50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại
50 năm sau chiến thắng lịch sử 30-4-1975, hội thảo khoa học quốc tế tại Hà Nội ngày 23-4 đã nêu bật vai trò then chốt của ngoại giao Việt Nam trong việc kiến tạo hòa bình.

Sáng 23-4 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại".
Vai trò kiến tạo xuyên suốt lịch sử của ngoại giao Việt Nam
Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định chiến thắng lịch sử 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện trọng đại của dân tộc.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và những bài học sâu sắc từ chiến thắng ấy đối với ngoại giao Việt Nam trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị, mang tính dân tộc và thời đại sâu sắc.
Theo Chủ tịch nước, vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình.
Ngoại giao đã huy động được sự ủng hộ to lớn cả vật chất, tinh thần, tạo nên phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định trong lịch sử thế kỷ 20, hiếm có cuộc đấu tranh của dân tộc nào lại quy tụ được sự ủng hộ rộng khắp, mạnh mẽ cả ở trong và ngoài nước như dân tộc Việt Nam.
Ngoại giao cũng phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, qua đó giành thắng lợi từng bước, tạo tiền đề đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đi đến toàn thắng.
Cuộc đấu trí cam go trên bàn đàm phán Hội nghị Geneve năm 1954, và nhất là Hội nghị Paris nam 1973 đã trở thành đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, ngoại giao đã góp phần quan trọng trong tái thiết đất nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, mở ra cục diện đối ngoại thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ những cử chỉ thiện chí với Mỹ tạo tiền đề để hai bên nối lại nhịp cầu hợp tác khi có điều kiện, đến việc phá thế bao vây, cấm vận, ngoại giao đã mở đường cho Việt Nam hội nhập quốc tế.
Theo Chủ tịch nước, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam để lại cho ngoại giao nhiều bài học quý báu.
Đối với Việt Nam, đó là những bài học về vận dụng sáng tạo tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.
Đối với bạn bè quốc tế, chiến thắng 30-4-1975 và sự hồi sinh mạnh mẽ sau chiến tranh của Việt Nam chính là hình mẫu điển hình về hòa bình, tái thiết, phát triển.
"Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; nhất quán chính sách quốc phòng '4 không'.
Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại", Chủ tịch nước khẳng định.
Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại
Trước đó trong phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cách đây tròn 50 năm, thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình và phát triển.

Trong hành trình ấy, ngoại giao đóng vai trò quan trọng. Ngoại giao kết hợp với quân sự, chính trị tạo thế "vừa đánh vừa đàm", huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc.
Đồng thời, ngoại giao tranh thủ, huy động sự ủng hộ quốc tế to lớn từ các nước xã hội chủ nghĩa và mặt trận quốc tế.
Không chỉ vậy, với tinh thần hòa hiếu, dù trong chiến tranh, ngoại giao Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình hòa giải, hàn gắn với các quốc gia từng tham chiến tại Việt Nam.
Nhân dịp này, phó thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến sự ủng hộ của các quốc gia, bạn bè quốc tế, tri ân sâu sắc những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ ngoại giao đi trước như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố vấn Lê Đức Thọ, nguyên bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Ông cũng cảm ơn sự có mặt tại hội thảo của các nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đặc biệt là những bạn bè quốc tế đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, đóng góp vào công cuộc tái thiết, xây dựng lại Việt Nam như John McAuliff, Chuck Searcy, Lady Borton, Virginia Foote, Tim Rieser.
Quốc tế đánh giá cao ngoại giao Việt Nam
Trong 2 phiên thảo luận, các chuyên gia, học giả quốc tế, các nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam và nước ngoài đã thảo luận về vai trò của ngoại giao Việt Nam trong chiến thắng năm 1975, cũng như trong kiến tạo hòa bình hiện nay.

Bà Latana Siharaj - đại diện lâm thời Đại sứ quán Lào tại Việt Nam - đánh giá cao vai trò tiên phong và linh hoạt của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn hậu chiến. Trong đó Việt Nam đã góp phần quan trọng trong giải quyết xung đột và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của các bên, đặc biệt là về biên giới lãnh thổ sau chiến tranh.
Ngoại giao Việt Nam cũng là cánh tay nối dài phá vỡ thế cô lập, mở rộng quan hệ đối ngoại, vận dụng linh hoạt đối ngoại nhân dân, đối thoại song phương và đa phương, tạo dựng lòng tin và thiện cảm từ bạn bè quốc tế.
"Từ việc bình thường mối quan hệ với Mỹ, tham gia ASEAN, WTO, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã chứng minh rằng ngoại giao có thể mở ra những cánh cửa phát triển vô hạn", bà nhấn mạnh.
Chia sẻ với báo giới bên lề hội nghị, ông John McAuliff - giám đốc điều hành Quỹ hòa giải và phát triển - đánh giá cao ngoại giao Việt Nam, tin rằng Việt Nam có thể đóng vai trò dẫn dắt tại Liên hợp quốc. Chẳng hạn, với quan hệ tốt với cả Mỹ và Cuba, Việt Nam có thể không chỉ giúp Cuba cải cách kinh tế mà còn có thể góp phần cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước này.
Cũng theo ông, sự tự chuyển đổi mạnh mẽ và con đường phát triển của Việt Nam cũng là minh chứng cho việc khơi dậy tiềm năng của người dân, hội nhập kinh tế, đồng thời giữ vững chủ quyền là hoàn toàn khả thi.