Bệnh viện đảm bảo chữa bệnh nặng, khám bệnh từ xa

17:56 17/07/2021

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch. Nguyên nhân được chỉ ra, do tâm lý lo ngại, bệnh nhân không dám đến BV vì sợ lây nhiễm Covid-19. Trong khi đó, các BV khẳng định, luôn đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

Bệnh nhân đến khám, điều trị giảm 50%-95%

Khu khám sàng lọc cấp cứu BV Nhân Dân 115 (TPHCM) trưa 15-7 tiếp nhận nam bệnh nhân D.N.T. (23 tuổi, ngụ Hóc Môn) trong tình trạng đau quặn thắt bụng. Khai thác nhanh, bệnh nhân không có tiền sử dịch tễ liên quan đến dịch Covid-19.

Trước đó, bệnh nhân vì lo sợ dịch bệnh nên không đến cơ sở y tế để thăm khám khi đã có dấu hiệu đau bụng kéo dài, tự điều trị ở nhà bằng thuốc mua ngoài tiệm. Khi sức khỏe quá yếu, đau bụng kéo dài, nóng rát vùng thượng vị, đau lan xuống vùng hố chậu phải, kèm theo buồn nôn, không sốt, bệnh nhân mới tới BV cấp cứu. Bệnh nhân và người nhà đi cùng được lấy mẫu và thực hiện test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính. Bệnh nhân sau đó được thực hiện siêu âm bụng, chụp CT bụng cản quang.

Qua hội chẩn ngoại khoa, anh T. được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Sau hơn 1 giờ, với tinh thần khẩn trương và trang bị bảo hộ tốt nhất, các bác sĩ đã cắt ruột thừa, giúp bệnh nhân vượt qua tình trạng nguy kịch, sức khỏe ổn định sau phẫu thuật. 

BV Đại học Y Dược TP tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 cho người dân đến khám bệnh
BV Đại học Y Dược TP tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 cho người dân đến khám bệnh

BV Quân y 175 Bộ Quốc phòng cũng vừa tiếp nhận và cứu sống bệnh nhân H.T.B. (79 tuổi). Khi nhập viện cấp cứu được chẩn đoán viêm túi mật do sỏi. Ở nhà, bệnh nhân đau bụng dữ dội ở vùng bụng trên bên phải, buồn nôn, sốt nhưng cố chịu đựng, 3 ngày sau mới chịu nhập viện. Hoặc như trường hợp bệnh nhân L.N.T. (69 tuổi), có tiền sử cao huyết áp, đái tháo đường type II, nhồi máu cơ tim, bệnh lý mạch vành.

Do dịch bệnh kéo dài và có nhiều ca mắc Covid-19 trong BV, ông T. ngần ngại tới khám, lấy thuốc dù có biểu hiện đau ngực. Đến gần đây, do không chịu đựng được các cơn đau ngực kéo dài, bệnh nhân có diễn tiến ngưng tim, được người nhà đưa tới cấp cứu. May mắn được các y bác sĩ BV xử trí nhanh chóng nên bệnh nhân T. thoát “cửa tử”. 

Ghi nhận của PV tại nhiều BV trên địa bàn thành phố, số lượt bệnh nhân đến khám, điều trị thời điểm này giảm 50%-95%. Bác sĩ Khâu Minh Tuấn, Trưởng khoa cấp cứu, BV Nhân Dân 115 (TPHCM), cho biết, trong 7 ngày thành phố thực hiện giãn cách, khoa tiếp nhận 486 lượt (giảm khoảng 80%); chủ yếu ở các bệnh lý, đột quỵ, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp. Khám ngoại trú cũng giảm khoảng 80%, còn nội trú giảm 1/3. Trong số 486 bệnh nhân cấp cứu, đa số đều rơi vào tình trạng nặng do không được điều trị kịp thời, hoặc biến chứng do tự ý kê, mua, sử dụng thuốc và nguyên nhân chính là ngại đến BV thăm khám do sợ dịch Covid-19.

Bác sĩ CKII Lê Trung Chánh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, cho biết, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách, lượt người đến khám chữa bệnh giảm khoảng 95%. Nhìn chung, bệnh nhân có tâm lý chờ hết dịch mới đi khám, trừ trường hợp đau quá, bị tai nạn giao thông hoặc từ BV Chợ Rẫy TPHCM chuyển sang điều trị. Còn PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, cho biết, lượt người đến khám chữa bệnh của BV giảm 50% so với thời điểm trước giãn cách và giảm chỉ còn 1/4 so với giai đoạn chưa bùng phát dịch.

Đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch 

Theo Sở Y tế TPHCM, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các BV tập trung cho trực cấp cứu, điều trị và chống dịch. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người dân có bệnh không đến BV; nhất là trẻ em, người già có bệnh lý nền, mạn tính, bệnh diễn biến rất nhanh, để lại hậu quả đáng tiếc.

