Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 18/11/2021

10:14 18/11/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 18/11:

Ngày 22/11, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Báo Người Lao Động cho hay, ngày 17/11, Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi UBND các quận - huyện, TP Thủ Đức; các sở - ban - ngành về việc tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đợt 2.

Theo đó, thời gian tiêm mũi 2 sẽ tập trung thực hiện từ ngày 22/11 đến ngày 28/11. Đối tượng là tất cả trẻ từ 12-17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TPHCM đã được tiêm vắc xin mũi 1 đủ thời gian, kể cả trẻ đã được tiêm mũi 1 ở các tỉnh, thành khác.

Học sinh tại huyện Củ Chi ngồi chờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19
Học sinh tại huyện Củ Chi ngồi chờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

Sở Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tiêm mũi 1 cho những trẻ từ 12-17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TP chưa được tiêm vắc xin trong đợt 1 do phải hoãn tiêm, trẻ mới đủ 12 tuổi, mới được phụ huynh đồng thuận tham gia tiêm chủng, mới trở về TPHCM.

Hỗ trợ tiếp nhận, điều trị người lao động mắc COVID-19

Thông tin từ Vietnamplus, ngày 17/11, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết từ khi thực hiện nới lỏng giãn cách (ngày 1/10) đến nay, đã có hơn 2.800 ca mắc COVID-19 là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) (bình quân khoảng 70 ca/ngày).

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các KCX, KCN TP cho biết phần lớn các trường hợp F0 được phát hiện đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, đều đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người lao động.

“Hiện, Hepza đã phối hợp với các địa phương, ngành y tế cùng các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi, hỗ trợ tiếp nhận, thu dung điều trị người lao động mắc COVID-19 hoặc hướng dẫn người lao động chăm sóc, điều trị tại nhà nếu có đủ điều kiện" ông Phạm Thanh Trực chia sẻ.

Tiêm vaccine cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Tiêm vaccine cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Trước đó, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp xây dựng quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp F0 để kịp thời triển khai vận hành theo đúng hướng dẫn của ngành y tế thành phố; đồng thời, hướng dẫn các công ty phát triển hạ tầng có đủ điều kiện và cơ sở vật chất thành lập khu cách ly tập trung tạm thời và các trạm y tế lưu động nhằm giảm áp lực tại các Bệnh viện Dã chiến TP, các khu thu dung và điều trị người mắc COVID-19 tại các quận, huyện.

Dự án hỗ trợ người dân mùa dịch ‘Chợ nghĩa tình’ nhận bằng khen từ UBND TPHCM

Theo báo SGGP, dự án hỗ trợ người dân mùa dịch “Chợ nghĩa tình” vừa được UBND TP trao tặng bằng khen. Đây là chương trình được FPT Software phối hợp cùng Sở Công Thương và Thành Đoàn TP triển khai từ tháng 7/2021 đến tháng 9/2021, trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, ảnh hưởng nặng nề lên cuộc sống người dân.

Sau hai tháng hoạt động, "Chợ nghĩa tình" đã hỗ trợ miễn phí 205.725 sản phẩm, 27.472 đơn hàng cho 71.252 người dân, tương đương 17.813 hộ gia đình với kinh phí 9,5 tỷ đồng.

Tình nguyện viên đến trao nhu yếu phẩm từ "Chợ Nghĩa Tình"
Tình nguyện viên đến trao nhu yếu phẩm từ "Chợ Nghĩa Tình"

Anh Phạm Nguyên Vũ, chuyên gia FPT Software cho biết, bên cạnh "Chợ nghĩa tình", đội ngũ còn tham gia phối hợp xây dựng website noivongtaythuong.vn nhằm giúp đỡ trẻ mồ côi, đồng thời phối hợp cùng Sở Công Thương TP xây dựng ứng dụng chuyển đổi số, số hóa chợ truyền thống, giúp tiểu thương và ban quản lý chợ phục hồi việc buôn bán sau dịch bệnh.

Ở giai đoạn tiếp theo, dự án tiếp tục triển khai nền tảng cho Ban quản lý chợ truyền thống nhằm hỗ trợ tiểu thương, quản lý khách hàng thường xuyên, đặt hàng trực tuyến nhằm đa dạng hóa kênh cung cấp, bảo đảm hoạt động không gián đoạn, cung ứng cho người dân trong thời kỳ "bình thường mới". Hoạt động đang được triển khai tại 10 điểm chợ truyền thống trên địa bàn TP.

Người dân nhận nhu yếu phẩm từ "Chợ Nghĩa Tình"
Người dân nhận nhu yếu phẩm từ "Chợ Nghĩa Tình"

Nhiều bệnh viện điều chỉnh giá xét nghiệm COVID-19

Trao đổi với Zingnews, bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Bệnh viện quận 1 cho biết, hiện mức giá xét nghiệm nhanh tại đơn vị này có sự thay đổi. Trước đó, giá test nhanh tại Bệnh viện quận 1 là 83.000 đồng. Sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BYT quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2, đơn vị này thu thêm 16.400 đồng/test là giá dịch vụ test nhanh (gồm chi phí trực tiếp, tiền lương) của đơn vị theo mức giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Như vậy, giá hiện tại của Bệnh viện quận 1 là 99.400 đồng.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tâm, thời gian tới, bệnh viện đã mua được loại kit test của Hàn Quốc, có mức giá thấp hơn, chỉ khoảng 65.000 đồng. Do đó, sắp tới, Bệnh viện quận 1 thu mức giá test nhanh là 81.400 đồng, vẫn thấp hơn giá thấp hơn mức giá quy định của Bộ Y tế.

Shipper xếp hàng chờ test nhanh tại quận Gò Vấp. Ảnh: Duy Hiệu.
Shipper xếp hàng chờ test nhanh tại quận Gò Vấp. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân - Phó giám đốc Bệnh viện 11, cho biết giá xét nghiệm nhanh tại đơn vị này đã được điều chỉnh từ 126.000 đồng xuống còn 81.400 đồng.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), thông tin sau khi quy định mới của Bộ Y tế được ban hành, bệnh viện đã chủ động thay đổi mức giá test nhanh, từ 120.000 đồng trước đây xuống còn 109.700 đồng.

Ngày 28/10, Sở Y tế TP công khai giá xét nghiệm tại Bệnh viện Ung bướu TP là 124.000 đồng. Sau thông tư của Bộ Y tế, đại diện bệnh viện cho biết đã điều chỉnh lại chi phí test nhanh theo đúng giá áp của Bộ Y tế.

Thông tư của Bộ Y tế được áp dụng cho thanh toán khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế, giá trần cho bệnh viện công lập. Còn với cơ sở y tế tư nhân vẫn áp dụng theo hình thức thực thanh thực chi, được quyết định giá dịch vụ xét nghiệm nhưng phải kê khai, công khai giá.

Chưa bán vé máy bay Tết

Báo SGGP đưa tin, ngày 17/11, thông tin từ các đại lý bán vé máy bay cho biết, đến thời điểm này, các hãng mới chỉ mở bán vé cho các chuyến bay khởi hành trước ngày 1/12, chưa có bán vé máy bay Tết.

Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ GTVT đã yêu cầu các hãng chỉ mở bán với những chuyến bay đã được cấp phép, tránh trường hợp vé bán ra nhưng chuyến bay không thể thực hiện được nếu dịch diễn biến phức tạp. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế khai thác bay nội địa trong giai đoạn thí điểm vừa qua, Cục HKVN đã đề xuất tăng tần suất tất cả các đường bay trong thời gian tới, bao gồm cả giai đoạn bay Tết Nhâm Dần 2022. 

Theo đó, 3 đường bay trục Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng và Đà Nẵng - TPHCM sẽ tăng tần suất từ 6 chuyến khứ hồi lên tối đa 19 chuyến khứ hồi/ngày; các đường bay khác tăng từ 4 chuyến lên 9 chuyến khứ hồi/ngày trong tháng 11. Tất cả các đường bay sẽ khai thác bình thường từ tháng 12.

Củng cố hoạt động hỗ trợ, chuyển bệnh nhân COVID-19 nặng

Báo Thanh Niên cho hay, Sở Y tế TP vừa có văn bản về việc phân công hỗ trợ chuyên môn giữa Trung tâm hồi sức tích cực điều trị COVID-19 và Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19.

Theo đó, Sở Y tế đã cập nhật danh sách các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 theo địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện. Các bệnh viện này sẽ phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho các cơ sở y tế trên địa bàn được phân công.

Đối với công tác chuyển bệnh nhân, Giám đốc các bệnh viện, Trung tâm y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ vào tình hình số F0 trên địa bàn, chủ động liên hệ với bệnh viện dã chiến cấp TP được phân công phụ trách để chuyển người bệnh khi có yêu cầu, đồng thời tiếp nhận các trường hợp F0 đã điều trị ổn định từ các bệnh viện dã chiến chuyển về.

Sở Y tế phân công các bệnh viện tuyến trên có trách nhiệm điều phối, chuyển bệnh COVID-19 giữa các bệnh viện trên địa bàn mình phụ trách. Các bệnh viện này có thể chủ động hội chẩn với nhau để chuyển bệnh khi có tình trạng quá tải hoặc báo về Sở Y tế để điều phối chuyển viện người mắc COVID-19 giữa các địa bàn phù hợp với tình hình thực tế trong những thời điểm khác nhau.

