Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 10/11/2021

09:07 10/11/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 10/11:

Khuyến cáo tổ chức tiêm riêng từng đối tượng để tránh nhầm lẫn vắc-xin

Báo Người Lao Động đưa tin, Sở Y tế TP vừa ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường bảo đảm an toàn tiêm chủng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Sở Y tế TP yêu cầu các đơn vị tiêm chủng tuyệt đối không được bỏ qua nội dung kiếm tra "5 đúng" trước khi thực hiện mỗi mũi tiêm, gồm: tiêm đúng đối tượng, đúng lịch tiêm, đúng vắc xin (về loại và hạn dùng), đúng liều lượng (rút đúng liều lượng vắc xin) và đường sử dụng.

Trẻ được tiêm chủng mở rộng tại phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM
Trẻ được tiêm chủng mở rộng tại phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM

Bên cạnh đó, các điểm tiêm chỉ ký xác nhận "Đã tiêm" sau khi mũi tiêm đã được thực hiện; luôn bảo đảm đầy đủ và sẵn sàng phương tiện cấp cứu cơ bản, dụng cụ, thiết bị phục vụ tiêm chủng. Nhân viên y tế phải bảo đảm đã tập huấn đầy đủ và nắm vững kiến thức về an toàn tiêm chủng, về xử trí phản vệ và các sự cố sau tiêm.

Đơn vị thực hiện phải thường xuyên nhắc nhở nhân viên tham gia tiêm chủng tăng cường cảnh giác theo dõi người sau tiêm, phát hiện sớm dấu hiệu phản vệ và đánh giá đúng mức độ để xử trí phù hợp, kịp thời.

Đối với các trạm y tế tổ chức tiêm cho nhiều đối tượng, nhiều loại vắc xin như COVID-19 và vắc xin tiêm chủng mở rộng, cố gắng tổ chức các buổi tiêm riêng. Nếu phải tổ chức tiêm trong cùng một buổi, cần tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình thực hiện để không xảy ra nhầm lẫn vắc xin.

Rà soát chế độ chính sách giáo viên ngoài công lập

Báo SGGP cho hay, Sở GD-ĐT TP vừa có văn bản gửi các nhà đầu tư cơ sở giáo dục (CSGD) ngoài công lập trên địa bàn thành phố hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách với người lao động, thực hiện tuyển dụng và quản lý giáo viên, nhân viên trong các CSGD ngoài công lập.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Sở đề nghị nhà đầu tư các CSGD ngoài công lập chủ động rà soát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; trong đó tập trung các nội dung như chế độ đóng bảo hiểm xã hội, việc ký kết hợp đồng lao động, giải quyết chế độ về ngày nghỉ, đăng ký giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài công tác tại TPHCM. Tất cả đơn vị ngoài công lập phải thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời trên trang thông tin điện tử của CSGD, niêm yết công khai tại đơn vị 3 nội dung: cam kết chất lượng giáo dục, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và tình hình thu chi tài chính.

Bổ sung 33 trạm y tế lưu động

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, Sở Y tế TP vừa ban hành công văn khẩn chỉ đạo các địa phương bổ sung thêm thêm 33 trạm y tế lưu động do các bệnh viện TP và quận - huyện đảm trách nhằm chăm sóc F0 cách ly tại nhà.

Cụ thể, quận 12 thêm 20 trạm, huyện Bình Chánh thêm 8 trạm, huyện Hóc Môn thêm 4 trạm và quận Bình Tân 1 trạm.

Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh kê thêm giường để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: THU HIẾN
Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh kê thêm giường để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: THU HIẾN

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và các trung tâm y tế quận - huyện, số lượng F0 hiện có khuynh hướng tăng trên địa bàn TP. Đặc biệt, các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và TP Thủ Đức có số ca mắc mới cao. Do đó, bên cạnh bổ sung các trạm y tế lưu động, Sở Y tế đề nghị trưởng ban chỉ đạo phòng chống, dịch các quận - huyện khẩn trương bố trí địa điểm cho các trạm y tế lưu động đi vào hoạt động ngay trong ngày 9/11.

Đồng thời, các địa phương cần tăng cường kiểm tra công tác khám, theo dõi, cấp phát thuốc cho các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà và cách ly tập trung theo đúng quy định; chủ động nắm bắt các hộ gia đình F0 có người thuộc nhóm nguy cơ cao, chưa được tiêm chủng cùng chung sống để theo dõi sát tình trạng sức khỏe và triển khai tiêm chủng ngay cho người dân chưa được tiêm.

Bổ sung nhiều chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội

Vietnamplus thông tin, Sở Xây dựng TP vừa có tờ trình UBND TP về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Trong đó đáng chú ý là việc bổ sung nhiều mục tiêu phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động đang sống trong các khu nhà trọ, các đối tượng đang sống trên, ven kênh rạch hoặc các khu nhà ở chưa đảm bảo về điều kiện sinh hoạt và phòng chống dịch COVID-19.

Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP đến năm 2025 là 23,5 m2/người (tính đến cuối tháng 6/2021, diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đạt 20,65m2/người). Diện tích nhà ở tăng thêm trong giai đoạn 2021-2025 đối với nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 31,98 triệu m2, nhà ở trong các dự án khoảng 15,52 triệu m2, nhà ở xã hội khoảng 2,5 triệu m2.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Để đảm bảo được các chỉ tiêu nói trên, giai đoạn 2021-2025, TP cần khoảng 800,9ha để xây dựng nhà ở thương mại và 173,5ha để xây dựng nhà ở xã hội. Về nguồn vốn, TPHCM cần khoảng 239.748 tỷ đồng để xây dựng nhà ở thương mại, 289.542 tỷ đồng để xây dựng nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng và 37.693 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội.

Đối với khu vực nội thành hiện hữu (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú), TP sẽ kêu gọi đầu tư phát triển 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân với quy mô khoảng 379 căn hộ.

Tại khu vực nội thành phát triển (gồm quận 7, Bình Tân, TP Thủ Đức) TP khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội; trong đó khu vực quận 7, Bình Tân phát triển 5 dự án với quy mô 3.955 căn hộ, khu vực TP Thủ Đức phát triển 5 dự án với quy mô 4.352 căn hộ. Đối với khu vực huyện ngoại thành (Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ), TP cũng sẽ kêu gọi đầu tư phát triển 8 dự án nhà ở xã hội với quy mô 9.594 căn.

Gỡ khó cho xe buýt sau giãn cách

Trước tình trạng các tuyến xe buýt ở TP hoạt động lại và gặp khó khăn do ít khách, Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP đã đưa ra một số kiến nghị gỡ vướng vấn đề này. Thông tin trên báo Pháp Luật TP.

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP, thời gian xe buýt ngưng khá lâu đã thay đổi nhu cầu, thói quen đi lại của người dân khiến lượng khách sử dụng xe buýt giảm mạnh. Do đó, Hiệp hội kiến nghị TP khi xe buýt hoạt động lại, doanh thu và sản lượng đặt hàng của xe buýt nên được tính theo doanh thu và sản lượng thực tế cho đến hết tháng 6/2022. Đồng thời, đề xuất các đơn vị vận tải được thanh toán tiền lương cơ sở và hỗ trợ đơn vị vận tải trong giai đoạn giãn cách xã hội bị ảnh hưởng.

Hiện nay ở TP.HCM có 40 tuyến xe buýt đã hoạt động lại. Ảnh: THU TRINH
Hiện nay ở TP.HCM có 40 tuyến xe buýt đã hoạt động lại. Ảnh: THU TRINH

Đối với Sở GTVT, Hiệp hội kiến nghị Sở xem xét kiến nghị lên Bộ, ngành liên quan miễn phí bảo trì đường bộ cho các xe buýt trong giai đoạn tạm ngưng hoạt động tại TP (từ tháng 6 đến tháng 10/2021). Bên cạnh đó, triển khai thời hạn tổ chức các gói thầu theo Thông báo 192 ngày 15/12/2020 của Trung tâm Quản lý - điều hành vận tải hành khách công cộng tối thiểu là 18 tháng, kể từ lúc hoạt động xe buýt cơ bản được tái thiết ổn định. Bởi qua nhiều tháng liền tạm ngưng, tình hình tài chính các đơn vị, người đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn, khả năng đầu tư rất hạn hẹp.

Ngoài ra, Hiệp hội còn đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ cho các đơn vị vận tải xe buýt. Cụ thể, hỗ trợ toàn bộ lãi vay năm 2021 cho đến khi TP công bố hết dịch đối với các xe buýt đã được TP phê duyệt đầu tư giai đoạn 2014-2020. NHNN Chi nhánh TP cũng được Hiệp hội kiến nghị xem xét có giải pháp hỗ trợ trong việc gia hạn thêm thời gian trả nợ gốc, xem xét giảm lãi vay…

Khởi động hội thi 'Học sinh, sinh viên thành phố với pháp luật'

Cũng trên lĩnh vực Giáo dục, ngày 9/11, Sở GD-ĐT TP và Tập đoàn KIRIN Việt Nam tổ chức lễ trực tuyến khởi động hội thi "Học sinh, sinh viên thành phố với pháp luật" năm 2021 - 2022 với chủ đề "Tiếng nói tuổi trẻ". Nội dung đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.

Phát động lần đầu tiên năm 2013, đây là sân chơi bổ ích giúp học sinh, sinh viên TP hiểu rõ kiến thức luật, tạo điều kiện để giới trẻ tuân thủ, áp dụng pháp luật vào thực tiễn và lan tỏa sức ảnh hưởng đến cộng đồng.

Với tổng giải thưởng hơn 100 triệu đồng, hội thi năm nay bắt đầu từ ngày 9/11/2021 đến 29/1/2022 và được chia làm 2 bảng: bảng A (trường THCS); bảng B (trường THPT, trung tâm GDTX-HN&DN, các trường trung cấp và cao đẳng thuộc Sở GD-ĐT).

Buổi lễ khởi động hội thi "Học sinh, sinh viên thành phố với pháp luật" năm 2021-2022- Ảnh: BTC
Buổi lễ khởi động hội thi "Học sinh, sinh viên thành phố với pháp luật" năm 2021-2022- Ảnh: BTC

Hình thức thi trực tuyến với 4 vòng, phân cấp mức độ kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, khai thác tính sáng tạo trong mỗi thí sinh:

- Vòng 1, cấp trường, học sinh thi online, truy cập cổng thông tin điện tử với tên miền "http://tiengnoituoitre.com/" để tham gia trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm với tổng điểm là 100. Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký 1 tài khoản dự thi và để lại các thông tin bắt buộc;

- Vòng chung kết cấp quận, huyện, TP Thủ Đức - bảng A: mỗi phòng GD-ĐT chủ động tổ chức và chọn 1 trường đoạt giải để dự chung kết cấp TP;

- Vòng bán kết cấp TP, bảng A và B: các trường thực hiện đoạn phim về các chủ đề mà học sinh, sinh viên quan tâm và trình bày quan điểm;

- Vòng chung kết và trao giải cấp TP.

Metro Bến Thành - Suối Tiên lắp đoạn ray cuối cùng

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, ngày 9/11, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (chủ đầu tư) cho biết các đơn vị thuộc nhà thầu gói thầu CP3 bắt đầu thi công đường ray tại đoạn ngầm cuối cùng của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hướng từ ga Nhà hát TP về ga Bến Thành. Đoạn ray ngầm cuối cùng dài 660m.

Đến nay, tổng tiến độ dự án metro số 1 đạt khoảng 88%. Trong đó, nhiều gói thầu đang ở giai đoạn về đích như gói thầu CP1a đạt 93,53%, gói CP1b đạt 98,63%, gói CP2: 93,93%. Mục tiêu đến cuối năm nay khối lượng tổng thể của dự án sẽ đạt 91%.

Đơn vị thi công đang hoàn thiện đoạn ray cuối cùng trên tuyến metro số 1 - Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.
Đơn vị thi công đang hoàn thiện đoạn ray cuối cùng trên tuyến metro số 1 - Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.

Sắp có đợt khuyến mãi 100% kích cầu sau giãn cách

Theo báo Người Lao Động, từ ngày 15/11 đến 31/12, TPHCM tổ chức Chương trình "Khuyến mãi tập trung" nhằm đẩy mạnh kích cầu cuối năm với hạn mức khuyến mãi tối đa lên đến 100% (theo điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP). Đối tượng tham gia chương trình là tất cả doanh nhân, thương nhân hoạt động trên địa bàn TP.

Sở Công Thương TP cho biết, 300 đơn vị đã đăng ký tham gia chương trình, bao gồm các doanh nghiệp thuộc nhóm tài chính ngân hàng, tiêu dùng, công nghệ, dịch vụ... Trong đó, nhóm ngành quần áo thời trang được dự đoán sẽ khuyến mãi sâu nhất.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 10/11/2021 - Ảnh 1

"Chúng tôi đã thông báo rộng rãi cho hơn 8.000 doanh nghiệp trên cổng thông tin của sở và đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp gửi về. Rất nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu khuyến mãi để đẩy mạnh sức mua trong 2 tháng cuối năm. Hy vọng với mức khuyến mãi "kịch khung" trên cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp (online và offline), chương trình sẽ thu hút đông đảo người tiêu dùng và du khách", đại diện Sở Công Thương TP cho biết.

Bên cạnh đó, Sở cũng đang kiến nghị UBND TP những năm tới cho triển khai chương trình "khuyến mãi tập trung" 2 lần một năm. Đợt 1 từ 15/6 đến 15/7 và đợt 2 từ 15/11 đến 15/12. Với tên gọi tiếng Anh là "Shopping Season 2021", cùng slogan "Thỏa sức mua, đua sức sắm", chương trình "Khuyến mãi tập trung" được tổ chức dưới 2 hình thức online và offline.

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục