79 cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế TPHCM sau khi sắp xếp lại

13:48 02/04/2021

(HMC )- Ngày 2/4, Sở Y tế TPHCM thông tin một số nội dung liên quan đến việc sắp xếp lại các cơ sở y tế trên địa bàn TP và thay đổi thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT).

79 cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế TPHCM sau khi sắp xếp lại
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP thông tin với báo chí. Ảnh: Huyền Mai

Theo đó, triển khai thực hiện Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 28/1/2019 của UBND Thành phố về tổ chức lại các Trung tâm chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng thành “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố" trực thuộc Sở Y tế. Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có cơ cấu hoàn thiện trên cơ sở sáp nhập 07 Trung tâm chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng với số lượng 424 cán bộ, nhân viên và người lao động.

Liên quan đến công tác tổ chức lại các Trung tâm y tế và bệnh viện quận - huyện trực thuộc UBND quận - huyện đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-UBND, theo lộ trình triển khai, tính đến ngày 1/1/2021, có 43/43 Trung tâm y tế và bệnh viện quận - huyện trực thuộc UBND quận - huyện đã được tổ chức lại thành Trung tâm y tế và bệnh viện quận - huyện trực thuộc Sở Y tế với 12.863 người làm việc, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP cho biết thêm, Sở cũng triển khai Đề án tổ chức lại các Trạm Y tế phường, Trung tâm Y tế và Bệnh viện quận trực thuộc Sở Y tế sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức. Trong đó, tổ chức lại Bệnh viện quận 2 thành Bệnh viện Lê Văn Thịnh với số lượng 758 người làm việc; Bệnh viện quận Thủ Đức được tổ chức lại thành Bệnh viện TP Thủ Đức với 1.969 người; Trung tâm y tế quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức tổ chức lại thành Trung tâm y tế TP Thủ Đức với 459 người; các Trạm y tế thuộc Trung tâm y tế quận 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận được tổ chức lại theo địa giới hành chính.

Theo báo cáo của Sở Y tế, sau khi tổ chức lại có 79 cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở với số lượng người làm việc là 42.116 người.

Về nội dung thay đổi thẻ BHYT, bà Huỳnh Mai thông tin, từ ngày 01/4/2021, BHXH TP thực hiện cấp thẻ BHYT mẫu mới cho các trường hợp tăng mới, cấp lại thẻ do mất, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ.

Mặt trước của mẫu thẻ BHYT mới
Mặt trước của mẫu thẻ BHYT mới

Thẻ BHYT mẫu mới được sử dụng song hành với thẻ BHYT mẫu cũ và đều có giá trị sử dụng như nhau khi đi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Những người đang sử dụng thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn tiếp tục được dùng để đi KCB và không cần đổi thẻ mẫu mới. Cơ quan BHXH thực hiện gia hạn sử dụng thẻ BHYT trên cơ sở dữ liệu quản lý, không thực hiện in đổi thẻ BHYT thẻ (trừ trường hợp bị mất, hỏng hoặc thay đổi thông tin trên thẻ).

Thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn, được ép plastic sau khi in và dùng con dấu của BHXH Việt Nam, in chức danh, chữ ký, họ tên của Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ, Thẻ; mã số thẻ gồm 10 ký tự (giảm 5 ký tự) là mã số BHXH của người tham gia và thông tin trên thẻ gồm các tiêu chí như: mã số, họ tên, giới tính, mã mức hưởng BHYT; mã nơi đối tượng sinh sống (được chuyển xuống cùng dòng in ngày tháng năm sinh, giới tính); nơi đăng ký KCB ban đầu; giá trị sử dụng; thời điểm đủ 5 năm liên tục; nơi cấp, đổi thẻ BHYT.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục