Ngày 27-9, tại Hội trường TPHCM, sau 2 ngày làm việc, Đại hội đại biểu Hội Nông dân TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 đã diễn ra phiên bế mạc.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Võ Văn Cương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Cùng dự phiên bế mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM: Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM…
“Tiền không thể nào mua được những làng quê yêu dấu”
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội và hội viên nông dân đã chung sức, đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu có giải pháp chấn chỉnh những mặt còn hạn chế và lưu ý tiếp tục đổi mới, sáng tạo và đột phá hơn nữa trong công tác tham mưu chính sách. Công tác truyền thông phải kịp thời hơn để thông tin chính thống đến được với nông dân.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Đảng và Nhà nước rất quan tâm và có nhiều chính sách, chủ trương, nghị quyết liên quan đến nông dân, nông thôn nhưng các chính sách trên đi vào cuộc sống còn nhiều vướng mắc, sự phối hợp còn hạn chế. Do đó, đồng chí yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến nông dân cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp để các chủ trương được cụ thể hoá, có được kết quả thiết thực trong cuộc sống của nông dân.
Thống nhất với phương hướng nhiệm kỳ 2023-2028, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng gợi mở một số nội dung trong lãnh đạo, chỉ đạo để Hội Nông dân TPHCM nghiên cứu, thực hiện trong thời gian tới.
"Đối với TPHCM, dù thành phố phát triển theo hướng công nghiệp và dịch vụ hiện đại đến mức nào thì nông nghiệp, nông thôn vẫn giữ vững như một phần quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển bền vững. Và nông dân TPHCM phát triển như thế nào cũng không thể tách rời mối liên kết với nông dân các tỉnh lân cận và trong khu vực", đồng chí nhấn mạnh và khẳng định việc xây dựng nông thôn gắn với phát triển đô thị bền vững, xây dựng đô thị thông minh, làng xã thông minh là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng sống của người dân.
Nhắc đến kinh nghiệm của nhiều nước về việc phá bỏ làng quê để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nhưng khi làm giàu từ công nghiệp hóa, thì không còn những làng quê dấu yêu. “Tiền không thể nào mua được những làng quê yêu dấu”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhắc nhớ và yêu cầu trong quy hoạch phát triển của thành phố phải theo hướng xã hội hài hoà, xanh, bảo vệ môi trường sống và bảo vệ những nơi cần phải bảo vệ, trong đó có những làng quê yêu dấu của thành phố.
Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững
Để thực hiện mục tiêu, kế hoạch đề ra, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu trong xu thế phát triển, hội nhập sâu rộng hiện nay, phải đổi mới phương thức hoạt động nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp nông dân. Trước hết là nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sinh hoạt chi hội, chú trọng phát triển hội viên mới là trí thức, nhà khoa học, chuyên gia.
Cùng với đó, phát huy vai trò của các cấp hội trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Duy trì và nâng cao tham mưu các cuộc đối thoại định kỳ giữa cấp ủy, chính quyền với hội viên, nông dân để lắng nghe, nắm bắt, thấu hiểu, chia sẻ và kịp thời chỉ đạo, định hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn sản xuất, đời sống của nông dân. Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân trong sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Mặt khác, đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông, cải cách hành chính, chuyển đổi số. Đồng chí lưu ý, một mặt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động của hội thì một mặt thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát huy vai trò của hội viên, nông dân trong ứng dụng công nghệ từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tích hợp giữa chuỗi giá trị - chuỗi cung ứng và thay đổi phương thức quản lý, phòng ngừa hạn chế rủi ro thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, phải truyền tải được đến người nông dân tư duy hệ thống thích ứng chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống “khai thác - chế biến - sử dụng - vứt bỏ” sang mô hình “khai thác - sản xuất sử dụng - tái sử dụng - tái chế”. “Đó là bản chất của kinh tế tuần hoàn, khôi phục, tái tạo, phát triển bền vững”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Đồng chí cũng yêu cầu thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo an sinh xã hội cho hội viên nông dân nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Các cấp hội luôn phải đặt mục tiêu cùng với hệ thống chính trị xem giảm nghèo bền vững vừa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa là đạo lý. Cùng với đó là nỗ lực tìm giải pháp phù hợp, khả thi nâng cao chất lượng, giảm chi phí giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ và sinh hoạt văn hoá, thể thao ở nông thôn; quan tâm sâu sát đến an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm đang là nỗi lo ở nhiều nơi, nhất là tình trạng trộm cắp, lừa đảo, tín dụng đen. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ hội, đồng chí lưu ý đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp phải luôn vững vàng trước khó khăn, thử thách, tâm huyết, gắn bó với nông nghiệp, nông dân và nông thôn…
Chia sẻ thêm tại đại hội, Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin, Nghị quyết XI của Đảng bộ TPHCM có nhiều chương trình, đề án, trong đó có Đề án Đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030. Đề án này được người dân quan tâm khá nhiều.
Trước thực tế trên, Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý mọi người dân, nhất là người dân ở các huyện phải bình tĩnh, thận trọng để không bị lọt vào ý đồ của những người đầu cơ, nhóm người nào đó không vì mục đích làm cho thành phố tốt đẹp hơn. Đồng chí kêu gọi các đại biểu, cán bộ hội đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu, đồng thời, hệ thống chính trị phải tham gia xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay cho những ý đồ xấu.
Nhiều mô hình trở thành điểm sáng để các tỉnh, thành bạn học tập
Tại đại hội, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định, các kết quả của Hội Nông dân TPHCM nhiệm kỳ qua đạt được đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công chung của công tác hội và phong trào nông dân cả nước. Đồng chí cũng khẳng định nhiều mô hình mới, giải pháp hay, cách làm sáng tạo và những nét đặc trưng độc đáo của công tác hội, phong trào nông dân TPHCM đã trở thành điểm sáng để các tỉnh, thành bạn học tập.
Dịp này, Hội Nông dân TPHCM cũng được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ; nhận Cờ Thi đua và Bằng khen của Ban Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam; 28 tập thể và 47 cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM.
TRẦN YÊN - THU HƯỜNG/SGGP