Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 20/2/2024

09:43 20/02/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 20/2:

97% lao động ở các doanh nghiệp trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết

Báo Người Lao Động cho biết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TPHCM vừa có báo cáo tình hình lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2024.

Tỉ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%.
Tỉ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%.

Theo đó, ngày 15/2 (mùng 6 Tết), đối với các cơ quan, đơn vị (trừ trường học công lập) và doanh nghiệp nhà nước hầu hết người lao động đã quay trở lại làm việc gần 99%. Đối với tình hình người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có đông lao động, tỉ lệ doanh nghiệp trở lại hoạt động khoảng 65% với lao động vào làm việc là 85%. Nguyên do thời gian quay trở lại làm việc sau Tết rơi vào các ngày thứ năm, sáu cuối tuần nên một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động nghỉ phép năm, nhất là lao động ở các tỉnh xa về quê ăn Tết.

Ngày 19/2 (mùng 10 Âm lịch), qua kết quả khảo sát tại 3.247 doanh nghiệp, tỉ lệ doanh nghiệp đã hoạt động trở lại khoảng 98%, tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc là 97%. Theo nhận định của các doanh nghiệp tỉ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%, tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính…

TPHCM có thêm đường sách, trang bị 5 triệu quyển sách cho thư viện cơ sở

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện công trình 'Xây dựng các đường sách, không gian sách và phát triển văn hóa đọc' chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.

Người dân TP lựa chọn sách tại lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn trong ngày đầu năm mới
Người dân TP lựa chọn sách tại lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn trong ngày đầu năm mới

Theo kế hoạch, đến tháng 3/2025, TPHCM sẽ xây dựng, phát triển các đường sách, không gian sách tại các khu vực theo hướng phía đông, tây, nam, bắc của TP góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân.

Công trình do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương và Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện. Theo đó, cùng với Đường sách thành phố Thủ Đức đã được đưa vào hoạt động tháng 12/2023, TPHCM sẽ có thêm đường sách, không gian sách ở quận Bình Tân, quận 7 và huyện Củ Chi.

Cùng với đó, TPHCM cũng triển khai chương trình Trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở trên địa bàn. Cụ thể, từ tháng 2/2024 đến tháng 3/2025, trang bị cho thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn và thư viện 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức 5 triệu quyển sách, bao gồm sách giấy và sách điện tử.

TPHCM khởi động chương trình hỗ trợ lãi suất lên đến 100%

Báo Pháp Luật TP đưa tin, ngày 19/2, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) và Hiệp Hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

Lãnh đạo HUBA và HFIC cùng thực hiện nghi thức ký kết. ẢNH: TÚ UYÊN
Lãnh đạo HUBA và HFIC cùng thực hiện nghi thức ký kết. ẢNH: TÚ UYÊN

Thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng DN của thành phố tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất theo chủ trương tại Nghị quyết số 98 và Nghị quyết số 09 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM về việc hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TPHCM.

Cụ thể, HUBA sàng lọc, giới thiệu DN tiềm năng, đáp ứng đủ điều kiện cho vay của HFIC tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất. HFIC với vai trò là tổ chức cho vay sẽ tiếp nhận thông tin nhu cầu vay vốn của DN từ HUBA để xem xét hỗ trợ lãi suất vay theo đúng quy định được ban hành.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC cho biết, đối tượng tham gia chương trình là DN, tổ chức kinh tế tập thể trong nước (100% vốn trong nước) được thành lập và hoạt động theo Luật DN, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập. Mức vốn vay tối đa cho mỗi dự án 200 tỉ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ mức 50%, 100% lãi suất cho các dự án tùy lĩnh vực. Thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm.

2 trẻ em nhập viện nghi ngộ độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum

Ngày 19/2, Sở Y tế TPHCM cho biết, sau kỳ nghỉ tết, Bệnh viện Nhi đồng 2 có báo cáo về 2 trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum (nhập viện ngày 6 và 7/2). Tin trên báo Thanh Niên.

Trẻ bị nghi ngộ độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum vào tháng 5.2023 điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2
Trẻ bị nghi ngộ độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum vào tháng 5.2023 điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2, cả 2 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng buồn nôn và nôn ra thức ăn, than đau đầu.

Sau khi khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scanner, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum. Các bác sĩ thống nhất sử dụng thuốc giải độc tố Botulinum.

Hiện tại, tình trạng 2 bệnh nhi đã cải thiện, một em đã cai máy thở và theo dõi tại khoa Tiêu hóa; một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt.

Cho đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế TPHCM chưa ghi nhận thêm trường hợp nào được báo cáo có triệu chứng tương tự.

Phà biển Cần Giờ-Vàm Láng rút ngắn thời gian từ TPHCM đến Tiền Giang

Tuyến phà biển Cần Giờ-Vàm Láng khi đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn cự ly, giảm thời gian di chuyển từ tỉnh Tiền Giang đi TPHCM và ngược lại. VietNamPlus cho hay, nội dung được nêu ra trong văn bản vừa được Sở Giao thông Vận tải TPHCM gửi Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang lấy ý kiến về báo cáo đề xuất phương án khai thác tuyến vận tải này.

(Ảnh minh họa: Tiến Lực/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Tiến Lực/TTXVN)

Theo phương án được đưa ra, vị trí dự kiến mở bến phía Cần Giờ là tại xã Long Hòa, khu vực cầu bến Đồng Hòa hiện hữu, trên sông Hà Thanh-Đồng Hòa (gần cửa sông Soài Rạp). Đầu bến phía Gò Công Đông là thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Hiện vị trí đầu bến Cần Giờ và Gò Công Đông đang được cập nhật vào quy hoạch chung của TPHCM và tỉnh Tiền Giang.

Cự ly tuyến phà này 12km (một chiều), thời gian hành trình khoảng 30 phút; tối thiểu 4 chuyến/1 ngày (4 lượt đi, 4 lượt về). Tuyến phà có tối thiểu 2 phương tiện bảo đảm các tiêu chí, trọng tải toàn phần không thấp hơn 100 tấn; sức chở không ít hơn 100 khách; không ít hơn 50 xe máy; không ít hơn 10 xe ôtô từ 4 chỗ đến 29 chỗ.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, sau khi có tuyến phà Cần Giờ-Vàm Láng, người dân từ thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công (Tiền Giang) đi Cần Giờ cũng như TPHCM sẽ rút ngắn được quãng đường và giảm thời gian di chuyển so với đi đường bộ theo hướng phà Cần Giờ-Cần Giuộc.

TPHCM sẽ có 8 tuyến đường sắt

Theo báo Giao Thông, Cục Đường sắt VN đang xin ý kiến rộng rãi đối với báo cáo giữa kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TPHCM do Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) và Trung tâm Tư vấn Đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) lập.

Tư vấn lập Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, đề xuất quy hoạch 8 tuyến đường sắt và 7 ga chính, trong đó ga Sài Gòn (Hòa Hưng) là ga trung tâm (Ảnh: minh họa).
Tư vấn lập Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, đề xuất quy hoạch 8 tuyến đường sắt và 7 ga chính, trong đó ga Sài Gòn (Hòa Hưng) là ga trung tâm (Ảnh: minh họa).

Theo đó, tại khu vực đầu mối TPHCM sẽ quy hoạch 8 tuyến đường sắt gồm: Trảng Bom - Sài Gòn (Hòa Hưng) - Tân Kiên; Biên Hòa - Vũng Tàu; TPHCM - Lộc Ninh; TPHCM - Cần Thơ; Tốc độ cao Bắc - Nam (đoạn Thủ Thiêm - cảng hàng không Long Thành); Thủ Thiêm - Long Thành; TPHCM - Tây Ninh; đường sắt kết nối cảng Hiệp Phước, cảng Long An.

Tại quy hoạch, Tư vấn đề xuất 5 ga hành khách trung tâm/ga chính. Trong đó, ga Sài Gòn/Hòa Hưng là ga hành khách trung tâm của thành phố, tổ chức chạy tàu khách xuyên tâm theo hướng ga An Bình - Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên theo kiểu "con lắc" qua ga trung tâm.

Ga An Bình là ga đầu mối hành khách phía Bắc thành phố; ga Bình Triệu là ga đón, tiễn cho hành khách lên xuống; ga Tân Kiên là ga đầu mối hành khách phía Nam thành phố. Ga Thủ Thiêm là ga hành khách phía Đông của thành phố, tổ chức đón, tiễn cho hành khách đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Nắng nóng ở TPHCM còn kéo dài hơn 10 ngày nữa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia và các chuyên gia khí tượng, tình trạng nắng nóng ở TPHCM và Nam bộ sẽ còn kéo dài ít nhất hơn 10 ngày nữa. Trong đó, nhiều ngày, nền nhiệt tại TPHCM sẽ lên tới 36-37 độ C vào buổi trưa và chiều. Tin trên báo SGGP.

Nhiệt độ tại Thủ Đức (TPHCM) vượt 40 độ C vào ngày 17-2 vừa qua. Đây là nhiệt độ đo mặt tiếp xúc, tương đương 36 độ C đo trong lều khí tượng. Ảnh: CTV: QUỐC ANH
Nhiệt độ tại Thủ Đức (TPHCM) vượt 40 độ C vào ngày 17-2 vừa qua. Đây là nhiệt độ đo mặt tiếp xúc, tương đương 36 độ C đo trong lều khí tượng. Ảnh: CTV: QUỐC ANH

Do trời ít mưa, tổng thời gian nắng kéo dài trong ngày nên nóng, hanh khô dễ gây nguy cơ cháy, người dân cần phải đề phòng, giám sát các thiết bị điện và nguồn lửa.

Ở phía Bắc, trong ngày 19/2, hàng loạt nơi thuộc khu vực Tây Bắc bộ như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình… đã hửng nắng, nhiệt độ tăng và tại Bắc Trung bộ đã có nắng nóng cục bộ (nhất là phía Tây của tỉnh Nghệ An). Cơ quan khí tượng dự báo từ ngày 20-2, nền nhiệt ở các khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ tăng thêm, nắng nóng có thể mở rộng phạm vi, nhiều nơi có nắng nóng.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục