Thành phố dùng mọi nguồn lực từ ngân sách, nguồn vận động của MTTQ, các đoàn thể, từ sự chung tay của người dân, doanh nghiệp (DN) và các tỉnh, thành, địa phương bạn, thậm chí từ quỹ dự phòng ngân sách.
Trong quá trình triển khai, có không ít người dân có phản ánh chưa nhận được hỗ trợ và không rõ mình có thuộc diện hỗ trợ nào không? được nhận tiền hỗ trợ hay nhận quà hỗ trợ?
Để giúp người dân thuận tiện kiểm tra, đối chiếu và nắm bắt mình có thuộc diện hỗ trợ - của gói hỗ trợ đã và đang triển khai - hay không, cũng như mức hỗ trợ ra sao? thủ tục như thế nào? Báo SGGP hệ thống một cách cơ bản các gói hỗ trợ chính trên địa bàn TPHCM.
Nguyên tắc hỗ trợ: Người thuộc diện hưởng từ 2 chế độ trở lên thì chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ cao nhất và không được chi trùng người.
Cùng thực hiện với gói hỗ trợ theo Nghị quyết của TPHCM, hiện TP cũng triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ (gói 26.000 tỷ đồng).
Nguyên tắc: Người nào chưa nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM thì sẽ nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Hoặc, trường hợp nào đã nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 09, thấp hơn Nghị quyết 68, thì sẽ được TPHCM hỗ trợ thêm khoản chênh lệch, bằng với quy định tại Nghị quyết 68.
Ngày 15-8, Thành trực Thành ủy TPHCM yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp khó khăn để nhận gói hỗ trợ an sinh xã hội trong tháng 8 và 9-2021.
Các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động; học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để tiến hành hỗ trợ tiền nhà trọ; lương thực thực phẩm.
Thường trực Thành ủy yêu cầu các quận-huyện, TP Thủ Đức triển khai nhanh các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị thiếu đói. Gói hỗ trợ gói an sinh xã hội (bằng tiền mặt) lần này được thực hiện tháng 8 và 9-2021. (Báo SGGP sẽ cập nhật thông tin chi tiết về thủ tục nhận gói hỗ trợ ngay khi TPHCM triển khai).
Trong khi đó, các gói hỗ trợ lần 1, 2 của TPHCM và gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn đang triển khai đồng thời.
1.1. Hộ lao động ở trọ - hỗ trợ không phân biệt hộ khẩu
Điểm mới trong gói hỗ trợ lần 2 là TPHCM hỗ trợ 170.000 hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực phong tỏa… đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.
Riêng với những hộ lao động này, KHÔNG phân biệt thường trú, tạm trú, cứ hộ nào thực sự khó khăn là được hỗ trợ.
Trong đó, ưu điên hộ lao động nghèo có 3 người trở lên đang rất khó khăn, bức bách (như hộ dân nghèo đông người, hộ người cao tuổi neo đơn, hộ công nhân nghèo có trẻ em, đặc biệt lưu ý các trường hợp khuyết tật sống ở vùng hẻo lánh, tạm cư thưa thớt, trong ác khu nhà trọ…); và hộ có 2 người trở xuống đang khó khăn.
Nguyên tắc đảm bảo không bỏ sót hộ khó khăn nào mà không được hỗ trợ.
Trong gói hỗ trợ lần 2, TPHCM cũng lần đầu tiên hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo có mã số trên địa bàn TPHCM (khoảng 90.600 hộ). Các hộ này đều là hộ thường trú, hoặc đã đăng ký tạm trú trên 6 tháng trở lên.
Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/hộ (hỗ trợ trực tiếp 1 lần)
Nguồn: Ngân sách TPHCM hỗ trợ 1 triệu đồng; kinh phí vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM là 500.000 đồng (gồm 200.000 đồng tiền mặt và quà tặng trị giá 300.000 đồng).
1.2. Làm thế nào để nhận được hỗ trợ?
TPHCM khuyến khích chi trả hỗ trợ qua tài khoản cá nhân. Trường hợp nào có tài khoản cá nhân, tiền sẽ được chi trả thẳng vào tài khoản; trường hợp chưa có tài khoản thì nhận trực tiếp.
