Dịch COVID-19 không chỉ làm ngừng trệ mọi hoạt động của xã hội, làm thay đổi số phận của nhiều người mà còn được ví như chiến trường khốc liệt, là nơi “thử lửa” đối với lực lượng phóng viên báo chí - những người thực hiện nhiệm vụ ghi chép lịch sử của thời đại.
Trong những tháng ngày “nóng như đổ lửa” ở tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm phóng viên của các tòa soạn báo đã dấn thân tác nghiệp giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.
“Một mình-một máy-một quyết tâm”
Giữa tháng 7/2021, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát dữ dội tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng chục bệnh viện dã chiến đã được lập nên để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thời điểm ấy, trong khi người dân được yêu cầu “ở yên tại chỗ” thì rất cần sự vào cuộc của các lực lượng tuyến đầu.
“Khi nhìn thấy những tấm ảnh đầu tiên về các bệnh viện dã chiến, tôi cảm thấy mình không thể ngồi yên. Lực lượng tuyến đầu đang chiến đấu quyết liệt như thế, tại sao mình không là người đồng hành cùng họ? Mình cũng có thể trở thành chiến sỹ thông tin trên mặt trận phòng chống dịch," phóng viên Lê Trường Giang, Trung tâm Tin tức-Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Nghĩ là làm, anh Lê Trường Giang đã xin phép lãnh đạo, một mình, một máy và một quyết tâm đi vào Bệnh viện dã chiến số 6 để tác nghiệp.
“Ngày đầu tiên vào Bệnh viện dã chiến số 6, tôi không còn thời gian để... sợ hãi. Nhìn không khí tất bật, khẩn trương của những màu áo blouse, bộ đội, dân quân đang khiêng vác đồ đạc, vật tư y tế… để biến một khu tái định cư thành bệnh viện điều trị COVID-19, tôi nhận ra đây chính là nơi mình phải có mặt để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử này,” phóng viên Trường Giang nhớ lại.
Quyết tâm cao độ như thế nhưng có những lúc chàng trai trẻ không khỏi sợ hãi, ấy là khi chứng kiến sự khốc liệt của dịch bệnh, sự mong manh của hơi thở trong những ngày “đổ lửa” ấy.
Trong một lần tác nghiệp tại Phòng Hồi sức tích cực - nơi điều trị cho những ca nặng nhất, anh nhìn thấy một bệnh nhân nữ cao tuổi đang nằm thở máy. Thế nhưng, sau khi ghi hình xong, mới ra đến cửa thì Giang nhìn thấy chiếc băng ca đưa thi thể của nữ bệnh nhân này lên xe cấp cứu chuyển đến lò thiêu.
“Tôi như chết lặng. Chỉ 10 phút trước, tôi còn thấy nhịp thở đều đặn của cô. Thế mà..."
Là một phóng viên truyền hình, vào Bệnh viện dã chiến, Giang “đơn thương độc mã” tác nghiệp mà không hề có một sự trợ giúp nào của đồng nghiệp. Một mình Giang phải kiêm nhiệm tất cả vai trò, vừa là đạo diễn, quay phim, vừa biên tập, âm thanh và cả hậu kỳ. Kèm theo đó là sự bất tiện khi tác nghiệp trong bộ đồ bảo hộ, kể cả máy móc cũng phải trang bị bảo hộ nhất định.
“Đôi khi, quá vội vàng set up máy móc dẫn đến việc mất trắng âm thanh cả buổi ghi hình. Những khoảnh khắc đó mình không thể quay lại. Đó là điều khiến tôi hụt hẫng nhất," Giang chia sẻ.
Và suốt hơn 3 tháng ròng rã ở Bệnh viện dã chiến, 3 tập phim tài liệu “HTV từ tâm dịch” đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Bên cạnh những lát cắt hiện thực tàn khốc của cuộc chiến thì bộ phim còn ghi lại những câu chuyện cổ tích giữa tâm dịch.
Tự hào về thành quả của mình, Giang tâm sự: “Hành trình của mình ở Bệnh viện dã chiến là hành trình mang đến cho khán giả niềm tin và hy vọng về tình yêu thương, y đức trong những ngày dịch COVID-19 đe dọa từng mái nhà. Thông qua những thước phim này, người xem cảm nhận rõ trái tim của những người thầy thuốc. Họ không chỉ điều trị mà còn dùng tình cảm, lương tâm để bệnh nhân có được khoảnh khắc đoàn tụ."
Dù “nâng hạng” F vẫn bám trụ địa bàn
“Những ngày dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khó có thể quên trong ký ức. Với tôi, đó còn là những ngày vừa sợ, vừa lo, “bàng hoàng không giới hạn” khi đi giữa tâm dịch, sống và làm việc giữa tâm dịch," phóng viên Phan Thanh Vũ, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về những ngày dịch bệnh càn quét.
Nỗi lo càng tăng thêm khi những ngày đầu dịch bùng phát, đa số phóng viên phải có mặt ở hầu hết các điểm nóng nhưng chưa hề được tiêm mũi vaccine nào. Trong khi chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng lặp chốt chặn, lập rào cản khắp nơi và người dân thì “ở yên tại chỗ” thì ngược lại đội ngũ phóng viên lại phải có mặt ở hiện trường, các điểm nóng.
Có những ngày, sau khi lao vào các điểm nóng lấy tin, phỏng vấn thì anh Vũ nhận được điện thoại từ cán bộ cơ sở thông báo anh trở thành F1 bởi họ đã là F0.
Cũng có khi cả đoàn phóng viên hơn 50 người, say nghề chen chúc nhau tác nghiệp tại những nơi có mật độ virus đậm đặc mà quên mất cả giữ khoảng cách, chỉ cần một người là F0 thôi thì tất cả phóng viên đều có nguy cơ “nâng hạng” F.
“Những ngày đó tâm trạng của chúng tôi như đi trên tàu lượn siêu tốc, không biết số mệnh của mình sẽ thế nào nhưng nếu có nâng hạng thành F0 thì tôi vẫn quyết không rời bỏ nhiệm vụ bởi tôi biết bạn đọc, người dân đang chờ những dòng tin, hình ảnh về dịch bệnh từ chúng tôi," anh Vũ tâm sự.
Có lẽ tâm trạng hoang mang, lo lắng nhất là khi anh Vũ nhận nhiệm vụ tác nghiệp tại Bệnh viện hồi sức COVID-19, nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.
Phóng viên tác nghiệp tại khu cách ly. (Nguồn: TTXVN)
Anh nhớ lại: “Có vào đó, chứng kiến hàng trăm bệnh nhân thoi thóp, giành giật từng hơi thở tôi mới thấy sự sống đáng quý biết nhường nào. Thậm chí trong lúc tác nghiệp tôi còn nhìn thấy một người bệnh trút hơi thở cuối cùng trong sự bất lực của đội ngũ y bác sỹ, tim tôi như thắt lại. Chưa bao giờ tôi gần cái chết đến như thế."
Cũng không thể ngồi yên khi dịch bệnh hoành hành, phóng viên Lê Quang Huy, Báo Sài Gòn giải phóng đã xung phong nhận nhiệm vụ tác nghiệp tại các bệnh viện, các khu cách ly.
Không nhớ nổi bao nhiêu lần bước vào những nơi điều trị người bệnh COVID-19, suốt hơn 3 tháng ròng, anh Huy không thể gặp mặt vợ con bởi “sợ mang bệnh về nhà." Đó là những chuỗi ngày phải thức đến 1-2 giờ sáng để chờ thông tin, chưa kịp chợp mắt đã vội chạy đi ghi nhận hiện trường…; là những lần thức xuyên đêm để kịp hoàn thành bài viết kịp đăng cho số báo ngày hôm sau.
“Có những ngày tạm xong việc, về đến nhà đã 3-4 giờ sáng, lúc đó mới nhớ ra bụng mình trống rỗng, chưa kịp ăn tối nhưng mọi mệt mỏi liền tan biến khi thông tin hữu ích về dịch bệnh đã kịp thời được truyền tải đến người dân," anh Huy chia sẻ.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai.” Ở tâm dịch ngày ấy, đội ngũ phóng viên đã lựa chọn đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu. Có người phải giấu gia đình, có người gửi vợ con về quê, cũng có người không thể gặp mặt người thân lần cuối… Họ đã dấn thân để có được những thông tin, hình ảnh chân thực nhất của cuộc chiến với dịch bệnh.
Xin được gọi họ là những chiến sĩ, phóng viên chiến trường bởi dẫu trên mặt trận chống dịch không “bom rơi đạn nổ” nhưng họ đã bất chấp cả tính mạng của mình, trở thành “người thư ký của thời đại," ghi chép lịch sử của một giai đoạn không thể nào quên./.
Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)