Tiếp nhận gần 500 tỉ đồng ủng hộ đồng bào bị thiên tai và phòng chống Covid-19
Theo báo Người Lao Động, thông tin tại hội nghị lần thứ 5 khóa XI, nhiệm kỳ 2019- 2024 của Ủy ban MTTQVN TP cho hay, đến nay Ủy ban MTTQ TP đã tiếp nhận gần 500 tỉ đồng ủng hộ phòng, chống Covid-19 và đồng bào bị thiên tai, bão, lũ ở các tỉnh miền Trung.
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Tô Thị Bích Châu nhìn nhận, năm 2020 liên tiếp xảy ra dịch bệnh Covid-19, thiên tai bão lũ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội, đời sống của người dân.
Song với tinh thần tương thân, tương ái, người dân TP đã sẵn sàng tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ Cứu trợ thiên tai. Việc làm này thể hiện được tinh thần đoàn kết dân tộc, nhất là khi có biến cố xảy ra. Qua đó, đánh giá được lòng tin của người dân đối với Đảng và chính quyền, sự đồng thuận chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước thông qua sự hiệu triệu của MTTQ Việt Nam.
2021 sẽ có tàu cao tốc TPHCM - Côn Đảo
Trao đổi với báo Pháp Luật TP, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết trong năm 2021, Sở GTVT sẽ triển khai và hoàn thành tuyến tàu cao tốc TPHCM - Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Phó Giám đốc Sở GTVT chia sẻ, người dân TPHCM muốn tham quan huyện Côn Đảo chủ yếu đi bằng đường hàng không với thời gian bay khoảng 60 phút, thời gian làm thủ tục tại sân bay cũng hết khoảng 60 phút. Tuy nhiên, việc mua vé máy bay khó khăn do số chuyến bay ít (máy bay nhỏ, khoảng 70 khách/chuyến), chi phí vé máy bay cao nên không đáp ứng nhu cầu của người dân.
Vì vậy, việc mở tuyến vận tải bằng tàu biển từ TPHCM đi Côn Đảo là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh cũng như nghỉ dưỡng của người dân TP.
Trong năm 2021, Sở GTVT TP sẽ phối hợp với Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND huyện Côn Đảo sắp xếp vị trí cầu bến cho các tàu biển từ TPHCM cập bến Côn Đảo. Đồng thời, các sở, ngành địa phương sẽ hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục về mở tuyến, cấp phép hoạt động để sớm triển khai, khai thác tuyến vận tải hành khách, du lịch này.
Thời gian hành trình từ bến Bạch Đằng đi Côn Đảo dự kiến 5-6 giờ, giá vé bình quân 900.000 đồng/lượt.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng việc xây dựng thêm tuyến TP.HCM - Côn Đảo thực chất là sự tiếp nối rất tốt giữa TPHCM với tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo nên việc xây dựng tuyến này hoàn toàn hợp lý. Từ đó người dân có thêm sự lựa chọn khác, đồng thời tuyến tàu cao tốc này sẽ chia sẻ áp lực giao thông với đường bộ khi các tuyến kết nối đều bị rơi vào tình trạng quá tải.
Ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (GreenlinesDP), chủ đầu tư tuyến Sài Gòn - Côn Đảo, cho hay đơn vị đang nỗ lực hoàn thiện các bước thủ tục để sớm đưa tuyến tàu cao tốc TPHCM - Côn Đảo đi vào hoạt động. Nếu điều kiện thuận lợi thì trong tháng 5/2021 tuyến tàu cao tốc TPHCM - Côn Đảo sẽ bắt đầu vận hành.
Có thêm trung tâm tiêm chủng “5 sao"
Báo Lao Động đưa tin, ngày 07/1, Trung tâm Tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn (VNVC) Bình Thạnh (tọa lạc tại L1-07-08, tầng 01, khối A&C, tòa nhà Richmond City, số 207C Nguyễn Xí, P.26, Q.Bình Thạnh) chính thức đi vào hoạt động, nâng tổng số trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước lên 45 cơ sở.
