8 giáo viên mầm non được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay tuy khác nhau về tuổi đời và tính cách, nhưng với lòng yêu nghề, sự tận tâm và trách nhiệm, các cô đã vun trồng nên nhiều thế hệ học sinh khôn lớn, trưởng thành. Hình ảnh “mẹ hiền” khắc sâu vào ký ức học sinh qua lời ca tiếng hát, những câu chuyện kể, hay nét chữ đầu đời.
Niềm vui khi đến lớp
Một ngày giữa tháng 11, có mặt tại Trường Mầm non Tân Kiểng (quận 7), giờ học kể chuyện của học sinh lớp Lá 2 gây ấn tượng mạnh với chúng tôi bởi không có sách giấy hay tranh ảnh, thay vào đó, mỗi lượt kể chuyện cô và trò lại chuyền tay nhau cục xúc xắc làm bằng vải. Xúc xắc được tung lên, rơi xuống đất, mặt trên cùng hiện lên hình ảnh gì, học sinh sẽ kể một câu chuyện sử dụng thông tin trên bức ảnh đó. Cô Nguyễn Duy Anh Tâm, người sáng tạo “kể chuyện bằng xúc xắc” cho biết, để làm mới không khí lớp học, cô đã nghĩ ra một loại sách kết nối thông tin giữa các mặt với nhau, học sinh lớp lá (5-6 tuổi) buộc phải vận dụng trí tưởng tượng kể ra một câu chuyện sử dụng hình ảnh được gợi ý. Cứ như thế, lớp học luôn rộn rã tiếng cười, tiếng “ồ”, “à” ngạc nhiên xen lẫn thích thú, những tràng vỗ tay hưởng ứng của học trò.
Cô Anh Tâm cho biết: “Tôi tâm niệm làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn, học sinh cảm thấy vui mới tiếp thu kiến thức hiệu quả. Mọi ý tưởng đều có khả năng hiện thực hóa, quan trọng là giáo viên dám nghĩ, dám làm và xuất phát từ tình yêu trẻ”. Với tinh thần trách nhiệm, cô luôn muốn mang đến tiếng cười, niềm vui cho học trò nên đã kiên trì nỗ lực không ngừng nghỉ. Học sinh ngại học toán, cô Anh Tâm sẽ hóa phép cho những con số, phép tính cộng, trừ trở nên gần gũi qua chuyện kể về những bông hoa. Học trò sợ trò chơi vận động, cô sẽ là người dẫn đường cầm tay giúp con bước qua nỗi sợ. Mỗi năm học đi qua, cô giáo trẻ lại góp nhặt ý tưởng làm giàu hơn kho tài nguyên dạy học của mình. Đối với cô, ngoài bám sát chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, giáo viên phải thường xuyên học hỏi từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, học qua đồng nghiệp, phụ huynh học sinh để tìm ra phương pháp dạy học phù hợp nhu cầu và sở thích của trẻ.
Nhận xét về đồng nghiệp trẻ, cô Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Kiểng, bày tỏ ngắn gọn: “Anh Tâm sinh ra để làm giáo viên”. Trong từng hoạt động trên lớp, cô Anh Tâm luôn lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh thông qua nhiều hoạt động nhỏ như cách chào hỏi, giơ tay phát biểu, làm việc nhóm. Ở cô giáo trẻ, sự tự tin là điểm cộng lớn nhất giúp cô thường xuyên đổi mới trong triển khai phương pháp giảng dạy. Với học trò, cô vừa là người mẹ, người chị gần gũi, đồng thời là người bạn lớn của học sinh trong tất cả hoạt động như hát, múa, đọc thơ, kể chuyện… Mỗi ngày đến lớp, cô giáo trẻ lan tỏa năng lượng tích cực, giúp học sinh thích thú đến trường.
Cô Trần Thị Ngọc Trâm, giáo viên Trường Mầm non 9 (quận 4) hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động ngoài lớp học
Người thầy nghiêm khắc
Trong ký ức của nhiều học sinh, cô Trần Thị Ngọc Trâm, giáo viên Trường Mầm non 9 (quận 4) là một giáo viên nghiêm khắc. Học sinh chơi xong quên dọn dẹp, cô không tổ chức trò chơi mới. Con chưa thuần thục kỹ năng cầm viết, cô sẽ tỉ mẩn ngồi luyện tập cùng con. Trong lớp, cô Trâm luôn tay cột tóc, chỉnh sửa quần áo cho bạn này, lúc lại tỉ tê trò chuyện, cùng chơi với bạn khác.
Cô cho biết, so với trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn, dạy học cho học sinh khối Lá đòi hỏi giáo viên phải dứt khoát, rõ ràng trong từng câu lệnh, bất cứ vấn đề gì đưa ra đều phải giải thích kỹ càng cho các con hiểu, bởi chỉ khi đồng tình trẻ mới chịu hợp tác với cô giáo. Khi học sinh phạm lỗi hay thiếu hợp tác, cô phải bình tĩnh quan sát, tìm hiểu nguyên nhân hành động của con, từ đó phân tích hậu quả, tuyệt đối không được la rầy, giúp con nhận ra lỗi của mình và ý thức phải khắc phục. Quãng đường 21 năm đi dạy, cửa lớp luôn là nơi cô Trâm gác lại mọi vui buồn cá nhân, khoác lên người tấm áo của tình thương và trách nhiệm. “Phụ huynh có người tin yêu, có người chưa hiểu. Để học sinh yêu quý và tin tưởng cũng cần thời gian chứ không thể trong một sớm một chiều. Vì vậy, tôi không nản lòng hay bỏ cuộc, cho đi chắc chắn sẽ nhận lại đền đáp xứng đáng”, cô Trâm chia sẻ.
Năm học 2022-2023 là năm đặc biệt với niềm vui nhân đôi khi cô vừa được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022, đồng thời đón nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục do Bộ GD-ĐT trao tặng. Khi được hỏi đâu là niềm vui nhất khi làm nghề, cô Trâm không chút do dự mà khẳng định, sự thành công của học trò chính là món quà tinh thần vô giá. Sức khỏe giảm sút theo tuổi tác, nhưng lửa nghề trong cô chưa bao giờ tắt. Mỗi ngày, vượt qua quãng đường hơn 30km đi và về nhưng cô vẫn bám trụ trường lớp, chưa một ngày học sinh vào lớp mà không thấy cô.
Tranh thủ lúc các con nghỉ trưa, cô Trâm lại hì hục ngồi làm đồ dùng dạy học, nghĩ ra nhiều trò chơi mới rèn kỹ năng cho học sinh. Đến nay, có học trò đã ra trường 15 năm nhưng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nào cũng quay về trường tìm “mẹ Trâm”, giúp mọi mệt mỏi trong cô đều tan biến. Cô Ngọc Trâm cho rằng, công việc nào cũng có áp lực chứ không riêng nghề giáo viên mầm non. Tuy nhiên, học sinh luôn cần thầy, cô dìu dắt trên bước đường khôn lớn, trưởng thành. Với tâm niệm đó, bao nhiêu chuyến đò học sinh sang sông là bấy nhiêu niềm tự hào được cô cẩn thận lưu giữ.
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Với lợi thế sức trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Trang Thanh, Trường Mầm non Họa Mi 2 (quận 12) dành nhiều thời gian và tâm huyết ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng, mang làn gió mới đến hoạt động dạy và học. Năm 2012, TPHCM có chủ trương đưa bảng tương tác vào dạy học ở các trường mầm non và phổ thông. Là một trong những giáo viên đầu tiên của quận 12 được cử đi học tập kỹ năng dạy học với bảng tương tác, cô đã mạnh dạn sử dụng các phần mềm công nghệ đổi mới hoạt động dạy trẻ làm quen với chữ cái. Trên nền bảng tương tác, học sinh dễ dàng phân biệt chữ cái qua màu sắc và hình dạng, chọn màu để tô chữ hoặc gạch chân chữ muốn lựa chọn, qua đó tăng thêm khả năng ghi nhớ kiến thức cho học sinh.
Tương tự, đối với môn toán, các dạng bài tập được cô thiết kế theo hình thức lựa chọn đáp án. Sau khi học sinh chọn đáp án, phần mềm sẽ báo ngay kết quả cùng âm thanh “chúc mừng” hay “rất tiếc” vui nhộn. Theo cô Trang Thanh, một trong những áp lực đối với giáo viên mầm non hiện nay là chuẩn bị học cụ. Nếu biết cách phát huy thế mạnh của công nghệ, giáo viên sẽ giảm bớt thời gian làm học cụ, học sinh tham gia các hoạt động trực quan, sinh động cũng hứng thú hơn. Để làm được điều đó đòi hỏi giáo viên phải đầu tư, không ngừng cố gắng, kiên trì học hỏi từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Ở chiều ngược lại, đối với cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường Mầm non Hoa Anh Đào (quận Tân Phú), Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là món quà chia tay nhiều ý nghĩa. Với tuổi nghề lâu năm nhất trong số 8 giáo viên mầm non được trao thưởng năm nay, cô Nhung đúc kết: “Nghề giáo viên mầm non tưởng dễ mà khó, trong đó sự kiên trì, tình thương và trách nhiệm là 3 chân kiềng vững chắc. Tuy nhiên, các thầy, cô không nên tự tạo áp lực cho bản thân mà hãy duy trì trạng thái tinh thần vui vẻ, thoải mái. Hạnh phúc đôi khi chỉ là một vòng tay ôm chặt từ phía sau, một nụ cười, tiếng gọi “cô ơi” trìu mến của học trò”.
Danh sách giáo viên mầm non nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các cô:
- Đào Nguyễn Thùy Dung, giáo viên Trường Mầm non Vành Khuyên (quận 8)
- Trần Thị Ngon, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Hoa (huyện Nhà Bè)
- Phạm Ngọc Cẩm Loan, giáo viên Trường Mầm non Rạng Đông (quận 6)
- Nguyễn Thị Hà Tiên, giáo viên Trường Mầm non 10 (quận 11)
|