Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 04/11

20:04 04/11/2021

(HMC) – Chiều ngày 4/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nguyễn Hồng Tâm; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; đại diện Sở Y tế; đại diện Bộ Tư lệnh TP; đại diện Công an TP; cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho hay, tính đến 18 giờ ngày 03/11/2021, có 435.308 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 434.777 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 531 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 11.446 bệnh nhân (BN), trong đó: có 631 trẻ em dưới 16 tuổi, 246 BN nặng đang thở máy, 12 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 03/11: có 944 BN nhập viện, 770 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 254.544), 28 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 16.805 người).

Về tiêm chủng, đến ngày 03/11/2021, đã có 7.776.356 mũi 1 và 5.778.890 mũi 2 được tiêm cho người dân TPHCM.

Trong quý III/2021, cần hơn 33.000 vị trí việc làm trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ

Thông tin về gói hỗ trợ đợt 3, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết, tính đến 16 giờ chiều hôm nay (4/11), gói hỗ trợ đợt 3 đã chi trả được 6.041.984 trường hợp (trong tổng số khoảng 7,5 triệu người có trong danh sách được hỗ trợ).

Hiện nay 03 đoàn kiểm tra công tác chi trả vẫn đang tiếp tục làm việc ở các địa phương. Đến ngày 15/11, sẽ tổng hợp thông tin để UBND TP báo cáo HĐND TP.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết gói hỗ trợ đợt 3 đã chi trả được 6.041.984 trường hợp.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết gói hỗ trợ đợt 3 đã chi trả được 6.041.984 trường hợp.

Về tình trạng nhân lực trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, theo khảo sát về nhu cầu dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, trong quý III/2021, nhu cầu về nhân lực ở lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp là 41 vị trí làm việc, chiếm 0,1% so với tổng nhu cầu; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cần 8.191 vị trí, chiếm 19,8%; lĩnh vực thương mại, dịch vụ cần 33.136 vị trí, chiếm 80,1%.

Trước nhu cầu về nhân lực này, TP đã tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại sàn giao dịch, có 180 đơn vị tuyển dụng với khoảng 31.000 vị trí gồm có các ngành nghề như kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, tư vấn tài chính, bảo hiểm sản xuất, bảo trì vận hành, kỹ sư thủy sản và lao động phổ thông… Chương trình đã thu hút hơn 300 người tham gia phỏng vấn trực tuyến. Riêng TPHCM có 12 doanh nghiệp tham gia với hơn 5.000 vị trí lao động.

Với nhu cần nhân lực như hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm đã chuẩn bị sẵn danh sách người lao động tìm việc và danh sách này đã được gửi cho các doanh nghiệp để triển khai phỏng vấn. “Thị trường lao động từ giờ đến cuối năm tại TPHCM sẽ diễn ra ổn định và góp phần phục hồi sản xuất, kinh tế của địa phương", ông Lâm nhận định.

61,21% DN tạm ngừng hoạt động trong đợt dịch vừa qua đã đăng ký hoạt động trở lại

Trao đổi tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, TPHCM có tổng số 35.923 doanh nghiệp (DN) công nghiệp với khoảng 1.043.517 lao động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong 9 tháng đầu năm 2021 TP có 12.860 tạm ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, đến ngày 01/11 vừa qua, có 7.872 DN với tổng số 401.838 lao động đăng ký hoạt động trở lại, chiếm tỷ lệ 61,21% so với số DN tạm ngừng hoạt động trong đợt dịch vừa qua.

Về tình hình phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng cần có thống kê dữ liệu đầy đủ mới có thể đánh giá đúng, chính xác. Nhưng nhìn chung, hiện nay lượng hàng hóa cung ứng về các điểm phân phối đạt xấp xỉ 6.500 tấn/ngày, thấp hơn bình thường khoảng 1.000 – 1.500 tấn, nhưng vẫn đang tăng lên liên tục từng ngày. Đã có 150/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, chỉ số tổng mức bán lẻ 03 tháng gần đây cho thấy, trong tình hình khó khăn, tổng mức bán lẻ giảm hơn nhưng tốc độ giảm chậm lại qua từng tháng, chứng tỏ mức độ phục hồi ngày càng tăng. Cụ thể, tháng 8 (-71,72%), tháng 9 (-67,40%) và tháng 10 (-40,50%). Đối với tỷ số sản xuất công nghiệp (IIP), tháng 8 (-49,20%), tháng 9 (-56%) và tháng 10 (-43%).

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương thông tin, đã có 150/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương thông tin, đã có 150/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại.

Liên quan đến xử lý chợ kinh doanh tự phát, ông Nguyễn Nguyên Phương cũng cho hay, ngày 4/10/2021, UBND TP ban hành văn bản số 3265 về thực hiện kiểm tra, xử lý các chợ tự phát xung quanh 03 chợ đầu mối. Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch và phối hợp cùng với Công an TP, Sở GTVT, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP và các địa phương nơi 03 chợ đầu mối trú đóng để xem xét việc tổ chức hoạt động trở lại 03 chợ đầu mối trong trạng thái “bình thường mới”.

