Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế tại TPHCM sau ngày 1/10/2021

15:19 07/10/2021

(HMC) - Toàn bộ các hoạt động kinh tế tại TPHCM cơ bản trở lại ở mức bình thường mới khi toàn bộ người dân trong độ tuổi cơ bản được tiêm mũi 2, số ca bệnh được kiểm soát tốt và TP kiểm soát được dịch COVID-19 theo tiêu chí của ngành y tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: ZingNews
Ảnh minh họa. Nguồn: ZingNews

Theo kế hoạch 3066/KH-UBND về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM từ sau ngày 15/9 của UBND TP, trong điều kiện cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, dự kiến từ 1/10/2021, TP sẽ từng bước mở cửa lại các hoạt động (đảm bảo chấp hành toàn bộ quy định về Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), gồm: hoạt động thương mại; hoạt động sản xuất; hoạt động dịch vụ; hoạt động xây dựng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; hoạt động nông nghiệp.

Sau khi đáp ứng 3 điều kiện (TP đã cơ bản tiêm mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi, số ca bệnh được kiểm soát tốt, TPHCM đã kiểm soát được dịch COVID-19 theo tiêu chí của ngành y tế), toàn bộ các hoạt động kinh tế của TP cơ bản trở lại ở mức bình thường mới. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người lao động được phép tham gia các hoạt động tuân thủ quy định an toàn phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian tới, TP tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng.

Triển khai chính sách hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; thủ tục thực hiện đơn giản, giải quyết nhanh và kịp thời.

Tập trung mọi nguồn lực để thông quan nhanh cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh việc tạo thuận lợi thương mại với các doanh nghiệp ưu tiên về thủ tục hải quan và các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên đối với “Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại Cảng Cát Lái”.

Hỗ trợ doanh nghiệp toàn bộ chi phí thuê gian hàng, chi phí tham gia các sự kiện triển lãm, xúc tiến thương mại để tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay.

Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin - điện tử - bưu chính - viễn thông đẩy mạnh chuyến đổi số, phát triển mở rộng mạng lưới, hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin - truyền thông, bưu chính chuyển phát để phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong điều kiện bình thường mới.

Thành lập Tổ điều phối giữa các địa phương trong Vùng để giải quyết khó khăn, vướng mắc về lao động, lưu thông, xuất nhập khẩu,... Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, phối hợp các địa phương đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất được lưu thông thông suốt; không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ người dân và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục triển khai gói hỗ trợ đợt 3

Trong thời gian này, đối với chính sách an sinh xã hội, TP tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt 3 sao cho đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp, với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người từ nguồn kinh phí ngân sách TP.

Tiếp tục hỗ trợ gạo theo nguồn phân bổ của Chính phủ, huy động các nguồn lực để chuẩn bị các túi an sinh xã hội cho các trường hợp khó khăn. Vận động doanh nghiệp nơi công nhân đang làm việc hỗ trợ một phần kinh phí thuê nhà trọ, vận động doanh nghiệp giảm tiền điện, nước, vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà trọ, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức thiện nguyện cùng góp sức hỗ trợ cho các đối tượng ổn định cuộc sống.

Đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân

Trong giai đoạn mở cửa an toàn, TP chú trọng duy trì và phát huy hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa; tiếp tục phát huy mạng lưới cung ứng hàng hóa sẵn có của TP; duy trì các kênh bổ trợ cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho người dân.

Tiếp tục phát huy các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 03 chợ đầu mối và các chành, vựa từ các tỉnh, thành lân cận trong việc thu mua nông sản, thực phẩm. Tổ chức mở các chợ truyền thống trong an toàn; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong quản lý và phục vụ hoạt động của chợ truyền thống và chợ đầu mối.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy đội ngũ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) trong chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Sử dụng tối đa công nghệ trong quản lý, giám sát các hoạt động xã hội

Thời gian tới, TP sẽ sử dụng tối đa công nghệ để quản lý, giám sát chặt chẽ và hiệu quả các hoạt động của xã hội khi nới lỏng giãn cách; làm tiền đề để thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình chuyển đổi số của TP.

Phát triển và khai thác hiệu quả Kho dữ liệu dùng chung của TP với dữ liệu lớn (big data), liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và TPHCM (HCM LGSP): mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế), tiêm chủng (Bộ Y tế), khai báo di chuyển nội địa (Bộ Công an), mã QR cho phương tiện vận tải (Bộ Giao thông vận tải).

Đồng thời, triển khai nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; mở rộng thành một nền tảng cung cấp các dịch vụ, thông tin dùng chung cho công dân TP trong điều kiện bình thường mới.

Tiếp tục dạy và học trực tuyến trong học kì 1

Về công tác giáo dục và đào tạo, TP tiếp tục triển khai thực hiện chương trình dạy và học trực tuyến trong học kỳ 1 năm học 2021-2022, bố trí lịch, khung giờ dạy và học phù hợp, nhất là đối với các khối lớp tiểu học. Chuẩn bị chu đáo nội dung bài giảng, cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo truyền tải đầy đủ kiến thức theo chương trình các cấp học. Xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh có đủ phương tiện, đường truyền tham gia học trực tuyến.

Song song với đó, chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, sẵn sàng mở lại khi đảm bảo các điều kiện an toàn về dịch bệnh, ưu tiên các khối lớp nhỏ (mầm non, tiểu học), các lớp đầu cấp và cuối cấp. Tiến hành rà soát, đánh giá, có kế hoạch sửa chữa, trang bị mới cơ sở vật chất trường học trên địa bàn, kể cả ngoài công lập. Củng cố lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường, có phương án bố sung, hợp đồng tạm nhằm đảm bảo đủ để hoạt động trở lại, ưu tiên tiêm đủ liều vắc xin cho đội ngũ giáo viên.

TP sẽ mở cửa trước các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, đặc biệt ưu tiên khối ngoài công lập do không vướng tham gia phòng, chống dịch. Các cơ sở giáo dục ngoại ngữ - tin học, tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài nhà trường,... mở cửa sau, khi các địa bàn lân cận cũng đã an toàn.

Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục