Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Cải cách hành chính ở TPHCM có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội cả nước

15:24 18/02/2022

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, cải cách hành chính thì địa phương, ngành nào cũng làm, nhưng riêng TPHCM, cải cách hành chính không chỉ tác động đến TPHCM mà còn tác động lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Sáng 18-2, UBND TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị.

Nỗ lực lớn của cả đội ngũ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá, trong tác động của dịch Covid-19, năm 2021 vừa qua, TPHCM đã có sự nỗ lực rất lớn trong công tác cải cách hành chính. Chỉ riêng công tác phòng chống dịch đã chiếm hết thời gian, lực lượng, trong khi TPHCM còn phải sắp xếp chính quyền đô thị với những xáo trộn nhất định về mặt con người, đồng thời cũng phải triển khai những việc đầu nhiệm kỳ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị, sáng 18-2-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị, sáng 18-2-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Cho nên cần đánh giá, ghi nhận để thấy được sự nỗ lực hết sức lớn lao của hệ thống hành chính, trong đó đội ngũ cán bộ công chức đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đồng chí cũng ghi nhận những điểm sáng của công tác cải cách hành chính, đó là trong khó khăn, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của chính quyền đã tăng lên. Điều này cho thấy đội ngũ cán bộ công chức, người dân và doanh nghiệp TPHCM đã phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, nỗ lực rất lớn vượt qua khó khăn.

Chủ tịch UBND TPHCM gửi gắm: “Trong khó khăn, chúng ta đã có những cách làm hay, sáng tạo, thì vượt qua khó khăn rồi cũng phải tiếp tục quán tính tích cực này”.

Theo đồng chí, đó là những kết quả mà chúng ta suy nghĩ và phân tích thêm, thấy được giá trị của điều đó và tiếp tục phát huy thời gian tới. Từ đó, đồng chí đề nghị lãnh đạo các cơ quan tiếp tục phân tích, nhìn thấy những khía cạnh tích cực, quán tính tốt để đẩy nhanh hơn nữa trong năm 2022 và có sự đồng bộ, nhân rộng trên phạm vi toàn TP, toàn ngành.

Bên cạnh những khía cạnh tích cực đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề bộc lộ sau một năm rất khó khăn do dịch Covid-19. Đó là, dù đã chuyển đổi phương thức hoạt động, rất năng động, rất sáng tạo, nhưng tác động của dịch quá lớn nên TPHCM cũng gặp khó khăn. Do vậy, cần phân tích để sắp tới nên tập trung vào những trọng tâm nào, chuyển đổi thêm như thế nào cho phù hợp với từng ngành, từng địa phương.

Một vấn đề nữa bộc lộ sau năm dịch Covid-19, đó là việc chuyển đổi số trong hoạt động hành chính. Theo đồng chí, trước khi có dịch, TPHCM cũng tự tin, nghĩ rằng mình là địa phương ứng dụng công nghệ số ở nhóm đầu cả nước. Nhưng trên thực tế khi dịch xảy ra, mô hình, quy trình hoạt động, cơ sở dữ liệu hạ tầng, khung pháp lý để vận hành thông suốt trên nền tảng số gặp rất nhiều khó khăn. Dữ liệu có nhưng rời rạc, sự liên kết để phát huy, quy trình phối hợp… cũng gặp khó khăn, rất nhiều việc đặt ra.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị, sáng 18-2-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị, sáng 18-2-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Ở một thành phố có rất nhiều tiềm năng chuyển đổi số thì như thế là bất cập và cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn”, đồng chí Phan Văn Mãi phân tích, và cho rằng cần nhìn nhận để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, với trên 1.700 thủ tục hành chính, cần rà soát lại những thủ tục thường xuyên phát sinh hồ sơ để tập trung chuyển đổi số. Ở đây không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn là khung pháp lý và tháo gỡ vướng mắc khi ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Mục tiêu là đề người dân, doanh nghiệp thấy rằng làm trực tuyến cũng như làm trực tiếp, giá trị pháp lý là như nhau thì ở nhà làm tốt hơn.

Ngoài những vấn đề trên, khi nhìn lại năm 2021, đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho rằng sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, các cấp, các ngành vẫn là điểm tắc rất lớn cần giải quyết. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh đến vai trò rất lớn của Văn phòng UBND TPHCM từ tiếp nhận hồ sơ, theo dõi tiến trình xử lý, cần lập tổ công tác kiểm tra việc xử lý của các ngành, các địa phương.

Đồng chí cũng đề cập đến tình trạng một số cơ quan, một bộ phận cán bộ công chức do hạn chế năng lực hoặc do e ngại trách nhiệm trước những sự việc đã diễn ra, nên trong tham mưu xử lý cũng e dè, làm tiến độ xử lý công việc chậm đi.

Từ những vấn đề bộc lộ kể trên, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các cơ quan đơn vị, địa phương soi chiếu lại tình hình đơn vị mình để có giải pháp phù hợp trong năm 2022.

Không chỉ là cơ chế đặc thù

Trong số những công việc năm 2022 cần tập trung, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, năm nay, TPHCM sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Theo đồng chí, hướng là TPHCM sẽ đề xuất Quốc hội gia hạn, có bổ sung điều chỉnh Nghị quyết 54. Bên cạnh đó, TPHCM cũng tính đến việc nên có luật đô thị đặc biệt, hay khung khung pháp lý cho đô thị đặc biệt để có “chiếc áo” vừa vặn, phù hợp, đẹp với TPHCM.

Đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục trăn trở, nghiên cứu và góp ý cho TP để có cơ chế đặc thù phù hợp với TPHCM - cơ chế mà theo nhiều chuyên gia, không chỉ là cơ chế đặc thù mà còn phải đột phá, vượt trội để TPHCM phát triển.

Người đứng đầu UBND TPHCM cũng đề nghị các cấp ngành, đặc biệt là người đứng đầu cần quán triệt vai trò, trách nhiệm trong việc cải cách hành chính, làm sao nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, để đóng góp thực sự, tạo chuyển động mạnh mẽ thực sự trong kinh tế - xã hội.

Đồng chí nhấn mạnh: “Cải cách hành chính thì địa phương, ngành nào cũng làm, nhưng riêng TPHCM, cải cách hành chính không chỉ tác động đến TPHCM mà còn tác động lớn tới kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, cải cách hành chính ở TPHCM có ý nghĩa lớn hơn, vượt ra khỏi ranh giới của một địa phương”. Từ đó, đồng chí lưu ý việc này cần được thấm nhuần, quán triệt trong đội ngũ để triển khai có hiệu quả.

Về việc thực hiện chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, theo đồng chí Phan Văn Mãi là sự kế thừa của chủ đề năm 2021 nhưng ở cấp độ cao hơn.

Đồng chí quyết liệt đề nghị cần tập trung xử lý các vấn đề có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, lập các tổ công tác để giải quyết từng nhóm, từng việc. Từng ngành, từng địa phương phải có danh sách vụ việc cần giải quyết hàng tháng và cập nhật thường xuyên.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu dự hội nghị, sáng 18-2-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu dự hội nghị, sáng 18-2-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong hội nghị này, đồng chí Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ đạo trong năm 2022, TPHCM cần nâng cao nhận thức về vai trò phối hợp giữa ngành, địa phương, cán bộ công chức, viên chức. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính trễ hạn rất thấp, nhưng hơn 34.000 hồ sơ là con số rất lớn cần tập trung giải quyết. Để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, cần tập trung vào những thủ tục phát sinh nhiều hồ sơ, liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, cần thống nhất nhận thức để cùng thực hiện đảm bảo tính đồng bộ, liên thông. “Làm sao thiết lập một hệ thống số từ thành phố đến cơ sở để chúng ta quản trị, điều hành TPHCM trên nền tảng số”, đồng chí nêu rõ mục tiêu.

Năm 2021: Hơn 17,8 triệu hồ sơ hành chính

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, năm 2021, các sở - ban - ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tại TPHCM tiếp nhận hơn 17,8 triệu hồ sơ, đã giải quyết hơn 17,4 triệu hồ sơ. Trong số này có 99,81% hồ sơ giải quyết đúng hạn, tăng 0,9% so với năm 2020.

Trong hơn 32.200 hồ sơ giải quyết quá hạn, đã có 97,02% hồ sơ được thực hiện thư xin lỗi. Tỷ lệ chưa thực hiện thư xin lỗi giảm 2,32% so với năm 2020. Số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là gần 3,3 triệu hồ sơ. Hiện có 805/1.746 thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Trong điều kiện dịch bệnh, TPHCM cũng đã kịp thời thay đổi phương thức làm việc phù hợp và thích ứng với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dù vậy, cũng do dịch bệnh mà một số hoạt động phải tạm dừng, tiến độ giải quyết công việc cũng bị ảnh hưởng nhất định. Tình trạng chồng chéo giữa pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu… với đầu tư theo hình thức đối tác công tư cũng gây khó khăn cho tiến độ tham mưu trong lĩnh vực này.

Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị, địa phương đã trình bày những cách làm hay, nỗ lực cải cách hành chính trong năm qua. Đó là Sở TN-MT TPHCM với công tác liên thông điện tử giữa cơ quan văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế.

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, với việc thay đổi thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, nếu không thực hiện liên thông thì người dân phải đi lại 8 lần. UBND quận 3 có mô hình rút ngắn thủ tục, cấp giấy chứng nhận kinh doanh trong 4 giờ đồng hồ. Văn phòng UBND TPHCM nêu nhiều giải pháp tăng hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trong khi đó, Sở TT-TT TPHCM trình bày về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước…

Công chức nhiệt tình, niềm nở, không hạch sách, vòi vĩnh, nhũng nhiễu

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Ngô Thanh Sơn cho biết, trong năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thực hiện gần 17.000 cuộc gọi để lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp về sự hài lòng đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TPHCM.

Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ hài lòng chung của các sở, ngành TPHCM, quận, huyện, TP Thủ Đức đều tăng so với năm 2020. Trong đó, Sở KH-ĐT TPHCM có mức tăng cao nhất. Qua khảo sát cũng ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá về công chức có thái độ tốt (nhiệt tình, niềm nở, không hạch sách, vòi vĩnh, nhũng nhiễu); Công chức có chuyên môn tốt (hướng dẫn rõ ràng, chi tiết).

Bên cạnh đó, MTTQ ghi nhận một vài ý kiến người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính chưa tinh gọn, chưa rõ ràng. Ở một số đơn vị, thái độ cũng như sự hướng dẫn, chuyên môn của công chức chưa cao…

MAI HOA/báo SGGP

Tin cùng chuyên mục