Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 3/12/2021

09:20 03/12/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 3/12:

Hướng dẫn mới nhất về việc tổ chức học trực tiếp

Báo Pháp luật TP cho hay, theo văn bản của Sở Giáo dục - Đào tạo TP về hướng dẫn tạm thời việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trường có cấp THPT sẽ hoạt động căn cứ theo mức độ dịch của TP, các trường còn lại theo mức độ dịch của TP Thủ Đức hoặc các quận - huyện.

Đối với cơ sở giáo dục tại địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp), các trường tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch. Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần; ưu tiên chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng. Thời lượng dạy học còn lại, các trường được thực hiện trên internet.

Học sinh trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ trong một giờ học trực tiếp. Ảnh: LN
Học sinh trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ trong một giờ học trực tiếp. Ảnh: LN

Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), tổ chức dạy học trực tiếp, đảm bảo quy định phòng dịch. Trường học củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch diễn biến phức tạp.

Cấp học mầm non được đi học nhưng không tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường như tham quan nhà sách, siêu thị, bưu điện, công viên…

Cấp học tiểu học, tất cả học sinh các khối học trực tiếp. Trong đó, khối 1, 2 học 100% thời lượng. Các khối 3, 4, 5 học 50% trực tiếp, còn lại học trực tuyến.

Bậc học THCS, THPT, kể cả các cơ sở giáo dục thường xuyên xây dựng thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần, ưu tiên cho chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng học sinh. Thời lượng còn lại trong kế hoạch giáo dục, trường học thực hiện dạy học trên internet. Riêng học sinh lớp 6, 9, 12, trường có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.

Trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ hoạt động tối đa 50% số lượng học viên tại một thời điểm, phối hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp đảm bảo chất lượng dạy và học.

Đối với trường học ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ vào điều kiện thực tế, ưu tiên dạy học trực tiếp lớp 1, 2, 6, 9, 12.

Đối với địa bàn ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.

Sau hai tuần thí điểm đi học lại, TP sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Sở GDĐT và Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND TP quyết định việc tiếp tục mở rộng cho học sinh đến trường.

Học sinh chưa tiêm vắc xin cũng phải được đảm bảo an toàn trở lại trường

Quyết định của UBND TPHCM về việc thí điểm cho học sinh lớp 1, 9, 12 đi học trực tiếp từ ngày 13/12 đã tạo ra nhiều ý kiến về việc cho học sinh lớp 1 đến trường.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hầu hết học sinh lớp 1 đều tỏ ra vui mừng khi nghe tin được đi học vì từ đầu năm học tới giờ, các bé chưa một lần được đến trường tiểu học. Tuy nhiên, một số phụ huynh băn khoăn về ý thức phòng chống dịch COVID-19 của trẻ 6 tuổi: "Các bé còn nhỏ nên ý thức phòng chống dịch không được như học sinh lớp 9 và 12. Đã vậy các bé cũng chưa được tiêm vắc xin nên tôi thấy không yên tâm khi cho con đi học trực tiếp” - một phụ huynh ở TP Thủ Đức bày tỏ.

Học sinh lớp 1 ở TP.HCM học trực tuyến - Ảnh: GIA HUY
Học sinh lớp 1 ở TP.HCM học trực tuyến - Ảnh: GIA HUY

Giải thích về vấn đề trên, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP - cho biết: "Việc thí điểm cho học sinh đi học trực tiếp là thí điểm sự thích ứng an toàn của các cơ sở giáo dục đối với tình hình mới. Do vậy chúng tôi lựa chọn thí điểm dựa trên mức độ ưu tiên, cần thiết đối với các khối lớp. Học sinh buộc phải học trực tuyến trong điều kiện bắt buộc vì dịch bệnh, nhưng với lớp 1 - lứa tuổi còn cần giáo viên 'cầm tay chỉ việc' thì việc các em đến trường học trực tiếp với giáo viên là tốt nhất".

Về những lo lắng của phụ huynh khi học sinh lớp 1 chưa được tiêm vắc xin, theo ông Dương Trí Dũng, "Về vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh khi các em đi học lại, Sở Y tế TP. sẽ có hướng dẫn thêm. Vắc xin chỉ là một trong các điều kiện đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục phải được tập huấn, trang bị rất nhiều vấn đề khác trong phòng chống dịch chứ không chỉ vắc xin. Những học sinh chưa tiêm vắc xin thì vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho các em trở lại trường".