Với diện tích gần 1.000m2, hơn 30 phòng khám và tiêm, trang thiết bị hiện đại, dịch vụ tiêm chủng cao cấp cùng kho vắc xin “khổng lồ”,VNVC Bình Thạnh có khả năng phục vụ hàng ngàn lượt khách mỗi ngày . Tại đây có nhiều loại vắc xin dành cho mọi độ tuổi như vắc xin phòng bệnh cúm, thủy đậu, sởi – quai bị - rubella…, đến các loại vắc xin thường xuyên khan hiếm như: Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim, 6 trong 1 Infanrix Hexa, Hexaxim, vắc xin Imojev phòng viêm não Nhật Bản, vắc xin Prevenar 13 phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, vắc xin Boostrix phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván…
Ông Đỗ Trung Khiêm, Giám đốc Trung tâm VNVC Bình Thạnh cho biết: “VNVC Bình Thạnh đi vào hoạt động có ý nghĩa vô cùng to lớn khi TPHCM có thêm một đơn vị tham gia vào công tác y tế dự phòng, mang đến cho người dân cơ hội được tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đa dạng về chủng loại các vắc xin bên ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng với giá thành hợp lý”.
Phát động giải thưởng sáng tạo TPHCM lần 2/2021
Một thông tin khác trên báo SGGP, UBND TP vừa ban hành kế hoạch tổ chức Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần 2/2021.
Giải thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm sáng tạo đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP; khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân TP tham gia hưởng ứng các hoạt động sáng tạo nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh.
Giải thưởng được xét trao tặng cho công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm theo các nhóm lĩnh vực: phát triển kinh tế, quốc phòng, quản lý nhà nước, truyền thông, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp sáng tạo.
Giải nhất trị giá 200 triệu đồng; giải nhì 150 triệu đồng; giải ba 80 triệu đồng. Thời gian nhận hồ sơ tham gia đến hết ngày 28/2, tổ chức trao giải thưởng dự kiến ngày 19/5.
Triệt phá đường dây lô đề lớn, bắt giữ hai đối tượng cầm đầu
Vietnamplus cho hay, Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an mới đây đã bắt giữ hai đối tượng cầm đầu là Nguyễn Nhật Lâm (SN 1983, ngụ quận Bình Thạnh), Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1988, em trai Lâm) cùng 10 đồng phạm để điều tra về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Trước đó vào ngày 6/1, hàng chục cán bộ chiến sỹ của Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã bất ngờ ập vào hai địa điểm tại quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức, bắt quả tang các đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Khám xét khẩn cấp, Công an thu giữ hơn 1 tỷ đồng tiền mặt và nhiều thiết bị, tài liệu liên quan đến việc ghi lô đề.
Theo Cơ quan điều tra, đây là đường dây do hai anh em Nguyễn Nhật Lâm, Nguyễn Ngọc Sơn cầm đầu, đứng ra tổ chức tại TPHCM từ đầu năm 2020. Tính đến khi bị bắt, tổng số tiền sử dụng để đánh bạc khoảng 300 tỷ đồng. Các đối tượng cấu kết chặt chẽ với nhau, có phân công vai trò, nhiệm vụ cụ thể cho từng người.
Hàng ngày từ khoảng 13 giờ, các đối tượng giúp sức cho Lâm, Sơn trực tiếp nhận phơi của các đại lý cấp dưới, con bạc qua tin nhắn điện thoại, Viber... rồi nhập vào phần mềm tính toán tiền thắng, thua.
Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.
Phố hàng rong - Không chỉ tạo sinh kế cho người nghèo
Một số quận huyện tại TP đã triển khai mô hình phố hàng rong trên các tuyến đường. Mô hình này vừa giúp người nghèo, buôn gánh, bán bưng ổn định cuộc sống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa góp phần lập lại trật tự, mỹ quan đô thị.
Ghi nhận của báo SGGP, phố hàng rong trong Công viên Bách Tùng Diệp có khoảng 15 hộ kinh doanh, được chính quyền địa phương trang bị sẵn bàn ghế gỗ cho khách ngồi, bạt che, xe bán hàng, điện, nước mà người dân không phải trả phí (trừ tiền điện, nước).
Các chủ kinh doanh cho biết, từ ngày chính quyền địa phương mở tuyến phố hàng rong thì người dân buôn bán ổn định và tốt hơn so với chỗ kinh doanh trước đây.