Đối với các điểm bán, khu vực bán hàng tự phát, do UBND các quận – huyện và TP Thủ Đức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương, khi TP dần trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân và nhu cầu buôn bán trở lại của tiểu thương ngày càng tăng lên. Vì vậy, UBND TP đã giao cho Sở Công Thương nhắc nhờ, đề xuất các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình để nhanh chóng mở lại các chợ truyền thống trên địa bàn, góp phần khôi phục các kênh phân phối hàng hóa và giảm các chợ, điểm bán hàng tự phát.

Vụ phạm pháp hình sự trong tháng 10/2021 tăng 60-80% so với những tháng trước đó

Trả lời về tình hình xử lý các hành vi vi phạm trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP cho biết, theo thống kê của Công an TP, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ và các lực lượng chức năng tập trung tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính và hình sự liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó, xử lý hành chính 26 vụ liên quan đến hành vi kinh doanh hàng hóa là thuốc do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ; buôn bán thuốc, vật tư, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc; chống người thi hành công vụ; xâm hại sức khỏe người khác; sử dụng tài liệu giả; tàng trữ các chất ma túy; đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội; gây rối trật tự công cộng…

Công an TP cũng trực tiếp tiếp nhận 62 vụ tin báo, tố giác tội phạm và chuẩn bị khởi tố về các hành vi như sử dụng tài liệu giả cơ quan, tổ chức; giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; tàng trữ trái phép các chất ma túy; làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức; sản xuất, buôn bán hàng giả thiết bị y tế; làm lây lan dịch bệnh; chống người thi hành công vụ…

Công an TP ra quyết định khởi tố 33 vụ án về các hành vi: tham ô tài sản, chống người thi hành công vụ; làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; tàng trữ trái phép các chất ma túy…

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP  cho biết, Công an TP đã có các văn bản chỉ đạo, quán triệt đến Công an các quận - huyện, TP Thủ Đức thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, giải pháp đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP  cho biết, Công an TP đã có các văn bản chỉ đạo, quán triệt đến Công an các quận - huyện, TP Thủ Đức thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, giải pháp đấu tranh phòng chống tội phạm.

Về tình hình tội phạm sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin, trong tháng 10/2021, trên địa bàn xảy ra 184 vụ phạm pháp hình sự, giảm 44,24%so với cùng kỳ, tăng 60 - 80% so với những tháng trước đó, tập trung vào tội phạm cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Để đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tới, Giám đốc Công an TP đã có các văn bản chỉ đạo, quán triệt đến Công an các quận - huyện, TP Thủ Đức thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, giải pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, quyết tâm kéo giảm tội phạm, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, tăng cường nắm tình hình, chủ động các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, xây dựng và triển khai các phương án đấu tranh tội phạm, triển khai các kế hoạch của Công an TP, Bộ Công an. Đồng thời, tập trung các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, quản lý con người, đối tượng, phòng chống tội phạm gắn với thực hiện dự án quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và cấp căn cước công dân; gắn nhiệm vụ với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Công an TP.

Tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây lan

Liên quan đến việc một số trường đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng vẫn bị nhiễm và số lượng này nhập viện có dấu hiệu tăng lên, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, kể từ khi TPHCM áp dụng Chỉ thị 18, khảo sát cho thấy các F0 được phát hiện tại các khu cách ly đa số là những người chưa tiêm vắc xin.

Khảo sát các F0 nhập viện tầng 2 ghi nhận có 14% trường hợp chưa tiêm vắc xin (trong đó có 90% trẻ dưới 18 tuổi), 86% đã tiêm mũi 1 và mũi 2 nhưng tất cả đều có triệu chứng nhẹ, không cần phải hồi sức.

Trong khi đó, theo khảo sát cắt ngang của Sở Y tế thực hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, nơi điều trị bệnh nhân nặng (tầng 3). Thời điểm khảo sát là giữa tháng 10/2021, số lượng bệnh nhân được khảo sát là 349 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 45% là bệnh nhẹ và 55% là bệnh nặng (thở oxy, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn và đặt ECMO).

So sánh giữa nhóm bệnh nặng - nhẹ với yếu tố có tiêm ngừa hay không tiêm ngừa, nhóm bệnh nhân chưa tiêm vắc xin có 74% bệnh nặng, 26% bệnh nhẹ. Nhóm được tiêm ngừa 1 hoặc 2 mũi vắc xin có 40% bệnh nhân nặng, 60% bệnh nhẹ.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu Phát biểu tại cuộc họp báo
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu Phát biểu tại cuộc họp báo

Phân tích sâu vào nhóm các bệnh nhân được tiêm vắc xin, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, nhóm đã tiêm 1 mũi vắc xin có 49% bệnh nặng, 51% người bệnh nhẹ. Với người đã tiêm 2 mũi vắc xin, con số này là 88% bệnh nhân nhẹ và chỉ 12% bệnh nhân nặng.

Đi sâu hơn ở nhóm bệnh nhân nặng theo tiền sử tiêm vắc xin, nhóm nghiên cứu cho biết với các bệnh nhân tiêm đủ 2 liều vắc xin, chỉ có 01 trường hợp cần thở máy, 5 trường hợp phải thở oxy. Trong khi đó, ở nhóm tiêm 1 mũi vắc xin, có 10 người thở máy xâm lấn. Đối với nhóm không tiêm vắc xin, 54 người phải thở máy xâm lấn, 3 người được can thiệp đặt ECMO.

Ông Châu nhấn mạnh, đây là con số khảo sát ở một bệnh viện chuyên khoa của TP, không đại diện cho toàn bộ thông tin liên quan đến vắc xin và bệnh nặng. Tuy nhiên, kết quả này xác nhận lại thông tin mà Y văn thế giới đã nhắc tới. Đó là nếu tiêm đủ liều vắc xin phòng, khả năng bảo vệ tăng lên, tỷ lệ bệnh nặng giảm đáng kể. “Nhưng dù có tiêm đủ 2 mũi vắc xin, vẫn phải tuân thủ 5K để tránh nhiễm bệnh và mắc bệnh nặng”, đại diện Sở Y tế TP khuyến cáo.

Phản hồi thông tin hiện nay có một số trường hợp F0 khó liên lạc với y tế địa phương, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết: Sở Y tế đã ban hành quy trình xử lý F0 tại nhà trong giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Theo đó, các trường hợp phát hiện F0 (kể cả người dân tự test nhanh dương tính) liên hệ với Trạm y tế, Trung tâm y tế địa phương để ghi nhận, theo dõi và cấp phát thuốc điều trị.

Sở Y tế sẽ lập tức cho kiểm tra, rà soát để nhắc nhở các Trung tâm y tế địa phương được phản ánh để xử lý F0 tại nhà đúng quy định.

TPHCM hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế cho các địa phương đang có dịch

Liên quan đến câu hỏi về tình hình dịch bệnh ở các tỉnh lân cận cũng như sự hỗ trợ của TPHCM đối với các tỉnh này, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy và UBND TP, ngành Y tế TP đã có sự hỗ trợ cho các tỉnh trong khu vực, đây cũng là nhiệm vụ của TP trong những năm qua.

Hầu hết các bệnh viện lớn của TPHCM đều là những bệnh viện tuyến cuối, được Bộ Y tế phân công thực hiện các công tác hỗ trợ phòng chống dịch. Hiện nay, Sóc Trăng, Bạc Liêu và An Giang là 3 địa phương đang có dịch mà TPHCM đã cử 3 đội luân phiên xuống trực tiếp điều trị, hỗ trợ. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng do đội công tác của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP hỗ trợ, Bệnh viện Trưng Vương hỗ trợ tỉnh An Giang và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu.

Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp ở các tỉnh có bệnh nặng nhiều và không đủ nhân lực y tế cũng như phương tiện, trang thiết bị, các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM cũng thường xuyên hội chẩn, tập huấn trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm điều trị, thu dung tại các bệnh viện, cách ly F0 tại nhà… với Sở Y tế các tỉnh. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ mà ngành Y tế TP hi vọng sẽ giúp giảm đi tỉ lệ bệnh nặng, quá sức điều trị phải chuyển về TPHCM. Nếu các ca bệnh nặng phải chuyển về TPHCM thì khó đảm bảo an toàn nếu phải di chuyển đường dài.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm

Giải đáp các thắc mắc liên quan đến kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em 3-11 tuổi và trẻ dưới 3 tuổi, tiêm nhắc mũi 3 cho người đã tiêm đủ 2 mũi, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm thông tin, ngày 12/10/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8616/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Văn bản này yêu cầu các tỉnh, TP rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi từ 3- 11 tuổi, 12-15 tuổi và 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin cho những nhóm tuổi này. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều vắc xin.

Đề nghị người dân tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch

Theo công bố 2 tuần liên tiếp TPHCM ở cấp độ 2, nhưng tiêu chí ca mắc mới vẫn ở cấp độ 3; số ca nhập viện trong những ngày gần đây và số liệu tử vong cũng có dấu hiệu tăng. Điều đó có nghĩa là, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP còn rất phức tạp, khó lường.

Cùng với đó, thực trạng hiện nay nhiều người dân không thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành y tế, nhất là thông điệp 5K; nhiều người chủ quan vì đã được tiêm vắc xin. Trong khi, khảo sát và thống kê của ngành y tế cho thấy, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn có khả năng mắc COVID-19 và lây lan dịch bệnh cho người khác.

“Vì vậy, đề nghị người dân tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch của ngành y tế; chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” – Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải đề nghị chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải đề nghị chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Vân Anh - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục