Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm và giá trị bền vững cho huyện Hóc Môn, Củ Chi

08:29 13/04/2022

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai huyện Củ Chi và Hóc Môn phát triển là đô thị sinh thái, thông minh, bền vững, chứ hai huyện này không phải là “mâm cỗ mới” dành cho các nhà đầu tư bất động sản lợi dụng cơ hội tạo cơn sốt giá nhà đất ở TPHCM. Từ đó, Chủ tịch nước mong muốn thu hút các nhà đầu tư, người giỏi, người giàu đến với hai vùng đất này để tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra giá trị bền vững.

Chiều 12-4, UBND TPHCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022.

Chủ tọa hội nghị là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Đồng chủ tọa có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GT-VT; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT-TT; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM.

Tham dự có các đồng chí: Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh 550 nhà đầu tư có mặt tại hội nghị. Đây là hoạt động mời gọi đầu tư lớn nhất của đất nước từ sau dịch Covid-19, có ý nghĩa lớn đối với đất nước, với TPHCM và đặc biệt với hai huyện Hóc Môn và Củ Chi. Đặc biệt, phần lớn các nhà đầu tư, các tập đoàn có mặt là những nhà đầu tư có năng lực, có khả năng về kỹ thuật và tài chính, có tâm huyết với vùng đất cách mạng này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí đánh giá, hai huyện Hóc Môn và Củ Chi có nhiều lợi thế về chiến lược, nằm ở vùng đệm giáp ranh với các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh và có khả năng kết nối đường thủy thuận lợi hướng ra sông Sài Gòn. Hai huyện này được ví như “con rồng” đang ngủ, cần được thúc đẩy phát triển để xứng đáng với vị trí quan trọng vốn có.

Theo Chủ tịch nước, việc xúc tiến đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi không phải là chương trình một lần kết thúc trong một ngày. Với tư cách là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện tiếng nói cử tri hai huyện, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, các cam kết của nhà đầu tư. Đồng thời, đồng chí cũng giải trình với nhân dân hai huyện về kết quả đạt được từ hoạt động xúc tiến đầu tư này.

“Do vậy, mọi lời nói, mọi cam kết trong hội nghị phải đi đôi với việc làm, thực chất người thật - việc thật”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Bày tỏ vui mừng về các cam kết đầu tư trong hội nghị, Chủ tịch nước nhận xét, các lĩnh vực đầu tư không chỉ tập trung vào kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao mà còn quan tâm đến xử lý rác, nhà ở xã hội.

Đồng chí yêu cầu, các cam kết đầu tư và quá trình triển khai, phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, sự phát triển của hai huyện phải theo hướng hài hòa, bền vững. Do vậy, hội nghị cần lắng nghe, lấy ý kiến của chuyên gia, giới chuyên môn trong và ngoài nước.

Nguyên tắc xuyên suốt được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị là phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm.

“Hai huyện Củ Chi và Hóc Môn phát triển là đô thị sinh thái, thông minh, bền vững, chứ hai huyện này không phải là “mâm cỗ mới” dành cho các nhà đầu tư bất động sản lợi dụng cơ hội tạo cơn sốt giá nhà đất trên địa bàn TPHCM”, Chủ tịch nước nhấn mạnh và mong muốn thu hút các nhà đầu tư, người giỏi, người giàu đến với vùng đất Củ Chi, Hóc Môn để tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra giá trị bền vững.

Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn người dân hai huyện được sống trong điều kiện tốt hơn, với các tiện ích xã hội ngang bằng với các quận trung tâm.

Xứng tầm một cực tăng trưởng của TPHCM

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, TPHCM phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện tốt các công việc với tốc độ cao, nhanh hơn. Trong đó, TPHCM cần nhanh chóng xắn tay, tháo gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách để sớm huy động nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông có tính huyết mạch như tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh), hoàn thành đường Vành đai 3, đầu tư đường Vành đai 4, đường ven sông Sài Gòn… Bởi, nếu nút thắt về giao thông được tháo gỡ, khu vực hai huyện sẽ phát triển không kém gì khu vực trung tâm TPHCM, TP Thủ Đức.

Đồng chí lưu ý TPHCM và hai huyện trên phải tiếp tục cải cách môi trường đầu tư tốt hơn, nhanh hơn, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút, đãi ngộ tài năng; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch nước cũng đề cập đến việc điều chỉnh quy hoạch Hóc Môn và Củ Chi phù hợp với định hướng chiến lược mới, xứng tầm một cực tăng trưởng của TPHCM. Cùng với đó, thúc đẩy tiến độ đầu tư Khu đô thị Tây Bắc, đầu tư phát triển hạ tầng - xã hội; nghiên cứu mở rộng một số khu công nghiệp hiện có, theo hướng ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, phát triển các mô hình công nghiệp bền vững.

Đồng chí đặc biệt lưu ý phải luôn quan tâm đời sống dân sinh, chính sách phúc lợi, chăm lo gia đình có công; phát triển y tế, nhà ở xã hội…

Với các nhà đầu tư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân phải thực hiện đúng cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, khẳng định uy tín đối với việc đầu tư. Sau khi ký kết thì sớm triển khai nhanh kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư, chứ không phải ký rồi để đó.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, TPHCM và Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ theo dõi, nêu ra những đơn vị nào ký mà không thực hiện dự án.

“Đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi - vùng cách mạng có ý nghĩa đặc biệt, nên các nhà đầu tư cần đề cao ý thức bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm và một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt khi thực hiện các dự án là phải đặt lợi ích của người dân vào trung tâm.

Đối với hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, Chủ tịch nước đánh giá, hai huyện có không gian kinh tế rất tương đồng. Vì thế, hai địa phương muốn đi xa thì cần phối hợp, đi cùng nhau và liên kết chặt chẽ với các địa phương xung quanh nhằm tận dụng lợi thế kinh tế lớn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM, bộ ngành, doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM, bộ ngành, doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về khát vọng phát triển đất nước, phát triển TPHCM tầm nhìn đến năm 2045 đã được đề cập trong các Nghị quyết, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mục tiêu phát triển của TPHCM sẽ không đạt được nếu như người dân hai huyện Củ Chi và Hóc Môn chưa có cuộc sống tốt. Do đó, trách nhiệm chính trị nặng nề đặt ra không chỉ với hai huyện mà còn với cả TPHCM và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.

Trước hết và trực tiếp nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện cần có khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa; nỗ lực, năng động, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, luôn cần sự hỗ trợ của TPHCM và các bộ, ngành.

Trong dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vận động các đơn vị tài trợ tặng 1.000 căn nhà tình nghĩa cho hai huyện Hóc Môn và Củ Chi.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, hội nghị đã giới thiệu, định hướng phát triển khu Tây Bắc TPHCM theo hướng xây dựng đô thị sinh thái hiện đại và mời gọi xúc tiến đầu tư, tiếp nhận hỗ trợ an sinh xã hội cho huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi. Tại hội nghị, TPHCM đã định hướng cơ bản về phát triển TPHCM cũng như như khu vực phía Tây Bắc của TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết sẽ tiếp thu và cập nhật vào quy hoạch chiến lược phát triển TPHCM, trước hết cập nhật vào quy hoạch chung và quy hoạch tích hợp của TPHCM phát triển khu Tây Bắc như chỉ đạo của Chủ tịch nước. Trong đó, TPHCM phải tập trung mở rộng không gian phát triển, quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông của thành phố. Đồng thời, TPHCM tiếp thu và triển khai trong quá trình xây dựng quy hoạch chung của thành phố về việc mở rộng thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. 

Sau hội nghị này, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện Hóc Môn và UBND huyện Củ Chi tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư để sớm triển khai các dự án. Đối với những công trình, dự án còn tồn đọng, TPHCM tiếp tục giải quyết, xử lý trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, một số vấn đề còn vướng mắc như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…, TPHCM sẽ chỉ đạo các cơ quan chức và các địa phương phối hợp xử lý.

“Tinh thần TPHCM tập trung hơn nữa cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, phát huy nguồn lực xã hội cho mục tiêu phát triển TPHCM”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, thông qua sự giới thiệu của Chủ tịch nước, các nhà tài trợ đã hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của hai huyện Hóc Môn và Củ Chi với hơn 1.000 nhà tình thương, nhà tình nghĩa. Đây là có thể xem là con số hỗ trợ an sinh lớn nhất trong một hội nghị xúc tiến đầu tư. UBND TPHCM sẽ chỉ đạo có sở, ngành có liên quan và UBND hai huyện sớm xác định đối tượng thụ hưởng, triển khai các thủ tục cần thiết để tổ chức xây, sửa nhà cho người dân sớm có chỗ ở ổn định, yên tâm phát triển kinh tế, đời sống.

Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này không chỉ có ý nghĩa đối với hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, còn có ý nghĩa đối với TPHCM khi thành phố vừa bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Từ hội nghị này sẽ tạo thêm khí thế mới xây dựng và phát triển TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố quyết tâm mạnh mẽ sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển tối đa các nguồn lực xã hội đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

 


 

 

 

Với vai trò của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cam kết, sẽ cùng Đoàn ĐBQH TPHCM thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó, chú trọng sửa đổi Luật Đất đai; bảo vệ tài sản đầu tư của người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy các mô hình kinh tế mới, sáng tạo, hiệu quả, khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh và tìm kiếm giải pháp, cơ chế đột phá.

Qua đó, khơi nguồn phát triển cho TPHCM cũng như hai huyện. Chủ tịch nước nhấn mạnh, sẽ cùng lãnh đạo TPHCM cố gắng “lo cho môi trường đầu tư được thuận lợi, không bị hình sự hóa các vấn đề kinh tế, dân sự, hành chính và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm làm đúng pháp luật và phát triển ở Việt Nam và TPHCM”.

MẠNH HÒA - VĂN MINH/SGGP

Tin cùng chuyên mục