Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm quản lý lớp học online hiệu quả

14:55 07/11/2021

Sáng 7/11, hơn 200 cán bộ, giáo viên tiếng Anh đến từ các trường tiểu học, THCS và THPT công lập tại từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã cùng nhau tham gia hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Làm thế nào quản lý lớp học online hiệu quả”.

Đây là một trong những buổi nói chuyện mở đầu chuỗi hội thảo trực tuyến với chủ đề “Tối ưu hóa trải nghiệm dạy học trực tuyến” do Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) tổ chức nhằm chia sẻ các công cụ, kinh nghiệm và kỹ năng giúp giáo viên tiếng Anh khối công lập nâng cao hiệu quả dạy học online.

Tại hội thảo, cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học Ứng dụng, Đại học Curtin (Australia) với hơn 15 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và đào tạo tiếng Anh, thiết kế dự án giảng dạy điện tử tại TPHCM chia sẻ, dạy học online có một số ưu điểm hơn so với dạy học trực tiếp là tiết kiệm thời gian đi lại, tăng cường sử dụng các ứng dụng dạy học sinh động qua trò chơi, video, người học được rèn khả năng tự học…

Tuy nhiên, dạy học online cũng có nhiều hạn chế như giáo viên có thể gặp trục trặc mạng, đường truyền, thiết bị, ảnh hưởng từ sự thiếu tập trung của người học… Trong đó, trục trặc về đường truyền mạng mang tính chất ngoại vi, người dạy có thể tìm cách cải thiện nhưng khó thay đổi hoàn toàn được.

Do đó, giáo viên cần tập trung vào các nhóm giải pháp cải thiện sự tập trung, chú ý của người học.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) dạy học trực tuyến trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) dạy học trực tuyến trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh

Theo các chuyên gia giáo dục, việc quản lý một lớp học trực tiếp đòi hỏi 5 yếu tố gồm: Cách sắp xếp, tổ chức không gian lớp học; Một số quy định, nguyên tắc của lớp học để hiện thực hóa các mục tiêu học tập theo mong muốn của giáo viên; Xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh; Tổ chức các hoạt động học tập thu hút người học và Triển khai các quy tắc kỷ luật.

Với lớp học online, yếu tố đầu tiên về cách thức sắp xếp, tổ chức lớp học trong thực tế (như bố trí chỗ ngồi cho học sinh, tổ chức không gian lớp học) cần được thay thế thành các thao tác kiểm tra các điều kiện cần thiết để tổ chức dạy học online (thiết bị, đường truyền, âm thanh, ánh sáng…), chuẩn bị các công cụ và phương tiện dạy học phù hợp, duy trì hình ảnh giáo viên (trang phục lịch sự để tạo không khí học tập nghiêm túc) và sắp xếp các hướng dẫn học tập cho học sinh trước giờ dạy online.

Với yêu cầu thứ hai về các quy định, nguyên tắc trong lớp học online, giáo viên cần lưu ý phải có sự trao đổi và đồng thuận của người học trước khi thiết lập các quy định, nguyên tắc thực hiện trong suốt quá trình diễn ra lớp học.

Trong đó, cần tập trung khuyến khích các hành vi tốt, duy trì việc thực hiện bằng các hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu.

Ngoài ra, để xây dựng mối quan hệ tốt giữa giáo viên và học sinh trong dạy học online, giáo viên cần chủ động thể hiện suy nghĩ, quan điểm của bản thân, thường xuyên đưa ra những nhận xét, phản hồi mang tính tích cực cho người học.

Đặc biệt, với những học sinh mang tính cá biệt, dạy học online tuy hạn chế về thời gian và không gian tiếp xúc hơn so với dạy học trực tiếp nhưng giáo viên có thể sử dụng phương pháp “mưa dầm thấm đất”, mỗi ngày dành ra 2 phút trò chuyện, quan tâm học sinh, qua đó tạo được sự gần gũi, tin tưởng chia sẻ của học sinh.

Bên cạnh đó, để tạo được không khí học tập sôi nổi, thu hút người học, giáo viên cần tổ chức nhiều hoạt động tương tác, nhất là các hoạt động thể hiện được tính cạnh tranh như trò chơi xếp hạng, làm việc theo nhóm để kích thích sự tập trung chú ý của người học.

Riêng yêu cầu cuối cùng về triển khai các quy tắc kỷ luật, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh lưu ý, giáo viên cần xây dựng hình ảnh của mình thành một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho các quy định về kỷ luật.

Đơn cử, nếu nội quy lớp học yêu cầu học sinh không được sử dụng điện thoại di động trong suốt thời gian diễn ra lớp học thì giáo viên phải là người đầu tiên thực hiện quy định đó, tuyệt đối không sử dụng điện thoại trong suốt thời gian lên lớp, đồng thời tổ chức thực hiện nhất quán các quy định về kỷ luật cũng như xử lý các vấn đề kỷ luật một cách tích cực.

Liên quan đến thắc mắc của nhiều giáo viên về việc không kiểm soát được học trò bật, tắt camera khi tham gia học trực tuyến, chuyên gia này nhìn nhận, bật, tắt camera là vấn đề riêng tư của học sinh.

Vì vậy, giáo viên cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao học sinh không muốn bật camera (có thể rơi vào một số nguyên nhân như không có không gian học tập riêng, hình ảnh bản thân không tốt do dịch bệnh, xung quanh có tác động của người ngoài, bản thân không muốn chia sẻ quá nhiều hình ảnh cá nhân…) trước khi có lời nhận xét, nhắc nhở hoặc phản ảnh đến phụ huynh.

Hiện nay, một số phần mềm dạy học đã tích hợp chức năng chỉ cho phép người học và giáo viên nhìn thấy camera, những thành viên còn lại trong lớp không nhìn thấy camera của nhau để bảo vệ quyền riêng tư của người học.

Vì vậy, các thầy, cô nên cố gắng giải thích, thuyết phục học sinh, phân tích những điểm tích cực khi bật camera chứ không nên phán xét, nói với các em nếu không bật camera sẽ chịu những hậu quả gì.

Qua buổi hội thảo, các giáo viên đều nhất trí với quan điểm dù tận dụng thế mạnh của công nghệ hay không có công nghệ thì bản thân người dạy phải làm chủ quá trình giảng dạy của mình, không nên quá lạm dụng công nghệ, đồng thời thường xuyên có sự kết nối, khuyến khích khả năng tự học, tự giác và sáng tạo của học sinh.

THU TÂM/SGGP

Tin cùng chuyên mục