Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 09/12/2019

11:04 09/12/2019

Ngày 09/12/2019, trên các Báo đăng tải nhiều thông tin liên quan đến TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Báo chí TP tổng hợp và gửi đến Độc giả một số thông tin đáng chú ý:

Các vận động viên dự Giải Marathon Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Techcombank lần thứ 3 năm 2019. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Các vận động viên dự Giải Marathon Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Techcombank lần thứ 3 năm 2019. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

HĐND TP. Hồ Chí Minh “nóng” với kẹt xe, ô nhiễm môi trường…

Chiều 7/12, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa IX, các đại biểu (ĐB), bày tỏ quan tâm nhiều vấn đề “nóng”: nơi bảo vệ trẻ em lại xâm hại trẻ em; số người đi xe buýt giảm; ô nhiễm môi trường tăng…

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung thông tin, hiện nay người dân thành phố rất quan tâm đến dịch bệnh khi 2 năm liên tiếp bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Trong khi đó, các giải pháp của UBND TP. Hồ Chí Minh là chưa căn cơ. “Có phải do ô nhiễm môi trường gây ra và công tác phòng, chống dịch bệnh trong khu dân cư chưa tốt”.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP nhìn nhận, tình trạng sốt xuất huyết năm 2019 tăng so với năm trước (tăng 80%) khiến 9 trường hợp tử vong, trong đó có 2 trẻ em. Nhưng không chỉ mỗi TP. Hồ Chí Minh tăng mà các nước trong khu vực cũng tăng, là tăng theo chu kỳ. Tương tự, bệnh tay chân miệng giảm nhưng đây vẫn là nỗi lo của ngành y tế vì chưa khống chế được. Về giải pháp, Sở Y tế đã phối hợp với các sở ban ngành thực hiện các giải pháp phòng chống nhưng quan trọng hơn là mỗi người dân cần có ý thức. Trong khu vực, mọi người làm tốt, chỉ một trường hợp không tốt là dịch bệnh bùng lên. Trong vấn đề này, việc xử phạt là rất khó và rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương để vận động, tuyên truyền người dân.

Đặc biệt, ĐB Nhung bày tỏ bức xúc trước vụ việc nhân viên quản lý hồ sơ tại Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP. Hồ Chí Minh có hành vi dâm ô đối với nhiều trẻ em. “Tình trạng xâm phạm trẻ em, đáng tiếc nhất là xảy ra ngay tại trung tâm bảo hỗ trợ xã hội, thuộc quản lý Nhà nước”, ĐB Nhung nhận xét. Thông qua các vụ việc này, ĐB Nhung đề nghị cần xem xét toàn diện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng tạo các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội này.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng, nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều đề án, chương trình bảo vệ quyền lợi của trẻ em (cùng quyền phụ nữ, bình đẳng giới). Ông Lê Minh Tấn khẳng định, hơn 1.870 cán bộ, công chức, viên chức ở 17 cơ sở, trung tâm này đều có tấm lòng thương yêu, chăm sóc chu đáo, trách nhiệm đối với các em. “Hầu hết họ là tốt nhưng trong số đó có một số người không tốt. Những vụ việc vừa xảy ra là ngoài ý muốn. Vụ án đang được Công an quận Bình Thạnh làm rõ. Sở LĐ-TB&XH cũng tổ chức kiểm điểm một phó giám đốc, các trưởng phòng, các chuyên viên đến lãnh đạo các trung tâm. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH tổng rà soát tất cả các trung tâm, yêu cầu chấn chỉnh các hoạt động. Với quyết tâm chấn chỉnh chăm lo tốt nhất và hạn chế thấp nhất, không để xảy ra các trường hợp tương tự".

Về vấn đề “Người dân chê xe buýt”, ĐB Nguyễn Trọng Trí băn khoăn về con số vận tải hành khách công cộng ngày một giảm. ĐB Trí đề nghị cần nghiên cứu những giải pháp trợ giá mới, thu hút người dân đi xe buýt nhiều hơn thay cho cách trợ giá như hiện nay.

Đại biểu HĐND TPHCM phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại biểu HĐND TPHCM phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Tuyết Nhung đề nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh có các giải pháp đảm bảo đến cuối năm 2020, tỷ lệ người dân TP. Hồ Chí Minh sử dụng xe buýt đạt theo yêu cầu. Phân trần về tình trạng người đi xe buýt giảm, người đứng đầu ngành GTVT thành phố nhìn nhận, do thời gian đi xe buýt từ trung tâm ra ngoại thành kéo dài cả tiếng đồng hồ; đi các tuyến trong khu vực nội ô cũng mất từ 30-45 phút. Đó là chưa kể thời gian chờ đợi.

Về giải pháp, Giám đốc Sở GTVT cho biết, Sở đang tham mưu xây dựng đề án tăng cường phương tiện giao thông công cộng, han chế xe cá nhân và trước khi metro vận hành, xe buýt phải đảm bảo một phần nhu cầu của người dân.

Trước tình trạng sương mù xuất hiện nhiều ở TP. Hồ Chí Minh, ĐB Nguyễn Mạnh Trí đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có thông tin chính thống về tình hình ô nhiễm ở TP. Hồ Chí Minh, vì nhiều người nói theo một cách rất chủ quan là TP. Hồ Chí Minh là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới (!?) Về việc này, đại diện Sở TN&MT cho biết, Sở vẫn tiến hành quan trắc ở những địa điểm như các nút giao thông, vào thời gian cao điểm. Kết quả ô nhiễm nhất phải kể đến khu vực vòng xoay Mỹ Thủy, với hơn 90% kết quả quan trắc vượt quy chuẩn về tiếng ồn, hơn 50% vượt quy chuẩn về bụi.

Hiện nay TP đang vận hành thử nghiệm hai trạm quan trắc phía Đông ở quận 9 và phía tây ở quận Bình Tân, nhờ đó sẽ có thể quan trắc tự động và công bố kết quả liên tục trong 24/24. Ngoài việc công bố trên website và 48 bảng điện tử, sở sẽ xây dựng app trên điện thoại để việc cung cấp thông tin đến người dân được liên tục, kịp thời.

Cũng liên quan đến môi trường, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết nhận xét, việc vận động người dân không xả rác; việc giám sát, xử phạt chưa được thực hiện nghiêm nên tình trạng xả rác ra nơi công cộng vẫn diễn ra nhiều.

TP. Hồ Chí Minh đang chuyển sang đốt rác phát điện, ĐB Nguyễn Minh Nhựt lo lắng, khí thải của việc đốt rác, nếu xử lý không khéo thì có khả năng gây các bệnh ung thư và khí độc phát tán rộng. ĐB Nguyễn Minh Nhựt đề nghị TP phải kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công xây dựng và vận hành, đảm bảo đúng chuẩn, không gây ô nhiễm môi trường.

Trong phần trả lời, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP thừa nhận, sở chưa có giải pháp để cải tiến hiệu quả việc xử phạt người vứt rác ra nơi công cộng. Về việc đốt rác phát điện, bà Mỹ cho hay, TP. Hồ Chí Minh đã chọn công nghệ này là công nghệ chủ lực trong xử lý rác thời gian tới, giúp giảm nươc rỉ rác, giảm mùi hôi so với cách cũ là chôn lấp rác. Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận lo lắng của ĐB là chuẩn xác, bởi nếu không kiểm soát kỹ (nhiệt độ đốt rác không trên 1.100 độ C), thì việc đốt rác có thể phát thải dioxin làm ảnh hưởng rất cao tới môi trường. 

(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).

TP. Hồ Chí Minh đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách giữ lại lên 24-33%

Đó là nội dung bài viết trên báo Lao Động. Theo bài viết, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng phương án đề xuất điều tiết tỉ lệ ngân sách giữ lại cho Thành phố từ mức 18% hiện nay lên 24% giai đoạn 2021-2025 và 33% giai đoạn 2026-2030. Nếu đề xuất sắp tới được Trung ương chấp thuận thì TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm nguồn lực tài chính tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho Thành phố phát triển đột phá hơn, khi đó mức đóng góp cho ngân sách Trung ương hằng năm sẽ càng cao. Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, đồng tiền làm ra mà được đầu tư hiệu quả thì ở đâu cũng tốt, miễn đừng để lãng phí, thất thoát.

TP. Hồ Chí Minh hiện được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, là đầu mối quan trọng trong phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tuy nhiên hạ tầng giao thông trong nhiều năm qua vẫn phát triển ì ạch. Theo quy hoạch giao thông Thành phố đến năm 2020 sẽ có 6 tuyến cao tốc kết nối, 3 tuyến đường vành đai, 8 tuyến metro… Tuy nhiên suốt nhiều năm qua, khu vực TP. Hồ Chí Minh chỉ có 2/6 tuyến cao tốc hoàn thành, chưa có tuyến metro nào đưa vào khai thác, các tuyến vành đai thì gần như giậm chân tại chỗ, nhiều tuyến đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất cũng ì ạch hoặc nằm trên giấy… Một trong những nguyên nhân chính khiến giao thông khu vực TP. Hồ Chí Minh chưa thể đầu tư phát triển đúng với quy hoạch là do nguồn lực tài chính của Thành phố không đủ khả năng để phát triển nhanh hạ tầng giao thông.

Nâng chất lượng cuộc sống của công nhân

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1,5 triệu công nhân. Với mức sinh chỉ còn trên 1,3 con/phụ nữ và xu thế đô thị hóa, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phải hút thêm công nhân ở các nơi tới làm việc. Tuy nhiên, tình trạng công nhân phải ở trong phòng trọ chật chội, thu nhập không cao dù đã tăng ca, thiếu sinh hoạt giải trí… nên thực trạng chất lượng cuộc sống khá thấp. Bức tranh về công nhân TP. Hồ Chí Minh hiện nay cần được nhận diện một cách đầy đủ và có giải pháp toàn diện nâng chất lượng cuộc sống đối với đội ngũ này. 

Cuộc sống công nhân tại phòng trọ quận Thủ Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG 
Cuộc sống công nhân tại phòng trọ quận Thủ Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Bài viết cho rằng, một khái niệm chung về “chất lượng cuộc sống” của người dân đã được hiểu rất khác nhau, huống hồ là chất lượng cuộc sống của công nhân. Vì thế, một vài chính sách hỗ trợ công nhân là không đủ và không thể nâng cao chất lượng toàn diện cuộc sống của họ. Từ đó, bài viết đưa ra bảng đề xuất tiêu chí chất lượng cuộc sống của công nhân TP. Hồ Chí Minh gồm 8 lĩnh vực với 28 chỉ số đo lường.

Ngoài ra, cần thêm 4 tiêu chí phi vật chất: 1- có quan hệ tốt với đồng nghiệp, chủ doanh nghiệp và quản lý; 2- cảm thấy hài lòng với công việc; 3- chia sẻ được với bạn cùng phòng, người cùng nhà lưu trú, môi trường xung quanh; 4- giữ được quan hệ tốt với gia đình.

Việc xây dựng bộ tiêu chí cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, trao đổi nghiêm túc, tránh những áp đặt chủ quan, làm lệch đi bản chất của chất lượng cuộc sống. Từ đó, bố trí nguồn lực hợp lý - có ý nghĩa sống còn, để nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân một cách bền vững.

Thiếu “nhạc trưởng” trong quản lý chung cư  

Liên quan đến lĩnh vực bất động sản, báo điện tử Vietnamnet cho hay, trong thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh  xảy ra một số trường hợp mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư các dự án xây dựng chung cư, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và vấn đề an toàn trật tự nếu không được quản lý chặt chẽ.

Căn hộ tái định cư đã được chuyển sang dự án thương mại New City Thủ Thiêm khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Căn hộ tái định cư đã được chuyển sang dự án thương mại New City Thủ Thiêm khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Thừa nhận việc quản lý nhà chung cư tại TP. Hồ Chí Minh dường như chưa có “nhạc trưởng,” ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết, trước những vướng mắc về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2019 sửa đổi các Thông tư về quản lý, sử dụng nhà chung cư thay thế Thông tư 02 với rất nhiều điểm mới.

Triển khai Thông tư này, TP. Hồ Chí Minh  sẽ thực hiện mô hình 3 chân, gồm có cư dân (giữ vai trò trung tâm), Ban quản trị chung cư (chịu trách nhiệm chính) và chủ đầu tư (chịu trách nhiệu về chất lượng công trình). Các quận/huyện, phường/xã sẽ tham gia quá trình giám sát chặt chẽ này. Đồng thời  Sở Xây dựng cũng đã ban hành sổ tay hướng dẫn sử dụng, quản lý nhà chung cư và sẽ bổ sung cho phù hợp với Thông tư 06.

Về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, “Để khắc phục vấn đề này, cần tăng cường cải cách hành chính để người dân không còn e ngại thực hiện thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng,” đại diện Sở Xây dựng nói.

Học lịch sử từ… bảng tên của trường

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Gần 500 học sinh khối lớp 5 của năm trường tiểu học trên địa bàn quận 1, TP. Hồ Chí Minh đã có buổi giao lưu “Tự hào trang sử Việt” rất vui vẻ và hào hứng vào đầu tháng 12 vừa qua. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tự hào trang sử Việt” của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhằm khơi gợi sự yêu thích, am hiểu, tự hào về lịch sử nước nhà của học sinh khối lớp 5.

Học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng biểu diễn sử ca - Ảnh: Hoàng Hương (báo Tuổi Trẻ)
Học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng biểu diễn sử ca - Ảnh: Hoàng Hương (báo Tuổi Trẻ)

Trong đó, các học sinh sẽ tự tìm tư liệu, hình ảnh… về nhân vật lịch sử mà trường mình mang tên, sau đó giới thiệu về nhân vật ấy tại buổi giao lưu bằng nhiều phương pháp khác nhau: thuyết trình kết hợp với hình ảnh, hát, múa, biểu diễn sử ca, hoạt cảnh… Không những thế, cuối buổi giao lưu, các em học sinh còn hào hứng tham gia cuộc thi “Rung chuông vàng” đầy lý thú, hấp dẫn.

Rộn ràng tour du lịch Tết Canh Tý

Theo đại diện của một số công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, lượng mua tour du lịch Tết Canh Tý đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo quy định, Tết Canh Tý 2020 người lao động sẽ được nghỉ từ ngày 23 đến 29/1 (tức từ 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý). Ngay sau khi nắm được lịch nghỉ này, nhiều người dân đã bắt đầu đi mua vé về quê hoặc đi tham quan, nghỉ dưỡng vào dịp Tết. Rút kinh nghiệm từ những năm trước khi để đến cận kề Tết mới mua tour, năm nay nhiều người đã lên kế hoạch từ sớm cho chuyến hành trình quan trọng nhất trong năm của mình để không gặp phải tình trạng “cháy vé” hoặc giá cả tăng cao.

Nhân viên Công ty Du lịch Vietravel đang bán tour du lịch Tết Canh Tý cho khách/Ảnh: Báo Giáo Dục TPHCM
Nhân viên Công ty Du lịch Vietravel đang bán tour du lịch Tết Canh Tý cho khách/Ảnh: Báo Giáo Dục TPHCM

Thị trường du lịch Tết Canh Tý đang “nóng” lên từng ngày. Một số đường tour đi nước ngoài đã bị chốt sổ đăng ký từ sớm vì lượng khách đăng ký đã kín. Bù lại, một số tuyến, điểm du lịch trong nước ngày càng nổi lên, thu hút du khách như: Ninh Bình, Sa Pa, Hà Giang, Eo Gió - Kỳ Co (Bình Định), Hội An, Phú Quốc… Để thu hút khách hàng cũng như cạnh tranh lành mạnh với các công ty khác, ngay từ những tháng trước, nhiều công ty du lịch đã mở bán tour Tết Nguyên đán với nhiều hành trình hấp dẫn trong và ngoài nước, đi kèm nhiều chương trình khuyến mãi. Trong đó có nhiều chùm tour được thiết kế nổi bật và đa dạng để du khách lựa chọn.

(Theo báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh).

Gần 13.000 vận động viên tham gia Giải Marathon quốc tế TP. Hồ Chí Minh

Gần 13.000 người tham dự Giải Marathon quốc tế TP. Hồ Chí Minh Techcombank lần thứ 3 năm 2019 do Sở Du Lịch phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao, Liên đoàn Điền kinh thành phố tổ chức ngày 8/12. Điểm xuất phát là khu vực trước Thảo Cầm Viên (TP. Hồ Chí Minh), các vận động viên chạy qua những địa danh nổi tiếng của 6 quận trung tâm thành phố và về đích ở tòa nhà Empire City (Khu nhà mẫu EC, khu 2B, Thủ Thiêm, Quận 2).

Theo Ban Tổ chức, giải năm nay quy tụ nhiều vận động viên quốc tế đến từ 66 quốc gia và vùng lãnh thổ, các vận động viên Việt Nam đến từ 46 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, sự trở lại của đương kim vô địch nam năm 2018 Geoffrey Kiprotich Birgen và Peninah Kigen đương kim vô địch nữ năm 2018 đã làm cho cuộc cạnh tranh ngôi vô địch càng kịch tính hơn.

Giám đốc Sở Du Lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ: với thông điệp “Một cung đường xanh, một thành phố xanh,” các vận động viên tham dự giải hướng đến việc bảo vệ môi trường và nâng cao tính nhân văn, cộng đồng thông qua việc đóng góp cho hoạt động từ thiện, hỗ trợ tài năng trẻ. Người tham dự giải, khách tham quan sự kiện đều không sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần, không xả rác khi tham gia các hoạt động tại giải và khuyến khích sử dụng nhựa tái chế.

(Theo báo điện tử Vietnamplus).

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục