Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 18/11/2020

10:46 18/11/2020

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo số ra ngày 18/11:

Tiếp tục hỗ trợ 1 triệu đồng cho lao động tự do gặp khó khăn vì Covid-19

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ngày 16/11 UBND TP vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP về việc chi hỗ trợ lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc, khó khăn do dịch Covid-19.

Theo đó, có 27.342 lao động tự do được hỗ trợ đợt này với định mức 1 triệu đồng/người. Trường hợp người lao động tự do đã được hưởng chính sách hỗ trợ từ các gói hỗ trợ trước đó thì xét hưởng 1 chế độ hỗ trợ cao nhất do quận, huyện, xã, phường xác định.

Lãnh đạo TP.HCM thăm hỏi, hỗ trợ các lao động gặp khó do COVID-19 đợt 1 - Ảnh: THẢO LÊ
Lãnh đạo TP.HCM thăm hỏi, hỗ trợ các lao động gặp khó do COVID-19 đợt 1 - Ảnh: THẢO LÊ

Cũng tại văn bản này, UBND TP giao cho UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm xác định đúng đối tượng, thống kê và lập danh sách cụ thể. Sở LĐ-TB&XH làm đầu mối theo dõi, tổng hợp danh sách chuyển Ủy ban MTTQ Việt Nam TP triển khai chi từ Quỹ phòng chống Covid-19 của TP.

Đối tượng được nhận hỗ trợ lần này - đa phần là lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, làm việc thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó là người lao động tự do bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các lao động thuộc các lĩnh vực tạm ngừng hoạt động trong tháng 4/2020 như cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẫm mỹ, massage, xông hơi; làm việc tại các tụ điểm vui chơi, giải trí; các điểm du lịch, tham quan; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử; các cơ sở kinh doanh thể thao; làm việc tại bến xe, hộ kinh doanh vận tải...

Ngày 18/11: Triều cường bắt đầu hạ, duy trì mức báo động 2

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, ngày 17/11, triều cường đạt đỉnh 1,7 m (cao hơn báo động 3 là 0,1 m) tại hai trạm Phú An trên sông Sài Gòn và Nhà Bè trên kênh Đồng Điền. Đây là kỳ triều cường cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Thời gian xuất hiện triều cường buổi sáng từ 4h và buổi chiều từ 17h.

Ghi nhận của báo Lao Động, khoảng 19h22 ngày 17/11, ứng dụng UDI Maps của Công ty Thoát nước đô thị TPHCM liên tục phát thông báo về những điểm ngập mới đến người dân.

Ứng dụng cảnh báo ngập của Công ty thoát nước đô thị TPHCM liên tiếp phát thông tin. Ảnh: Chụp màn hình
Ứng dụng cảnh báo ngập của Công ty thoát nước đô thị TPHCM liên tiếp phát thông tin. Ảnh: Chụp màn hình

Lúc 19h30, ứng dụng UDI Maps cũng ghi nhận được hàng chục điểm ngập ở tuyến đường thấp trũng trên địa bàn TPHCM như quốc lộ 50, đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè), Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương (Quận 2), Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tất Thành (Quận 4), Trần Xuân Soạn (Quận 7), Phú Định (Quận 8),…

Dự báo ngày 18/11, triều cường sẽ bắt đầu hạ và duy trì trên mức báo động 2 đến hết ngày 19/11, sau đó xuống nhanh.

Điểm ngập (màu đỏ) được đánh dấu trên bản đồ ứng dụng. Ảnh: Chụp màn hình
Điểm ngập (màu đỏ) được đánh dấu trên bản đồ ứng dụng. Ảnh: Chụp màn hình

Kiến nghị thủ tục đẩy nhanh làm cao tốc Mộc Bài

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án để sớm đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức PPP (hợp đồng BOT).

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 53km, có điểm đầu giao với đường Vành đai 3, điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Trong giai đoạn 1, cao tốc được xây dựng rộng 17m gồm 4 làn xe, được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Cao tốc dự kiến làm trong 5 năm và đưa vào khai thác năm 2025. Thời gian thu phí hoàn vốn (không bao gồm phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án) dự kiến 23 năm 8 tháng.

Tại báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần này, tổng mức đầu tư dự án hơn 13.613,4 tỉ đồng, tức tăng khoảng 2.527 tỉ đồng so với báo cáo thẩm định nghiên cứu tiền khả thi hồi cuối tháng 10/2019.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 22 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 22 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Được biết nguyên nhân tăng do chi phí giải phóng mặt bằng ban đầu dự kiến chỉ khoảng 2.918,7 tỉ đồng, nay tăng cho phù hợp thực tế là 5.117,7 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án còn bổ sung các nút giao giữa cao tốc với đường Vành đai 3 (Hóc Môn) và tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi).

Dự án sử dụng vốn ngân sách giải phóng mặt bằng khoảng 432ha, riêng TP.HCM khoảng 209ha, còn lại thuộc địa bàn Tây Ninh.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia. Công trình cũng phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TP.HCM - Tây Ninh và giúp giảm tải quốc lộ 22.

Sân bay Tân Sơn Nhất nói về 25.000 đồng phí gửi xe

Ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP, sau bốn ngày triển khai phân luồng giao thông tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Cụ thể, nhiều ý kiến đồng tình với phương án phân làn A, B và C vì giải tỏa thông thoáng không gian trước ga quốc nội. Đặc biệt, làn A không còn tình cảnh đón/trả khách lộn xộn ngay khu vực sảnh nhà ga.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng làn D (trong nhà gửi xe TCP chỉ dành cho xe taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách) trở nên ùn tắc kể từ ngày phân làn. Trong khi đó, taxi công nghệ phải chịu thêm chi phí hoạt động tại cảng là 25.000 đồng. Không chỉ vậy, hành khách đi taxi công nghệ phải di chuyển lên tầng 4 của nhà xe để bắt xe. Lượng khách đi xe công nghệ lớn, kèm theo thang máy nhỏ hẹp nên nhiều hành khách phải ôm hành lý theo hành lang để di chuyển lên nhà xe mới gặp được xe đã đặt.

Tình trạng đón khách tại sảnh D. Ảnh: ĐT.
Tình trạng đón khách tại sảnh D. Ảnh: ĐT.

Ông Phạm Vũ Cường, Phó Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, cho biết lâu nay các đơn vị kinh doanh vận tải ký kết nhượng quyền khai thác tại cảng đã được bố trí khu vực tập kết phương tiện và làn riêng để điều tiết xe vào ra đón khách. Các phương tiện đón khách tại cảng đều có đăng kí số lượng, tăng giảm theo lúc cao điểm, thấp điểm để cảng chủ động bố trí lực lượng điều tiết và kiểm soát.

Ngược lại, thời gian qua loại hình xe công nghệ lại khá thoải mái đưa đón tại làn A gây tắc nghẽn và không công bằng cho các đơn vị ký nhượng quyền khai thác tại cảng.

Khu vực bãi đậu xe trở nên ùn ứ. Ảnh: ĐT.
Khu vực bãi đậu xe trở nên ùn ứ. Ảnh: ĐT.

Theo ông Cường, về việc tài xế xe công nghệ phản ánh phí gửi xe 25.000 đồng và hành khách phàn nàn về bất tiện khi bắt xe công nghệ, phía cảng sẽ tiếp thu, ghi nhận. Sau đó, sẽ tính toán phương án đi lại thuận tiện, công bằng cho các đối tác cùng hoạt động.

Đại diện Sở GTVT TP cho biết những ngày đầu triển khai nên chưa thể đánh giá tác động của việc phân làn. Tuy nhiên qua các ý kiến phản hồi, Sở sẽ tìm hiểu để đánh giá các ưu, khuyết điểm khi triển khai phân làn nội bộ tại cảng để hoạt động lưu thông nội bộ thuận tiện, thông thoáng.

Tuyến metro số 1: Tái lập mặt bằng phía trên của ga ngầm Nhà hát Thành phố

Ngày 17/11, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR) cho biết, mặt bằng phía trên của ga ngầm Nhà hát Thành phố tuyến metro số 1 đang được khẩn trương tái lập và dự kiến trả lại nguyên trạng trong năm 2021. Nội dung đăng tải trên báo Giao Thông.

Hiện nhà thầu đang thi công hoàn thiện kiến trúc và cơ điện cho ga ngầm Nhà hát Thành phố. Các thiết bị cơ điện được lắp đặt chủ yếu đối với 3 tầng còn lại của nhà ga là B2, B3 và B4.

Đơn vị thi công đang trả lại hiện trạng ban đầu của đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur).
Đơn vị thi công đang trả lại hiện trạng ban đầu của đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur).

Phía trên mặt đất từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur, Q.1 cũng đang được tái lập mặt bằng và tháo dỡ rào chắn hiện hữu. Việc này nhằm khôi phục cảnh quan theo hiện trạng ban đầu của tuyến đường, giảm ùn tắc giao thông qua khu vực.

Để thực hiện công việc tái lập này, MAUR đã phối hợp với các đơn vị quản lý hạ tầng về điện, cấp nước, thoát nước để đấu nối đồng bộ. Dự kiến, việc thi công tái lập mặt bằng cho ga ngầm Nhà hát Thành phố hoàn thành chậm nhất vào quý II/2021.