Khi chuyển viện các trường hợp bệnh nặng, các đơn vị cấp địa phương cần hội chẩn chuyên môn trước với bệnh viện tuyến trên để có phương án chuyển bệnh an toàn, đảm bảo người bệnh được hỗ trợ hô hấp phù hợp với tình trạng bệnh lý trên đường chuyển viện.

Hóa đơn điện, nước tăng bất thường thời điểm giãn cách xã hội

Thời gian gần đây, nhiều người dân TP phản ánh về việc hóa đơn điện, nước sinh hoạt tăng cao trong mùa dịch COVID-19. Cụ thể, những ngày TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn TP đã về quê tránh dịch, không dùng điện, nước. Nhưng khi trở lại TP, nhiều người ngạc nhiên khi thấy hóa đơn tiền điện, nước tăng cao. Có hộ gia đình phản ánh, hóa đơn tiền nước họ nhận được tăng gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần so với thời gian trước.

Về việc này, trao đổi với báo SGGP, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP cho biết, những tháng giãn cách xã hội, nhân viên điện lực không đi thu tiền điện được nên tạm thời thu tiền theo hóa đơn của những tháng trước đó. Sắp tới, nhân viên ngành sẽ kiểm tra và ghi đúng số điện dùng thực tế ở hộ gia đình, công ty sẽ trả lại phần chênh lệch tiền đã thu của khách hàng.

Một gia đình ở TP. Thủ Đức, TP.HCM tá hỏa vì hóa đơn tiền nước lên tới 7,5 triệu đồng (Ảnh: Đ.V)
Một gia đình ở TP. Thủ Đức, TP.HCM tá hỏa vì hóa đơn tiền nước lên tới 7,5 triệu đồng (Ảnh: Đ.V)

Trong khi đó, lãnh đạo Phòng hợp tác - truyền thông, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho hay, đúng là thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp khiến tiền nước tăng cao dù người dân không ở nhà. Trong đó có hộ gia đình đường ống nước bị bể từ bên trong; có người thuê trọ về quê tránh dịch, xả nước mà quên đóng đồng hồ, khiến chủ nhà trọ bị thiệt thòi...

Các đợt giãn cách xã hội kéo dài trong nhiều tháng, khiến việc tiếp cận đồng hồ nước để kiểm tra và ghi chỉ số nước sử dụng không thực hiện được. Vì vậy, đơn vị cấp nước phải xác định lượng tiêu thụ hàng tháng của khách hàng theo phương pháp giả định, từ trung bình 3 kỳ gần nhất trước đó. Bản thân phương pháp giả định luôn có rủi ro sai số, sai số lớn hơn do thời gian giãn cách kéo dài.

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn nhận thấy bất cập này nên đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước tăng cường kết nối, giao tiếp trong giải quyết khiếu nại của khách hàng. Khách hàng thấy chỉ số đồng hồ nước chưa chính xác xin thông báo đơn vị cấp nước để có sự điều chỉnh phù hợp.

Bệnh viện Quân y 175 điều động 60 nhân viên y tế tăng cường cho 3 quận

Trước tình trạng dịch COVID-19 tại TP có chiều hướng gia tăng trở lại, ngày 17/11, Bệnh viện Quân y 175 đã làm lễ xuất quân, tăng cường 60 nhân viên y tế gồm 20 tổ (một tổ 3 người) cho các quận Gò Vấp, Bình Tân và Tân Phú. Ghi nhận của VOH.

Cụ thể, quận Gò Vấp có 10 tổ (30 người), quận Bình Tân 4 tổ (12 người), quận Tân Phú 6 tổ (18 người). Lực lượng y tế tiếp viện là những y bác sĩ, điều dưỡng từ các đơn vị nòng cốt của Bệnh viện Quân y 175 có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, hầu hết các y bác sĩ, điều dưỡng đều đã tham gia các công tác phòng chống dịch trong thời gian cao điểm vừa qua.

Đoàn quân y của Bệnh viện Quân y 175 tăng cường cho công tác phòng chống dịch COVID-19 ra quân sáng 17/11. Ảnh: BVCC
Đoàn quân y của Bệnh viện Quân y 175 tăng cường cho công tác phòng chống dịch COVID-19 ra quân sáng 17/11. Ảnh: BVCC

Đại tá Trần Quốc Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, với tinh thần và quyết tâm cao nhất, đơn vị mong muốn được góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19, không để dịch diễn biến phức tạp. Đồng thời phát huy những thành quả đạt được, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch cùng TP.

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục