Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học mới

14:19 28/08/2021

Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022.

Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học mới - Ảnh 1

Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra sáng 28-8

Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra sáng 28/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh, trước mắt là học sinh THPT.

Đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí để ngành giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học. Trước mắt tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022.

Bên cạnh đó, Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên; không áp dụng quy định giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, tổ chức thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 của Chính phủ.

Bộ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương khi phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm theo Luật Giáo dục 2019; chỉ đạo các địa phương bố trí ngân sách phát triển giáo dục tại địa phương, đảm bảo tỷ lệ chi chuyên môn tối thiểu 18% trong tổng chi thường xuyên theo Quyết định 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

TPHCM xem xét miễn giảm học phí cho năm học mới

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, do tình hình dịch Covid-19, năm học 2021-2022 tại TPHCM không thể bắt đầu theo hình thức trực tiếp. TPHCM đã quyết định học sinh phổ thông học qua Internet, trẻ mầm non tựu trường muộn hơn.

Với học sinh mầm non, TPHCM đã chỉ đạo đơn vị chức năng xây dựng các đoạn phim ngắn hướng dẫn trẻ em mầm non sinh hoạt, vui chơi thể dục tại nhà trong năm học 2021-2022. Học sinh trung học sẽ bắt đầu từ ngày 1-9; học sinh tiểu học chậm hơn, sẽ tổ chức lớp từ ngày 8-9. Thầy cô sẽ dành 10 ngày đầu hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học trên Internet cho học sinh, phụ huynh.

TPHCM cũng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với thực tế và chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho việc học trực tuyến hết học kỳ I. Các địa phương kiểm soát dịch tốt sẽ tổ chức dạy trực tiếp ngay khi đủ điều kiện, tận dụng tối đa thời gian dạy trực tiếp, đặc biệt với lớp 1, 2, 6 và lớp cuối cấp.

Đặc biệt, TPHCM chỉ đạo tiêm vaccine đầy đủ cho giáo viên khi trường học tái mở cửa. Tiến hành tiêm vaccine cho học sinh ở độ tuổi phù hợp với các quy định của ngành y tế.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng nêu một số vướng mắc hiện nay như công tác phát hành sách giáo khoa (SGK) chậm do giãn cách xã hội. Đến nay, chỉ hơn 60% SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới được chuyển đến các trường. Thành phố đã chỉ đạo các địa phương tìm giải pháp phân phối sách sớm nhất cho học sinh tùy tình hình khu vực. Cung cấp SGK điện tử cho lớp 1-12 trên Internet và thông tin đến phụ huynh. Chỉ đạo các trường nắm thông tin hoàn cảnh của học sinh để thống kê trường hợp khó khăn khi học trên Internet, từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể như kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ tài chính, trang thiết bị học tập. Những học sinh này sẽ có phương pháp kiểm tra, đánh giá riêng khi có điều kiện học trực tiếp.

Đáng chú ý, TPHCM cũng đã chỉ đạo ngành GD-ĐT phối hợp với Đài phát thanh truyền hình TP triển khai phát sóng dạy trực tuyến. Nội dung giảng dạy ưu tiên hướng dẫn trẻ tự học và phụ huynh phối hợp cùng con, đặc biệt với lớp 1, 2 và lớp cuối cấp.

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều ngành sản xuất gặp khó khăn, nhiều người dân, nhất là người lao động bị ảnh hưởng về kinh tế, thu nhập, điều này tạo nguy cơ đối với quyền lợi học tập của học sinh. Vì vậy, để giảm gánh nặng cho phụ huynh, TPHCM đang nghiên cứu chính sách miễn giảm học phí cho người học trong năm học mới để chia sẻ khó khăn với người dân, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu. Thành phố đặc biệt quan tâm đến giáo viên, nhân viên ngành giáo dục bị mất việc, mất thu nhập; quan tâm cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là giáo dục mầm non vì sẽ còn khoảng thời gian dài nữa chưa thể đến trường. Thành phố sẽ chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp các ngành tham mưu chính sách hỗ trợ khó khăn cho ngành giáo dục.

TPHCM đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét phương án kéo dài năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt với khối lớp 1,2,3, vì tình hình dịch bệnh có thể kéo dài, dạy học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn việc dạy học trực tiếp. Bộ GD-ĐT cần xây dựng phương án hỗ trợ tài chính cho sinh viên, đặc biệt những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Song song đó, Bộ Nội vụ đảm bảo biên chế giáo viên với các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đề nghị nghiên cứu sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế học phí phù hợp với tình hình hiện nay.

Phan Thảo/báo SGGP

Tin cùng chuyên mục