Cách đó không xa, phố hàng rong trên tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm được bố trí cho khoảng 20 hộ buôn bán chia thành 2 ca (sáng từ 6 giờ - 10 giờ và chiều từ 10 giờ - 15 giờ). Hầu hết các hộ đều kinh doanh ẩm thực vỉa hè, nước giải khát và luôn tấp nập khách.
Còn tại điểm bán hàng rong trên vỉa hè đường Lê Bình (góc giao với đường Út Tịch), từ năm 2018 đến nay, UBND phường 4, Q.Tân Bình đã xây dựng mô hình kẻ vạch sơn, làm mái che để bố trí cho người dân có chỗ buôn bán trên vỉa hè giúp họ ổn định cuộc sống, tạo mỹ quan đô thị. Các trường hợp được bố trí buôn bán tại đây là những người buôn gánh, bán bưng và người buôn bán đã từng bị xử lý vì lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Sau khi vào bán ở đây, họ được địa phương cho đi học lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo UBND phường Bến Nghé, Q.1, sau 3 năm triển khai, nhìn chung các hộ kinh doanh tại phố hàng rong ở đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp đều có doanh thu, cải thiện đời sống; góp phần mang lại hiệu quả giảm nghèo của phường. Trong số 46 hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia mô hình có 8 hộ nghèo, 36 hộ cận nghèo đã thực sự thoát nghèo.
Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, mô hình này còn giúp chính quyền địa phương có thể kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, thu hút khách đến tham quan và ăn uống, giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị.
Với những hiệu quả ấy, một số ý kiến cho rằng, việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn TPHCM là cần thiết để đảm bảo an sinh cho người dân, đảm bảo trật tự lòng lề đường. Tuy nhiên, muốn nhân rộng thì cần phải có quy hoạch bài bản.
Ông Nguyễn Như Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình phân tích: “Để làm được mô hình phố hàng rong cần có quỹ đất phù hợp để bố trí cho họ vào buôn bán và những vị trí này phải là nơi tập trung đông người qua lại. Vấn đề quan trọng nữa là khi bố trí người vào buôn bán ở các khu vực này phải tính toán và vận động để các hộ kinh doanh tránh buôn bán cùng 1 mặt hàng, gây khó khăn khi cạnh tranh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ buôn bán tham gia tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Phát hiện 57 bến thủy nội địa hoạt động không phép
Thanh tra Sở GTVT TP phát hiện 57 bến thủy nội địa hoạt động không phép trong quý IV/2020 và đã đề nghị công an xử lý các sai phạm này. Nội dung đăng tải trên Zingnews.
Trong đó, TP Thủ Đức là nơi có nhiều điểm sai phạm nhất với 15 bến, sau đó là huyện Bình Chánh với 13 bến.
Những bến vi phạm còn lại nằm ở quận 7 (2 bến), quận 8 (4 bến), quận 12 (2 bến), huyện Hóc Môn (8 bến), huyện Củ Chi (4 bến), huyện Nhà Bè (4 bến) và huyện Cần Giờ (5 bến).
Căn cứ vào kết quả thanh tra này, Sở GTVT đề nghị Công an TP.HCM có biện pháp xử lý triệt để các hành vi vi phạm ở 57 bến thủy nội địa hoạt động không phép.
Lãnh đạo các địa phương và Trưởng công an cấp huyện, xã có trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính đối với 57 bến này theo Điều 34, 35 Nghị định 132 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Các đơn vị kể trên phải báo cáo kết quả thực hiện cho Sở Giao thông Vận tải trước ngày 22/1 để tổng hợp, báo cáo UBND TP.
Sở GTVT TP cũng vừa có thông báo về việc hạn chế phương tiện giao thông đường thủy lưu thông qua sông Sài Gòn khu vực phường 27, phường 28 (quận Bình Thạnh) từ ngày 6/1/2021. Khu vực bị hạn chế lưu thông nằm cách ngã ba sông Sài Gòn - kênh Thanh Đa 3.000 m về phía hạ lưu.
Đây là khu vực đang thi công công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - Đoàn 3 (Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa). Thời gian thi công dự kiến là 360 ngày.
Tiêu hủy hàng trăm vũ khí thô sơ
Theo Zingnews, ngày 7/1, Công an quận Tân Bình tổ chức tiêu hủy hàng trăm vũ khí thô sơ. Đây là số vũ khí do cơ quan chức năng thu giữ và vận động nhân dân bàn giao trong năm 2020.
Thượng tá Nguyễn Thành Lợi, Trưởng công an quận Tân Bình, cho biết trong thời gian thực hiện cao điểm từ ngày 14/3 đến ngày 31/12/2020, Công an quận đã tuyên truyền, vận động người dân giao nộp 186 vũ khí thô sơ, 13 công cụ hỗ trợ, một súng quân dụng, một súng hơi; 4 súng rulo; 2 súng bắn đạn bi, 825 viên đạn các loại cùng 3 viên pháo nổ.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra xử lý, Công an quận cũng thu giữ 885 cây đao, mã tấu; 395 dùi cui, roi điện; 8 khẩu súng bắn đạn bi; 2 khẩu súng săn; một súng tự chế dạng bút; 7 khẩu rulo; 2 khẩu súng thể thao cùng 601 viên đạn các loại.
Trong số này, các vũ khí thô sơ sẽ được tiêu hủy bằng hình thức dùng cưa sắt. Các loại súng sẽ được chuyển giao cho Công an TP để tiêu hủy theo quy định.
Thi văn hay, chữ tốt dựa trên trải nghiệm du ngoạn sông Sài Gòn
Đó là đề thi của 162 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 ở TPHCM khi tham gia Hội thi Văn hay - Chữ tốt do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 7/1. Thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
Trải nghiệm du ngoạn sông Sài Gòn là hoạt động đầu tiên của hội thi: thí sinh ngắm nhìn TP nơi mình đang sống trong buổi bình minh từ trên tàu. Sau đó, học sinh được đưa về Bến Bạch Đằng (Q.1) để tham gia hoạt động sáng tạo với 2 phần thi:
Ở phần 1, mỗi thí sinh được phát một tấm thiệp và một số bút để viết và trang trí cho tấm thiệp với yêu cầu: "Ngắm nhìn TP từ một góc khác...
Có bạn nghĩ đến "Hi vọng" - hi vọng TP chuyển mình với bao đổi thay, sánh vai cùng các TP lớn khác trên thế giới.
Có bạn cảm thấy "Mến thương" - mến thương TP yêu dấu, nơi em lớn lên từng ngày với bao kỷ niệm ngọt ngào, êm đềm.
Còn em, nếu được chọn một từ để nói về suy nghĩ, cảm xúc của em về TP thì em sẽ chọn từ gì? Hãy viết thật đẹp từ em đã chọn vào tấm thiệp. Và lý giải ngắn gọn vì sao em chọn từ đó (viết trên tấm thiệp, trong khoảng 50 chữ)".
Trong phần 2, thí sinh làm bài thi trên giấy.
Đề dành cho học sinh khối 6-7: "Ngắm nhìn TP thật quen từ một góc thật lạ... Em đã có rất nhiều cảm xúc phải không? Từ những cảm xúc ấy, em hãy sáng tác một bài thơ/kể một câu chuyện hoặc viết một bài văn biểu cảm về cuộc dạo chơi ngắm nhìn TP sáng nay với nhan đề "Hành trình trải nghiệm - Hành trình cảm xúc".
Đề dành cho học sinh khối 8-9: "Ngắm nhìn TP thật quen từ một góc thật lạ... Em đã có rất nhiều cảm xúc phải không? Từ những cảm xúc, suy nghĩ ấy, em hãy viết bài văn với nhan đề "Một góc nhìn khác về thành phố tôi yêu".
Cuộc thi Văn hay - Chữ tốt được Sở Giáo dục và Đào tạo TP tổ chức thường niên. Trải qua 21 năm, Ban tổ chức cuộc thi nỗ lực đổi mới để tạo một sân chơi ý nghĩa, thiết thực cho học sinh yêu thích nghệ thuật viết chữ và sáng tạo văn chương. Hội thi nhằm kết nối môn Ngữ văn trong nhà trường với cuộc sống muôn màu, kết nối trang sách với cuộc đời, đồng thời tác động tích cực đến việc dạy học văn trong nhà trường phổ thông.
Vân Anh - Huyền Mai (tổng hợp)