Sự du nhập các "trào lưu thời thượng" cùng thủ đoạn tinh vi của đối tượng buôn bán, vận chuyển những sản phẩm (SP) chứa chất cấm đã gây không ít khó khăn trong việc ngăn chặn các SP này vào đời sống học đường.
Khi chất cấm được "ngụy trang"
Sự thay đổi liên tục hình thức, hình dạng các SP bánh kẹo chứa chất cấm, chất gây nghiện khiến việc ngăn chặn các SP này xâm nhập, gây hại cho môi trường học đường gặp không ít khó khăn. Các hình thức mới liên tục được phát hiện, thành phần gây nghiện mới bổ sung ngày càng nhiều hơn, cho thấy mức độ tinh vi của các đối tượng phạm tội. Một số SP ma túy (MT) đội lốt vô hại được phát hiện trong thời gian qua có thể kể đến: kẹo mút cần sa, MT "tem giấy", MT "nước vui", nấm thần... Ngoài ra, mới đây Công an (CA) Q5 (TPHCM) đã phát thông tin cảnh báo loại MT mới, ngụy trang dưới dạng bột "nước xoài", pha vào nước uống sẽ tạo ảo giác với mục đích nhắm vào giới trẻ, đặc biệt là học sinh (HS).
Qua theo dõi, khuya 6/9, trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về MT CAQ5 chặn bắt Nguyễn Tiến Đạt (sinh viên đại học ở TPHCM) đang điều khiển xe máy trên đường Hùng Vương, đoạn qua địa bàn P9Q5, thu giữ trong túi áo khoác của đối tượng gói nylon có dòng chữ "Crispy Fruit Mango" chứa chất bột màu vàng nghi là MT, đưa về trụ sở làm rõ. Giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TPHCM, số chất bột màu vàng trên là MT thể rắn, loại Bromazepam, hơn 17,6g.
Tại cơ quan CA, Đạt khai từ các mối quan hệ xã hội có quen với Th. Ngày 5-9, Đạt sang huyện Nhà Bè gặp Th. nhận 4 gói Crispy Fruit Mango (loại MT có tên "nước xoài") pha vào nước uống, tạo ảo giác và đã giao cho khách của Th. 3 gói, gói còn lại trong lúc Đạt mang đi giao cho vị khách nữ tại khách sạn ở P9Q5 với giá 2 triệu đồng thì bị CA bắt quả tang.
Theo cán bộ điều tra, Bromazepam là loại MT có trong danh mục nhưng được ngụy trang theo cách mới, chưa từng bị phát hiện trước đó ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, sử dụng để pha uống nên được ngụy trang như loại nước giải khát. Ngoài MT "nước xoài" này, khả năng còn có những loại bột MT mang tên các trái cây khác nhắm vào lớp trẻ, chính vì thế các bậc phụ huynh (PH) nếu thấy con em, người thân sử dụng loại MT mới với bề ngoài tương tự hãy báo cho cơ quan CA để có hướng xử lý phù hợp.
Ngày 13/10, CAQ Hoàng Mai (Hà Nội) cũng gửi văn bản đến các trường trên địa bàn quận về việc tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, phát hiện, ngăn chặn hiện tượng HS mua kẹo thuốc lá (KTL) trước cổng trường, chỉ khoảng 1.500 - 2.000 đồng/chiếc, hình con lạc đà hiệu Camel hoặc bao bì giống các nhãn hàng thuốc lá (TL). Đặc biệt, KTL có bao bì giống TL thật, vừa ăn vừa có thể nhả khói, vị ngọt thơm nên HS rất thích, dù không rõ xuất xứ, chất lượng.
Đây là hình thức quảng cáo TL tiếp cận đến các em HS, về lâu dài sẽ hình thành thói quen, sở thích hút TL trong giới trẻ. Vì vậy, để đảm bảo an ninh trật tự quanh khu vực cổng trường và phòng ngừa tình trạng HS mua KTL, CAQ Hoàng Mai đề nghị Ban giám hiệu các trường thông báo, tuyên truyền đến toàn thể PH biết về tác hại của KTL để phối hợp quản lý, đặc biệt không cho con em mua KTL, quà vặt quanh cổng trường.
Cần phòng chống triệt để
Hiện MT đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều HS bị dụ dỗ đã trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán MT, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội. Để bảo vệ con em mình, các bậc PH cần chủ động quan sát, theo dõi, giáo dục, nâng cao nhận thức của con em về tác hại của các chất gây nghiện cũng như SP chứa chất gây nghiện đội lốt bánh kẹo trước cổng trường.
Việc trang bị cho HS những kỹ năng, kiến thức cơ bản này sẽ giúp các em chủ động tránh xa MT, qua đó góp phần ngăn chặn sự tấn công của các loại MT mới vào giới trẻ hiện nay. Khi đã lệ thuộc vào MT, các em sẽ bị kẻ xấu sai khiến trộm cắp, trấn lột, thậm chí phạm tội hình sự nghiêm trọng mong có tiền hút chích, để lại hậu quả vô cùng lớn... Vì vậy, đấu tranh để loại bỏ những hiểm họa do MT gây ra đối với HS-SV đồng thời xây dựng môi trường học đường lành mạnh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp thiết.
Để nâng cao hiệu quả công tác này, cần cụ thể hóa hơn nữa trách nhiệm, sự vào cuộc của các cấp ngành, chính quyền địa phương. Công tác giáo dục phòng chống MT trong nhà trường chỉ đạt kết quả tốt khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền, gia đình và xã hội; trong đó gia đình, nhà trường giữ vai trò chủ đạo...