Bổ sung hơn 830 tỷ đồng hỗ trợ hộ kinh doanh và người lao động ảnh hưởng dịch Covid-19

17:55 20/05/2020

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có quyết định bổ sung dự toán kinh phí năm 2020 để thực hiện chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngưng kinh doanh, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Bổ sung hơn 830 tỷ đồng hỗ trợ hộ kinh doanh và người lao động ảnh hưởng dịch Covid-19
Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo SGGP hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận bổ sung dự toán năm 2020 cho UBND 23 trên tổng số 24 quận, huyện với tổng số tiền hơn hơn 830 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách cải cách tiền lương của TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, 23 quận, huyện hỗ trợ hơn 273.000 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn vì dịch bệnh với tổng số tiền hơn 819 tỷ đồng; hỗ trợ 3.728 hộ kinh doanh với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng.

TP. Hồ Chí Minh bổ sung hơn 830 tỷ đồng hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ảnh 1

Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo SGGP hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19

Riêng địa bàn quận 1, hỗ trợ gần 11.000 người lao động với số tiền gần 33 tỷ đồng, hỗ trợ 80 hộ kinh doanh với số tiền 240 triệu đồng, UBND TP. Hồ Chí Minh giao UBND quận, huyện chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư trong dự toán ngân sách năm 2020 để hỗ trợ. Nguồn cải cách tiền lương của quận 1 còn dư là 304 tỷ đồng, dự kiến trích hơn 33 tỷ đồng để hỗ trợ.

Trước đó, cuối tháng 4/2020, UBND TP. Hồ Chí Minh đã bổ sung dự toán kinh phí năm 2020 hơn 638 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của HĐND TP. Hồ Chí Minh.

Theo Thanhuytphcm.vn, mặc dù tình hình dịch Covid - 19 đã được kiểm soát tốt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP đã được phép mở lại và bỏ quy định giãn cách, tuy nhiên, diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp, nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm trên địa bàn TP vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch Covid - 19, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Do đó, để đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19, đã được quy định tại khoản 4 Mục II Nghị quyết số 42/NQ - CP của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dự toán kinh phí hỗ trợ trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 để trình Thường trực UBND TP xem xét, với tổng kinh phí hơn 863,7 tỷ đồng.

Hơn 320 tỉ đồng đã đến được tay người dân

Trước đó, vào giữa tháng 5/2020, thông tin từ báo Tuổi Trẻ cho biết, có gần 279.000 người dân TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng COVID-19 đã nhận tiền hỗ trợ từ nhà nước, với số tiền hơn 324 tỉ đồng.

Người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ gạo miễn phí tại "ATM gạo" quận Bình Tân do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP hỗ trợ. (Ảnh minh họa)
Người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ gạo miễn phí tại "ATM gạo" quận Bình Tân do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP hỗ trợ. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, đến ngày 12/5, TP đã hoàn tất hỗ trợ 100% cho nhóm hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo riêng của TP với hơn 103.500 người. Đồng thời đã trao hỗ trợ cho 98,2% người có công với cách mạng (hơn 32.500 người), 96,5% cho người thuộc diện bảo trợ xã hội (hơn 120.000 người).

Đối với người bán vé số, TP đã hỗ trợ 18.455 người với mức 750.000 đồng/người. Quá trình rà soát cũng đã có thêm 6.685 người thuộc diện bán vé số được bổ sung vào danh sách nhận hỗ trợ và sở đã đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho nhóm này 1 triệu đồng/người.

Đối với người lao động tự do làm các công việc khác như bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, xích lô, lao động tự làm… bị mất việc làm, sở đã có tờ trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho khoảng 284.098 người.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP, việc chi hỗ trợ cho nhóm này mất nhiều thời gian do theo quy định, người lao động bị mất việc làm phải có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn về việc không có thu nhập hoặc có thu nhập dưới chuẩn cận nghèo của TP (36 triệu đồng/người/năm).

Đồng thời có đến 40% người lao động tự do mất việc làm là người tạm trú. Theo quy định họ phải có xác nhận chưa nhận hỗ trợ của UBND phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (ở tỉnh, thành khác).

Ông Lê Minh Tấn cho biết thêm, việc chi hỗ trợ tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu muộn bởi sau khi Thủ tướng có quyết định 15 vào ngày 24/4, liền kề sau đó là dịp nghỉ lễ 30/4, Kho bạc Nhà nước không làm việc nên các quận huyện phải chờ đến ngày 4/5 mới bắt đầu chi hỗ trợ.

Hiện tại TP đã phân bổ hơn 640 tỉ đồng xuống các quận, huyện để thực hiện hỗ trợ và đang chuẩn bị bổ sung thêm 850 tỉ đồng. Theo quy định, để doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh vay vốn để trả lương cho người lao động ngừng việc rất khó khăn nên rất ít doanh nghiệp nộp hồ sơ vay.

Trong đó phải chứng minh không còn nợ xấu từ 31-12-2019, đang gặp khó khăn tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc…

Đình Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục