Muốn thành lập hội phải có tài sản đảm bảo
Từ 26-11, Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động và quản lý hội sẽ chính thức có hiệu lực.
Hội được định nghĩa là tổ chức tự nguyện của tổ chức, công dân Việt Nam cùng lĩnh vực, ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 126 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo Nghị định 126, để thành lập hội thì cần đảm bảo nhiều điều kiện về tên gọi; có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp; có điều lệ, trụ sở; lĩnh vực hoạt động chính của hội định thành lập không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động…
Đáng chú ý, một trong các điều kiện để thành lập hội là phải có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội. Đây là quy định mới so với hiện nay tại Nghị định 45/2010.
Bỏ quy định giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 46/2024 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cụ thể, nếu hiện nay Điều 11 Thông tư 67/2019 quy định người dân được thực hiện giám sát hoạt động của lực lượng CSGT thông qua việc ghi âm, ghi hình (có điều kiện) thì tại Thông tư 46/2024, Bộ Công an đã bỏ quy định này.
Kể từ ngày 15-11 (Thông tư 46/2024 có hiệu lực), người dân được giám sát thông qua 5 hình thức: (i) Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; (ii) Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; (iii) Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; (iv) Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; (v) Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Lý giải về quy định mới, Cục CSGT cho biết, thực tế việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định. Một số người lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội dẫn đến tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CSGT.
Bên cạnh đó, các đối tượng chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Luật sư bị phạt đến 30 triệu đồng nếu xúc phạm người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Ngày 18-9, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2020 về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Liên quan đến hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư, so với Nghị định 82/2020, nghị định mới bổ sung quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Như vậy, luật sư trong quá trình hành nghề nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như điều tra viên, cán bộ điều tra... sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng.
Đây cũng là nội dung đã được quy định tại Điều 15 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Theo Nghị định 117 (có hiệu lực từ ngày 15-11), trường hợp luật sư thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên đối với người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Toà án thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 15 và khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15.
Tăng 15% trợ cấp hằng tháng với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ
Thông tư 53/2024 của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ có hiệu lực từ ngày 1-11-2024. Theo đó, Thông tư 53 áp dụng đối với:
- Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định 38/2010/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg.
- Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Với hai đối tượng trên, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2024.
Cụ thể, mức trợ cấp hằng tháng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau:
Hàng loạt Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực
Từ ngày 1-11 tới đây, hàng loạt Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở các tỉnh thành sẽ bắt đầu có hiệu lực, cụ thể:
- Các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lào Cai, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Thái Bình, Phú Yên, Tiền Giang, Khánh Hoà, Đồng Nai, Gia Lai.
- Nghị quyết 1199/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025.
QUỲNH LINH/Báo Pháp Luật TP.HCM