Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tại Lễ công bố Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14

14:06 31/12/2020

(HMC) - Sáng nay 31/12, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9-12-2020  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp  huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14. Ảnh: VIỆT DŨNG/SGGP
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14. Ảnh: VIỆT DŨNG/SGGP

Trung tâm Báo chí TPHCM trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM tại buổi Lễ công bố Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp  huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.

Kính thưa đồng chí đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương,

Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, quý mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố, 

Kính thưa các vị đại diện ngoại giao đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành phố,

Thưa đồng bào Thành phố, nhân dân quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức,

Thưa quý đại biểu,

Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt quá trình phát triển 45 năm sau ngày 30-4-1975 đã luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự chia sẻ, hợp tác của các tỉnh, thành phố và cả nước. 

Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã nhận định: 

- Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất nước, bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quân của cả nước. 

- Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước nhưng nhờ năng suất lao động cao Thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước, tăng trưởng bình quân 2016 - 2019 là 7,7%/năm.

- Thành phố luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia.

- Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước. 

Bên cạnh các thành tựu phát triển Thành phố trong thời gian qua mà Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã đánh giá toàn diện, sâu sắc thì một vấn đề cơ bản đang đặt ra với phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm qua là tính vượt trội của tốc độ tăng trưởng của kinh tế Thành phố so với cả nước đã giảm mạnh, mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Bình quân giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố cao hơn cả nước là 1,65 lần, song năm 2011 chỉ còn 1,17 lần. Vì vậy, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã đặt ra nhiệm vụ: tốc độ tăng trưởng sản phẩm nội địa bình quân giai đoạn  2011 - 2020 cao hơn 1,5 lần so với bình quân cả nước. Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng kinh tế bình quân Thành phố 2011 - 2019 chỉ cao hơn bình quân cả nước 1,2 lần.

Điều này đặt ra 2 nhiệm vụ cho phát triển lâu dài của Thành phố: hoàn thiện cơ chế Tài chính - Ngân sách của Thành phố và tạo ra động lực mới cho tăng trưởng dựa trên thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Động lực mới này phải được hình thành trên cơ sở: tạo tương tác có hiệu quả cao giữa các yếu tố nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 và xác định địa bàn nào cho phép có sự tương tác đó hiệu quả cao nhất.

Qua quá trình phát triển hơn 20 năm, quận 2, 9 và quận Thủ Đức đã tạo nên các hạ tầng kỹ thuật và xã hội quan trọng cho phát triển kinh tế thời kỳ 4.0, nhưng lại nằm rời rạc ở 3 quận, không có quy hoạch thống nhất, chính sách thống nhất, quản lý nhà nước thống nhất, do đó không phát huy được tác dụng tổng hợp để tạo ra một trung tâm tăng trưởng mới cho kinh tế Thành phố.

Trên cơ sở nhận ra các tiềm năng này ở ba quận, qua hội thảo quốc tế được tổ chức ở Thành phố năm 2018 và 2019, Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương xây dựng một Khu đô thị sáng tạo tương tác cao trên địa bàn ba quận này. Qua thi tuyển quốc tế đề xuất ý tưởng xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, các công ty tư vấn quốc tế có uy tín đã khẳng định: quận 2, 9 và Thủ Đức đã có nhiều tiền đề quan trọng để hình thành một Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, nếu được quy hoạch hợp lý, bổ sung các cấu phần còn thiếu, sẽ trở thành một trung tâm kinh tế 4.0 của Thành phố, là hạt nhân cho phát triển kinh tế của Thành phố và Khu vực Đông Nam bộ.

Đồng thời xuất hiện nhu cầu cần phải sáp nhập 3 quận này thành một đơn vị hành chính mới có một quy hoạch thống nhất, một hệ thống chính sách thống nhất, một chính quyền quản lý thống nhất. Đó là lý do phải thành lập Thành phố Thủ Đức - một thành phố kinh tế tri thức, một động lực đột phá phát triển kinh tế của Thành phố. 

Để trở thành một đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế 4.0, Thành phố Thủ Đức hôm nay đã có những tiền đề hạ tầng rất quan trọng:

1. Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (diện tích khoảng 800 ha, đã thu hút đầu tư nước ngoài hơn 8 tỷ USD và 42.000 lao động, xuất khẩu năm 2020 khoảng 20 tỷ USD). 

2. Khu Đại học (Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, Đại học Nông Lâm, Đại học Fulbright, Đại học Văn hóa) với hơn 100.000 sinh viên và hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên.

3. Khu Đô thị mới Thủ Thiêm với Trung tâm tài chính của Việt Nam và khu vực.

4. Hệ thống Viễn thông 5G.

5. Hệ thống giao thông thuận tiện (đường bộ, tàu điện ngầm, cảng container Tân Cảng lớn nhất Việt Nam, sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất).

6. Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (100ha).

7. Sân golf Thủ Đức (300ha).

8. Bệnh viên đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện đa khoa quận 2, Bệnh viện Ung bướu (quận 9).

9. Diện tích Thành phố là 21.157 ha và dân số là 1,17 triệu người (theo quy hoạch dự kiến dân số là 2 triệu người vào năm 2040 và 3 triệu người vào năm 2060) đủ lớn để tạo môi trường và lực phát triển tại chỗ.

Theo quy hoạch sẽ triển khai tiếp các hạ tầng công nghệ và xã hội quan trọng mới:

1. Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam.

2. Công viên phần mềm Quang Trung Thành phố Thủ Đức.

3. Trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính) hiện đại nhất ASEAN.

4. Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch.

5. Trung tâm Triển lãm Hội chợ quốc tế.

6. Khu liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc (222 ha).

7. Hệ thống đê bao, bơm và các khu vực chứa nước tự nhiên và nhân tạo để Thành phố Thủ Đức là Thành phố không ngập nước ở khu vực đô thị. Với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại như vậy, với thiết kế không gian đô thị hợp lý và quản lý thông minh, là thành phố thông minh tạo sự tương tác cao giữa tất cả 16 cấu phần nói trên thì Thành phố Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế. Trong khoảng 10 năm tới Thành phố Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 7% GDP của Việt Nam, là nền kinh tế lớn thứ 3 sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trong nhiệm kỳ 14 của Quốc hội, chỉ trong vòng 3 năm 2017 - 2020 Quốc hội đã có 2 Nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một Nghị quyết tạo nên sự đột phá về thể chế phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là:

- Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

- Nghị quyết 131/2020/QH14 ngày 16-11-2020 về tổ chức chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh.

- Nghị quyết 1111/UBTVQH14 ngày 9-12-2020 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập Thành phố Thủ Đức.

Đây là sự đột phá về thể chế phát triển Thành phố trong 45 năm qua, mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh trong 25 năm tới, vì cả nước, cùng cả nước.

Để có tiền đề và tầm nhìn phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Thành phố Thủ Đức nói riêng hôm nay, Đảng bộ và chính quyền Thành phố chân thành cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ Thành phố 45 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức, đảng viên và đồng bào Thành phố đã hy sinh, làm việc hết mình vì sự phát triển của Thành phố, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì cả nước, cùng cả nước; cảm ơn các doanh nghiệp mọi miền đất nước, các nhà đầu tư nước ngoài đã tin cậy và đầu tư tại Thành phố; cảm ơn các tỉnh, thành phố bạn trong khu vực và cả nước đã luôn chia sẻ, hợp tác với Thành phố.

Vạn sự khởi đầu nan. Thành phố mới, gian nan, thách thức mới và cơ hội mới. Thành phố Thủ Đức ra đời là cơ hội cho các lớp cán bộ, các nhà khoa học, các doanh nhân và thanh niên Thành phố khẳng định, trưởng thành và cống hiến, xây dựng nên một Thành phố hiện đại, Thành phố văn hóa, Thành phố hội nhập, Thành phố đáng sống vào bậc nhất của Việt Nam. Thành phố Thủ Đức trong lòng Thành phố Hồ Chí Minh, rất mong Quảng trường lớn nhất, đẹp nhất của Thành phố Hồ Chí Minh ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ sớm hoàn thành và mang tên Quảng trường Hồ Chí Minh.

Kính thưa đồng bào, kính thưa các đồng chí và thưa các vị khách quý,

Chỉ còn ít giờ nữa thôi, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Thủ Đức sẽ bước vào năm mới 2021, xin kính chúc các đồng chí, đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Thủ Đức, các vị khách quý, các chúc các đại diện ngoại giao đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài một năm mới luôn khoẻ mạnh, sáng tạo, thành công và hạnh phúc.

Xin trân trọng cám ơn!

Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục