45 ngày chống SARS đến cuộc chiến chống COVID-19: "Hi sinh" cho sự sống hồi sinh

10:30 27/02/2020

45 ngày chống SARS đến cuộc chiến chống COVID-19: "Hi sinh" cho sự sống hồi sinh - Ảnh 1
45 ngày chống SARS đến cuộc chiến chống COVID-19: "Hi sinh" cho sự sống hồi sinh - Ảnh 2 “Alo, con gái à! Mẹ Uyên đây. Cả nhà có khỏe không? Hôm nay mùng 8.3, con nhớ nhắc bố đi mua hoa tặng bà và cô giáo nhé…”. “- Dạ, mẹ mau về với con… ”.

 

Trong trí nhớ của Quyên - con gái của điều dưỡng Phạm Thị Uyên (người mất trong cuộc chiến chống SARS), mẹ là người của công việc
Trong trí nhớ của Quyên - con gái của điều dưỡng Phạm Thị Uyên (người mất trong cuộc chiến chống SARS), mẹ là người của công việc
 

Cuộc hội thoại đó - một bên đầu dây là tiếng điều dưỡng Phạm Thị Uyên (Bệnh viện Việt – Pháp) sau những trận ho rũ rượi, sốt nóng, sốt rét. Bên này đầu dây, Quyên (con gái chị) tíu tít khi được nghe giọng của mẹ. Từ 10 ngày trước, Quyên và anh trai đã quen với cảm giác trực bên chiếc điện thoại cố định, để chờ được nghe giọng mẹ mỗi ngày. Trong hình dung của cô bé học lớp 7 khi ấy, mẹ đang đi trực.

Nhưng sau ngày 8.3.2003 đó, Quyên mãi mãi không được nghe giọng nói của mẹ nữa, dù 1 ngày, 1 tuần, 2 tuần sau đó vẫn đứng chờ mỗi ngày bên chiếc điện thoại cố định.

8.3.2003 cũng là ngày cuối cùng điều dưỡng Nguyễn Thị Mến chứng kiến khoảnh khắc người bạn, người đồng nghiệp đáng kính giấu những nỗi đau của mình như thế, để người thân không lo lắng.

Bởi đêm 8.3 đó, trong trí nhớ của chị Mến, chính mình cùng điều dưỡng Phạm Thị Uyên và nhiều đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt – Pháp có chung cảm giác không thở được, như có người bóp cổ, lúc sốt bừng bừng, lúc lại rét cắt da, rồi thiếp đi... Khi chị tỉnh lại, đã không thấy Uyên và nhiều đồng nghiệp ở bên mình nữa...

Trong những ngày cả nước đang “căng mình” chống dịch COVID-19, chúng tôi đã nghe những con người, hai thế hệ cùng nhớ về một khoảnh khắc của 17 năm trước. Một người chiến đấu với dịch SARS và đi qua cái chết, một người mất người thân vì SARS. Họ cùng chung nỗi đau và chung niềm tự hào.

Ngôi miếu nhỏ được đặt trong khuôn viên bệnh viện Việt - Pháp. Trên tấm bia là tên của 6 y bác sĩ hi sinh trong màu áo blouse trắng, trong cuộc chiến chống SARS 17 năm trước.
Ngôi miếu nhỏ được đặt trong khuôn viên bệnh viện Việt - Pháp. Trên tấm bia là tên của 6 y bác sĩ hi sinh trong màu áo blouse trắng, trong cuộc chiến chống SARS 17 năm trước.
45 ngày chống SARS đến cuộc chiến chống COVID-19: "Hi sinh" cho sự sống hồi sinh - Ảnh 3

Chị Nguyễn Thị Mến cẩn thận lau dọn rồi thắp hương tại ngôi miếu nhỏ nằm lặng lẽ một góc ở Bệnh viện Việt-Pháp. Chị vẫn làm công việc này mỗi khi ngơi tay. Ở đó có tấm bia tưởng niệm khắc tên 6 y-bác sĩ mà chị vẫn gọi là đồng đội. Họ mất trong cuộc chiến chống dịch SARS.

Những ngày qua, khi các phương tiện truyền thông liên tục nhắc đến dịch bệnh COVID-19, tim chị lại đau nhói. Chị nhớ đồng đội. Những ký ức của 17 năm trước lại hiển hiện, như mới ngày hôm qua.

“THỜI GIAN LÀM VƠI ĐI, NHƯNG NHỮNG NGÀY KINH HOÀNG ĐÓ KHÔNG BAO GIỜ QUÊN ĐƯỢC. TÔI VẪN NHỚ TẤT CẢ, TỪNG HÌNH DÁNG CỦA ĐỒNG ĐỘI ĐÃ CHIẾN ĐẤU CÙNG MÌNH. HỌ HY SINH GIỮA THỜI BÌNH VÀ ĐỂ LẠI CHO ĐỜI CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG, CAO ĐẸP. MỘT CÂU CHUYỆN CHÚNG TA SẼ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÃNG QUÊN”– ĐIỀU DƯỠNG TRƯỞNG NGUYỄN THỊ MẾN (KHOA NHI – BỆNH VIỆN VIỆT-PHÁP, HÀ NỘI).
“THỜI GIAN LÀM VƠI ĐI, NHƯNG NHỮNG NGÀY KINH HOÀNG ĐÓ KHÔNG BAO GIỜ QUÊN ĐƯỢC. TÔI VẪN NHỚ TẤT CẢ, TỪNG HÌNH DÁNG CỦA ĐỒNG ĐỘI ĐÃ CHIẾN ĐẤU CÙNG MÌNH. HỌ HY SINH GIỮA THỜI BÌNH VÀ ĐỂ LẠI CHO ĐỜI CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG, CAO ĐẸP. MỘT CÂU CHUYỆN CHÚNG TA SẼ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÃNG QUÊN”– ĐIỀU DƯỠNG TRƯỞNG NGUYỄN THỊ MẾN (KHOA NHI – BỆNH VIỆN VIỆT-PHÁP, HÀ NỘI).

Ngày đó, SARS vẫn là căn bệnh chưa có tên, chỉ biết rất lạ, con virus có thể làm người khỏe mạnh suy giảm thể lực một cách khủng khiếp. Đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2003, Bệnh viện Việt – Pháp tiếp nhận bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa Johnny Chen với triệu chứng ho, sốt. Kíp trực của điều dưỡng Nguyễn Thị Mến và y-bác sĩ của bệnh viện vẫn làm các công việc mà họ thường làm là thăm khám và chăm sóc bệnh nhân.

“Không ai trong chúng tôi biết bệnh nhân mắc căn bệnh có khả năng lây lan như thế, mà chỉ nghĩ bị cúm. Nhưng rồi 1 ngày, 2 ngày, sức khỏe bệnh nhân bị suy giảm rất nhanh. Có lúc bệnh nhân Cheng ho dữ dội 45 phút liên tục không ngớt. Chúng tôi trực tiếp chăm sóc, có thời điểm đi đổ bô cả đờm lẫn máu.

Rồi không lâu sau, điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng, Phạm Thị Uyên, bác sĩ Jean - Paul Dirosier, tôi và nhiều bác sĩ khác cũng có những biểu hiện tương tự. Ho dữ dội và toàn thân đau nhức khủng khiếp. Nó làm chúng tôi đau đớn, không thở được. Những đồng nghiệp của tôi rất khỏe mạnh mà thể lực cũng suy giảm rất nhanh.

Bằng chuyên môn và linh tính, các bác sĩ và lãnh đạo Bệnh viện Việt – Pháp đã hội chẩn, mời bác sĩ Carlo Urbani - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đến khám cho bệnh nhân và báo cáo Bộ Y tế. Với kinh nghiệm của mình, bác sĩ Carlo Urbani nhanh chóng nhận ra điều bất thường và gửi cảnh báo đến WHO, thúc đẩy việc lập hàng rào cách ly, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Ông đã tình nguyện ở lại bệnh viện, cùng chiến đấu với chúng tôi. Dù khi ấy đã có hàng chục y-bác sĩ của bệnh viện bị lây nhiễm con virus.

Chúng tôi đã thực hiện chiến dịch tự cách ly, tự chiến đấu để không lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Sau kíp trực ở bệnh viện, tất cả chỉ kịp về qua nhà lấy quần áo, báo với người thân về việc phải ở lại bệnh viện, nhưng thực ra là tự cách ly, để bảo vệ gia đình.

Ngày đó, dù biết nguy hiểm nhưng không ai rời vị trí, không có ai nghỉ việc trong những ngày cái chết cận kề. Bao lần tôi đau đớn, thiếp đi, khi tỉnh lại, ở bên tôi lúc ấy là những đồng nghiệp. Họ bóp chân, bóp tay, hút đờm, bóp bóng suốt đêm cho tôi, để tôi có thể thở được. Những lúc đau đớn, tưởng không thể vượt qua được thì bên tai vẫn văng vẳng tiếng đồng nghiệp: "Mến cố lên”, “Phải nghĩ đến các con”. Với tôi, đồng nghiệp chính là những người anh hùng!

Điều dưỡng Mến tỉnh dậy sau khi trải qua 1 cơn mộng dài - Người sống sót trong cuộc chiến chống SARS và những đồng đội đã sát cánh bên mình trong những tháng ngày khó khăn.
Điều dưỡng Mến tỉnh dậy sau khi trải qua 1 cơn mộng dài - Người sống sót trong cuộc chiến chống SARS và những đồng đội đã sát cánh bên mình trong những tháng ngày khó khăn.

Với những sự tiếp sức đó, tôi đã được cứu sống, là bệnh nhân SARS phải thở máy duy nhất trên thế giới còn sống sót... Nhưng nhiều đồng nghiệp của tôi, đã mãi mãi ra đi..” - hai bàn tay chị Mến đan chặt vào nhau. Chị khóc.

Ngày 15.3.2003, điều dưỡng Lượng là người đầu tiên tại Bệnh viện Việt Pháp ra đi vì SARS. Cứ vài ngày sau đó lại thêm một người tử vong. Dịch SARS đã khiến 44 y tá, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp lây bệnh. 6 y, bác sĩ trong và ngoài nước đã ra đi. Ngay bác sĩ Carlo Urbani (đại diện WHO) cũng qua đời bởi căn bệnh mà ông là người đầu tiên nhận diện, sau khi chống chọi với nó trong 18 ngày. Lúc đó, ông mới 46 tuổi và con út của ông vừa lên 4. Trước khi mất, ông đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình làm tiêu bản nghiên cứu. Nhờ lá phổi đó, hai tuần sau khi ông qua đời, giới khoa học phát hiện virus Corona và tìm ra cách khống chế đại dịch SARS.

Khi đó, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên khống chế được đại dịch, kết thúc chuỗi 45 ngày kinh hoàng chống SARS. 45 ngày mà các y bác sĩ và nhân viên bệnh viện đã phải đối mặt với tử thần. Đây là niềm vui chung của người dân trong nước cũng như toàn thế giới. Những giọt nước mắt trong khoảnh khắc ấy của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam vẫn được lưu trữ trong các khuôn hình, những bức ảnh tư liệu.

Đó là những gì mà chúng ta biết về dịch SARS. Còn với gia đình của những y-bác sĩ hy sinh năm đó, 17 năm đã qua nhưng nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai. Nó như vết thương hằn sâu mà cứ nhắc đến lại đau nhói, tê buốt.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Mến giúp chúng tôi kết nối với gia đình của đồng đội đã hy sinh năm xưa. Có người sau ngần ấy năm, nay đã an nhiên kể lại chuyện cũ, nhưng cũng có người chỉ khóc, vì không chịu nổi nỗi đau. Ông Nguyễn Thế Vĩnh (chồng điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng) trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều lần giấu lau nước mắt. Cũng khoảng thời gian này, thời tiết như này, 17 năm trước, dịch SARS đã cướp đi người vợ hiền và hạnh phúc gia đình ông vun đắp.

Còn Quyên – cô con gái của điều dưỡng Phạm Thị Uyên – giờ đây đã làm mẹ. Quyên vẫn nhớ lần cuối cùng được nghe giọng nói của mẹ qua điện thoại, cả sự vắng lặng trong đám tang ngày mẹ ra đi. 17 năm qua, Quyên đã quen với việc mẹ vắng nhà. Mẹ trong trí nhớ của em luôn là người của công việc. Nhiệm vụ của mẹ là chăm sóc bệnh nhân.

Khi đọc tin tức về việc các bác sĩ đang ngày đêm chống dịch COVID-19, Quyên lại nhớ mẹ, cảm nhận và thấm thía sự hy sinh của các bác sĩ trong trận chiến không tiếng súng này. “Bác sĩ thời nào cũng vất vả. Luôn nỗ lực, hy sinh thầm lặng và không mong được trả ơn” – Quyên nói.

ÔNG VÕ VĂN BẢN - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN VIỆT PHÁP – CHO BIẾT CHƯA BAO GIỜ QUÊN CẢM GIÁC KHI PHẢI KÝ GIẤY CHỨNG TỬ CHO NHỮNG ĐỒNG NGHIỆP CỦA MÌNH NĂM ĐÓ. MỖI LẦN KÝ XONG ÔNG PHẢI BẺ BÚT, VÌ QUÁ THƯƠNG XÓT. LỊCH SỬ Y HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM CHƯA BAO GIỜ CHỨNG KIẾN CÓ TỚI 6 CÁI CHẾT CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ TRONG CÙNG MỘT VỤ DỊCH PHẢI RA ĐI NHƯ THẾ.
ÔNG VÕ VĂN BẢN - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN VIỆT PHÁP – CHO BIẾT CHƯA BAO GIỜ QUÊN CẢM GIÁC KHI PHẢI KÝ GIẤY CHỨNG TỬ CHO NHỮNG ĐỒNG NGHIỆP CỦA MÌNH NĂM ĐÓ. MỖI LẦN KÝ XONG ÔNG PHẢI BẺ BÚT, VÌ QUÁ THƯƠNG XÓT. LỊCH SỬ Y HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM CHƯA BAO GIỜ CHỨNG KIẾN CÓ TỚI 6 CÁI CHẾT CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ TRONG CÙNG MỘT VỤ DỊCH PHẢI RA ĐI NHƯ THẾ.

Với điều dưỡng Nguyễn Thị Mến, khi tỉnh lại, chị tiếp tục lao vào công việc, hết mình chăm sóc bệnh nhân. Nhưng hơn hết, chị nghĩ rằng mình phải làm nhiều hơn, làm cả công việc của những người hy sinh để mình và nhân loại được sống.

“Chưa lúc nào tôi ân hận đã chọn nghề này. Lúc bị bệnh nặng nhất, tôi có nghĩ số phận sao khắc nghiệt với mình như vậy, nhưng tôi lại muốn làm việc nhiều hơn nữa. Điều khiến tôi day dứt nhất là chưa làm được gì giúp đồng đội, khi họ ra đi ở độ tuổi còn trẻ, đang là trụ cột trong gia đình, để lại con thơ, cha mẹ già.

Lúc đầu mọi người trong bệnh viện đều hy vọng những y-bác sĩ hy sinh trong trận chiến chống SARS năm đó sẽ được ghi nhận công lao, nhưng... Họ cũng chiến đấu như người lính trên trận tuyến mà”- điều dưỡng Mến nhắc lại việc từng có đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho những nhân viên y tế đã mất trong dịch SARS, nhưng 17 năm qua, nó vẫn chỉ là hy vọng... Dù chưa ai quên sự hy sinh theo cách rất thầm lặng của những người đã mất.

Theo ông Võ Văn Bản - Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt-Pháp, việc phong tặng danh hiệu liệt sĩ cho những y, bác sĩ trong chiến dịch chống SARS có ý nghĩa nhân văn lớn. Đây không phải là một sự đòi hỏi quyền lợi mà là lẽ công bằng đối với lịch sử. Đây cũng là động lực đối với đội ngũ y, bác sĩ trong những cuộc chiến chống bệnh dịch đầy khó khăn có thể xảy ra trong tương lai.

45 ngày chống SARS đến cuộc chiến chống COVID-19: "Hi sinh" cho sự sống hồi sinh - Ảnh 4

Câu nói giản dị của bác sĩ Carlo Urbani khi đại diện cho Tổ chức Bác sĩ Không biên giới lên nhận giải Nobel hòa bình tại Stockholm (Thụy Điển) năm 1999, đã trở thành triết lý cho tất cả những nhân viên y tế đang khoác trên mình tấm áo blouse trắng. 4 năm sau đó, ông ra đi vì căn bệnh SARS – căn bệnh chính ông phát hiện ra, sau khi tình nguyện ở lại Bệnh viện Việt-Pháp, cùng các y-bác sĩ Việt Nam chiến đấu với nó. Bao nhiêu năm qua, từ cuộc chiến chống SARS đến COVID-19, tinh thần “sẵn sàng đến bên người bệnh” vẫn luôn được các thế hệ y-bác sĩ gìn giữ.

Những chiến binh chống SARS năm xưa nay đã dày dạn hơn vì họ đã gặp thêm dịch cúm H5N1, đại dịch cúm H1N1, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần “sẵn sàng đến bên người bệnh”.

Mỗi ca làm việc 8 tiếng, có 4 tiếng các bác sĩ phải mặc quần áo bảo hộ vào điều trị cho bệnh nhân. Nhiều lúc người ướt sũng mồ hôi vì mặc quần áo phòng hộ liên tục trong suốt ca làm việc, kính mờ đi, đôi ban tay khô rát vì sát khuẩn liên tục, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống, thậm chí không dám đi vệ sinh trong suốt ca làm việc… nhưng tất cả cùng dặn nhau phải cố gắng.

Những chiến binh chống SARS năm xưa nay đã dày dạn hơn vì họ đã gặp thêm dịch cúm H5N1, đại dịch cúm H1N1, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần "sẵn sàng đến bên người bệnh".
Những chiến binh chống SARS năm xưa nay đã dày dạn hơn vì họ đã gặp thêm dịch cúm H5N1, đại dịch cúm H1N1, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần "sẵn sàng đến bên người bệnh".
45 ngày chống SARS đến cuộc chiến chống COVID-19: "Hi sinh" cho sự sống hồi sinh - Ảnh 5

30 Tết, sau khi quây quần bên mâm cơm tất niên cùng gia đình, bác sĩ Trần Văn Giang - Phó Trưởng khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội) - nhận cuộc gọi từ lãnh đạo bệnh viện, tức tốc vào điều trị cho những ca nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên. Từ đó đến nay, bác sĩ và nhiều đồng nghiệp của mình đã túc trực 24/24h tại bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân. Tất cả y bác sĩ đều làm việc với tinh thần và quyết tâm cao nhất.

ĂN Ở TRONG BỆNH VIỆN, GIAO LƯU VỚI GIA ĐÌNH QUA ĐIỆN THOẠI, MẠNG XÃ HỘI, HỎI CON VỀ TÌNH HÌNH HỌC HÀNH. TÂM LÝ Ở NHÀ RẤT LO, QUAN TÂM ĐẾN SỨC KHỎE CỦA CHÚNG TÔI. NHƯNG AI CŨNG HIỂU ĐÂY LÀ NHIỆM VỤ, GIA ĐÌNH ĐỘNG VIÊN, AN ỦI HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ” – BÁC SĨ TRẦN VĂN GIANG
ĂN Ở TRONG BỆNH VIỆN, GIAO LƯU VỚI GIA ĐÌNH QUA ĐIỆN THOẠI, MẠNG XÃ HỘI, HỎI CON VỀ TÌNH HÌNH HỌC HÀNH. TÂM LÝ Ở NHÀ RẤT LO, QUAN TÂM ĐẾN SỨC KHỎE CỦA CHÚNG TÔI. NHƯNG AI CŨNG HIỂU ĐÂY LÀ NHIỆM VỤ, GIA ĐÌNH ĐỘNG VIÊN, AN ỦI HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ” – BÁC SĨ TRẦN VĂN GIANG

12h trưa, khu cách ly Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vắng người lại qua, chỉ có tiếng bước chân của các y bác sĩ lúc nào cũng gấp gáp, vội vàng. Những biển cách ly được đặt ngăn cách người từ khu vực khác đi vào. Thăm khám xong 1 lượt bệnh nhân, bác sĩ Trần Văn Giang mới cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ, trở về phòng làm việc. Bên ngoài hành lang, chiếc xe chở cơm, canh cho bệnh nhân cách ly lạch cạnh tiếng bánh xe qua lại. Đây cũng là thời điểm, bác sĩ Giang cùng các y tá, điều dưỡng có đôi phút nghỉ ngơi. Những ngày trong viện, y bác sĩ ăn ngủ tập trung, trên mỗi bàn làm việc có chiếc va ly nhỏ, với vài bộ quần áo sẵn sàng những ngày chống dịch

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là nơi tiếp nhận, chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm COVID-19. Bệnh nhân ở đây được thăm khám, chăm sóc 3 bữa ăn mỗi ngày, được tạo mọi điều kiện tốt nhất để chống chọi với dịch bệnh. Thế nhưng, tâm lý chung của những bệnh nhân ở khu cách ly là không muốn, ai cũng muốn vào viện thật nhanh, nhưng cũng muốn ra thật nhanh. Thậm chí có phòng cách ly, các bệnh nhân tự đề phòng nhau, có trường hợp tự khoá trái cửa bên trong không cho bác sĩ đưa thêm bệnh nhân khác vào vì sợ lây nhiễm. Những khi đó, y bác sĩ vừa phải làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, vừa phải kiêm thêm nhiệm vụ của những người làm công tác tâm lý, động viên tinh thần người bệnh.

Sau những giờ làm việc, bác sĩ Giang cùng y bác sĩ ở lại viện, tự cách ly mình với gia đình để đề phòng mang mầm bệnh ra cộng đồng. Nhiều năm trong nghề, trải qua những đợt dịch nguy hiểm khác, những khó khăn về công tác khám chữa bệnh không là gì so với những khó khăn về cách nhìn nhận, đánh giá không đúng về dịch bệnh của nhiều người.

“Những sự nhìn nhận của xã hội với nhân viên y tế đang trải qua đợt dịch có những điều không đúng, có những khi mình, các đồng nghiệp tủi thân, chạnh lòng. Những người đang làm công tác chống dịch cũng mang cảm giác bị xã hội kỳ thị. Nhưng chúng tôi xác định với nhau, dù có thế nào vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, đẩy lùi dịch bệnh này."

 

Khu vực cách ly Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Trung ương những ngày căng mình chống dịch
Khu vực cách ly Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Trung ương những ngày căng mình chống dịch

“Tại sao mẹ chưa về? Con rất buồn khi không được gặp mẹ. Mẹ có yêu con không, sao mẹ chưa về?” – Những cuộc gọi ngắn ngủi và những câu hỏi ngô nghê của những đứa trẻ lên 6, lên 10 khiến bác sĩ Trần Thị Hải Ninh (Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) đau nhói. Thương con!

Từ khi tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên vào khám chữa, cũng là lúc bác sĩ Ninh cùng đồng nghiệp thực hiện việc tự cách ly trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Bộ trang phục phòng hộ suốt mấy tuần qua trở thành vật bất ly thân của bác sĩ Ninh. Kín, nóng, toát mồ hôi, mờ kính, không uống nước, không đi vệ sinh… là những gì bác sĩ Ninh cảm nhận và trải qua trong quá trình khám chữa người bệnh. Nhưng chừng ấy khó khăn không gì sánh được việc phải xa cách gia đình, xa các con.

“CHÚNG CON Ở ĐÂY NGHĨA LÀ MỌI NGƯỜI Ở NHÀ ĐÃ ĐƯỢC AN TOÀN, CHÚNG CON Ở ĐÂY LÀ ĐỂ MANG LẠI SỰ AN TOÀN CHO MỌI NGƯỜI NÊN CẢ NHÀ KHÔNG CẦN PHẢI LO LẮNG” – BÁC SĨ HẢI NINH.
“CHÚNG CON Ở ĐÂY NGHĨA LÀ MỌI NGƯỜI Ở NHÀ ĐÃ ĐƯỢC AN TOÀN, CHÚNG CON Ở ĐÂY LÀ ĐỂ MANG LẠI SỰ AN TOÀN CHO MỌI NGƯỜI NÊN CẢ NHÀ KHÔNG CẦN PHẢI LO LẮNG” – BÁC SĨ HẢI NINH.

“Nếu hôm nay con ngoan, con làm bài tập tốt, ông bà khen con ngoan, mẹ sẽ cho con 5 dấu sao, con sẽ được thưởng một quyển sách, được mua lego” – Đây là trò chơi, phần thưởng của bác sĩ Hải Ninh với các con của mình, một hình thức để các con có thể quên đi phần nào sự vắng mặt của mẹ. Bởi các con đã quá quen với sự hiện diện của mẹ trong cuộc sống, nên thời gian này khi phải xa con, bác sĩ Ninh không biết phải giải thích thế nào vì các con còn quá nhỏ để có thể hiểu được rằng dịch bệnh này cần cách ly, nếu mẹ về thì rất nguy hiểm.

Tự mình đang ở trong một “cuộc chiến”, nhưng những người mẹ như bác sĩ Ninh vẫn muốn dành tặng các con những phần thưởng khi rất ngoan trong thời gian xa mẹ, còn phần mình khi đã chọn công việc này, những sự hi sinh mà bác sĩ Ninh cùng đồng đội trải qua không phải để dành lấy một phần thưởng gì, quan trọng là ở đó bác sĩ Ninh đang được sống trọn vẹn chức trách của một người lương y.

Phần thưởng bác sĩ Ninh nhận được, đôi khi chỉ là những dòng tin nhắn động viên từ những người hoàn toàn xa lạ. Là những thùng sữa cho y bác sĩ tăng cường miễn dịch, là những gói mỳ tôm để y bác sĩ ăn trong mỗi đêm trực.

Trải qua nhiều “mùa dịch”, từ Sởi, H1N1, H5N1 cho tới COVID-19 hiện tại, bác sĩ Ninh dường như đã quá quen với việc sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh. Thậm chí quen cả với sự kỳ thị của những người xung quanh, thế nhưng việc bản thân bị kỳ thị không tạo nên sự áp lực bằng việc gây nên tâm lý không ổn định cho gia đình của y bác sĩ.

Những y bác sĩ trải qua nhiều mùa dịch, dường như đã quá quen với những khó khăn, vất vả
Những y bác sĩ trải qua nhiều mùa dịch, dường như đã quá quen với những khó khăn, vất vả
45 ngày chống SARS đến cuộc chiến chống COVID-19: "Hi sinh" cho sự sống hồi sinh - Ảnh 6

Còn với Quyên-Thanh và Lan Anh (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), COVID-19 là mùa dịch đầu tiên mà các điều dưỡng này trải qua, với nhiều cung bậc cảm xúc…

 

Những phút nghỉ ngơi hiếm hoi của điều dưỡng Thanh - Sinh năm 1994
Những phút nghỉ ngơi hiếm hoi của điều dưỡng Thanh - Sinh năm 1994
 

Những bữa trưa vội vàng, những giấc ngủ tranh thủ đã trở nên quen thuộc với những chị em điều dưỡng. Từ mùng 6 Tết, Thanh bắt đầu bước vào những ngày thực hiện cách ly tại bệnh viện. Kinh nghiệm chưa có, với cô gái trẻ không tránh khỏi sự lo lắng khi lần đầu tiên bước vào một cuộc chiến chống dịch bệnh. Những ngày có dịch, Thanh không dám về nhà, không gặp bạn bè, chỉ ở trong bệnh viện. Những cuộc điện thoại với bố mẹ là nguồn động viên lớn đối với cô gái đôi mươi đang làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân.

Nếu như các điều dưỡng khác vẫn có thể trở về nhà mỗi tối sau khi làm xong việc và khử khuẩn đầy đủ, an toàn thì Bùi Thị Lan Anh (Sinh năm 1992) vẫn tiếp tục ở lại bệnh viện với lý do nói ra đều khiến người ta đau lòng. Nữ điều dưỡng trẻ tuổi không thể trở về khu nhà trọ do người dân, hàng xóm xung quanh do không tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ thấy rằng Lan Anh làm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tiếp xúc với bệnh nhân, nghĩa là bị bệnh.

“Người dân không cho tôi về, hễ cứ thấy bóng dáng tôi là họ đuổi đi, nói những điều dị nghị. Khi ấy có giải thích gì họ cũng không nghe, rất đông người vây tôi lại, ngăn cản không cho về. Những khi đó tôi tủi thân lắm, hàng ngày hàng giờ đối đầu với dịch bệnh, chăm sóc cho bệnh nhân, muốn tốt cho mọi người nhưng không phải ai cũng hiểu”.

Từ khi ấy, Lan Anh lẳng lặng về lấy quần áo, tư trang, đồ dùng để ở lại bệnh viện luôn sau giờ làm việc chứ không về phòng trọ nữa.

Sau nhiều ngày chữa trị, các bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện.
Sau nhiều ngày chữa trị, các bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện.
45 ngày chống SARS đến cuộc chiến chống COVID-19: "Hi sinh" cho sự sống hồi sinh - Ảnh 7

Đến nay, hơn 10 ngày Việt Nam không ghi nhận thêm các ca bệnh mới, những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hay các đơn vị khác ở Vĩnh Phúc hay TPHCM lần lượt ra viện trong niềm vui của cả đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân, gia đình người bệnh. Sau những cố gắng, nỗ lực, những hi sinh thầm lặng… thì nụ cười, những giọt nước mắt ngày ra viện của bệnh nhân giống như món quà vô giá dành cho đội ngũ y bác sĩ.

Nhưng, hơn lúc nào hết, y bác sĩ của chúng ta hiểu rằng, hào quang vẫn chưa thể ló rạng khi trên thế giới, mỗi ngày vẫn có thêm nhiều người chết vì dịch bệnh, thêm nhiều y bác sĩ nhiễm virus, và có cả những bác sĩ đã hi sinh trong màu áo blouse trắng. Vậy nên, dù tại Việt Nam 16 ca dương tính đều đã khỏi bệnh và có những tiến triển tốt nhưng cả hệ thống chính trị vẫn đang vào cuộc một cách mạnh mẽ, nâng cao tinh thần và mức độ cảnh giác, sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Để không một ai bị bỏ lại phía sau, không một ai phải ra đi, không một gia đình nào phải mất đi người thân.

Sự hi sinh của 6 y bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp 17 năm trước sẽ luôn là điều nhắc nhớ chúng ta. Nhắc nhớ những người đang sống, những người thiên chức lương y, những gia đình. Nỗi đau 17 năm trước có thể đã lùi xa, thu vào một phần ký ức, nhưng mãi mãi không thể nào quên những sự hi sinh thầm lặng, hi sinh cho sự sống hồi sinh. Hành trình vì sự sống đó, được nối tiếp qua nhiều thế hệ y bác sĩ, từ những bác sĩ trải qua bao mùa dịch bệnh, cho tới những người tuổi mới đôi mươi.

Sau những cố gắng, nỗ lực, các bệnh nhân được xuất viện trong niềm vui của y bác sĩ.
Sau những cố gắng, nỗ lực, các bệnh nhân được xuất viện trong niềm vui của y bác sĩ.
45 ngày chống SARS đến cuộc chiến chống COVID-19: "Hi sinh" cho sự sống hồi sinh - Ảnh 8

Nguồn: Báo Lao Động

Tin cùng chuyên mục