Để tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hiện tất cả các BV đều có đường dây nóng, mạng xã hội Facebook, Zalo, website… hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, tư vấn và giải quyết kịp thời các vấn đề người dân quan tâm, thắc mắc. Ngoài ra, các BV cũng đã triển khai khám bệnh từ xa, khám chữa bệnh trực tuyến; ứng dụng AiHealth (bác sĩ riêng) hoặc fanpage AiHealth cũng nhận tư vấn miễn phí cho người bệnh. 

Bác sĩ Âu Thanh Tùng, Trưởng khoa Khám bệnh BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, hiện nay ngoài khám chữa bệnh tại chỗ, BV vẫn luôn trực để hội chẩn trực tuyến với tuyến dưới để xử lý những ca nặng chữa trị ở cơ sở. “Trong 7 ngày TPHCM thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, BV đã tiếp nhận, cấp cứu 280 lượt bệnh nặng; hơn 2.600 lượt khám ngoại trú, chủ yếu là sản phụ khoa, hóa trị, tim mạch, tiêu hóa gan mật”, bác sĩ Tùng cho biết. 

Bác sĩ khám cho bệnh nhân nội trú tại Khoa Thần kinh BV Đại học Y Dược TPHCM
Bác sĩ khám cho bệnh nhân nội trú tại Khoa Thần kinh BV Đại học Y Dược TPHCM

Cũng theo bác sĩ Âu Thanh Tùng, nhằm hạn chế việc tập trung đông người và giảm thời gian chờ đợi, BV Đại học Y Dược khuyến khích người bệnh đăng ký khám bệnh trực tuyến tại ứng dụng “UMC - Đăng ký khám bệnh online” và lấy mẫu xét nghiệm trước ngày khám. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi mắc bệnh mãn tính, bắt buộc phải được tái khám định kỳ. Một số ca bệnh phải tái khám đúng thời gian, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng như suy tim sau nhồi máu cơ tim, bệnh van tim đã phẫu thuật thay van, rung nhĩ đang điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cường giáp, loét dạ dày, tá tràng… người bệnh sẽ được bố trí khu vực vùng đệm riêng biệt để xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập viện. 

Bác sĩ CKII Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân Dân 115, lưu ý, trước khi người bệnh tới khám, điều trị nên gọi cho bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng bệnh. Những ca bệnh nặng sẽ được khuyến cáo đến BV sớm, cấp cứu kịp thời; các ca nhẹ không cần đến BV sẽ được tư vấn chữa bệnh từ xa. Khi người bệnh tới BV đều phải khai báo y tế và thực hiện đúng quy trình phòng chống dịch. Trong trường hợp nghi ngờ, BV sẽ khám sàng lọc, cho xét nghiệm Covid-19…

“Người bệnh hãy an tâm khi tới BV trong trường hợp cần thiết. Bệnh nặng nhưng không vào BV để điều trị vì sợ Covid-19 dễ dẫn đến nguy cơ tử vong do chính căn bệnh gây ra”, bác sĩ Sóng cảnh báo.

* PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất:

Khám sàng lọc kỹ với bệnh nhân mạn tính

Nhằm đảm bảo an toàn, chống lây nhiễm chéo cho bệnh nhân và nhân viên y tế, BV đã tiến hành kiểm soát phân luồng ngay khi bệnh nhân đến cổng. Trường hợp bệnh nhân có yếu tố nguy cơ dịch tễ sẽ được hướng dẫn tới phòng khám sốt và sàng lọc phía ngoài BV. Riêng bệnh nhân cấp cứu được sắp xếp vào các phòng đệm cách ly để sàng lọc, tại đây bệnh nhân được làm xét nghiệm bằng test nhanh và RT-PCR, song song với việc cấp cứu. Chỉ các bệnh nhân có xét nghiệm âm tính thì mới được vào khu chính của BV. Riêng trường hợp các bệnh nhân lọc thận, hoặc hóa trị, xạ trị ung thư trong ngày thì BV vẫn tiếp nhận, tuy nhiên bệnh nhân phải khám sàng lọc kỹ càng theo quy trình phòng chống dịch trước khi chuyển lên khoa điều trị hoặc vào khu lọc thận. 

* TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương:

Cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân hoạt động 24/24 giờ

Trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân hoạt động 24/24 giờ. Bệnh nhân và người thân khi vào BV bắt buộc phải khai báo y tế. Với bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú được xét nghiệm RT-PCR để sàng lọc, trong thời gian chờ kết quả, bệnh nhân được bố trí chờ tại khu vực đệm riêng. Nếu nằm viện trên 7 ngày, bệnh nhân và người thân sẽ được kiểm tra, xét nghiệm lại. Ngoài ra, BV không tiếp nhận người vào thăm bệnh.

                                                                                                                KIM HUYỀN ghi

QUANG HUY/SGGP

Tin cùng chuyên mục