Không dùng nước chữa cháy khi chưa ngắt nguồn điện
Chạm chập điện là nguyên nhân hàng đầu trong nhiều vụ cháy thương tâm, đặc biệt là vào mùa mưa. Cụ thể, vào mùa mưa bão hệ thống và thiết bị điện ngoài trời dễ bị hư hỏng lớp vỏ cách điện, dẫn đến tình trạng chạm, chập điện gây hoả hoạn.
Mới đây, công an quận Gò Vấp vừa đưa ra những khuyến cáo quan trọng về an toàn phòng cháy chữa cháy, phòng tránh tai nạn mùa mưa bão. Những thói quen nhỏ nhưng có thể giúp bản thân, gia đình thoát thảm họa "bà hoả ghé nhà" mà người dân cần lưu ý như: không cắm quá nhiều thiết bị điện vào một ổ điện không đủ công suất; không để các thiết bị, dụng cụ điện phát nhiệt cao như bàn ủi, bếp điện gần chất dễ cháy, tắt hết các thiết bị điện khi ra khỏi nhà, trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay và biết cách sử dụng để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra…
Công an quận Gò Vấp khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng nước để chữa cháy khi chưa ngắt nguồn điện khu vực. Trường hợp chập điện gây cháy, người dân phải ngắt ngay nguồn điện tại chỗ (cầu dao, CB tự ngắt), báo động cho mọi người xung quanh biết để thoát thoát nạn ra khu vực an toàn.
Đồng thời, cần tập trung cứu người mắc kẹt trong đám cháy (nếu có), sau đó nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa và gọi báo theo số điện thoại 114 hoặc sử dụng ứng dụng "Help 114".
"Gây hậu quả nghiêm trọng, xử lý người đứng đầu"
Sau hàng loạt vụ cháy nghiêm trọng gây thương vong lớn về người và tài sản tại Hà Nội mới đây, như vụ cháy tại ngõ 43/98 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến khoảng 14 người thiệt mạng; trước đó, vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong…, vẫn luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người dân.
TPHCM là nơi tập trung đông dân cư nhất cả nước, hàng triệu lao động ở nhiều nơi về đây mưu sinh lập nghiệp. Đất chật, người đông, nhu cầu thuê trọ, chung cư mini ngày càng trở nên phổ biến. Không khó nhận ra, nhiều ngôi nhà trên địa bàn đã biến đổi công năng, những "hộp ngủ" cũng ra đời từ nhu cầu này. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với loại hình trên lại không được chủ cơ sở và người thuê trọ thật sự quan tâm.
Công an TPHCM đang phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tổng rà soát, kiểm tra với các loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn thành phố như bệnh viện, phòng khám, trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, nhà trẻ, trường mầm non,... Lực lượng chức năng xử lý nhiều hộ vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy, giấy phép kinh doanh, xây dựng…
Vai trò của người đứng đầu được nhấn mạnh đặc biệt. Trường hợp để ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng, Công an TPHCM đề xuất xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng nhà ở riêng lẻ tự ý chuyển đổi thành nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ để bán hoặc cho thuê; đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thực hiện chưa đúng kiến nghị của cơ quan chức năng…
Công tác cảnh báo, tuyên truyền đề phòng nguy cơ cháy nổ, kiến thức về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua liên tục được lực lượng chức năng tuyên truyền đến từng khu phố, hộ gia đình, nhắc nhở người dân sử dụng an toàn nguồn nhiệt hay thiết bị điện, nhất là khi rời khỏi nhà.
Tính đến ngày 24/6 vừa qua, Công an TPHCM đã tổng kiểm tra, rà soát 45.647/62.827 lượt cơ sở. Trong đó, nhà chung cư (1.040 cơ sở); nhà nhiều căn hộ (328 cơ sở); nhà trọ (37.345 cơ sở); nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao (3.429 cơ sở)… Qua kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 1.915 cơ sở với hơn 2.000 hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy cùng số tiền phạt là gần 2,5 tỷ đồng; 1 cơ sở bị tạm đình chỉ; 38 cơ sở bị đình chỉ hoạt động…
Không có chuyện đếm xe chữa cháy thu tiền của dân
Công an TPHCM khuyến cáo khi phát hiện có sự cố cháy nổ người dân cần gọi ngay theo số điện thoại 114 hoặc "Help 114" (giúp người dân sử dụng 114 trực tiếp hoặc gọi video call tới Trung tâm thông tin chỉ huy 114, kết nối với lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để được hỗ trợ kịp thời hơn).
Một bộ phận người dân vẫn lo lắng bất an cho rằng gọi xe chữa cháy tốn tiền "mỗi xe tới là mấy triệu, tính đầu xe để trả tiền". Bởi vậy chỉ khi lửa bùng lớn người dân mới gọi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thì đã quá muộn.
Trả lời Báo điện tử Chính phủ, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết: "Không có chuyện đếm xe chữa cháy thu tiền của dân". Theo Thượng tá Hà, chi phí chữa cháy hiện nay do nguồn ngân sách nhà nước chi trả.
"Trường hợp lợi dụng lúc người nhà hoang mang, giả danh tới vòi vĩnh, đòi tiền, người dân gọi báo ngay 114 hoặc gọi công an, cảnh sát khu vực. Nếu thu tiền phải có hóa đơn chứng từ, có quyết định", Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 2.222 vụ cháy, khiến 57 người chết, 45 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 127,9 tỷ đồng; xảy ra 125 vụ cháy rừng làm thiệt hại 529 ha rừng.
Trong số 1.299/2.222 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 72,9% (948/1.299 vụ); cháy do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 18,3% (238/1.299 vụ). Ngoài ra còn do những nguyên nhân khác.