Ga Nhà hát Thành phố thuộc gói thầu CP1b của dự án metro số 1. Ga này có thiết kế 4 tầng ngầm, có chiều dài 190m, rộng 26m, với 4 tầng hầm. Trong đó, tầng 1 gồm: sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động và phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2 và 4 là sân ga, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách. Tầng 3 là tầng chứa trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi, các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí, hệ thống thông gió, phòng cơ điện...

Công trường ga Nhà hát Thành phố sắp được hoàn thành
Công trường ga Nhà hát Thành phố sắp được hoàn thành

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km, tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đến tháng 11, công trình đạt hơn 78% tổng khối lượng và dự kiến khai thác vào cuối năm 2021.

Giải thể thao người khuyết tật quốc gia sẽ diễn ra tại TPHCM vào cuối tháng 11/2020

Theo báo Văn Hóa điện tử, dự kiến cuối tháng 11/2020, Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM sẽ phối hợp cùng Tổng cục TDTT, Hiệp hội Paralympic Việt Nam tổ chức một chuỗi các hoạt động thi đấu thể thao cấp quốc gia dành cho người khuyết tật.

Cụ thể, 9 môn thể thao được tổ chức giải thi đấu cấp quốc gia gồm: Bơi lội, điền kinh, quần vợt, cử tạ, Judo, Boccia, cầu lông, bóng bàn và cờ vua dành cho các VĐV khuyết tật các dạng khiếm khuyết chi, bại liệt, ngồi xe lăn, bại não, khuyết tật trí tuệ và khiếm thị.

Trong đó, điền kinh diễn ra từ ngày 21- 30/11 tại Sân vận động Quận 8, bơi lội từ ngày 21- 30/11 tại Hồ bơi quận Tân Bình, Judo từ ngày 26 - 29/11 tại Nhà tập luyện Thể thao Phú Thọ, quần vợt từ ngày 21- 30/11 tại sân quần vợt Hoàng Long (Q.Gò Vấp), các môn Boccia, cử tạ, bóng bàn, cầu lông, cờ vua từ 14 - 23/12 tại Trung tâm Văn hoá và Thể thao quận Tân Bình.

Môn Judo dành cho người khuyết tật dự kiến diễn ra từ ngày 26 - 29/11 tới
Môn Judo dành cho người khuyết tật dự kiến diễn ra từ ngày 26 - 29/11 tới

Bà Trần Mai Thuý Hồng, Phó phòng Quản lý TDTT Sở Văn hoá và Thể thao TP cho biết, chuỗi sự kiện thể thao người khuyết tật toàn quốc lần này dự kiến thu hút hơn 1.500 VĐV, HLV đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt hơn khi 9 môn thể thao tranh tài đều là nội dung thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á - ASEAN Para Games 2021, dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2021 tại Việt Nam.

Đây không chỉ là cơ hội để các nhà tuyển trạch, huấn luyện viên chọn lựa lực lượng VĐV khuyết tật tham gia đội tuyển quốc gia, mà còn là dịp để các vận động viên khuyết tật tranh tài, minh chứng giá trị bản thân, chinh phục đỉnh cao thể thao.

Đối với TPHCM, sự kiện này sẽ là đòn bẩy để phát triển phong trào tập luyện thể thao trong cộng đồng người khuyết tật.

Xây dựng nếp sống đô thị ở ngoại thành

Lắp camera, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo điện thoại thông minh…, người dân huyện Hóc Môn đang chung tay cùng chính quyền giám sát xã hội, tạo dựng nếp sống văn hóa mới.

Trao đổi với báo SGGP, ông Lê Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì, cho biết, kể từ khi vận động lắp camera phủ kín trên 8 ấp, tình hình an ninh trật tự chuyển biến rõ rệt, cuộc sống người dân vùng ven không còn bất an, xóm ấp bình yên. Nhiều vụ xe máy dựng trước cửa nhà bị trộm, gây rối an ninh trật tự… cũng được cơ quan chức năng khám phá, xử lý nhanh chóng nhờ có dữ liệu thu được từ camera gắn dọc các tuyến đường dân sinh. 

Bên cạnh chủ trương lắp đặt camera để mở rộng không gian giám sát, UBND huyện Hóc Môn đã chú trọng áp dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính, tạo công cụ cho người dân chung tay bảo vệ an ninh trật tự xã hội, xây dựng đô thị và giám sát cán bộ chính quyền.

Công nghệ thông tin đang làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vốn chỉ quen ruộng vườn, chăn nuôi. UBND huyện Hóc Môn đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Với chiếc điện thoại thông minh, người nông dân Hóc Môn đã làm nhiều thủ tục hành chính, đăng ký hộ tịch trực tuyến mà không cần lên xã.

Thậm chí với “Chương trình phản ánh vi phạm trật tự đô thị huyện trực tuyến”, người dân dùng điện thoại chụp ảnh, ghi hình trực tiếp công trình vi phạm gửi ngay đến cơ quan chức năng sẽ được xử lý kịp thời. 

Camera góp phần giám sát an ninh trật tự trên những tuyến đường vùng ngoại thành
Camera góp phần giám sát an ninh trật tự trên những tuyến đường vùng ngoại thành

Theo ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, việc áp dụng công nghệ vào công tác quản lý xã hội, phục vụ người dân đối với huyện ngoại thành bước đầu gặp không ít khó khăn. Khác với người dân nội thành, người dân nông thôn vốn chỉ quen ruộng vườn, hạ tầng kỹ thuật không tốt như các quận trung tâm TP.

Nhưng với quyết tâm cao của lãnh đạo huyện, cùng với chủ trương lắp đặt camera để hỗ trợ giám sát, các chương trình tra cứu quy hoạch, giám sát xây dựng và thủ tục hành chính trực tuyến đã triển khai, áp dụng đồng bộ.

“Chúng tôi rất vui khi thấy nông dân ngoại thành cầm chiếc điện thoại để làm thủ tục hành chính, hay quay phim, chụp ảnh nhà xây dựng trái phép để phản ảnh cho cán bộ ấp. Công nghệ đã góp sức giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đô thị và nâng cao ý thức, trách nhiệm người nông dân ngoại thành” - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn chia sẻ.

Sân chơi cho các tài năng múa tỏa sáng

Báo Thanh Niên đưa tin, Liên hoan nghệ thuật múa TPHCM mở rộng lần 6 - 2020 sẽ diễn ra vào các ngày 24/11 (khai mạc lúc 18 giờ 30 phút) và 25/11 tại Nhà hát Thực nghiệm Trường Múa TP. Lễ tổng kết và trao giải được tổ chức vào tối 26/11 tại Nhà hát TP.

Liên hoan nghệ thuật múa TPHCM mở rộng lần 6 có sự tham gia của 19 đơn vị nghệ thuật (cả công lập lẫn các vũ đoàn, nhóm múa xã hội hóa) và 14 cá nhân đăng ký dự thi. Ngoài các đơn vị công lập tại TP.HCM như Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM, Trường trung cấp Múa TP.HCM, Đoàn văn công Quân khu 7, liên hoan còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ múa đến từ các tỉnh khác như Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa), Trường Năng khiếu nghệ thuật và Thể dục thể thao Vĩnh Long, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Phân hội múa tỉnh An Giang…

So với liên hoan lần 5, sân chơi nghệ thuật múa lần 6 có số lượng tác phẩm nhiều hơn và chất lượng hơn, với 55 bài dự thi, đủ các thể loại như: múa dân gian, múa cổ điển, múa hiện đại... Các tác phẩm tham gia được BTC đánh giá nhỉnh hơn vì có sự góp mặt của nhiều biên đạo và diễn viên múa tài năng.

Một tiết mục dự thi trong liên hoan năm nay của Vũ đoàn Phương Việt
Một tiết mục dự thi trong liên hoan năm nay của Vũ đoàn Phương Việt

NSND Hà Thế Dũng, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của liên hoan, cho biết tác phẩm dự thi quy định có thời lượng từ 5 - 10 phút và không hạn chế đề tài, hình thức, thể loại cũng như chất liệu ngôn ngữ múa. Trên những nội dung phản ánh sinh động, sâu sắc cuộc sống nhiều màu sắc của xã hội - con người VN, đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn, BTC chấm giải dựa vào kết cấu bài múa gồm ngôn ngữ múa, hình thức bố cục sân khấu, âm hưởng của âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, trang phục của nghệ sĩ biểu diễn…

Liên hoan nghệ thuật múa TPHCM mở rộng là “thương hiệu” của Hội Nghệ sĩ múa TP. Mục đích và tiêu chí lớn nhất của liên hoan mà Hội Nghệ sĩ múa TP đặt ra từ buổi ban đầu và vẫn kiên trì thực hiện, đó là sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ trong cả sáng tác, biên đạo và biểu diễn.

Tác phẩm múa "Lời then mẹ kể"
Tác phẩm múa "Lời then mẹ kể"
Tác phẩm múa "Linh thiêng đêm tháp cổ"
Tác phẩm múa "Linh thiêng đêm tháp cổ"

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục