Cần 904.000 tỉ đồng phát triển giao thông TP. Hồ Chí Minh

13:31 05/07/2020

Nguồn vốn đầu tư cho giao thông TP. Hồ Chí Minh chưa đáp ứng nhu cầu nên thời gian tới, cần bổ sung và huy động thêm nhiều nguồn khác ngoài ngân sách.

Dự thảo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trình UBND TP. Trong đó, dự kiến cần 904.000 tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông tại TP. Hồ Chí Minh.

Hàng loạt dự án trọng điểm

Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết mục tiêu nghiên cứu của đề án là nhằm đề ra các giải pháp mang tính đột phá, đồng thời xây dựng lộ trình phù hợp triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, có tính kết nối cao để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo đề án, nhu cầu vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông 10 năm tới là 904.293 tỉ đồng, gồm hơn 438.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách, còn lại là các nguồn vốn khác (trung ương, xã hội hóa, ODA...). Cụ thể, trong 5 năm tới, TP HCM cần thực hiện 3 tuyến đường cao tốc là TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (xây mới), TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (mở rộng). Kế đến là đầu tư các tuyến Quốc lộ 1, 13, 22, 50 và tập trung xây dựng các tuyến vành đai 2, 3

Hệ thống hạ tầng giao thông tại TP. Hồ Chí Minh vừa thiếu lại không đồng bộ khiến tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên. Ảnh: XUÂN GIANG
Hệ thống hạ tầng giao thông tại TP. Hồ Chí Minh vừa thiếu lại không đồng bộ khiến tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên. Ảnh: XUÂN GIANG
Các dự án vành đai tại TP HCM được đánh giá đặc biệt quan trọng nhưng hiện đều chậm tiến độ.Đồ họa: BẢO KIẾM
Các dự án vành đai tại TP HCM được đánh giá đặc biệt quan trọng nhưng hiện đều chậm tiến độ.Đồ họa: BẢO KIẾM

Giai đoạn này, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến metro gồm số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, hiện đang thi công), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).

Đề án của Sở GTVT cũng nêu TP. Hồ Chí Minh đầu tư 7 đường trục chính đô thị, gồm: đoạn ngã tư Bảy Hiền - Âu Cơ (Âu Cơ giao với Thoại Ngọc Hầu); đoạn từ nút giao Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong đến nút giao Vành đai trong - đường số 29; đoạn từ Kinh Dương Vương (khu vực đường Đỗ Năng Tế) đến Nguyễn Văn Linh; đường song song Quốc lộ 50; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; cầu đường Nguyễn Khoái và cầu đường Bình Tiên...

Đặc biệt, hàng loạt nút giao thông trọng yếu cũng sẽ đầu tư trong giai đoạn 5 năm tới, gồm: An Phú, Mỹ Thủy, Gò Dưa, Linh Xuân, ngã tư Bốn Xã và nút giao ngã sáu Công trường Dân Chủ. Đến năm 2025-2030, TP tập trung đầu tư thêm nút giao Quốc lộ 1 - đường Vườn Lài.

Bốn cây cầu có quy mô lớn vượt sông cũng sẽ xây dựng, gồm cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 2 và 4) và Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 và 7), cầu Cát Lái (nối TP. Hồ Chí Minh với Đồng Nai) và cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ).

Bức bí về nguồn lực

Tại buổi giám sát của HĐND TP. Hồ Chí Minh về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm tổ chức mới đây, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết giai đoạn 2016-2020, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư và hoàn thành, đưa vào khai thác hàng loạt công trình giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, tổng kết cả giai đoạn nêu trên, vốn cho hạ tầng giao thông TP chỉ hơn 50.000 tỉ đồng là chưa tương xứng, chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Chính bởi sự bức bí về nguồn vốn, chậm trễ mặt bằng dẫn đến hệ thống hạ tầng giao thông tại TP. Hồ Chí Minh thiếu đồng bộ, chậm hơn quy hoạch, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, cao tốc...

"Với tốc độ tăng trưởng dân số cùng lưu lượng phương tiện như hiện nay, nếu không tập trung đầu tư hạ tầng giao thông thì dự báo khoảng năm 2025, năng lực trên các tuyến đường tại TP bị vượt mức đến 1,55 lần và càng cao hơn những năm sau đó" - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đánh giá.

Hiện nay, tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TP. Hồ Chí Minh là 4.392 km, với mật độ 2,1 km mỗi km2 (theo tiêu chuẩn phải từ 10-13,3 km mỗi km2). TP. Hồ Chí Minh chỉ có 1.800 km các tuyến đường có bề rộng hơn 7 m, khiến việc tổ chức hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt, còn khó khăn. Tính đến hết tháng 3-2020, ngành GTVT TP. Hồ Chí Minh quản lý hơn 8,1 triệu phương tiện, trong đó có khoảng 763.000 ôtô, còn lại là xe máy.

Theo đề án, hệ thống hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần được ưu tiên để phát triển trước nhằm tạo tiền đề, động lực phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong định hướng phát triển hệ thống hạ tầng, ngoài định hướng hiện đại, đồng bộ và thông suốt cũng phải phù hợp với khả năng và nguồn lực trong giai đoạn hiện nay. Với nguồn vốn hơn 900.000 tỉ đồng, đề án xác định ngân sách không thể thỏa mãn nên cần huy động nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, sẽ khuyến khích và áp dụng các hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Riêng với vốn vay ODA sẽ tập trung cho vận tải hành khách khối lượng lớn như metro, xe buýt nhanh (BRT)...

Mặt khác, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh nêu giải pháp trước mắt là với các dự án lớn sử dụng ngân sách trung ương, TP cần kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho sử dụng ngân sách TP. Hồ Chí Minh cùng các nguồn lực khác tại TP, hoặc huy động theo phương thức PPP để sớm hoàn thành. Sở GTVT kiến nghị chính quyền TP. Hồ Chí Minh sớm hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý ngân sách, nguồn thu, xác định tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách từ 23%-32%, thay vì chỉ 18% như hiện nay để trình Quốc hội, tạo điều kiện cho TP có thêm nguồn lực... 

Thêm 4 tuyến metro

Đến năm 2025-2030, TP HCM có thêm 4 tuyến metro được đầu tư : Số 3 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây) dài 9,7 km; số 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe An Sương) dài 9,1 km; số 4b (Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả) dài 3,5 km; số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc) dài 14,5 km. Theo đề án, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư 5 tuyến đường trên cao.

Gỡ khó khâu giải phóng mặt bằng

Chậm trễ trong giải phóng mặt bằng hiện nay là một trong nhiều nguyên nhân khiến không ít dự án giao thông tại TP. Hồ Chí Minh chậm tiến độ. Lãnh đạo Sở GTVT cho biết chi phí giải phóng mặt bằng ở các dự án rất lớn, thường chiếm hơn 50% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, việc này cũng tốn rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục rồi mới có thể thu hồi, bàn giao mặt bằng để thi công.

Trao đổi với báo chí bên lề buổi làm việc với HĐND TP. Hồ Chí Minh về các dự án đầu tư theo hình thức PPP vào sáng 3-7, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP HCM đã xây dựng cơ chế, quy trình đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các dự án, bắt đầu thực hiện năm 2021. Theo đó, giá duyệt lần đầu sẽ được công bố vào đầu năm, áp dụng cho cả năm. Trên cơ sở giá lần đầu đã công bố, khi có dự án đầu tư trong năm thì có thể lập tức lấy ý kiến người dân, thẩm định lại thông qua đơn vị tư vấn và có mức giá duyệt lần 2, từ đó có thể triển khai ngay các dự án mà không bị chồng lấn về thời gian, thủ tục...

XUÂN GIANG - GIA MINH/NLĐO

Tin cùng chuyên mục