Việc chi trả hỗ trợ trực tiếp do UBND phường, xã, thị trấn thực hiện.
Những lao động tự do và nhận hỗ trợ trong lần 1 nên địa phương đã có danh sách đầy đủ để triển khai chi hỗ trợ lần 2. Người dân không cần phải làm bất cứ thủ tục nào.
Đối với hộ gia đình là lao động nghèo, UBND TPHCM giao UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định, phê duyệt và tổng hợp danh sách các hộ đủ điều kiện hỗ trợ. Danh sách sau đó được chuyển về UBND phường, xã, thị trấn để chi trả hỗ trợ cho các hộ dân.
* Cập nhật tiến độ đến trưa ngày 14-8: khoảng 180.000 người lao động tự do, 40.000 hộ nghèo và cận nghèo, 50.000 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn ở các khu nhà trọ, khu phong tỏa đã nhận hỗ trợ.
- Với lao động tự do, điều kiện giống gói hỗ trợ lần 2 (đã nêu ở trên).
- Với lao động ở DN hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương:
+ Người lao động có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày liên tục trở lên tính từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 và thời điểm nghỉ việc, hoãn việc trong khoảng thời gian trên.
+ Người lao động (NLĐ) đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn việc, nghỉ việc không lương.
- Với lao động nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ chấm dứt hợp đồng trong khoảng thời gian từ ngày 1-5-2021 đến ngày 31-12-2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trừ các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 49 Luật Việc làm 2013). Đồng thời, NLĐ có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc.
- Với NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại DN,cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục
+ Người sử dụng lao động lập danh sách theo mẫu, gửi BHXH TP Thủ Đức, quận, huyện (DN có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa bàn nào thì gửi địa bàn đó). (Trong thời gian giãn cách, DN gửi trực tuyến, hoặc qua bưu điện).
Sau 1 ngày BHXH rà soát, hồ sơ sẽ được cơ quan BHXH chuyển tới UBND TP Thủ Đức, quận huyện để chi trả qua tài khoản cho người lao động trong vòng 4 ngày làm việc.
Thủ tục sẽ do DN làm, NLĐ không phải làm thủ tục gì.
- Với NLĐ nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, do không còn làm việc ở DN nên NLĐ cần chủ động có giấy đề nghị hỗ trợ theo mẫu gửi kèm bản photo quyết định (hoặc thông báo) chấm dứt hợp đồng gửi BHXH TP Thủ Đức, quận, huyện (nơi NLĐ sinh sống).
Sau 1 ngày làm việc, BHXH sẽ kiểm tra rà soát và gửi UBND TP Thủ Đức, quận, huyện để chi hỗ trợ qua tài khoản cho NLĐ trong 4 ngày làm việc.
- Đối với lao động tự do, quy mô hỗ trợ rất lớn nhưng NLĐ cũng không phải làm thủ tục gì. Ngoài một số lĩnh vực mà NLĐ đi làm thuê tại hộ kinh doanh thì sẽ do chủ hộ làm thủ tục, còn danh sách cụ thể lao động tự do sẽ do ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân lập theo mẫu. Sau đó, UBND xã, phường, thị trấn rà soát, xét duyệt danh sách NLĐ đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Hồ sơ sẽ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thẩm định và gửi kết quả về xã, phường, thị trấn để chi trả qua tài khoản hoặc tiền mặt trực tiếp cho người dân.
Điều kiện, thủ tục để DN được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
- Nếu DN đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4-2021 mà bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4-2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì NLĐ và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Thời gian tạm dừng là 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong năm 2020, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.
DN lập hồ sơ theo mẫu kèm danh sách NLĐ đang ngừng việc mà thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trong tháng, gửi cơ quan BHXH nơi đang quản lý thu BHXH qua giao dịch điện tử hoặc Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trường hợp chưa giao dịch điện tử thì gửi hồ sơ giấy qua dịch vụ bưu chính.
Nếu DN đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, thì trong vòng 1 ngày làm việc, cơ quan BHXH sẽ ban hành quyết định về việc tạm dừng đóng. Kết quả giải quyết được chuyển tới DN qua đường bưu điện.
- Trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ có khoảng 7.500 tỷ đồng dành cho chính sách hỗ trợ DN vay vốn để trả lương ngưng việc, trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%.
Điều kiện:
+DN có NLĐ làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo BHXH bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm NLĐ ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022.
+DN không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn.
1. 1. Thủ tụcvay để trả lương cho NLĐ ngừng việc:
+ Đối với hồ sơ vay vốn lần đầu, DN cần kèm theo: giấy đề nghị vay vốn; danh sách số NLĐ ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được cơ quan BHXH xác nhận (theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng)… Đồng thời, DN có bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ phù hợp với loại hình hoạt động: giấy chứng nhận đăng ký DN/giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hộ kinh doanh; giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư; CMND, hoặc thẻ căn cước công dân, hoặc hộ chiếu của người đại diện DN đứng vay…
Trong trường hợp DN vay vốn các lần tiếp theo thì thủ tục đơn giản hơn.
1.2. Thủ tục đối với DN muốn vay vốn để trả lương cho NLĐ khi phục hồi sản xuất, kinh doanh:
+ Đối với DN làm hồ sơ vay vốn lần đầu cần:
. Giấy đề nghị vay vốn;
. Danh sách số NLĐ làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc (theo mẫu);
. Phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh;
. Bản sao văn bản về việc DN phải tạm dừng hoạt động (nếu DN phải tạm dừng hoạt động);
. Bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ phù hợp với loại hình hoạt động (giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy phép kinh doanh),...
Điều kiện:
- DN phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-3-2022;
- DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay vốn vay để trả lương cho NLĐ khi phục hồi sản xuất, kinh doanh.
=> Điều kiện chung là các DN cần có danh sách NLĐ làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; không có nợ xấu…
DN vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.
- Thời hạn vay dưới 12 tháng và lãi suất là 0%.
Nếu vay vốn để trả lương cho NLĐ ngừng việc, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng (mức lương tối thiểu vùng áp dụng tại TPHCM là 4,42 triệu đồng/tháng - PV) đối với số NLĐ theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng.
Nếu vay vốn trả lương cho NLĐ khi phục hồi sản xuất kinh doanh, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng.
Số NLĐ đối với mỗi DN được vay là không giới hạn. DN có bao nhiêu NLĐ ngừng việc thì được vay trả lương cho bấy nhiêu người. Khi phục hồi sản xuất, DN có bao nhiêu NLĐ đang làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia BHXH thì cũng được vay đối với bấy nhiêu người.
Vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên DN có thể vay nhiều lần, khi có phát sinh NLĐ ngừng việc, hoặc có thêm NLĐ làm việc để phục hồi sản xuất.
DN cũng có thể vay vốn để trả lương NLĐ ngừng việc, hoặc vay vốn để trả lương cho NLĐ khi phục hồi sản xuất.
DN cũng có thể vay cả hai khoản trên nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ. Miễn là đối với mỗi NLĐ, số vốn được vay tối đa là 3 tháng lương tối thiểu vùng.
Giải ngân: DN đứng vay nên tiền vay sẽ chuyển khoản tới DN. Sau đó, DN sử dụng để trả lương cho NLĐ qua tài khoản, hoặc tiền mặt. Nếu hồ sơ vay vốn đầy đủ theo quy định, thì chỉ trong vòng 4 ngày, ngân hàng sẽ phê duyệt cho vay và tiền được chuyển khoản thẳng tới DN.
Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội cho DN đối với các tháng 5, 6 và 7-2021 được thực hiện 1 lần.
Thời hạn giải ngân đến hết ngày 5-4-2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước.
Tổng hợp: ĐƯỜNG LOAN - TRUNG THU - Ảnh: VIỆT DŨNG - CAO THĂNG - HOÀNG HÙNG; Trình bày: HỮU VI (Báo SGGP)