Chính quyền TPHCM sát dân hơn nhờ đường dây nóng
Các phường mới tại TPHCM đã tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng. Người dân hài lòng, tin tưởng vào chính quyền "sát dân".
Xử lí hơn 30 cuộc gọi từ đường dây nóng

Từ ngày có đường dây nóng, mọi vấn đề lớn nhỏ cần được tư vấn hay phản ánh đều được người dân gọi về Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phú Định, TPHCM và được giải quyết nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Lan (62 tuổi, ngụ phường Phú Định) kể, bà cần đi sao y chứng thực giấy tờ nhưng không biết chuẩn bị hồ sơ gì liền gọi vào đường dây nóng của phường để được hỗ trợ. "Tôi gọi vào số đường dây nóng của phường, một lát là có cán bộ nghe máy. Tôi hỏi giờ muốn sao y chứng thực thì cần mang theo những gì. Họ hướng dẫn rất tận tình. Nhờ vậy mà tôi chuẩn bị đầy đủ, không phải đi lại nhiều lần", bà Lan nói.

Ông Trương Đình Sâm - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phú Định - cho biết, đường dây nóng của phường đã hoạt động từ ngày 1.7 và tiếp nhận nhiều cuộc gọi của người dân, chủ yếu liên quan đến quy trình và thủ tục hồ sơ. Các câu hỏi thường gặp là về chứng thực chữ ký (ví dụ: cần chuẩn bị bao nhiêu bản, mang theo CCCD bản chính và yêu cầu người đó phải trực tiếp đến). Đối với những thủ tục phức tạp hơn, như hồ sơ nhà đất, cán bộ trực đường dây nóng cũng cung cấp hướng dẫn ban đầu.
Theo ông Sâm, trung bình hiện có khoảng 4-5 cuộc gọi mỗi ngày, và tổng cộng khoảng hơn 30 cuộc gọi đã được tiếp nhận qua đường dây nóng kể từ ngày 1.7 đến nay.


Ông Nguyễn Mai Trung - Chánh văn phòng HĐND và UBND phường Phú Định - cho biết, tính đến nay, phường đã giải quyết hơn 3.000 hồ sơ, chủ yếu là các thủ tục sao y, chứng thực, hộ tịch và giải quyết hồ sơ trợ cấp hưu trí xã hội. Để đảm bảo hiệu quả phục vụ, phường đã bố trí 6 quầy tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở chính, đồng thời mở thêm hai điểm phụ, mỗi điểm có 4 quầy tiếp nhận. Do địa bàn phường Phú Định bị chia cắt bởi kênh rạch, gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Các điểm phụ giúp người dân ở các khu vực xa dễ dàng tiếp cận dịch vụ. Cán bộ được cử luân chuyển hồ sơ về điểm chính để ký và sau đó trả hồ sơ lại cho người dân tại các điểm phụ.
"Bước đầu, chúng tôi sẽ duy trì cả ba điểm này để tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Sau một thời gian hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ tổng kết và đánh giá nhu cầu thực tế để có phương án điều chỉnh phù hợp", ông Trung thông tin.
Xử lí kịp thời cho người dân, không để trễ hạn
Tương tự, tại phường Tân Sơn Nhất, việc tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân qua đường dây nóng 1022 cũng hoạt động hiệu quả từ ngày 1.7.

Ông Lâm Việt Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Sơn Nhất - cho biết, phường đã tiếp nhận 4 phản ánh liên quan đến vệ sinh lòng đường và trật tự đô thị: "Chúng tôi xử lý ngay lập tức. Phường có cán bộ chuyên theo dõi đường dây nóng, chuyển cho bộ phận chuyên môn xử lý trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, sau đó báo cáo lại và thông tin cho người dân".
Ông Thảo khẳng định và nhấn mạnh quá trình xử lý diễn ra rất nhanh, không có tình trạng trễ hạn.


Về tình hình chung sau hơn hai tuần vận hành mô hình mới, ông Thảo đánh giá: "Nói chung là dần dần ổn định và đi vào nề nếp". Về công tác tiếp nhận hồ sơ, trung bình mỗi ngày phường tiếp nhận khoảng 100 đến 200 hồ sơ, cho thấy hoạt động hành chính đang ổn định và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.