20 năm TPHCM thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường: Người tiêu dùng được hưởng lợi “kép”

07:46 28/09/2022

Chương trình Bình ổn thị trường được TPHCM tiên phong triển khai thực hiện đến nay vừa 20 năm (2002-2022). Một chủ trương đúng đắn, sáng tạo đã giúp hàng triệu người dân có cơ hội tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng, giá ổn định. Trao đổi về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết:

Bình ổn giá giúp người dân tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng, giá ổn định. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bình ổn giá giúp người dân tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng, giá ổn định. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ mục tiêu ban đầu là ổn định giá cả ngắn hạn mùa tết, đến nay chương trình đã trở thành công cụ điều tiết giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thông qua điều tiết cung - cầu hàng hóa, giảm tối đa các biện pháp can thiệp hành chính lên giá bán. Giai đoạn đầu, chương trình chỉ có sự tham gia của thành phần kinh tế nhà nước, nhưng đến nay đã huy động tất cả thành phần kinh tế đồng hành thực hiện bình ổn thị trường. Từ giải pháp dự trữ hàng hóa là chủ đạo, đến nay chương trình thực hiện bình ổn thị trường trong dài hạn, tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước theo hướng hiện đại, năng suất cao; đảm bảo nguồn cung dồi dào, bền vững. Thời gian thực hiện ban đầu chỉ trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng từ năm 2010 đến nay, chương trình được triển khai xuyên suốt cả năm.

Rộng cửa cho doanh nghiệp tham gia

PHÓNG VIÊN: Những yếu tố cốt lõi nào quyết định sự thành công của chương trình, thưa ông?

Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG: Một trong những nội dung quyết định của Chương trình Bình ổn thị trường là tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường. Hàng năm, thành phố thông báo rộng rãi, tích cực vận động, mời gọi doanh nghiệp tham gia chương trình thông qua 3 hình thức: cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng thực hiện chương trình với nhiều quyền lợi thiết thực, cụ thể.

Đồng thời, để thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường trong dài hạn, đi vào chiều sâu, TPHCM đã thực hiện song song nhiều chương trình, đề án bổ sung để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Trong đó cơ bản là Chương trình kích cầu đầu tư, Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị… Qua đó, doanh nghiệp được xét duyệt tham gia chương trình khi đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; dự án đầu tư cơ sở giết mổ; sản xuất giống gia súc, gia cầm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn ngân hàng trong vòng 7 năm để triển khai dự án.

Doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên địa bàn thành phố và có phương án, dự án để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố được hỗ trợ từ 60%-100% lãi suất vay vốn ngân hàng trong vòng 1 năm để triển khai dự án.

Nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu TPHCM tự cung ứng khá hạn chế, chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương lân cận. Do đó, đến nay, TPHCM đã ký hợp tác thương mại với 22 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở xác định tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của mỗi địa phương, TPHCM phối hợp các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp liên kết đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa.

Một nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo của chương trình là gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, giảm tối đa chi phí trung gian từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng bằng cách thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối nói chung và mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường nói riêng. Đến nay, hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM phát triển, hoàn thiện về số lượng và chất lượng, phân bổ rộng khắp trên địa bàn với 232 chợ, 3 chợ đầu mối, 237 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 3.072 cửa hàng tiện lợi.

Hiệu quả của Chương trình Bình ổn giá đối với người dân đã rõ, nhưng liệu có tác động làm cho thị trường vận hành không đúng quy luật? Có bình đẳng cho những doanh nghiệp không được tham gia chương trình này?

Trong trường hợp thị trường bất bình thường hoặc xảy ra sự bất ổn thì Chính phủ có chính sách can thiệp ở mức độ nhất định để thị trường ổn định trở lại. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh lãi suất, tỷ giá ở mức hợp lý nhằm ổn định thị trường. Tuy nhiên, cũng phải nói, trên thực tế, ở nhiều nước phát triển cũng vận dụng cơ chế quản lý mềm dẻo để giữ ổn định thị trường.

Chương trình Bình ổn thị trường mà TPHCM tiên phong triển khai 20 năm qua gặt hái được những thành công ban đầu cũng không ngoài mục đích ổn định thị trường; ngăn chặn được việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa hay tăng giá bất hợp lý khi thị trường có biến động. Từ lúc triển khai đến nay, chương trình luôn rộng cửa đón nhận tất cả doanh nghiệp, không có sự phân biệt đối xử. Doanh nghiệp nào muốn tham gia đều được đón nhận, chỉ cần có đủ năng lực tối thiểu, có kế hoạch tham gia vào chương trình theo đúng quy chế sẽ được chấp nhận ngay.

Tăng cường kết nối, tiếp cận người dân

Không ít người tiêu dùng phàn nàn khó tiếp cận hàng hóa thuộc Chương trình Bình ổn thị trường. Ông có thể hướng dẫn cách tìm mua hàng của chương trình?

Đến nay, hệ thống nhận diện thương hiệu của chương trình chưa hình thành, nên chưa giúp người dân dễ dàng nhận diện hình ảnh của chương trình. Hạ tầng thương mại tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn một số khu vực chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, đặc biệt tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp.

Hàng hóa của Chương trình Bình ổn thị trường thường có giá rẻ hơn hàng hóa cùng loại khác khoảng 10% và luôn ổn định khi có biến động. Cơ cấu doanh thu của hàng bình ổn giai đoạn 2012-2022: thịt gia súc chiếm 33%; thịt gia cầm 23%; trứng gia cầm 6%; thực phẩm chế biến 18%; rau củ quả 5%; đồng phục học sinh 1%; tập học sinh 1%...

Ứng dụng thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường, trong hoạt động của từng doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn còn chậm, chưa theo kịp xu hướng phát triển… Đó là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều người dân khó tìm mua hàng bình ổn.

Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tập trung sửa chữa, nâng cấp mạng lưới chợ; duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa như chợ Bến Thành, Bình Tây, Bà Chiểu, An Đông…; khuyến khích phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tại các khu vực đầu mối kết nối các tuyến giao thông, khu vực nhà ga tàu điện ngầm (metro); khuyến khích phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh kết hợp giữa thương mại điện tử với các loại hình phân phối truyền thống để đưa được hàng bình ổn tới tay người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Một vấn đề nữa mà người dân rất quan tâm, đó là chất lượng của hàng bình ổn có đảm bảo theo quy định, theo đăng ký của nhà sản xuất?

Như đã nói ở trên, nguồn hàng cho Chương trình Bình ổn thị trường được lấy từ những doanh nghiệp, địa phương có cam kết cung ứng với TPHCM. Trong cam kết này, yêu cầu về chất lượng theo đúng quy định và đúng chất lượng mà doanh nghiệp đăng ký luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, người dân có thể an tâm mua hàng của chương trình.

Cũng phải nói thêm, Sở Công thương đang nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác dự báo, đánh giá thị trường, định hướng sản xuất, tạo nguồn hàng. Trong đó, để tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào cho chương trình, sở đã chủ động tìm nguồn cung có quy mô sản xuất lớn, chi phí sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. TPHCM cũng có chủ trương tiếp tục hỗ trợ đầu tư, phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng, xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng hiệu quả.

Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đặc biệt trong thời gian tới, TPHCM sẽ chủ động nguồn cung, điều tiết cung - cầu, dự báo chính xác thị trường, khuyến nghị sản xuất theo thị trường; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế; phát huy nguồn lực xã hội, mọi thành phần kinh tế đều có cơ hội như nhau trong tiếp cận chính sách phát triển sản xuất, thực hiện bình ổn thị trường. Gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, giảm chi phí trung gian. Quản lý thị trường hiệu quả, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất… để có thêm nhiều mặt hàng bình ổn với giá cả hợp lý và chất lượng được đảm bảo.

Xin cảm ơn ông.

Chương trình Bình ổn thị trường được triển khai lần đầu vào năm 2002, nhằm ổn định giá cả các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, thành phố ứng vốn ngân sách không tính lãi cho doanh nghiệp để dự trữ hàng hóa. Doanh nghiệp tham gia có trách nhiệm giữ cố định giá trong 3 tháng trước, trong và sau tết. Sau một thời gian thực hiện, từ bình ổn giá, thành phố đã có bước chuyển biến căn bản sang bình ổn thị trường với nhiều điều chỉnh phù hợp.

LẠC PHONG/SGGP thực hiện

Tin cùng chuyên mục