Tăng cường giám sát, phát hiện các biến chủng SARS-CoV-2

Báo SGGP đưa tin, ngày 2/12, Sở Y tế TP tiếp tục phân công Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tiếp tục giám sát và giải mã nhanh các biến chủng lưu hành tại TPHCM. Đặc biệt, kịp thời phát hiện sự xuất hiện của các biến chủng quan ngại như biến chủng Omicron từ các ca bệnh trên địa bàn.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP, việc giám sát phát hiện các biến chủng SARS-CoV-2 hiện nay là công cụ quan trọng không thể thiếu trong công cuộc chống đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 3/12/2021 - Ảnh 1

Tính từ tháng 5 đến tháng 11/2021, có 408 bộ gene của SARS-CoV-2 đã được giải mã từ 22 quận - huyện và TP Thủ Đức. Các phân tích về di truyền cho thấy biến chủng gây dịch thuộc biến chủng Delta được phát hiện từ các ca bệnh liên quan chung cư Sunview và chùm ca bệnh của Điểm sinh hoạt truyền giáo Phục Hưng hồi tháng 5/2021. Cho đến nay, kết quả giải mã các chủng virus tại TPHCM chưa ghi nhận sự hiện diện của biến chủng Omicron.

Kết nối cung cầu giữa TPHCM với 45 tỉnh, thành phố

Theo Vietnamplus, ngày 2/12, hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố năm 2021 đã khai mạc tại TPHCM với sự tham gia của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là lần thứ 10, hội nghị được tổ chức, hướng đến mục tiêu tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong cả nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, hoạt động kết nối cung cầu của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã và đang đóng góp tương đối tích cực vào doanh thu thị trường nội địa. Trong thời gian tới, TPHCM và các tỉnh, thành phố cần nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Hợp tác thương mại, nhất là những chương trình như: bình ổn thị trường; kết nối cung cầu hàng hóa tại địa phương... Thông qua đó, ngành công thương các địa phương hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu; định hướng mở rộng tiêu thụ hàng hóa qua kênh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, gia dụng (sản phẩm may mặc, nhựa...), sản phẩm OCOP.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ở góc độ địa phương, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM cũng cho biết, hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố là một sáng kiến quan trọng trong việc giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.

"Tiếp nối thành công đạt được trong các năm qua, hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố năm 2021 tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường trong nước. Đồng thời, kỳ vọng sẽ đề ra giải pháp đổi mới, tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bền vững hướng đến xuất khẩu thích ứng giai đoạn mới và định hướng chuyển đổi số của TPHCM," bà Phan Thị Thắng chia sẻ thêm.

TPHCM lọt top 10 thành phố tốt nhất cho người nước ngoài

Theo cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 12.000 người từ InterNations (cộng đồng có hơn 4 triệu thành viên toàn cầu, những người sống và làm việc ở nước ngoài lớn nhất thế giới) được công bố ngày 1/12, TPHCM xếp thứ 6 trong số 10 thành phố tốt nhất dành cho họ. Nội dung đăng tải trên báo Người Lao Động.

Xếp thứ nhất là thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, sau đó là Málaga - một TP cảng ở Tây Ban Nha và thứ ba là Dubai - thủ đô của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tiếp theo là các thành phố: Sydney – Úc, Singapore, TP HCM, Prague – CH Czech, Mexico City – Mexico, Basel – Thụy Sĩ, Madrid – Tây Ban Nha.

TP HCM đứng thứ 6 trong số 10 thành phố tốt nhất dành cho người nước ngoài. Ảnh: Shutterstock
TP HCM đứng thứ 6 trong số 10 thành phố tốt nhất dành cho người nước ngoài. Ảnh: Shutterstock

Kết quả khảo sát được thực hiện từ tháng 1/2021. Người tham gia đánh giá mức độ hài lòng của họ ở 4 hạng mục chính, gồm: chất lượng cuộc sống (như môi trường lành mạnh, tốc độ WiFi), mức độ dễ hòa nhập (như rào cản ngôn ngữ, sự thân thiện của dân địa phương), tài chính cá nhân (như chi phí chăm sóc y tế) và làm việc ở nước ngoài (như sự ổn định trong công việc và kinh tế địa phương).

Đối với TPHCM, các tiêu chí đều có hơn 50% người tham gia hài lòng. Cụ thể, 89% yêu thích cuộc sống nói chung, 84% hài lòng với chi phí sinh hoạt, 77% cho rằng việc kết bạn rất dễ dàng và 88% yêu công việc của họ.

Bệnh viện phải sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm COVID-19

Thông tin từ báo Pháp Luật TP, Sở Y tế TP vừa ban hành văn bản, yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc tái cấu trúc chức năng bệnh viện, sẵn sàng thu dung, tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 thích ứng với tình hình mới.

Cụ thể, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bênh cạnh điều trị bệnh lý thông thường, các bệnh viện cần củng cố và chuyển đổi khu cách ly thành đơn vị COVID-19 để sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19 (đảm bảo giường bệnh có oxy, thuốc, trang thiết bị y tế...).

Khu vực sàng lọc trẻ nghi nhiễm COVID-19 ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: HL
Khu vực sàng lọc trẻ nghi nhiễm COVID-19 ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: HL

Mỗi đơn vị phải có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả bệnh viện (chưa bao gồm số giường của khoa/đơn vị hồi sức COVID-19). Các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và bệnh viện đa khoa hạng 1 phải hình thành đơn vị Hồi sức COVID-19 để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh nặng, nguy kịch khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện hoặc do tuyến dưới chuyển đến.

Việc tiếp nhận người bệnh đã qua giai đoạn mắc COVID-19 nhưng cần được chăm sóc và điều trị các bệnh nền hoặc phục hồi chức năng sau mặc COVID-19 là trách nhiệm của các bệnh viện, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện tăng cường phối hợp và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh khi nhận được yêu cầu chuyển viện của các bệnh viện điều trị COVID-19.

Ngành nước đã đưa vào sử dụng xe ứng phó sự cố khẩn cấp

Cũng trên báo Pháp luật TP, để phục vụ công tác ứng phó với các sự cố trên mạng lưới một cách nhanh nhất, đảm bảo an toàn cấp nước cho người dân, cũng như an toàn cho công nhân khi thực hiện các công tác ngoài hiện trường, Công ty CP Cấp nước Thủ Đức, thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết. Trong đó, xe ứng phó sự cố giúp ứng phó nhanh chóng đối với các sự cố và rút ngắn 50% thời gian sửa chữa trên mạng lưới cấp nước và từng bước sử dụng cơ giới hóa thay sức lao động của con người.

Hiện Công ty này đã có hai phiên bản xe ứng phó sự cố khẩn cấp đang hoạt động. So với phiên bản 1 (đưa vào hoạt động tháng 2/2020), phiên bản 2 (nghiên cứu và đưa vào hoạt động từ tháng 11/2020) đã có những cải tiến đáng kể.

Công tác thi công thay thế đồng hồ cơ D100mm bằng đồng hồ điện tử. Ảnh: KIM CHI
Công tác thi công thay thế đồng hồ cơ D100mm bằng đồng hồ điện tử. Ảnh: KIM CHI

Sau một thời gian triển khai, đưa các xe ứng phó sự cố khẩn cấp vào hoạt động thực tiễn tại hiện trường, công ty đã ghi nhận một số kết quả đạt được. Trong đó, công ty đã hỗ trợ sửa chữa khẩn cấp các điểm bể ống nhánh khách hàng hàng ngày; Hỗ trợ công tác thay đồng hồ nước khách hàng hàng ngày.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng hỗ trợ sửa chữa khẩn cấp các sự cố trên hệ thống ống truyền tải của mạng cấp 3; Hỗ trợ thi công lắp đặt hầm đồng hồ tổng tiểu vùng DMA; hỗ trợ thi công thay đồng hồ nước khách hàng cỡ lớn từ D100mm đến D200mm.

Trên xe được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết giúp công việc được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng, đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời, công nhân sửa chữa không còn tốn nhiều sức lực khi sửa chữa như trước kia.

Tổ chức thi tuyển phương án thiết kế nút giao An Phú 3.900 tỉ đồng

Báo Tuổi Trẻ cho biết, Sở Quy hoạch và kiến trúc vừa có tờ trình gửi UBND TP về phê duyệt phương án thi tuyển thiết kế kiến trúc nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức). Đối tượng tham dự thi tuyển là các công ty, tổ chức hoặc liên danh hành nghề thiết kế quy hoạch, kiến trúc tư vấn có uy tín, năng lực trong và ngoài nước.

Mục tiêu tổ chức thi tuyển nhằm tìm ra ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình tối ưu, độc đáo, có khả thi. Công trình sẽ là điểm nhấn ấn tượng cho cảnh quan khu vực cửa ngõ TP.HCM.

Phối cảnh nút giao An Phú có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỉ đồng - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM
Phối cảnh nút giao An Phú có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỉ đồng - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Nút giao An Phú đã được HĐND TP thông qua vào tháng 4/2021 có tổng mức đầu tư 3.926 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó ngân sách trung ương 1.800 tỉ đồng và ngân sách TP 2.126 tỉ đồng. Nút giao này có 3 tầng gồm hầm chui hai chiều nối đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; mặt đất sẽ xây các tiểu đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông, trên cao sẽ xây hai cầu vượt.

Công trình sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông đường vào cảng Cát Lái và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng quy mô gần 4 tỉ USD

Thông tin trên báo Lao Động, ngày 5/11, Phòng An ninh mạng phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP) và công an quận - huyện triệt phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng có số lượng số tiền giao dịch khoảng 3,8 tỉ USD, tương đương 87.612 tỉ đồng (chỉ tính tiền con bạc tham gia, chưa tính tiền đối ứng của nhà cái). Đây là đường dây đánh bạc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Công an TP triệt phá.

Theo đó, Công an TP tiến hành bắt, khám xét, tạm giữ tổng cộng 59 đối tượng (trong đó 13 đối tượng trọng điểm, 16 con bạc, 30 đối tượng liên quan); lập biên bản thu giữ tang vật ước tính giá trị khoảng 20.940.000.000 đồng.

Trước đó, ngày 1/12, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng An ninh mạng) phối hợp các đơn vị liên quan đã bắt được đối tượng Huỳnh Long Bạch và Nguyễn Đắc Quý đang lẩn trốn tại quận 7, là 2 đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức đánh bạc nêu trên.

Các đối tượng trong đường dây đánh bạc. Ảnh: CACC
Các đối tượng trong đường dây đánh bạc. Ảnh: CACC

Về phương thức hoạt động, các đối tượng thay đổi thủ đoạn đặt cược thông qua việc sử dụng tiền Việt để mua các loại tiền điện tử (Etherum, USDT, TRON..); liên kết với các sàn tài chính để quy đổi, nạp/rút tiền; hình thành nhiều đường dây, phân cấp nhiều tầng, nhiều đại lý, tổ chức đánh bạc chặt chẽ với quy mô lớn, phát triển ở khắp các tỉnh/thành trong cả nước.

Để tham gia đánh bạc, con bạc cần đăng ký ví tiền ảo trên sàn Remitano (ở nước ngoài), sau đó dùng tiền trong tài khoản ngân hàng để mua tiền ảo Ethereum hoặc USDT. Tiền ảo này sẽ được dùng để đặt cược đánh bạc trên trang web.

Con bạc sẽ tạo tài khoản trên trang web game đánh bạc và liên kết với các tài khoản tiền ảo; khi chơi thì thực hiện theo hướng dẫn của người đọc lệnh quỹ bảo hiểm, nếu thua sẽ được quỹ bảo hiểm hoàn trả…

Để thu hút người chơi, các đối tượng đã thường xuyên sử dụng mạng xã hội nhằm quảng bá, mời gọi mọi người tham gia dưới dạng đầu tư tài chính lợi nhuận cao, đưa ra các gói bảo hiểm hứa hẹn sẽ được hoàn tiền nếu chơi thua để thu hút người tham gia. Khi số lượng người chơi tham gia nhiều, chúng sẽ cho đánh sập trang web để chiếm đoạt tiền trong tài khoản tiền ảo và tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục