Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 04/11/2021

08:27 04/11/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 04/11:

4 bước xử lý khi phát hiện F0 tại các cơ sở sản xuất

Vietnamplus cho hay, Sở Y tế TP vừa ban hành hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở, kinh doanh, khu công nghiệp (doanh nghiệp) nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.

Điểm mới của công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh lần này là quy trình 4 bước xử lý khi phát hiện F0 (qua test nhanh hoặc xét nghiệm PCR) được quy định cụ thể như sau:

Bước 1, doanh nghiệp tạm thời cách ly F0 (người bị mắc COVID-19) ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly và liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ.

Bước 2, đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp cần cho thở oxy và liên hệ chuyển đến bệnh viện gần nhất. F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhân viên y tế sẽ tư vấn và hướng dẫn tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện).

Công nhân làm việc trong ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1 (TPHCM). (Ảnh: TTXVN)
Công nhân làm việc trong ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1 (TPHCM). (Ảnh: TTXVN)

Ngược lại, nếu không đủ điều kiện, F0 tự đề nghị địa điểm cách ly phù hợp (gồm: cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở cách ly tập trung tại phường, xã, quận, huyện hoặc điểm cách ly có thu phí).

Bước 3, doanh nghiệp nhập thông tin F0 vào ứng dụng "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19," đối với đơn vị có cơ sở cách ly tập trung. Đơn vị không có cơ sở cách ly sẽ báo thông tin F0 về Trung tâm Y tế quận huyện nơi doanh nghiệp hoạt động.

Bước 4, tạm ngưng hoạt động khu vực xảy ra F0 để vệ sinh khử khuẩn, xét nghiệm cho tất cả F1, điều tra xác định quy mô, tính chất ổ dịch để xử lý. Trường hợp F0 ở một dây chuyền sản xuất sẽ xử lý trên quy mô dây chuyền. Nếu F0 ở từ hai dây chuyền sản xuất trở lên trong cùng một phân xưởng sẽ xử lý trên quy mô toàn phân xưởng.

Từ ngày 4/11, hạn chế tàu bè lưu thông trên tuyến kênh Tẻ

Báo SGGP đưa tin, chiều 3/11, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Hòa An cho biết, kể từ ngày 4/11, sẽ hạn chế phương tiện thủy nội địa lưu thông trên kênh Tẻ.

Theo đó, hạn chế phương tiện lưu thông từ phía bờ trái từ Km 0+975 đến Km 1+265 khu vực thi công các công trình sửa chữa kè trên kênh Tẻ thuộc phường Tân Hưng và phường Tân Kiểng, quận 7. Luồng tàu chạy dọc theo tuyến kênh đang thi công công trình về phía thượng lưu và hạ lưu, cụ thể:

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 04/11/2021 - Ảnh 1

Phía thượng lưu bố trí cách phạm vi khu vực thi công công trình khoảng 50m, cách mép bờ trở ra phía kênh khoảng 25m.

Phía hạ lưu bố trí cách phạm vi khu vực thi công công trình khoảng 50m, cách mép bờ trở ra phía kênh khoảng 25m.

Thời gian thực hiện dự kiến 60 ngày.

Sở GTVT TP yêu cầu các phương tiện thủy nội địa lưu thông trên kênh Tẻ tuyệt đối tuân thủ theo quy tắc, chỉ dẫn của các báo hiệu đường thủy nội địa. Đồng thời, theo dõi thông báo luồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan đến an toàn giao thông đường thủy nội địa đã ban hành.

Thu giữ 266 hộp thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu

Cũng trên Vietnamplus, chiều 3/11, Cục Hải quan TP cho biết vừa phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3)-Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan tiến hành khám xét 2 bưu kiện nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh tại kho Bưu cục ngoại dịch, thuộc địa bàn Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh-Cục Hải quan TPHCM.

Kiểm tra 2 kiện hàng nhập khẩu theo loại hình quà biếu, tặng, lực lượng chức năng phát hiện 266 hộp thuốc các loại (hơn 3.000 viên) nhập lậu, có tác dụng điều trị, hỗ trợ điều trị COVID-19.

Số thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu qua đường chuyển phát nhanh bị lực lượng hải quan phát hiện. (Ảnh: TTXVN phát)
Số thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu qua đường chuyển phát nhanh bị lực lượng hải quan phát hiện. (Ảnh: TTXVN phát)

Số thuốc nêu trên được các đối tượng cất giấu lẫn trong quần áo, bánh kẹo... trong những kiện hàng gửi về Việt Nam.

Lô hàng được nhập khẩu theo chuyến bay thẳng từ Nga về Hà Nội, sau đó vận chuyển vào TPHCM.

Qua xác minh của cơ quan hải quan cho thấy cả hai địa chỉ nhận hàng thể hiện trên kiện hàng đều là địa chỉ không có thật. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

146 người dân trả lại tiền đã nhận hỗ trợ tại quận 5

Ngày 3/11, đoàn kiểm tra do ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra các gói hỗ trợ tại quận 5. Thông tin trên báo Pháp Luật TP.

Theo báo cáo thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn quận 5, ở đợt 1, quận đã hỗ trợ cho hơn 10.700 người  lao động tự do với số tiền hơn 16 tỉ đồng. Đợt 2, hỗ trợ hơn 14.000 người với số tiền hơn 27 tỉ đồng. Ở đợt 3, hỗ trợ cho khoảng 80.000 người với kinh phí khoảng 80 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch UBND quận 5 phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch UBND quận 5 phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch UBND quận 5 cho biết dù việc triển khai công tác chi hỗ trợ đợt 3 trong thời gian ngắn, số người cần nhận hỗ trợ nhiều nhưng cán bộ, công chức từ quận đến phường đã thực hiện rất tích cực, nhiệt tình. Công tác chi hỗ trợ vẫn đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và chưa phát hiện tiêu cực khi chi hỗ trợ đến người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ông Kỳ thông tin, trong quá trình chi hỗ trợ, trên địa bàn quận có 146 trường hợp người dân tự nguyện trả lại tiền đã nhận hỗ trợ. Có trường hợp hoàn lại cả ba đợt hỗ trợ.

Ngoài việc chi hỗ trợ theo chính sách chung, quận 5 vận động hỗ trợ kịp thời đến người dân khó khăn.

Lấy ý kiến việc cải tạo công viên Mê Linh và tượng Trần Hưng Đạo

Theo báo Tiền Phong, chiều 3/11, đại diện Sở Xây dựng TP cho biết đang tổ chức lấy ý kiến người dân về phương án cải tạo công viên bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh (quận 1).

Theo đó, từ nay đến ngày 5/11, người dân TPHCM có thể đến phòng tiếp công dân Sở Xây dựng TP (hoặc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND quận 1) để xem phương án cải tạo công viên Mê Linh, bến Bạch Đằng bằng video và góp ý vào phiếu lấy ý kiến.

Cơ quan chức năng đang lấy ý kiến của người dân về việc cải tạo, chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh, quận 1 
Cơ quan chức năng đang lấy ý kiến của người dân về việc cải tạo, chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh, quận 1 

Trước đó, Sở Xây dựng đã trình UBND TP phương án sửa chữa, cải tạo công viên Mê Linh và tượng Trần Hưng Đạo theo hướng giữ nguyên hiện trạng, cải tạo, sửa chữa những chỗ hư hỏng, cải tạo chiếu sáng, trồng thêm cây xanh…, đồng thời gia cố trùng tu những chỗ hư hỏng trên thân và bệ tượng đài Trần Hưng Đạo.

Kích cầu du lịch trên sàn thương mại điện tử

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, tại hội thảo trực tuyến giới thiệu về Chương trình kích cầu du lịch trên sàn thương mại điện tử Shopee do Sở Du lịch TP tổ chức ngày 3/11, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết chương trình là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số ngành du lịch của TP đến năm 2025. 

Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu và bán sản phẩm dịch vụ du lịch đến các đối tượng khách hàng đa dạng trên sàn thương mại điện tử. 

Thông qua chương trình này, Sở mong muốn doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thêm công cụ duy trì hoạt động kinh doanh và tăng trưởng doanh thu, từng bước tiến đến sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch TP nói riêng và của nền kinh tế nói chung, giúp hoạt động du lịch trở lại sống động. 

Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam - cho biết thông qua sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TPHCM có thể tiếp cận được lượng khách hàng rộng khắp cả nước, nâng cao doanh số, phát triển kinh doanh và từng bước phục hồi bằng việc mở rộng mô hình kinh doanh trên nền tảng trực tuyến.

Theo dự kiến, các sản phẩm dịch vụ du lịch với mức khuyến mãi, giảm giá sâu sẽ được doanh nghiệp chào bán trên sàn phục vụ kích cầu du lịch từ đây đến cuối năm. Trong ba tháng đầu tiên, doanh nghiệp tham gia trên sàn thương mại điện tử sẽ được miễn phí chi phí dịch vụ, hoa hồng, được hướng dẫn quản lý, kiểm soát tình trạng đơn hàng, hỗ trợ kỹ thuật và phương thức thanh toán...  

Xin cơ chế đầu tư lắp đặt hệ thống ​điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở các cơ quan hành chính,​ đơn vị sự nghiệp

Tin khác trên báo SGGP, liên quan về chủ trương đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan giao Sở Công Thương TP phối hợp Tổng công ty Điện lực TP - TNHH có văn bản trao đổi với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể về cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục, nguồn vốn... đối với việc phát triển hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để có cơ sở triển khai thực hiện.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 04/11/2021 - Ảnh 2

Thành phố luôn chủ trương khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, trong đó có nguồn điện từ năng lượng mặt trời trên mái nhà. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục triển khai phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện nay còn chưa rõ, cần có sự hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. 

Kiểm tra nồng độ cồn để kéo giảm tai nạn giao thông

Lực lượng CSGT TP đã xử lý trên 180 trường hợp vi phạm nồng độ cồn từ ngày 28/10 đến ngày 1/11. Đó là thông tin được Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP cung cấp hôm 3/11, tức 1 tuần sau khi TP HCM cho phép thí điểm bán thức uống có cồn ở TP Thủ Đức và quận 7.

Trao đổi với PV báo Người Lao Động, lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trong "bình thường mới", trong tuần đầu các quán nhậu tại quận 7 và TP Thủ Đức được hoạt động trở lại, lực lượng CSGT TP đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thành lập các đội kiểm tra hành chính ban đêm để liên tục kiểm tra nồng độ cồn. Mục đích là kiên quyết xử lý người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia vượt mức quy định.

CSGT đo nồng độ cồn ngẫu nhiên người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. - Ảnh: Ý LINH
CSGT đo nồng độ cồn ngẫu nhiên người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. - Ảnh: Ý LINH

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng luôn chú trọng vấn đề đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. CSGT sẽ thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân như bắt buộc đeo khẩu trang y tế, đeo găng tay y tế và sát khuẩn tay liên tục khi tiến hành đo nồng độ cồn trong "bình thường mới".

Đặc biệt, phải dùng riêng ống thổi dành cho từng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được CSGT yêu cầu kiểm tra. CSGT cũng sát khuẩn các thiết bị nghiệp vụ như máy đo nồng độ cồn để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục