Chủ quan với bệnh lao, hậu quả khôn lường

11:13 03/11/2020

Nhiều người vẫn nghĩ bệnh lao chỉ còn ở các vùng sâu, vùng kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, tại TPHCM, căn bệnh này vẫn đang âm thầm tấn công, thậm chí có diễn biến bất thường, lây lan rộng trong cộng đồng.

Chăm sóc người bệnh lao phổi nặng tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc, BV Phạm Ngọc Thạch
Chăm sóc người bệnh lao phổi nặng tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc, BV Phạm Ngọc Thạch

Bệnh nặng vì nghĩ bệnh thông thường

Sáng 23-10, tại Khoa Khám bệnh, BV Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), bác sĩ khám bệnh đã gọi đến số 100 mà người chờ đến lượt vẫn còn khá đông. H.N.H. (16 tuổi, ngụ quận Bình Tân) được người thân đưa tới khám vì thường xuyên bị ho tức ngực, có đờm, sụt cân không rõ nguyên nhân... Trước đó, gia đình tự cho uống kháng sinh qua nhiều đơn thuốc, nhưng không khỏi. Tương tự, chị H.T.T.M. (28 tuổi, ngụ quận 2) vừa sinh con được 10 tháng, nhưng thường bị ho, sốt kéo dài, khó thở và tràn dịch màng phổi. Đến khám, cả em H. và chị M. mới biết đã bị mắc bệnh lao.

Còn ông L.T.T. (55 tuổi, ngụ Bình Phước) làm thuê cho một trang trại chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Tân Kiên, Bình Chánh, thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường nhiều khí uế, có khi cả tháng trời ở ngay cạnh trại chăn nuôi bò, heo nên mắc bệnh lao phổi lúc nào không hay. Nghĩ bệnh cúm, ông tự mua thuốc uống gần 2 tuần vẫn không khỏi; đến lúc chỉ biết nằm ho và tức ngực, khó thở mới đi khám tại BV Phạm Ngọc Thạch thì phát hiện mình bị bệnh lao nặng. Trường hợp của ông T. còn may khi các BS đã nỗ lực cứu chữa kịp thời.

Trường hợp em C.B.H. (15 tuổi, ngụ quận 10), không được may mắn như ông T., vì sau 4 ngày nhập viện em đã tử vong. Ngày 11-10, H. được gia đình cho nhập viện BV Nhi đồng 1 (TPHCM) trong tình trạng đau bụng nhiều, đi không nổi. Tại bệnh viện, em được các BS thực hiện các xét nghiệm, siêu âm bụng và phát hiện bị tắc ruột, thủng ruột nên chỉ định mổ khẩn để cắt đoạn ruột bị thủng, hoại tử. Tiếp tục chụp X-quang phổi và làm xét nghiệm, kết quả cho thấy, H. bị viêm phổi và có vi khuẩn lao khiến các cơ quan bị tổn thương, gồm lao phúc mạc, lao ruột, lao phổi. Được điều trị thuốc chống nhiễm trùng vì H. có tình trạng nhiễm trùng huyết nhưng không thuyên giảm, diễn tiến bệnh ngày càng nặng. Đến ngày 14-10, em H. đã tử vong.

BS-CKII Dư Tấn Quy, Phó Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết, em H. tử vong do mắc bệnh lao ruột. Do bệnh nhân nhập viện trễ nên vi trùng lao tấn công gây tổn thương đa cơ quan, thủng ruột gây tử vong.

Điều trị miễn phí

Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong số 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên thế giới, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính năm 2018, Việt Nam có 170.000 bệnh nhân mắc lao mới, khoảng 5.000 người mắc lao đa kháng và khoảng 11.000 người chết vì bệnh lao.

Trong đó, TPHCM là nơi có dịch lao cao nhất cả nước, hàng năm đã phát hiện và đưa vào điều trị khoảng 15.000 bệnh nhân lao. Riêng số người thử đàm có bằng chứng vi khuẩn học toàn thành phố trong năm 2019 là 176.500 người, tăng 7,3% so với năm 2018 (164.480 người). Quận Gò Vấp và Bình Tân có số ca mắc lao tăng gần gấp 3 lần so với năm 2018… Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện cũng chỉ đạt được khoảng 60% số trường hợp mắc lao mới trong cộng đồng. Trên 30% bệnh nhân vẫn bị mất dấu, không kiểm soát được.

Theo TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, bệnh nhân bị mất dấu, không kiểm soát được vì còn một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, kỳ thị, xa lánh với người bệnh lao. Điều này dẫn tới việc người bệnh tự ti, không hợp tác với cơ sở khám chữa bệnh. “Nhiều nhân viên y tế, đội ngũ cộng tác viên của chúng tôi vào gia đình có người nghi nhiễm lao đã không ít lần bị từ chối, có gia đình nhác thấy đã nói tránh bệnh nhân đi vắng. Thậm chí, ngay người nhà của các tình nguyện viên đã phản đối vì sợ bị lây nhiễm bệnh lao cho người thân của mình. Chính vì không hiểu về bệnh nên ngay cả khi đã uống thuốc điều trị, nhiều người không tuân thủ hoặc bỏ thuốc”, TS-BS Nguyễn Trung Hòa cho biết.

Người mắc bệnh lao khi ho, khạc nhổ làm bắn ra những hạt nước bọt nhỏ li ti có mang theo vi khuẩn lao bay vào không khi và lưu chuyển đi khắp mọi nơi. Khi hít phải vi khuẩn lao trong không khí là bị nhiễm lao, nếu sức đề kháng của cơ thể tốt, các vi khuẩn lao bị khống chế “ở trạng thái không hoạt động” nên chúng không phát triển được để có thể gây bệnh. Khi sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm (do suy dinh dưỡng, do nhiễm HIV, những người già yếu, người mắc bệnh tiểu đường, trẻ em dưới 5 tuổi...) là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh lao.

Thông thường, phác đồ điều trị lao kéo dài 6 tháng (với thể lao phổi còn nhạy cảm thuốc lao hàng 1) hoặc với trường hợp lao kháng thuốc thời gian điều trị kéo sẽ dài 9 tháng hay phác đồ dài hạn 20 tháng. Sau khi điều trị thuốc chống lao được vài tuần, dấu hiệu bệnh thuyên giảm, bệnh nhân thấy người khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn và có thể tăng cân, đó là biểu hiện tốt, nhưng bệnh chưa khỏi, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị cho đủ 8 tháng. Nếu bệnh nhân bỏ dở điều trị (ngừng dùng thuốc trước 8 tháng) bệnh không khỏi, nhanh tái phát trở lại và đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn lao trở nên kháng lại các thuốc chống lao và việc điều trị về sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

QUANG HUY/SGGP

Tin cùng chuyên mục