Thủ tướng Chính phủ: Dồn mọi nguồn lực dập dịch, quyết tâm giữ vững kinh tế

17:18 03/08/2020

(HMC) – Sáng 03/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 07/2020 thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bước sang giai đoạn 2 với diễn biến rất phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ: Dồn mọi nguồn lực dập dịch, quyết tâm giữ vững kinh tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tham gia cuộc họp tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh có đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Không để dịch bùng phát trên diện rộng

Mở đầu phiên họp buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dịch Covid-19 lần thứ 2 đang diễn biến căng thẳng, yêu cầu toàn dân toàn quân tham gia chống dịch với tinh thần chống dịch như chống giặc.

Trong đó, các trung tâm lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cần báo động để có biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế thế giới (trong đó có các đối tác chiến lược của Việt Nam) đang suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tình hình kinh tế trong nước vào tháng 7 ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực và sáng sủa hơn. Cụ thể, Việt Nam đang ghi nhận tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong một thời gian ngắn. Và đây là mũi tiến công cần phát huy trong những tháng cuối năm 2020.

Ngoài ra, về tình hình chung nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá là điểm sáng tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài. Dẫn chứng rõ nhất là tình hình thu hút trực tiếp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 14% trong tháng 7 vừa qua.

Thủ tướng đề nghị, các cấp, các ngành và các địa phương cần lưu ý đặc biệt với diễn biến mới của dịch Covid-19. “Trong bối cảnh dịch đang trở lại không được chủ quan lơ là, không được để bùng phát quy mô lớn. Các vùng dịch như Đà Nẵng phải dồn lực lượng dập ngay. Đồng thời, tiếp tục các gói cứu trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ đạo.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị ngành giáo dục phải đưa ra các kịch bản an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã lên lịch trình vào thời gian tới. Cụ thể, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ báo cáo Chính phủ phương án an toàn cho cuộc thi trên.

Tập trung các giải pháp cho nền kinh tế

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định hơn. Chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì linh hoạt và giữ thế chủ động. Chỉ số CPI tháng 7/2020 chỉ tăng 0,4% và giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số CPI vẫn tăng 4,07% so với cùng kỳ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng hơn đối với kinh tế thế giới, và sự tác động tới kinh tế trong nước là khó lường trong 6 tháng cuối năm 2020. “Có thể khẳng định đây là cú sốc lớn nhất cho nền kinh tế thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng cũng nhấn mạnh, xu hướng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2020 và năm 2021 khó lường trước các diễn biến của dịch bệnh. Đặc biệt, sự phục hồi kinh tế sẽ sẽ ngốn nhiều thời gian và phải phụ thuộc sâu vào diễn biến dịch bệnh và kết quả kiểm soát dịch của một số quốc gia hiện nay.

Với tình hình trên, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, ưu tiên hàng đầu lúc này là cần tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, vật tư, máy móc, trang thiết bị… để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch COVID-19, không để dịch lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý nhân dân.

Tham gia cuộc họp tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh có đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành. Ảnh: Đình Nguyên
Tham gia cuộc họp tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh có đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành. Ảnh: Đình Nguyên

Các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài, xử lý triệt để bên trong cho đến khi trở lại trạng thái “bình thường mới”. Nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo về dịch COVID; không được chủ quan, nâng cao cảnh giác, trách nhiệm và đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch; nâng cao năng lực xét nghiệm, quyết liệt truy vết và cách ly nhanh; bảo đảm cung cấp đủ các hàng hóa thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng tích trữ hàng hoá lương thực, thực phẩm.

Các cơ quan chức năng phối hợp kiểm soát chặt các đường mòn trên các tuyến biên giới, người nước ngoài nhập cảnh, tiến hành xử lý nghiêm các đường dây đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép, kết hợp với việc kiểm soát di chuyển, cách ly trong trường hợp cần thiết đối với cá nhân di chuyển từ vùng đang có dịch đến những vùng khác.

Một mặt, cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan, ban ngành gấp rút xây dựng kịch bản tăng trưởng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tài khóa, tiền tệ và các công cụ chính sách khác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cho các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.

Bên cạnh đó, căn cứ theo tình hình và mức độ ảnh hưởng của dịch, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, bảo đảm sản xuất và giữ vững an sinh xã hội.

Trong đó, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu các giải pháp về tài khóa như miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng. Tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm… Trường hợp cần thiết, nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách cần thực hiện trong những tháng cuối năm 2020 và cả năm 2021 để hỗ trợ trực tiếp các đối tượng, các vùng mới bị ảnh hưởng của dịch để duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội người dân.

Để phục vụ chỉ đạo, điều hành của địa phương đạt kết quả tăng trưởng tốt nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát, cập nhật số liệu 6 tháng và ước tính GRDP quý III, quý IV; giao Tổng cục Thống kê, các cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đầu mối tổng hợp công bố số liệu GRDP địa phương cập nhật trước 31/8.

Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 theo quy định tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Nhập khẩu giảm 2,9% trong tháng 7

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong tháng 7, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; điều đáng chú ý là tình hình nhập khẩu chỉ đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý số xuất siêu trên chủ yếu là do tác động của tình hình nhập khẩu giảm trong tháng 7.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp phát triển ổn định nhưng do nắng nóng kéo dài, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân ở một số địa phương cũng bị ảnh hưởng (khoảng 30 ngàn ha lúa và rau màu bị khô hạn). Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá với tổng đàn gia cầm tăng 5,5%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).

Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên cả nước cơ bản được triển khai tích cực; nhiều dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ NSNN tháng 7 (tăng 51,8%) và 7 tháng năm 2020 (tăng 27,2%), mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Đình Nguyên

Tin cùng chuyên mục