Tối 13-8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đến thăm hỏi, động viên các y, bác sĩ trường Đại học Y Dược TPHCM phụ trách mô hình chăm sóc F0 ở cộng đồng tại quận 10. Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng tham gia.
Sớm nhận diện tình trạng F0 qua zalo, viber... để chuyển đúng tầng
Sau khi lắng nghe kết quả của mô hình chăm sóc F0 ở cộng đồng, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ vui mừng khi việc áp dụng mô hình giúp giảm được số ca tử vong. Đặc biệt, từ hiệu quả ở quận 10, mô hình kịp thời triển khai ở quận 8, nơi có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Đánh giá đây là mô hình rất hay và hiệu quả mà TPHCM đang cần, đồng chí chỉ đạo UBND TPHCM phải sớm nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng gợi ý có thể tổ chức tập huấn hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình để sớm đưa vào hoạt động bài bản, giúp giảm áp lực cho tuyến trên, góp phần tạo điều kiện để việc chăm sóc, điều trị F0 trở nặng được tốt hơn.
Trước đó, báo cáo với đoàn, GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, mô hình này chia làm 2 đội. Trong đó, đội tư vấn sàng lọc F0 tại nhà, nếu ghi nhận có dấu hiệu trở nặng sẽ chuyển thông tin đến đội 2 đưa đi cấp cứu. Tại trạm cấp cứu ngoại viện, nếu bệnh nhân khỏe lại sẽ đưa về nhà, còn trở nặng hơn được chuyển đi đến các bệnh viện điều trị Covid-19 của TPHCM. Mô hình này giúp F0 an tâm ở nhà chăm sóc và theo dõi sức khỏe, giảm tải cho TPHCM.
Điểm quan trọng nữa là mô hình này giúp bác sĩ nhận diện tình trạng bệnh để chuyển viện đúng tầng, làm giảm tải các khu cách ly, bệnh viện điều trị Covid-19. Đặc biệt, xử lý kịp thời những trường hợp F0 trở nặng giúp tăng cơ hội sống cho người bệnh. Tính phổ biến của mô hình là không cần lực lượng nhiều và chỉ cần sử dụng các ứng dụng hiện nay như viber, zalo… là có thể thực hiện được.
Đề cập chi tiết hơn về quy trình hoạt động của mô hình, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đội tư vấn sàng lọc F0 từ xa sẽ chủ động liên lạc với F0 đang cách ly tại nhà để tư vấn, hỗ trợ chăm sóc, theo dõi sức khoẻ. Một tổ tư vấn chỉ cần 1 bác sĩ và 2-3 sinh viên khoa y tham gia tư vấn cho nhiều F0 tại nhà. Từ đó đội này phân loại nguy cơ và sớm nhận diện F0 có dấu hiệu trở nặng để kịp thời thông báo cho trạm cấp cứu ngoại viện.
Đội cấp cứu của trạm cấp cứu ngoại viện sẽ đến đưa F0 về trạm cấp cứu, chăm sóc chuyên sâu. Nếu F0 ổn định sẽ đưa về nhà tiếp tục theo dõi, trường hợp F0 chuyển nặng, các bác sĩ sẽ phân tích tình trạng bệnh để đưa đến đúng tầng điều trị của TPHCM. Từ đó giúp giảm tải rất nhiều cho các tầng điều trị.
Thông tin trước loại vaccine để người dân quyết định
Trước đó, chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có tổ chức tiêm ngừa, chăm lo F0 tại một số địa phương trên địa bàn thành phố.
Đến kiểm tra điểm tiêm vaccine tại Trường THCS Nguyễn An Khương (thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn), Bí thư Thành ủy TPHCM thăm hỏi nhiều người dân đang chờ đến lượt tiêm cũng như những người đang chờ theo dõi sau khi tiêm vaccine Vero Cell. Ở điểm tiêm này có rất đông người dân đang cư ngụ, làm việc tại huyện đến tiêm ngừa, là người ở huyện, ở quận 12, quận Tân Bình và các tỉnh: Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bến Tre...
Ngồi chờ theo dõi sau khi tiêm, ông Lê Văn Đèo (57 tuổi, thị trấn Hóc Môn) cho biết, ông được tổ dân phố tư vấn về việc tiêm vaccine Vero Cell. Ban đầu ông có lo lắng nhưng sau khi nghe tư vấn, ông đã an tâm hơn và đến tiêm ngừa. Theo ông Đèo, lúc này dịch bệnh quá phức tạp, khi tiêm ngừa sẽ có được miễn dịch, giúp bản thân, gia đình an toàn hơn. Cho nên việc sớm được tiêm ngừa là điều đáng mừng, chứ ông không “kén cá chọn canh”.
Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Phương Anh (25 tuổi, thị trấn Hóc Môn) cho biết mình tự lên mạng tìm hiểu. Có nguồn nói vaccine Vero Cell có chỉ số thấp hơn so với một số vaccine khác. Nhưng cho rằng, được tiêm ngừa vẫn tốt hơn so với không tiêm nên chị Phương Anh đã không do dự mà đến tiêm.
Theo quy trình, người dân được tư vấn để biết trước loại vaccine sẽ tiêm. Trong ngày 13-8, có nơi chưa thực hiện tốt việc này, một số người dân đến điểm tiêm mới biết nên bỏ về. Dù vậy, nhiều người sau đó tìm hiểu kỹ lại thông tin thì quay trở lại để tiêm vaccine Vero Cell.
Người dân huyện Hóc Môn tiêm vaccine Vero Cell. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu phải thông tin trước loại vaccine để người dân biết và quyết định. Thăm hỏi, trao đổi với người dân tại điểm tiêm, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, mục tiêu của thành phố trong một tháng tới là kiểm soát dịch Covid-19, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, chìa khóa quan trọng nhất là tiêm vaccine.
“Trong lúc vaccine khan hiếm như hiện nay thì sự ủng hộ, đồng tình, hưởng ứng của người dân có vai trò quyết định”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Hạn chế tối đa F0 tử vong
Sau khi rời huyện Hóc Môn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại quận 11, trong đó có việc tiêm ngừa, đảm bảo an sinh xã hội cũng như chăm lo F0…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi làm việc với quận 11 về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG
Báo cáo với đoàn, Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long cho biết, quận đã tiêm vaccine đạt gần 95%. Số còn lại (là F0, người cam kết không tiêm, người đi ra khỏi TPHCM chưa về quận được…), quận sẽ rà soát và tiêm vét. Quận cũng xây dựng kế hoạch tiêm đợt 2 và kiến nghị được bố trí vaccine để tiêm ngừa trong thời gian quy định.
Đối với F0, quận có lập tổ tư vấn, hỗ trợ điều trị tại nhà và thuê xe chụp X-quang di động để chụp, đánh giá mức độ tổn thương phổi của F0. Đây là căn cứ quan trọng để quận hỗ trợ, xử lý tiếp theo như cách ly tại nhà, đưa vào khu thu dung của quận hoặc chuyển lên tuyến trên. Quận cũng lập tổ tư vấn với các y, bác sĩ (có hơn 200 y, bác sĩ tư nhân tham gia) trực tiếp tư vấn, hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà… Từ những cách làm trên, số F0 trở nặng ở quận giảm, đặc biệt số ca tử vong giảm rõ rệt.
Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long phát biểu trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM biểu dương, đánh giá cao những kết quả khá tốt, khá toàn diện mà quận 11 thực hiện được, nhất là tỷ lệ tiêm ngừa đạt mức ấn tượng. Đồng chí biểu dương những nỗ lực, sự tập trung trí tuệ của địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao với cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Đó là việc huy động được các nguồn lực trên địa bàn, với sự tham gia của 200 y, bác sĩ tư nhân. Đặc biệt là việc quận 11 đi thuê máy X-quang di động để đi khắp các nơi chụp hình phổi cho F0. Những cách làm này cần phát huy để hạn chế tối đa F0 tử vong.
Nhấn mạnh TPHCM vẫn đang đối mặt với thử thách rất lớn, đồng chí Nguyễn Văn Nên động viên địa phương tiếp tục nỗ lực kiểm soát dịch bệnh thông qua việc thực hiện triệt để giãn cách. “Ai ở đâu ở đấy” để hạn chế đối đa lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó là nỗ lực giảm số ca mắc mới, giảm các trường hợp tử vong và phải giữ vững, mở rộng “vùng xanh” nhiều hơn, vùng an toàn phải cao hơn… Điều này có ý nghĩa quan trọng để đến ngày 15-9, TPHCM kiểm soát được dịch bệnh.
Cùng tham gia với đoàn, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong ngày 13-8, một số địa phương đã tiêm hết lượng vaccine Vero Cell được phân bổ và kiến nghị bổ sung. Trong đó, quận 7 tiêm xong 3.000 liều và kiến nghị bổ sung 3.000 liều; huyện Hóc Môn được phân bổ 5.000 liều, đã nhanh chóng tiêm xong và được bổ sung thêm 4.500 liều trong ngày. Tương tự, TP Thủ Đức đăng ký cấp 300.000 liều vaccine Vero Cell…
Đến nay, TPHCM có 4,3 triệu người đã được tiêm ngừa. TPHCM phấn đấu ít nhất 7 triệu người được tiêm để đạt được ngưỡng miễn dịch trong cộng đồng. Hiện, mỗi ngày thành phố tiêm 250.000 liều. Với tốc độ tiêm như hiện nay, đến cuối tháng 8, thành phố sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng.
|
KIỀU PHONG - VĂN MINH/SGGP