Khai trương Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành và Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia

15:16 19/08/2020

(HMC) – Sáng 19/8, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia (TTBCQG), Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Khai trương Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành và Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia
Nghi thức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Lễ khai trương có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương cùng Đại sứ các nước Liên bang Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia; các tổ chức quốc tế...

Buổi lễ được tổ chức tại Trung tâm Thông tin - Chỉ đạo điều hành của Chính phủ đặt tại VPCP và trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và một số điềm cầu trải nghiệm thực tế tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Trung tâm Điều hành ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Tại đầu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu và đại diện lãnh đạo các Sở - ban- ngành, đơn vị, quận - huyện của Thành phố.  

Chỉ đạo, điều hành trên dữ liệu số

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh với quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, hành động trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Công cuộc này đã bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, VPCP đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng của Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, như các hệ thống: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống Thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet), Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Điểm cầu trực tiếp tại UBND TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Hoàng Hùng
Điểm cầu trực tiếp tại UBND TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Hoàng Hùng

Sau gần một năm triển khai xây dựng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa VPCP và các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia trong nước, quốc tế và nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là Tập đoàn VNPT, đến thời điểm này, Hệ thống TTBCQG và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất, sẵn sàng đưa vào khai thác, sử dụng.

Theo đó, đến nay, Hệ thống thông tin báo cáo của 30 Bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống TTBCQG; đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được các Bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên Hệ thống. Bước đầu xây dựng 7 chuyên mục thông tin; 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực với nhiều thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết thêm, Hệ thống TTBCQG được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của Bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu số được hiển thị trực quan, trực tuyến và tương tác tới thực địa; cho phép theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao cũng như các chỉ tiêu Chính phủ giao cho Bộ, ngành, địa phương; đồng thời, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp được khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin báo cáo trên Hệ thống TTBCQG theo phân cấp quản lý.

Bên cạnh đó, việc thiết lập Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành với trang thiết bị, công nghệ tiến tiến, được kết nối, tích hợp, liên thông và chia sẻ với Hệ thống TTBCQG; Trung tâm điều hành, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương được bảo đảm an toàn.

Hệ thống dữ liệu, thông tin được thu thập đã qua tổng hợp, xử lý từ Hệ thống thông tin báo cáo và Trung tâm điều hành của các Bộ, ngành, địa phương sẽ được lựa chọn tích hợp, kết nối và hiển thị trực quan tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu được cung cấp thường xuyên, liên tục, minh bạch, chính xác, bảo mật, làm căn cứ tin cậy để VPCP và các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Thông qua những số liệu tích hợp cho phép truy xuất được nguồn gốc, kiểm tra chéo và tạo một kênh đo lường, giúp lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương kiểm soát hiệu quả hoạt động của cơ quan mình; giúp lãnh đạo Chính phủ đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Hệ thống và Trung tâm nêu trên được khai trương sẽ góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ phương thức thủ công, giấy tờ chuyển sang dựa trên thông tin, dữ liệu số; bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác tạo thành nguồn thông tin, dữ liệu thống nhất, an toàn, bảo mật và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.

Việc Hệ thống thông tin báo cáo của các Bộ, ngành triển khai các phân hệ phần mềm báo cáo dùng chung; các địa phương chỉ triển khai xây dựng hệ thống đối với các báo cáo phục vụ mục tiêu quản lý đặc thù sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải.

Phổ biến đến toàn dân

Bên cạnh thực hiện chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng là một kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử.

Thông tin tại buổi lễ, VPCP cho hay, tính đến ngày 18/8/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 227.000 tài khoản đăng ký; hơn 58 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ; hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 246.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, tính trung bình hiện nay mỗi ngày làm việc Cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 23.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng mới đưa vào vận hành từ tháng 3/2020 nhưng cũng đã xử lý gần 7.000 giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó số lượng giao dịch từ tháng 7/2020 trở lại đây là hơn 4.000 giao dịch.

Hơn 8 tháng vận hành đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63 tỉnh, thành phố và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử. Ảnh Hoàng Hùng. 
Hơn 8 tháng vận hành đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63 tỉnh, thành phố và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử. Ảnh Hoàng Hùng. 

Đặc biệt, sau hơn 8 tháng vận hành, từ chỗ mới cung cấp 8 dịch vụ công vào thời điểm khai trương (9/12/2019), hôm nay là thời điểm đánh dấu mốc 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cùng với dịch vụ công thứ 1.000 là cấp đăng ký, biển số xe ô tô trực tuyến với số lượng tuân thủ khoảng hơn 4 triệu ô tô, xe máy một năm thì các dịch vụ công về liên thông, dịch vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ phục vụ hơn 780.000 đơn vị sử dụng lao động để đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 14,4 triệu lao động và 12,7 triệu bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hàng tháng.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP bày tỏ tin tưởng, tiếp nối các sự kiện tiêu biểu trong xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua, khi Hệ thống TTBCQG, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương, cùng với sự kiện dịch vụ công thứ 1.000 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ là điểm nhấn quan trọng, đánh dấu nỗ lực trong chặng đường xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Để Hệ thống TTBCQG, Trung tâm thông tin để phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả, đạt được những mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, VPCP rất cần sự đồng hành, tiếp tục chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước trong thời gian tiếp theo.

Tham dự lễ khai trương, các đại biểu đã trải nghiệm Hệ thống TTBCQG, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm giới thiệu về giao diện, các hợp phần, tính năng và chức năng, ý nghĩa của hệ thống; hiển thị thông tin và kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương với các chỉ số quan trọng…

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã làm việc và chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tại các điểm cầu: Bình Phước, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế và Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.

Theo đó, kết nối với Trung tâm Giám sát, điều hành tỉnh Bình Phước, từ Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành tại Văn phòng Chính phủ (VPCP), Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Phước báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu kép, gồm tình hình thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công.

Tiếp tục kết nối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng cho rằng, đây là một trong những địa phương dẫn đầu về triển khai Chính phủ điện tử; yêu cầu tỉnh báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020, trong đó có tình hình thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Kết nối với Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng đã trực tiếp nghe Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn - Chỉ huy trưởng Trung tâm và kíp trực báo cáo tình hình.

Trong 24h qua, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin về 10 sự cố thiên tai, tai nạn thủy nội địa, làm chết 5 người và tham mưu cho lãnh đạo điều động trên 500 lượt người, trong đó có 300 chiến sĩ tham gia ứng phó.

Thay mặt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiệt liệt biểu dương Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn đã có nhiều đóng góp trong công tác giảm thiểu sự cố, điều phối tìm kiếm, cứu nạn đạt hiệu quả tích cực, Thủ tướng nhấn mạnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, “đòi hỏi các đồng chí phải luôn sẵn sàng, ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ”. Thủ tướng yêu cầu được kết nối trực tiếp một điểm ứng trực để xem khả năng sẵn sàng ứng phó, triển khai cứu hộ, cứu nạn.

Cũng trong ngày 19/8, VPCP công bố tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến được người dân, DN quan tâm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đó là dịch vụ công thứ 998: Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp; dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động và dịch vụ công  thứ 1000: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến. 

Chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, các ngành, các địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích. Thủ tướng nêu rõ, thông tin dữ liệu cần chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất và cần đẩy mạnh số hóa liên thông, chia sẻ thông tin phải hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh rằng, sự kiện này có ý nghĩa lớn khi được tổ chức đúng vào dịp VPCP tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống, Đại hội thi đua yêu nước; cả nước thi đua lập thành tích chào mừng 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Thủ tướng nêu rõ, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. “Do đó, chúng ta cần tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số"".

Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 8 tháng vận hành đã kết nối với 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 63 tỉnh, thành phố và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử; chuẩn bị tích hợp, cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến; có gần 56,4 triệu lượt truy cập, hơn 220.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 260.000 hồ sơ được thực hiện. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỷ đồng/năm, trong đó, Cổng DVCQG đóng góp trên 6.700 tỷ đồng/năm.

Tin cùng chuyên mục