Cần tư duy kết nối

07:51 15/08/2021

Sau hàng loạt nỗ lực của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, tình trạng quá tải tại cảng Cát Lái đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, sự việc cảng Cát Lái là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tắc nghẽn tại các cảng trọng điểm, đồng thời cho thấy một bài học về tư duy kết nối trong điều hành khai thác cảng biển.

Về nguy cơ tắc nghẽn, theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2020, sản lượng hàng container qua cảng biển TPHCM là 6,9 triệu TEU (1 TEU tương đương với 1 container 20 feet) và trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3,8 triệu TEU, tăng hơn 19%.

Với tình hình tăng trưởng hàng hóa container mạnh trong khi cơ sở hạ tầng cảng và sau cảng chưa được cải thiện như hiện nay, những biến động bất thường của tình hình sản xuất và lưu thông hàng hóa đều rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải, ách tắc tại cảng.

Về điều hành khai thác, theo kết quả rà soát của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các cảng lân cận cảng Cát Lái như cảng SP-ITC, VICT, Tân Thuận… đều chưa khai thác hết công suất thiết kế. Thực tế các cảng này những ngày gần đây đã tiếp nhận thêm nhiều tàu để giảm bớt áp lực cho cảng Cát Lái.

Tuy nhiên, trong quá trình giải cứu cảng Cát Lái, nhiều bất cập đã lộ rõ. Trước hết, hệ thống đường bộ, đường thủy và đường sắt kết nối phục vụ đưa, rút hàng tại các cảng đều chưa tốt.

Bên cạnh đó, thông tin giữa các cảng và vai trò điều hành khai thác của cơ quan quản lý, hiệp hội cũng không rõ nét. Đó chính là lý do khiến việc xử lý ùn tắc tại các cảng Cát Lái bị chậm. Phải sau nhiều ngày căng thẳng, các cơ quan quản lý mới vào cuộc và giải pháp điều hướng tàu sang cảng lân cận mới được thực hiện.

Vấn đề đặt ra là, với tốc độ tăng trưởng hàng hóa như hiện nay, cảng Cát Lái nói riêng và cảng biển TPHCM nói chung cần được đầu tư và khai thác thế nào? Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 mà Bộ GTVT đang trình Thủ tướng phê duyệt, khu vực Cát Lái không mở rộng mà chỉ khai thác hạ tầng cảng hiện hữu. Trong khi đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt kết nối đến các cảng trong khu vực đã được tính đến nhưng thời gian thực hiện sẽ không nhanh do nguồn lực phải huy động tương đối lớn. 

Vì vậy, trước mắt, các cơ quan quản lý cần rà soát lại hiện trạng của các cảng biển khu vực TPHCM, đưa ra từng nhóm giải pháp đối với từng cảng đã đạt tới công suất thiết kế và những cảng chưa khai thác được công suất đã đầu tư để phát huy tổng thể cảng biển khu vực, từ đó đưa ra các công cụ quản lý để phân luồng, phân tuyến phù hợp.

Đặc biệt, một giải pháp mà Cục Hàng hải Việt Nam vừa đưa ra rất cần thực hiện sớm. Đó là các cảng biển khu vực TPHCM cần sớm triển khai hạ tầng kết nối mềm, số hóa tạo một hệ sinh thái trao đổi thông tin giữa cảng biển với cảng biển, cảng biển với khách hàng, chia sẻ cầu bến, bãi chứa container để năng lực luân chuyển hàng hóa giữa các cảng tốt hơn. Tư duy kết nối chính là giải pháp hữu hiệu giúp việc điều hành, khai thác cảng biển đạt hiệu quả tối ưu, nhất là trong bối cảnh nguồn lực cho đầu tư hạ tầng còn hạn chế như hiện nay.

BÍCH QUYÊN/SGGP

Tin cùng chuyên mục