Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 02/11/2021

09:07 02/11/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 02/11:

TPHCM sẽ là đầu mối lớn tuyến đường sắt phía Nam

Theo báo SGGP, ngày 1/11, tại lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ triển khai ngay việc xây dựng các quy hoạch chuyên ngành chi tiết cho từng tuyến, chuẩn bị phương án đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, ngành đường sắt sẽ có 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km. Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km.

Xe lửa từ TPHCM đi các tỉnh thành
Xe lửa từ TPHCM đi các tỉnh thành

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, với quy hoạch trên, TPHCM sẽ là đầu mối lớn cho đường sắt khu vực phía Nam. Cụ thể, ga Sài Gòn sẽ là điểm cuối tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, ga Thủ Thiêm sẽ là điểm cuối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; ga Trảng Bom sẽ là điểm cuối tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Các tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, TPHCM - Tây Ninh sẽ được kết nối với đường sắt Hà Nội - TPHCM thông qua đoạn tuyến An Bình - Tân Kiên.

Sau khi hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn đường sắt Bình Triệu - Sài Gòn (Hòa Hưng) sẽ được chuyển thành đường sắt đô thị nối ga Thủ Thiêm với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT cũng cho biết, các ga Trảng Bom, An Bình, Tân Kiên sẽ là đầu mối hàng hóa, các ga Thủ Thiêm, Bình Triệu, Tân Kiên sẽ là ga đầu mối hành khách.

TPHCM, Bến Tre thống nhất công nhận kết quả tự xét nghiệm COVID-19 của DN du lịch

Tại hội nghị “Liên kết du lịch giữa TPHCM và tỉnh Bến Tre thích ứng an toàn với dịch COVID-19”, Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã thống nhất với UBND TPHCM công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 do doanh nghiệp (DN) tự tổ chức và còn hiệu lực trong 72 giờ khi đến Bến Tre. Ngày 15/11 tới, tỉnh này sẽ đón khách du lịch trở lại với điều kiện du khách có thẻ xanh COVID-19 (riêng người dưới 18 tuổi phải có test nhanh trong 72 giờ). Nội dung trên báo Thanh Niên.

Đại diện lãnh đạo UBND TPHCM, UBND tỉnh Bến Tre cùng lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, lữ hành TPHCM tham quan, khảo sát thực tế việc phục hồi du lịch tại tỉnh Bến Tre vào sáng 30/10
Đại diện lãnh đạo UBND TPHCM, UBND tỉnh Bến Tre cùng lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, lữ hành TPHCM tham quan, khảo sát thực tế việc phục hồi du lịch tại tỉnh Bến Tre vào sáng 30/10

Theo bà Thắng, việc thống nhất các quan điểm giữa lãnh đạo 2 địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cũng như thỏa mãn nhu cầu tham quan du lịch của người dân trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Điều đó cũng cho thấy tính thực chất, hiệu quả trong Chương trình liên kết phát triển du lịch của TPHCM và tỉnh Bến Tre đã được ký kết năm 2019.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị phía Bến Tre sớm thống nhất với ngành du lịch TPHCM và ban hành bộ tiêu chí để thích ứng an toàn với dịch COVID-19 trong ngành du lịch.

Tổng kiểm tra tình hình nhà trọ cho công nhân trong 15 ngày

Báo Pháp Luật TP đưa tin, Sở Xây dựng TP vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát tình hình xây dựng nhà trọ, nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở.

Mục đích của việc kiểm tra, rà soát này là để đánh giá tình hình xây dựng nhà trọ, nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn TP. Sau đó, dựa trên kết quả kiểm tra, rà soát, TP sẽ đề ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ để cải thiện và nâng cao chất lượng nhà trọ, nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở; góp phần đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP trong giai đoạn “bình thường mới”.

Tổng kiểm tra tình hình nhà trọ cho công nhân trong 15 ngày
Tổng kiểm tra tình hình nhà trọ cho công nhân trong 15 ngày

Theo đó, Sở Xây dựng TP sẽ thành lập một tổ điều hành và bốn tổ kiểm tra để kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình xây dựng nhà trọ, nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở trên các quận huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời khi kiểm tra Sở có ghi nhận hình ảnh thực tế và tổng hợp dữ liệu, các đề xuất, chính sách, giải pháp hỗ trợ của địa phương đóng góp.

Việc kiểm tra thực tế này sẽ diễn trong 15 ngày kể từ ngày Sở Xây dựng triển khai kế hoạch. Các quận huyện và TP Thủ Đức cũng phải phối hợp chặt chẽ, cùng Sở Xây dựng, huy động lực lượng địa phương, Đội Quản lý Trật tự đô thị trong quá trình kiểm tra.

Các địa phương sau đó phải báo cáo theo biểu mẫu và đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ để cải thiện và nâng cao chất lượng nhà trọ, nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở, góp phần đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới”.

Biện pháp phòng dịch COVID-19 đối với người đến/về TPHCM từ các địa phương khác

Báo Người lao động cho hay, ngày 1/11, Sở Y tế TP đã có văn bản gửi UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) về hướng dẫn tạm thời thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 đối với người đến/về TPHCM từ các địa phương khác.

Theo Sở Y tế, hướng dẫn này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến/về TPHCM nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Trong suốt thời gian tự theo dõi sức khỏe hoặc cách ly, những trường hợp đến/về TPHCM từ địa phương khác luôn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác…, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.

1 địa điểm cách ly tại nhà trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP HCM
1 địa điểm cách ly tại nhà trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP HCM

Về thực hiện giám sát y tế đối với người đến/về TPHCM từ địa phương có dịch cấp độ 4 hoặc cách ly y tế, Sở Y tế đề nghị người dân cần tự giác khai báo ngay với cơ quan y tế (trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức). Bên cạnh đó, căn cứ vào thông tin về cấp độ dịch của các địa phương được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, nếu xác định là người đi từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn sẽ quyết định biện pháp giám sát y tế phù hợp như sau:

Đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về đến địa phương thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà, tự cách ly tại nơi cư trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương và xét nghiệm COVID-19 1 lần vào ngày đầu tiên.

Đối với những người chưa tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, thực hiện cách ly tại nhà, nơi cư trú 14 ngày kể từ ngày trở về. Đồng thời, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; thực hiện xét nghiệm COVID-19 vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Sau 5 ngày, đã có 445.000 trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm vắc xin

Báo Tuổi Trẻ thông tin, ngày 1/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cho biết đã có 445.398 trẻ, bao gồm 200.018 trẻ từ 16-17 tuổi, 245.380 trẻ từ 12-15 tuổi được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 sau 5 ngày triển khai, từ 27 đến 31-10.

Thành phố ghi nhận tổng cộng có 42 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Chiến dịch tiêm chủng nhìn chung được tổ chức an toàn.

Tiêm vắc xin cho trẻ tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tiêm vắc xin cho trẻ tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dự kiến trong ngày 1/11, thành phố sẽ tổ chức tiêm tại 171 điểm tiêm với 286 đội tiêm cho 86.981 trẻ. Như vậy nếu cộng cả con số dự kiến này, toàn TPHCM đã có 532.379 trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm vắc xin.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC - nhận xét đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi tại TP diễn ra khá thuận lợi, bởi thành phố có nhiều kinh nghiệm từ đợt tiêm chủng cho người lớn trước đó, chưa kể đợt tiêm chủng cho trẻ lần này ngành y tế được ngành giáo dục phối hợp tổ chức tiêm chủng.

"Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, dự kiến thành phố sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các em theo đúng kế hoạch" - bác sĩ Nga nói.

Sinh viên đến trường làm luận văn, học thực hành

Zingnews cho biết, theo PGS Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP, trong tuần đầu của tháng 11, khoảng 300 sinh viên đã đăng ký đến trường để học thực hành, thí nghiệm. Sinh viên năm cuối và kề cuối được ưu tiên xếp lớp trong tuần đầu tiên.

Để được đến trường học tập, các sinh viên phải khai báo y tế, trình thẻ xanh COVID-19 hoặc giấy chứng nhận đã tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin ở cổng. Các lớp học đều đảm bảo 5K. Phòng thực hành, thí nghiệm đã được sửa chữa, phun khử khuẩn trước khi đón sinh viên trở lại.

Tương tự, ngày 1/11, các sinh viên năm cuối đáp ứng điều kiện đã tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 hoặc F0 đã khỏi bệnh chưa quá 6 tháng của trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cũng được đến trường thực hiện đồ án tốt nghiệp, hoàn tất các môn học thực hành.

Sinh viên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP làm thí nghiệm môn học trong sáng 1/11
Sinh viên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP làm thí nghiệm môn học trong sáng 1/11

Là trường đầu tiên cho sinh viên đến học trực tiếp hồi cuối tháng 10, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP sắp xếp khoảng 20-50 sinh viên đến lớp trong mỗi buổi. Đây là những sinh viên cần hoàn thành học phần thực hành, đồ án để tốt nghiệp. Hiện, trường đang xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất để đón tất cả sinh viên quay trở lại học tập trực tiếp.

Chưa tổ chức dạy học trực tiếp nhưng những ngày qua, ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) đã tạo điều kiện cho những sinh viên có nhu cầu được vào trường để tận dụng không gian học tập, giải quyết các thủ tục hành chính. Sinh viên chỉ được phép đến trường để học tại thư viện, phòng thực hành và làm việc với Phòng Đào tạo, Phòng Công tác Sinh viên. Các học phần của trường vẫn đang được triển khai bằng hình thức trực tuyến

Khoảng 4.000 lượt người ra vào chợ đầu mối Bình Điền trong ngày đầu mở lại hoạt động

Một thông tin khác trên Báo Người lao động, theo Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, từ đêm 31/10 đến rạng sáng 1/11, các thương nhân của chợ đầu mối Bình Điền đã bắt đầu tiếp nhận hàng hóa từ những đối tác, cung cấp cho các bạn hàng ở khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận. Tất cả các ngành hàng tại chợ đã được hoạt động trở lại với khoảng 30% công suất, bắt đầu từ 16 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau.

Chợ đầu mối Bình Điền trong ngày đầu tiên mở lại hoạt động
Chợ đầu mối Bình Điền trong ngày đầu tiên mở lại hoạt động

Trong đêm đầu tiên chợ đầu mối này hoạt động trở lại, có khoảng 4.000 lượt người ra vào chợ, sản lượng hàng nhập chợ trong đêm đạt hơn 335 tấn hàng hóa các loại. Tất cả mọi người tham gia hoạt động trong chợ gồm nhân viên Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, thương nhân, phụ việc, bốc xếp, cung cấp dịch vụ, khách hàng đến giao dịch... đều được phát thẻ ra vào chợ, tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã trị khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng, giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 14 ngày.

Nhóm BTV (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục