Ban quản lý Thủ Thiêm thông tin về loạt bài “U Minh giữa Sài Gòn”

08:27 29/06/2020

(HMC) - Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa có công văn gửi Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND Thành phố, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên và Trung tâm Báo chí Thành phố về những nội dung trong các bài báo đã đăng trên Báo Thanh Niên vào các ngày 23, 25 và 26/6/2020.

Ban quản lý Thủ Thiêm thông tin về loạt bài “U Minh giữa Sài Gòn”
Khu đất dành để xây dựng khu lâm viên sinh thái rừng ngập nước trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH/Báo Tuổi Trẻ

Theo công văn trên cho biết, báo Thanh Niên các ngày 23, 25 và 26/6/2020 có đăng 03 bài báo liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tiêu đề: ‘U Minh’ giữa Sài Gòn: Bác Ba Phi ở... Thủ Thiêm (ngày 23/6/2020); ‘U Minh’ giữa Sài Gòn: Len trâu ở... phố (ngày 25/6/2020); U Minh giữa Sài Gòn: Trong “rừng” Thủ Thiêm (ngày 26/6/2020).

Công văn cũng khẳng định các bài báo trên có thông tin chưa chính xác về Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cụ thể, theo Ban Quản lý Thủ Thiêm, trong các bài báo nêu trên, do tác giả chưa tìm hiểu kỹ về quy hoạch chung Khu đô thị mới Thủ Thiêm và quy hoạch của Khu chức năng số 8 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Khu Lâm viên sinh thái thuộc Vùng châu thổ phía Nam), nên đã có những thông tin chưa đầy đủ, dẫn đến gây hiểu lầm cho độc giả.

Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm thông tin, theo quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết) tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt, Khu Lâm viên sinh thái có diện tích khoảng 128 ha, với chức năng chính là khu vực dành cho mục đích bảo vệ môi tr­ường và thoát nước mặt kết hợp nghỉ ngơi, giải trí và giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên nh­ư một lâm viên sinh thái ­rừng ngập nước ngay tại trung tâm thành phố. Phần lớn diện tích của Khu này là vùng sinh thái ngập nước, chỉ quy hoạch 03 lô đất để xây dựng các công trình phục vụ tham quan, du lịch và khu nghiên cứu thực vật. Các công trình xây dựng trên 03 lô đất này có quy mô và kiến trúc hài hòa, mật độ xây dựng thấp để không phá vỡ cảnh quan chung.

Khu Lâm viên sinh thái là khu vực phát triển sinh thái đa dạng nhất tại Thủ Thiêm và là một công trình rất đặc thù tại khu trung tâm Thành phố. Hầu hết diện tích của khu vực là đất trồng đước và các loại thực vật phát triển tự nhiên, kết hợp với các tuyến giao thông thủy được đào và nạo vét từ các luồng lạch hiện hữu. Khi có đợt triều cường từ sông Sài Gòn đổ vào hệ thống kênh đào và rừng đước tại khu ngập nước này, nước sẽ được lọc và đổ ngược vào hệ thống giao thông thủy.

Với định hướng sẽ “giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên nh­ư một lâm viên sinh thái ­rừng ngập nước ngay tại trung tâm thành phố, trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 2, Ủy ban nhân dân phường An Lợi Đông để quản lý, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của khu vực này. Đến nay, nhiều loại thực vật đã phát triển tốt một cách tự nhiên, nhiều loại động vật hoang dã đã về đây sinh sống. Đây là một tín hiệu đáng mừng để có thể hình thành được “một lâm viên sinh thái ­rừng ngập nước ngay tại trung tâm thành phố” theo như định hướng quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà đơn vị tư vấn nước ngoài (Công ty Sasaki – đơn vị trúng giải cuộc thi quốc tế tuyển chọn ý tưởng thiết kế quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm) đã đề xuất, được các chuyên gia hàng đầu thế giới đánh giá cao, được Bộ Xây dựng thẩm định, trước khi Thành phố phê duyệt.

Khu Đô thị mới Thủ Thiêm đang dần rõ dáng trở thành một khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại của cả nước. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Khu Đô thị mới Thủ Thiêm đang dần rõ dáng trở thành một khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại của cả nước. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Việc bảo vệ, phát triển các loại động vật, thực vật hiện có trong Khu Lâm viên sinh thái là rất cần thiết, tuy nhiên, do diện tích toàn khu quá lớn và có nhiều cách để tiếp cận vào khu vực này, nên lực lượng chức năng không thể quản lý, ngăn chặn việc người dân ở các nơi khác đến đây săn bắt chim thú và đánh cá. Các cơ quan và các phương tiện thông tin đại chúng cần tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm hạn chế các hành động săn bắt chim thú, đánh cá trong khu vực quy hoạch xây dựng Khu Lâm viên sinh thái để phát triển hệ sinh thái đa dạng tại đây.

Về việc triển khai đầu tư xây dựng Khu Lâm viên sinh thái: do tính chất đặc thù của công trình nên Ủy ban nhân dân Thành phố đã chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn nước ngoài (Công ty Architype – Cộng hòa Pháp) để lập Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mất rất nhiều thời gian do phải tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề bảo tồn, tôn tạo “một lâm viên sinh thái ­rừng ngập nước ngay tại trung tâm thành phố”, phải tổ chức tham học tập kinh nghiệm của các dự án có quy mô, tính chất tương tự ở trong nước và các nước trong khu vực, phải lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn,...
Ban Quản lý Thủ Thiêm khẳng định, đến nay, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được UBND Thành phố phê duyệt và Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được đơn vị tư vấn báo cáo đến các cơ quan chuyên ngành của Thành phố; đang hoàn chỉnh để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Về phương thức đầu tư, trước đây, dự án đầu tư xây dựng Khu Lâm viên sinh thái đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT. Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các nghị định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, vì vậy, sau khi Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt, UBND Thành phố sẽ có chỉ đạo để sớm đầu tư xây dựng công trình và đưa vào sử dụng trước năm 2025 theo đúng quy định hiện hành.

Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm cũng đề nghị báo Thanh Niên có biện pháp thông tin lại với độc giả một cách đầy đủ, chính xác về quy hoạch xây dựng Khu Lâm viên sinh thái. Tránh tình trạng do không có đủ thông tin nên có ý kiến một cách phiến diện, cường điệu hóa, làm ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hoa Mai

Tin cùng chuyên mục