Tham dự có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức; Đại diện các cơ quan Trung ương tại TPHCM; Đại diện lãnh đạo các Sở, ngành TP; Trưởng đại diện của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn TPHCM.
Buổi gặp gỡ dành nhiều thời gian để ôn lại truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong 97 năm qua; tri ân những đóng góp của các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cùng chính quyền Thành phố và cả nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Báo chí địa phương phải đề cập nhiều hơn nữa điều mà nhân dân quan tâm
Hoan nghênh và đánh giá cao Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức buổi gặp mặt rất tình cảm, ý nghĩa này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân gửi tới toàn thể các cán bộ, phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí ở TPHCM và những người làm báo trong cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong những năm qua, cùng với báo chí cả nước, báo chí TPHCM luôn phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tích cực tuyên truyền, quảng báo hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với nhiều nội dung phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao, đúng định hướng, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, cuộc gặp mặt hôm nay diễn ra sau gần 1 năm TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam phải gánh chịu nhiều thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.
“Trong giai đoạn khó khăn đó, các cơ quan báo chí, nhất là các phóng viên, quay phim, phóng viên ảnh đã không quản khó khăn, nguy hiểm, lăn lộn ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch, hay tại các điểm nóng của đại dịch, kịp thời phản ánh tình hình dịch bệnh, cũng như những nỗ lực không biết mệt mỏi của các bác sỹ, nhân viên y tế, các lực lượng tham gia chống dịch, của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống đại dịch. Trong đó, nhiều đồng chí đã mắc COVID-19, có người có người thân mất” – Chủ tịch nước phát biểu.
Chia sẻ với những khó khăn vất vả, mất mát của những người làm báo trong hoạt động báo chí nói chung, trong công tác phòng chống dịch thời gian qua nói riêng, Chủ tịch nước biểu dương và đánh giá cao các nhà báo đã có nhiều tác phẩm báo chí chân thật, phản ánh đúng thực tiễn, những câu chuyện, những hình ảnh hết sức xúc động; Qua đó, góp phần nhân lên những nét đẹp trong cuộc sống, khẳng định truyền thống, đạo lý nhân ái của dân tộc ta.
Nhắc lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới, nhưng nhiều vấn đề vấn đề quan trọng của đất nước, nhiều vấn đề bức xúc của người dân vẫn còn đó và chưa được báo chí phản ánh đầy đủ và kịp thời. Trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, các nhà báo chân chính “không tô hồng, nhưng cũng không bôi đen”, không thông tin một chiều, thông tin một nửa sự thật”.
Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cơ quan báo chí, nhất là ở các địa phương cần đề cập nhiều hơn nữa về những vấn đề mà nhân dân quan tâm, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình. Đó cũng là cách chúng ta góp phần giúp “ngăn ngừa đốm lửa nhỏ, nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng”.
Cùng với đó, muốn báo chí cần phản ánh chân thực tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương, của cả nước cũng như phản ánh dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân mong muốn gửi tới Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, để các cơ quan Nhà nước có phản ứng chính sách kịp thời.
Đó cũng là hành động cụ thể góp phần xây dựng “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” và thực hiện chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những quan điểm cơ bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Ngoài ra, theo Chủ tịch nước, đội ngũ những người làm báo trên địa bàn TP phải là nhân tố tích cực, là lực lượng xung kích trong việc quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người của TP mang tên Bác Hồ luôn năng động, sáng tạo, đổi mới và phát triển mạnh mẽ; xây dựng một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của người dân Thành phố và nhân dân cả nước.
Kết thúc diễn văn chúc mừng gửi đến các phóng viên, nhà báo nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ những người làm báo Việt Nam: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
TPHCM có trách nhiệm cùng các cơ quan báo chí giải quyết những khó khăn, vướng mắc
Về phía chính quyền TPHCM, phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo sâu sắc, không chỉ đối với các cơ quan báo chí mà còn cho các cấp, các ngành TPHCM. TP luôn ghi nhận và trân trọng cảm ơn sự đồng hành, sát cánh, đóng góp của các thế hệ những người làm báo và các cơ quan báo chí dành cho sự phát triển của TPHCM trong suốt thời gian qua.
“Có thể nói, TP được như ngày hôm nay là sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, nhà nước, sự ủng hộ giúp đỡ của đồng bào trong và ngoài nước, nhưng trong đó có sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị nhân dân TP và sự đóng góp của lực lượng báo chí tại TPHCM, kể cả báo trung ương và địa phương”, Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Theo lãnh đạo TP, thông qua nhiều hoạt động, báo chí đã huy động vật lực, tài lực và cả trí tuệ để đóng góp cho TP, hiến kế cho địa phương những định hướng, giải pháp, giúp TPHCM có sự phát triển bứt phá trong thời gian vừa qua.
Thay mặt lãnh đạo TP, ông Phan Văn Mãi đề nghị báo chí tiếp tục phản ánh kịp thời, chính xác, có sự giám sát, phản biện đối với sự vận động, trưởng thành của TPHCM, kể cả những mặt chưa hoàn thiện, hạn chế, tiêu cực, từ đó giúp chính quyền TP đấu tranh, xây dựng địa phương tốt hơn.
Chia sẻ với những khó khăn mà các cơ quan thông tấn báo chí đang gặp phải, trước những đề nghị báo chí trao đổi với Chủ tịch nước, người đứng đầu chính quyền TP nhận thấy, TPHCM cũng có trách nhiệm cùng các cơ quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Qua đó duy trì, phát triển hoạt động báo chí, để câu chuyện chuyển đổi số, câu chuyện kinh tế báo chí và sự phối hợp giữa báo chí và địa phương được đồng bộ và thông suốt hơn.
“Kính chúc các nhà báo, phóng viên luôn giàu năng lượng, tiếp tục có những sáng tạo, những tác phẩm đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước”, Chủ tịch UBND TP phát biểu.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng chuyển lời chúc mừng của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đến toàn thể phóng viên, nhà báo cả nước nhân ngày đặc biệt - Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Các cơ quan báo chí TP là diễn đàn thân thiết, gần gũi, tin cậy của Nhân dân
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng cho biết, sau ngày thống nhất đất nước, nhiều tờ báo tại TPHCM đã lần lượt ra đời ngay trong những ngày đầu TP mới được giải phóng. Hội nhà báo TPHCM cũng được thành lập 2 năm sau đó vào ngày 17/12/1977.
Trải qua 47 năm, báo chí TP đã có sự phát triển vượt bâc, rất đa dạng và phong phú với 19 cơ quan báo chí (sau khi sắp xếp theo quy hoạch), trong đó có 7 tờ báo, 2 đài PTTH, Phát thanh và 10 tạp chí. Ngoài ra trên địa bàn TP còn có 161 cơ quan báo chí TW và địa phương đặt văn phòng đại diện, PV thường trú. Có 1672 nhà báo được cấp thẻ nhà báo (trong đó có 1436 nhà báo thuộc báo chí TP). Hội nhà báo TPHCM có khoảng gần 1300 hội viên với 27 chi hội và liên chi hội trực thuộc.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP nhận định, các cơ quan báo chí TP không chỉ là cơ quan của Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp mà còn là diễn đàn thân thiết, gần gũi, tin cậy của Nhân dân.
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, báo chí TPHCM vẫn vươn lên, nhiều tác phẩm báo chí đạt giải cao tại các giải báo chí quốc gia, Giải búa liềm vàng… như tại Giải báo chí toàn quốc 2021( sẽ trao giải vào tối mai tại Hà Nội), báo chí TP có 10 tác phẩm đoạt giải trong đó riêng HTV có 2 giải A.
Trong quá trình xây dựng và triển, báo chí luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP dành tình cảm, quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tạo mọi điều kiện cho báo chí phát triển như quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí. Phối hợp Hội nhà báo tổ chức các lớp đào tạo lý luận chính trị trung cấp cho các báo. Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ Hội nhà báo TP tổ chức giải báo chí TPHCM ngày càng qui mô, uy tín trong giới báo chí toàn quốc.
Trung tâm Báo chí Thành phố