Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 30/9/2021

09:16 30/09/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 30/9

11 quận, huyện kiểm soát được dịch 

Thông tin từ Báo Tiền Phong, kể từ khi bắt đầu thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị 15 đến nay và các biện pháp tăng cường, TP đã trải qua 4 tháng giãn cách xã hội. Đến tối 29/9 toàn thành phố đã có 11 quận, huyện công bố đã kiểm soát được dịch.

Trong thời gian ngắn, liên tiếp nhiều quận huyện tại TP công bố đã kiểm soát được COVID-19
Trong thời gian ngắn, liên tiếp nhiều quận huyện tại TP công bố đã kiểm soát được COVID-19

Tính đến nay, TPHCM đã có 7 lần nâng cấp độ giãn cách xã hội theo chiều hướng lần sau cao hơn lần trước, đến nay thành phố đã trải qua hơn 80 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Nếu tính cả thời gian bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 thì đến nay đã trải qua hơn 120 ngày giãn cách.

Sau thời gian dài nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, đến tối 29/9 thành phố đã có 11 quận huyện công bố kiểm soát được dịch COVID-19. Cụ thể là quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, quận 5, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, TP Thủ Đức, quận Tân Bình, quận 1 và quận 3. Các địa phương trên đã đạt 6/6 tiêu chí kiểm soát dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Quân đội sẽ hỗ trợ cho TPHCM ít nhất đến hết tháng 11

Báo Tuổi Trẻ cho hay, sáng 29/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch COVID-19 ở TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM
và các tỉnh phía Nam

Tại buổi làm việc, Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Chính phủ cho biết, thời gian tới, việc các khu vực ở TPHCM nới lỏng giãn cách sẽ khiến cho việc quản lý khó khăn hơn.

Do vậy, ông đề nghị các đơn vị tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có ý thức phòng, chống dịch. Riêng các tổ quân y căn cứ vào số F0 phụ trách và vào độ bảo đảm của y tế địa phương để điều chỉnh.

"Trường hợp có điều chỉnh thì trên cơ sở vùng xanh, cận xanh làm trước, các màu khác làm sau. Tuy nhiên trên tinh thần lực lượng quân y phải ở đến hết tháng 11. Đặc biệt các bệnh viện khi nào bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân nặng giảm rõ rệt mới bàn tới việc giảm bệnh viện, giảm y bác sĩ, chứ còn bệnh nhân đang điều trị, chúng ta chưa thể nói giảm", thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh.

Ra mắt trang tin điện tử tuyên truyền vận động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19

Báo Người Lao Động cho biết, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP vừa đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức, quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy; Ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội TP; các cơ quan báo chí về việc phối hợp tuyên truyền vận động huy động nguồn lực cùng chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trang tin điện tử của Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Trang tin điện tử của Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, căn cứ công văn 6368 của Văn phòng Chính phủ về thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý tiếp tục tổ chức vận động, quyên góp phòng, chống dịch COVID-19, Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã xây dựng trang tin điện tử tại địa chỉ http://vandongxahoi.mattran.org.vn

Trang tin điện tử này ra đời nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và huy động nguồn lực cùng chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chăm lo cho nhân dân.

Đón người dân trở lại làm việc

Nhằm tạo điều kiện cho người lao động trở lại TP làm việc, Sở GTVT TP đã phối hợp với sở ngành, doanh nghiệp vận tải triển khai các phương án đưa đón an toàn. Trước mắt, kế hoạch này được thực hiện từ ngày 1/10 đến 31/10. Ngày 29/9, ghi nhận trên thực tế của PV Báo SGGP cho thấy, các đơn vị liên quan dù còn một số băn khoăn, nhưng cơ bản tâm thế đã sẵn sàng…

Lượng phương tiện lưu thông trên trục đường Quang Trung (quận Gò Vấp) ngày 29-9 khá đông đúc. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Lượng phương tiện lưu thông trên trục đường Quang Trung (quận Gò Vấp) ngày 29-9 khá đông đúc. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Chiều 29/9, không khí tại 2 bến xe liên tỉnh của TP là miền Đông và miền Tây - dự kiến được phép hoạt động đón trả người lao động, khá vắng vẻ. Tuy nhiên, bảo vệ và nhiều nhân viên ở đây vẫn làm việc, chuẩn bị cho việc đón khách vào ngày 1/10. Một số doanh nghiệp vận tải như Phương Trang, Samco Kumho… cũng kiểm tra, lau chùi lại xe. Các cửa ngõ ra, vào TP vẫn có lực lượng chức năng kiểm tra. Người dân, doanh nghiệp vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của ngành chức năng. Đã có nhiều ý kiến được đưa ra trong những ngày sát thời điểm 1/10.

Trong dự thảo của Bộ GTVT và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP đều có quy định phòng chống dịch tại các bến xe liên tỉnh. Nên mở tuyến cố định trước, bởi lẽ xe tuyến cố định đã có 1 lớp kiểm soát dịch tại các bến xe. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải tiêm đủ 2 liều vaccine. Đối với hành khách, cũng nên bắt buộc phải tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc có “thẻ xanh” mới cho tham gia giao thông, đi đến các nơi công cộng. Đây được xem như là điều kiện tiên quyết trong phòng chống dịch. Sự thống nhất này sẽ giúp hạn chế việc mỗi địa phương có một quy định riêng về vận tải, làm khó cho doanh nghiệp và người dân.

Cùng quan điểm, đại diện nhiều đơn vị vận tải hành khách khác cũng cho rằng, Sở GTVT TP nên làm từng bước, cho phép tuyến xe cố định hoạt động vì xe này đều phải đưa, đón khách thông qua bến xe. Chưa kể, nhu cầu của người dân ở các tỉnh quay lại thành phố làm việc, khám bệnh... rất lớn. Khi khách đi xe tuyến cố định, tự thân các bến xe cũng là lớp bảo vệ, kiểm soát tốt hơn.

Các cơ sở y tế đã tiếp nhận bệnh nhân không mắc COVID-19

Theo Vietnamplus, dắt đầu từ ngày 28/9, Bệnh viện quận 7 mở cửa lại sau hơn 2 tháng "tách đôi" điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Đây là "bệnh viện xanh" đầu tiên của TPHCM được chuyển đổi công năng quay trở lại hoạt động tiếp nhận khám chữa bệnh thông thường.

Nhiều người dân đến khám tại Bệnh viện quận 7. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Nhiều người dân đến khám tại Bệnh viện quận 7. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tương tự, những ngày qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi cũng khẩn trương tiến hành vệ sinh, khử khuẩn, sắp xếp lại các khoa, phòng để chuyển đổi công năng khám bệnh thông thường cho người dân từ ngày 30/9/2021.

Cùng với việc chuyển đổi công năng các bệnh viện để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh không phải COVID-19, trong những ngày qua, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn TP đã mở lại một số hoạt động bị tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng TP đã bắt đầu mở lại hoạt động tiêm chủng trẻ em, Đơn vị phẫu thuật trong ngày, Khoa Răng hàm mặt...

Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng mở lại hoạt động khám ngoại trú cho người bệnh HIV...

Ngoài ra, dự kiến đến ngày 1/10, thành phố sẽ cho phép hoạt động trở lại các hoạt động khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu; các cơ sở kinh doanh dược, vật tư, trang thiết bị y tế; dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở như bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa.

Tái khởi động 22 dự án giao thông trọng điểm

Trao đổi với Pháp Luật TP, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết sau khi TP ban hành bảy tiêu chí hoạt động của công trình giao thông, đơn vị đã cùng các tư vấn, nhà thầu rà soát các dự án.

Theo đó, sau ngày 1/10, Ban giao thông sẽ lần lượt khởi động và đẩy nhanh tiến độ 45 gói thầu thuộc 25 dự án giao thông (DAGT) trọng điểm trên địa bàn TP (trong đó tái khởi động 22 dự án tạm ngưng thi công do dịch và ba dự án thi công xuyên suốt).

Dự án nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9) sẽ khởi động lại trong tháng 10. Ảnh: THU TRINH
Dự án nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9) sẽ khởi động lại trong tháng 10. Ảnh: THU TRINH

Điển hình cho các dự án thuộc nhóm giao thông đường bộ được thi công trở lại gồm: Xây dựng mới cầu Bưng, cầu Hang Ngoài, cầu Kênh B nhánh 2 (huyện Bình Chánh); nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương); sửa chữa và nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9); xây dựng tuyến đường gom thuộc đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Đối với các DAGT đường thủy, Ban giao thông sẽ cho thi công trở lại các dự án cấp bách như chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 (sông Sài Gòn, khu vực khách sạn Sài Gòn Domaine); chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3 (Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa); xây dựng kè chống sạt lở sông Sài Gòn, bờ trái, hạ lưu cách cầu Sài Gòn 500 m.

Sẽ thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử mới từ 1/11

Báo Tuổi Trẻ cũng đưa tin, theo thông tư số 78 vừa được ban hành, việc quản lý hóa đơn của cơ quan thuế tới đây sẽ chặt chẽ hơn. Hóa đơn điện tử phải được gửi đến Tổng cục Thuế đồng thời với việc gửi cho khách hàng, khác với hiện nay là chỉ gửi đến cho người mua.

Từ 1/11 tới, TPHCM sẽ là 1 trong 6 địa phương đầu tiên cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới này.

Tới đây, cùng với siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng, nhà thuốc cũng phải xuất hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tới đây, cùng với siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng, nhà thuốc cũng phải xuất hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế - Ảnh: DUYÊN PHAN

Để chuẩn bị cho thay đổi lớn này, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Thuế TP báo cáo UBND TP thành lập ban chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại địa phương, do lãnh đạo thành phố làm trưởng ban và thành viên là đại diện lãnh đạo của cục thuế và các sở, ban, ngành có liên quan.

Bên cạnh đó Cục Thuế TP phải rà soát, phân loại người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hóa đơn điện tử theo quy định để thông báo cho họ về thời điểm triển khai thực hiện.

Song song đó là chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công bố đường dây nóng tại Cục Thuế TP và chi cục thuế.

Thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và trong thời gian đầu thực hiện hóa đơn điện tử để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo UBND TP.HCM, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính để tháo gỡ kịp thời.

Nhóm BTV (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục