Cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo dịp Tết

09:40 21/01/2025

Theo Công an TP.HCM, thời điểm cuối năm tình hình an ninh trật tự luôn diễn biến phức tạp; nhiều loại tội phạm nổi lên, nhất là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng hoạt động.

Cảnh báo lừa đảo qua mạng dịp Tết - Minh họa của AI
Cảnh báo lừa đảo qua mạng dịp Tết - Minh họa của AI

Do đó, Công an TP.HCM đã tổ chức lễ ra quân cao điểm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Ất Tỵ (từ ngày 15-12-2024 đến 14-2-2025).

Lừa tri ân, tặng quà, khuyến mãi

Theo Công an TP.HCM, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều thủ đoạn như giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân gọi điện lừa đảo; giả danh giáo viên, nhân viên y tế gọi điện báo người thân, con em đang cấp cứu để lừa đảo.

Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; lừa đảo trúng thưởng tài sản có giá trị cao; dẫn dụ cài app, phần mềm lạ để hack và rút tiền trong tài khoản ngân hàng; thực hiện lừa đảo cuộc gọi deepfake với giọng nói, hình ảnh là của người thân, người quen khiến người nhận rất khó phân biệt thật giả và sập bẫy...

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây các đối tượng phạm tội đã sử dụng công nghệ cao cắt ghép mặt nạn nhân vào các clip, hình ảnh "nhạy cảm" nhằm mục đích sử dụng nó đe dọa để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; người bị hại dù biết mình bị cắt ghép hình ảnh, dựng clip tống tiền nhưng do tâm lý e ngại, lo sợ đã thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng mà không trình báo, tố giác hành vi phạm tội.

Chúng thường nhắm đến những người có địa vị xã hội, điều kiện kinh tế khá giả; với thủ đoạn nhắn tin, thông báo gửi kèm các clip, hình ảnh cắt ghép nhạy cảm để đe dọa sẽ tung lên mạng xã hội, gửi đến cơ quan nơi làm việc hoặc người thân của nạn nhân rồi để lại số điện thoại liên hệ, dụ dỗ lừa đảo, buộc nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt.

Bên cạnh đó còn có một số phương thức lừa đảo nữa là giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp đưa ra các chương trình tri ân, tặng quà, khuyến mại trong dịp Tết; lừa đảo bán vé máy bay, vé tàu xe giá rẻ; lừa đảo cho vay tiền hoặc đổi tiền mới qua mạng; đăng tải đồ gia dụng, mặt hàng giá rẻ rồi yêu cầu đặt cọc trước, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của đối tượng, một nguyên tắc cần nắm là cơ quan công an không mời làm việc qua điện thoại.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng (phó giám đốc Công an TP.HCM)  
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng (phó giám đốc Công an TP.HCM)  

Đến đổi tiền qua mạng xã hội

Dịp Tết, nhu cầu đổi tiền mới các mệnh giá để lì xì cho người thân tăng cao, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo người dân trước các dịch vụ lừa đổi tiền trên mạng xã hội. Theo đó, cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành "con mồi" tiếp tay cho các hành vi lừa đảo.

Đối với các dịch vụ trên mạng xã hội, trước khi giao dịch hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ; so sánh tỉ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỉ giá quá cao so với thị trường.

Cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Để tránh bị lừa đảo

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thời gian qua trên địa bàn xảy ra 560 vụ lừa đảo với nhiều phương thức, thủ đoạn như sử dụng công nghệ gọi điện thoại bằng tổng đài ảo qua mạng Internet để lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, cho vay tín chấp ngân hàng hoặc giả danh cơ quan chức năng yêu cầu nạn nhân cập nhật thông tin thông qua đường link lạ.

Theo phó giám đốc Công an TP.HCM, tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng có tính chất quốc tế cao, liên tục thay đổi phương thức và thủ đoạn hoạt động để đối phó với biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn của cơ quan chức năng.

Vì vậy lực lượng công an rất cần sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các cơ quan chức năng và sự chung tay hỗ trợ của người dân.

Để tránh bị lừa đảo, thiếu tướng Hưởng khuyến nghị người dân cần bình tĩnh khi tiếp nhận các thông tin yêu cầu làm việc qua điện thoại, nhất là các đầu số lạ từ những người tự xưng là cán bộ cơ quan công an giải quyết các thủ tục hành chính.

MINH HÒA - ĐỨC THIỆN/Báo Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục