Tham dự đoàn công tác có các đồng chí: Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM; Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TPHCM; Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM; Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM; Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM.
Tiếp tục bảo vệ, giữ vững “vùng xanh”
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, buổi làm việc hôm nay là nghe huyện Củ Chi báo cáo về kết quả thực hiện phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn 1 (từ ngày 23-8 đến ngày 9-9). Đồng thời đề nghị huyện Củ Chi trình bày kế hoạch chuẩn đến ngày 15-9 và đặc biệt là kế hoạch sau ngày 15-9.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng đoàn giám sát của HĐND TPHCM làm việc với huyện Củ Chi, sáng 10-9-2021. Ảnh: VĂN MINH
Đồng chí đề nghị các thành viên trong đoàn thẳng thắn góp ý, trao đổi với huyện Củ Chi để có được kế hoạch tốt nhất, trên cơ sở đó huyện triển khai thực hiện sau khi trở lại “bình thường mới” trong thời gian tới. Trong đó, có những ý kiến đã được các sở ban ngành TPHCM trả lời, đề nghị trên cơ sở đó huyện Củ Chi thực hiện nghiêm, làm đúng theo quy định pháp luật.
Sau khi nghe lãnh đạo huyện Củ Chi báo cáo, thay mặt đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Thị Lệ ghi nhận đầy đủ các ý kiến của huyện Củ Chi trình bày.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM, từ ngày 2-9 huyện Củ Chi đã công bố cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 và chuẩn bị phương án để trở lại trạng thái “bình thường mới” sau ngày 15-9. TPHCM ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi, là một trong những địa phương đầu tiên kiểm soát được dịch bệnh, góp phần cùng với TPHCM đạt được những kết quả ban đầu hết sức tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ lưu ý huyện Củ Chi một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới khi mở cửa lại. Ảnh: VĂN MINH
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đánh giá những mặt làm được của huyện Củ Chi trong thời gian qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí lưu ý thời gian qua huyện vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đồng thời đề nghị huyện Củ Chi tiếp thu các góp ý tại buổi làm việc để bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch sau ngày 15-9 thực hiện nhiệm vụ khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ lưu ý huyện Củ Chi một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới để tiếp tục bảo vệ, giữ vững “vùng xanh” tiến tới trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Trước hết, huyện Củ Chi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội từ nay đến sau ngày 15-9. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, không được chủ quan, phải tiếp tục thực hiện giãn cách nghiêm ngặt. Huyện phải tuyên truyền sâu rộng đến từng tổ dân phố, tổ nhân dân, khu phố ấp và từng “pháo đài” để đến từng người dân. Trong đó phải phát huy các loa tuyên truyền ở các xã, các ấp. Đồng chí nhấn mạnh huyện Củ Chi phải tiếp tục siết thực hiện nghiêm giãn cách trên địa bàn huyện.
Về an sinh lâu dài, đồng chí Nguyễn Thị Lệ lưu ý huyện phải dự liệu được những tình huống xuất hiện nhiều khó khăn đối với người dân, đối với người lao động. Từng “pháo đài” phải tiếp tục rà soát để phát hiện kịp thời các trường hợp khó khăn còn bỏ sót hỗ trợ kịp thời. Đồng chí đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ của nhân dân huyện Củ Chi.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đánh giá những nội dung được nêu ra trong kế hoạch trở lại trạng thái “bình thường mới” có tính rất quyết liệt, đòi hỏi yêu cầu rất nghiêm, với mệnh lệnh mang tính tác chiến rất cao để chuẩn bị cho kịch bản, chiến lược huyện Củ Chi “sống chung với dịch covid-19”. Đồng chí nhấn mạnh, không để dịch bệnh lây lan cả 2 chiều (từ ngoài và từ bên trong huyện) ngoài tầm kiểm soát.
Muốn an toàn, bền vững thì không thể đóng cửa
Từ đó, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị huyện khi xây dựng kịch bản, chiến lược cần chú ý các vấn đề quan trọng. Trong đó, để trở lại trạng thái “bình thường mới”, huyện Củ Chi phải có chiến lược về y tế thật cụ thể sau ngày 15-9 ở từng lĩnh vực, từng ngành nghề. Trong đó, hệ thống y tế cộng đồng, trung tâm y tế huyện phải thực sự đủ mạnh.
Huyện Củ Chi muốn an toàn, muốn bền vững thì không thể đóng cửa. Do đó Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị huyện phải tiêm vaccine cho toàn dân, quan tâm tiêm vaccine cho các lực lượng tham gia sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Đồng thời xây dựng và áp dụng quy định “thẻ xanh” vaccine. Bên cạnh đó áp dụng công nghệ quét mã QR giúp kiểm soát nhanh những trường hợp ra vào huyện. Đặc biệt huyện phải xây dựng hệ thống camera giám sát người ra vào “vùng xanh”.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị huyện Củ Chi xây dựng kịch bản, chiến lược khi trở lại trạng thái "bình thường mới". Ảnh: VĂN MINH
Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, về chiến lược phát triển kinh tế, từng ngành, từng doanh nghiệp phải hồi phục và phát triển. Đồng chí gợi mở ở lĩnh vực du lịch. Cụ thể phải có phương án mở lại các địa điểm du lịch kết hợp về nguồn, có giải pháp kiểm soát số lượng khách du lịch để vừa đảm bảo giãn cách vừa có môi trường cho du khách nghỉ dưỡng. Đồng thời kết hợp bán nông sản của huyện để giới thiệu đến với khách du lịch…
Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị huyện nghiên cứu đề xuất với TPHCM có chính sách, hỗ trợ để giữ chân người lao động và thu hút người lao động đã nghỉ việc về quê. Trong đó ưu tiên về tiêm vaccine, ưu tiên về an sinh xã hội và nhà ở cho công nhân, người lao động. Đối với các khu nhà trọ, huyện phải rà soát chỉnh trang lại để đảm bảo an toàn phòng cháy và phòng chống dịch khi trở lại trạng thái “bình thường mới”. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất TPHCM có chính sách miễn giảm thuế, hạ lãi suất, khoanh nợ…cho doanh nghiệp.
Huyện Củ Chi chuẩn bị kế hoạch, chiến lược chăm lo an sinh xã hội lâu dài cho người dân gặp khó khăn sau ngày 15-9. Bên cạnh đó, phải nắm chặt số lao động thất nghiệp, dư dôi trên địa bàn để có giải pháp giải quyết việc làm cho người dân, tránh tình trạng họ thất nghiệp dài ngày sinh ra những hệ lụy xấu, các tệ nạn xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ lưu ý, phải xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh trật tự trên địa bàn huyện khi mở cửa trở lại, phải có chiến lược lâu dài.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ tặng huyện Củ Chi đồ bảo hộ y tế cấp độ 3 và khẩu trang y tế N95 để chuyển đến các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: VĂN MINH
Đồng thời phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tiêm “vaccine tinh thần” cho người dân để chuẩn bị tâm thế trong trạng thái “bình thường mới” với thông điệp 5K. Huyện Củ Chi phát huy các loa phát thanh ở từng xã, từng ấp để truyền thông đến từng nhà dân. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, trang web của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ bày tỏ huyện Củ Chi phải kịp thời động viên, khen thưởng người tốt việc tốt, những mô hình hay cách làm sáng tạo. Nghiên cứu xây dựng chiến lược công nghệ, quản lý số. Hiện nay huyện đã có bản đồ Covid-19, bản đồ an sinh xã hội thì tiếp tục xây dựng bản đồ tiêm vaccine rồi tiến tới ứng dụng công nghệ quản lý kiểm soát khách vãng lai, quản lý di biến động dân cư…
Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Củ Chi tập trung, củng cố vai trò trách nhiệm từng pháo đài để thực sự vững mạnh. Đồng thời tiếp tục phát động, phát huy phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ “vùng xanh”. Quan tâm chăm lo bồi dưỡng về vật chất lẫn tinh thần cho các lực lượng phòng chống dịch để từ đó góp phần đưa huyện Củ Chi sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Mua sắm trang thiết bị y tế phải đúng quy định
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết về cơ chế đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, hiện nay kinh phí giao cho đơn vị nào thì bố trí đúng cho đơn vị đó. Trong thực tế, kinh phí giao về cho UBND huyện có vướng mắc, trong đó không có cơ quan đơn vị chuyên môn y tế trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… Trong quá trình thực hiện thanh quyết toán các hợp đồng cũng có những vướng mắc.
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VĂN MINH
Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đã có ý kiến với Sở Nội vụ, Sở Y tế TPHCM để kịp thời gỡ vướng mắc cho các địa phương. Tuy nhiên trên tinh thần, các địa phương phải tuân thủ đúng quy định phân cấp theo thẩm quyền và thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong gợi ý, khi trở lại “bình thường mới” huyện cần chú ý đến những khu vực xa chợ siêu thị, việc đi lại của người dân, giao thương cũng cần tính toán. Đồng thời chú ý đến những vấn đề phát sinh sau khi trở lại “bình thường mới” như vấn đề việc làm, an ninh trật tự,…
Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VĂN MINH
Các “pháo đài” phải nắm thật chặt tình hình để có những giải pháp, kế hoạch ứng phó phù hợp. Đặc biệt, Chánh án TAND TPHCM lưu ý huyện Củ Chi trong lĩnh vực đầu tư đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch, phải làm đúng quy định pháp luật.
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng, chống dịch đã khó, giữ vững thành quả càng khó hơn. Do đó, đề nghị huyện Củ Chi tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch, đặc biệt là công tác kiểm soát ở các chốt đi lại qua địa bàn huyện, tuyệt đối phải xử lý nghiêm những trường hợp đi lại không đúng quy định, không có việc cả nể, không được ngại đụng chạm.
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VĂN MINH
Công an TPHCM đã chỉ đạo lực lượng công an, cảnh sát khu vực phải bám sát cơ sở, gần dân và “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, qua đó không chỉ làm tốt công tác phòng chống dịch mà còn đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM.
Huyện Củ Chi mở cửa dần từ tuần sau
Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch HĐND TPHCM. Huyện Củ Chi xác định là “vùng xanh” của TPHCM và đang giữ vững thành quả này để tiến tới “bình thường mới”, khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội.
Huyện xác định mục tiêu “mở tới đâu chắc tới đó”, không nóng vội, không mở đại trà, chỗ nào chưa đảm bảo an toàn thì tuyệt đối không mở. Hiện nay UBND huyện đang xây dựng kế hoạch khung, từ đó các xã, thị trấn tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng địa bàn để tiến tới mở cửa, trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, dự kiến tuần sau huyện Củ Chi mở cửa dần. Ảnh: VĂN MINH
“Các địa phương cân nhắc thuận lợi tới đâu làm tới đó, huyện không ép để các xã thị trấn chủ động, phát huy tính sáng tạo của cơ sở. Dự kiến sang đầu tuần sau huyện sẽ thực hiện một số biện pháp mở cửa dần”, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi cho biết.
Trước đó báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Thị Thanh Hiền báo cáo sơ kết 16 ngày triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 23-8 đến 9-9. Trong khoảng thời gian này, huyện ghi nhận 1.736 ca mắc Covid-19, giảm 638 ca so với 15 ngày trước đó. Tất cả các ca mắc đều được chuyển đến khu thu dung, khoanh vùng xử lý kịp thời, chưa ghi nhận trường hợp F0 tử vong tại nhà. Huyện Củ Chi cũng đã có 18/21 xã, thị trấn đạt “bình thường mới” trong đó có đến 15 xã, thị trấn là “vùng xanh”, còn lại “cận xanh”.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Thị Thanh Hiền phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VĂN MINH
Tính đến ngày 9-9, tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên của huyện Củ Chi đạt 99,11% (mũi 1), tiêm mũi 2 đạt 17,25%. Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, đến nay huyện chỉ còn cách ly tập trung 903 F0, 2042 trường hợp cho về nhà tiếp tục theo dõi (trong đó có 1.360 F0 điều trị khỏi bệnh). Trên địa bàn huyện có 10 trạm y tế lưu động tại các xã để quản lý, chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho F0. Thành lập 21 Đội phản ứng nhanh tại 21 xã, thị trấn để kịp thời phát hiện các trường hợp F0 có triệu chứng và những người bị mắc các bệnh lý khác.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền đánh giá, công tác an sinh xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng và không bỏ sót ai với phương châm “người có lo cho người khó, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị thiếu đói”.
Huyện Củ Chi đã “xây dựng mỗi xã, thị trấn, mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”. Trong đó tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn huyện triển khai thực hiện tốt phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, từ đó mật độ lưu thông và số người dân ra đường giảm nhiều lần so với thời gian trước.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Thị Thanh Hiền cho biết, huyện phấn đấu đến ngày 15-9 đảm bảo 100% người dân từ trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và hơn 70% người dân được tiêm mũi 2. Đến ngày 10-10, huyện phấn đấu đảm bảo 100% người dân được tiêm mũi 2 để sớm tạo miễn dịch cộng đồng, giữ vững “vùng xanh”, từng bước đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái "bình thường mới". Để đạt được mục tiêu này, huyện Củ Chi đề xuất TPHCM hỗ trợ thêm 10 đội tiêm cho huyện.
|