói và tử vong.

Hầu hết trong các vụ cháy nhà ống, nhà phố khi lực lượng cứu hộ, Cảnh sát PCCC đến hiện trường, đều gặp khó khăn vì nhà thiết kế nhiều cửa, khóa nhiều ổ khóa. Có nhiều trường hợp, nhà người dân dùng sắt hàn bít các cửa lên sân thượng, bên hông, phía sau nhà để nhằm chống trộm cắp. Việc thiết kế nhà cửa chắc chắn để chống trộm là điều cần thiết, nhưng việc lắp cửa, ổ khóa cần phải thực hiện một cách khoa học, tính toán để còn đường thoát hiểm.

Thực trạng này đòi hỏi Cảnh sát PCCC Thành phố, bên cạnh việc thống kê, kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện tốt PCCC, cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, xử phạt đối với những căn nhà vừa ở, kết hợp với kinh doanh, bít hết các lối thoát hiểm. Hơn ai hết, mỗi người dân luôn luôn ý thức bảo vệ tính mạng của mình và gia đình. Đừng tự “bít” lấy đường thoát khi xảy ra cháy, nổ.

Giúp người dân làm căn cước công dân nhanh gọn

Trên chuyên mục “Ảnh Mộc” của báo Sài Gòn Giải Phóng có thông tin: Để cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân làm căn cước công dân (CCCD) thuận tiện, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP. Hồ Chí Minh (PC06) đến các trường học, bệnh viện và tận nhà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công để thực hiện quy trình cấp CCCD.

Công an TP. Hồ Chí Minh đã triển khai làm thẻ căn cước công dân tại nhiều cơ quan, đơn vị (ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng).
Công an TP. Hồ Chí Minh đã triển khai làm thẻ căn cước công dân tại nhiều cơ quan, đơn vị (ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng).

Mới đây, PC06 đã đến bệnh viện cấp CCCD cho các y - bác sĩ, viên chức Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (ảnh). Theo kế hoạch, trong 3 tuần tới, PC06 tiếp tục đến hỗ trợ y bác sĩ, viên chức ở các bệnh viện: Bình Dân, Ung Bướu, Chợ Rẫy làm CCCD

TP. Hồ Chí Minh dự kiến tiêu thụ khoảng 135 triệu cành hoa các loại dịp Tết

Theo Sở Công Thương Thành phố, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, toàn Thành phố dự kiến tiêu thụ khoảng 135 triệu cành hoa các loại, 700.000 chậu mai, 300.000 chậu cây cảnh khác… Hiện giá cây mai cổ thụ khoảng 300 triệu đến 1 tỷ đồng/cây, giá thuê 70-90 triệu đồng. Mai bon sai có giá 100 triệu đến 300 triệu đồng/cây, giá thuê từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm hoa, cây cảnh của người dân, ngay từ tháng 12-2019, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã liên kết với ngành công thương các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Tháp... và các chủ vựa hoa lớn ở các tỉnh để cùng chuẩn bị sản lượng tiêu thụ đúng kế hoạch dự kiến.

Sở Công Thương Thành phố cũng đã đề nghị chính quyền các quận, huyện xem xét cho người thuê địa điểm bán hoa, cây cảnh Tết được thuê trực tiếp, tránh để các đầu nậu gom mặt bằng, cho bà con thuê lại với giá cao.

(Theo báo Lao Động)

Triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trước trận chung kết bóng đá nam SEA Games 30

19 giờ đêm nay (10/12), người hâm mộ đóng đá Việt Nam đều hướng con tim mình về trận chung kết bóng đá nam SEA Games 30 tại Philippines giữa đội bóng U22 Việt Nam và U22 Indonesia. Người hâm mộ Việt Nam dự đoán và hy vọng đội bóng đá nam sẽ giành Huy chương vàng sau rất nhiều năm chờ đợi. Chính vì lẽ đó, đêm nay có thể là đêm bùng nổ niềm vui chiến thắng của người dân TP. Hồ Chí Minh và cả nước.

Tại TP. Hồ Chí Minh, xác định người dân sẽ tập trung tại một số điểm công cộng để xem trận chung kết này và ăn mừng, cổ vũ chiến thắng, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố đã xác định chủ trương là tạo mọi điều kiện tối đa cho người dân thể hiện tình yêu bóng đá với đội tuyển nước nhà, nhưng vẫn đảm bảo an ninh trật tự.

Các kế hoạch cụ thể trước, trong và sau trận đấu là tăng cường chế độ ứng trực 100% quân số, trong khi phương tiện, công cụ hỗ trợ cũng được huy động tối đa để phục vụ công tác. Đặc biệt chú trọng những khu vực có quán cà phê, nơi công cộng trình chiếu trận bóng đá… Riêng tại khu vực trung tâm Thành phố, bố trí lực lượng thường trực khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, nơi tổ chức phát hình trực tiếp trận đấu, để chủ động các phương án, bảo đảm không để trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp…

Bên cạnh đó, một số tuyến đường vùng ven Thành phố và những tuyến đường lớn như Điện Biên Phủ, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50…cũng được tăng cường tuần tra lưu động phối hợp với các lực lượng đảm trách kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu quá khích, gây rối, tụ tập đông người đua xe trái phép, chạy quá tốc độ gây mất trật tự công cộng, hoặc tàng trữ chất cấm và hung khí…

(Theo báo Công An TP. Hồ Chí Minh).

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục