Chuyên gia nhận định về "Sống chung với môi trường có COVID-19"

16:17 18/09/2021

(HMC) - Ủy ban nhân dân TPHCM vừa có Báo cáo Tập hợp các góp ý của chuyên gia về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàm Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, sáng ngày 17/9/2021, TP đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của chuyên gia y tế và chuyên gia kinh tế về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chủ trì Hội nghị.

Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, các chuyên gia đánh giá, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP đã thâm nhập sâu vào cộng đồng và có xu hướng trở thành dịch lưu hành (endemic), điều này đồng nghĩa với việc rất khó có thể loại bỏ hoàn toàn ra khỏi cộng đồng.

Hiện nay, TP đã có vắc xin (bao phủ 91% mũi 1 và 25% mũi 2); biến thể Delta cũng như các biến thể trong tương lai có khả năng lây nhiễm rất cao, đã có hệ thống điều trị F0 từ nhà cho đến các cơ sở thu dung điều trị theo 3 tầng với các loại thuốc kháng vi rút. Tuy số ca mắc vẫn cao, nhưng số ca nặng nhập viện và số ca tử vong vì COVID019 đang liên tục giảm, chỉ còn 50% so với đỉnh điểm, chứng tỏ hệ thống điều trị đã được nâng cấp, hoạt động tốt và có sự liên thông.

Vì vậy, những cách thức chống dịch được thiết kế năm 2020 về trước trong bối cảnh chưa có vắc xin và bóc tách F0 khỏi cộng đồng có lẽ đã không còn phù hợp với địa bàn TP trong giai đoạn hiện nay.

Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm việc chúng ta sống chung trong môi trường có COVID-19 là điều tất yếu, bởi nếu quét sạch COVID-19 lần này cũng không đảm bảo COVID-19 sẽ không đến một lần nữa. Đồng thời, nhận định đây là một cuộc chiến lâu dài.

Bác sĩ Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3 (thành phố Thủ Đức) thông đêm tiếp nhận bệnh nhân. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Bác sĩ Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3 (thành phố Thủ Đức) thông đêm tiếp nhận bệnh nhân. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tập trung kinh phí, nguồn lực cho cho tiêm chủng vắc xin và công tác điều trị

Từ đánh giá tình hình vi rút đã thâm nhập sâu vào cộng đồng nên rất khó bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng qua xét nghiệm trong một thời gian nhất định, các chuyên gia đều nhất trí nên tập trung cho tiêm chủng vắc xin và công tác điều trị để tiết kiệm kinh phí cũng như đảm bảo nguồn lực cho ngành y tế

Bên cạnh đó, chỉ thực hiện xét nghiệm cho những người có triệu chứng; F1 thuộc đối tượng có nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền); người hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu để đảm bảo an toàn khi hoạt động (nhân viên y tế, shipper, nhân viên sân bay, công nhân KCN, KCX...) và chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên, không cần phải làm lại xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 tại chợ Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Báo Thanh Niên
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 tại chợ Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Báo Thanh Niên

Để xác định "vùng xanh, vùng đỏ", chuyên gia cho rằng nên làm rõ định nghĩa. "Vùng đỏ" nên được định nghĩa lại là nhiều hộ gia đình trên một địa bàn như trong hẻm nhỏ, giao tiếp nhiều, nhiều hộ sống trong môi trường chật chội, không đảm bảo thông thoáng và giãn cách, khi đó cần phải khoanh vùng lại để dập dịch. Tuy nhiên, không cần cách ly mà chỉ cần chăm sóc tốt cho hộ gia đình này, đặc biệt là người trong diện nguy cơ.

Toàn bộ người dân TPHCM phải được tiêm vắc xin

Đảm bảo tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân TP và cả vùng, đặc biệt, chú trọng nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền. Bên cạnh đó, cần có đánh giá đến việc cần thiết phải tiêm mũi 3 và tiêm ngừa cho trẻ em.

Bộ Y tế cho biết khi nguồn cung ứng vắc-xin Covid-19 đủ sẽ đề nghị tiêm cho người dưới 18 tuổi bao gồm cả học sinh Ảnh: Báo Người Lao Động
Bộ Y tế cho biết khi nguồn cung ứng vắc-xin Covid-19 đủ sẽ đề nghị tiêm cho người dưới 18 tuổi bao gồm cả học sinh
Ảnh: Báo Người Lao Động

Để rút ngắn thời gian phủ vắc xin cho những đô thị đông dân cư – nơi biến chủng Delta tấn công chủ yếu, các chuyên gia cũng kiến nghị Trung ương nên tập trung ưu tiên phân bổ nguồn vắc xin cho khu vực này và nhóm nguy cơ cao, nghĩa là có trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải.

Không thể không mở cửa kinh tế

Các chuyên gia khẳng định, "Về mặt kinh tế, không thể không mở." Theo đó, TP phải mở cửa trên cơ sở an toàn và có sự chuẩn bị sẵn sàng. Điều kiện tiên quyết phải là bao phủ vắc xin, đặc biệt là tiêm đủ 2 mũi và có dự phòng rủi ro sau khi mở giãn cách, số ca bệnh sẽ tăng.

Do đó, các cơ sở ý tế cần sẵn sàng khả năng truy vết và xét nghiệm phải đảm bảo, khả năng thu dung đáp ứng tốt, chuẩn bị, tăng cường nguồn lực chăm sóc F0 tại cộng đồng, mở rộng khoa hồi sức tích cực và không để số ca tử vong tăng cao.

Các chuyên gia cũng gợi ý, tất cả hoạt động kinh tế, kinh doanh khi mở ra phải có phương án quản lý rủi ro để phòng ngừa lây nhiễm. Trường hợp dương tính thì phải cách ly nhưng các trường hợp còn lại có thể chỉ cần xét nghiệm để xác định ca lây nhiễm, thay vì phải cách ly toàn bộ F0 như trước đây và đóng cửa, ngừng hoạt động.

Bác sĩ gia đình là mạng lưới y tế cơ sở tốt nhất

Chuyên gia cho rằng, mạng lưới y tế cơ sở là rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch, do đó cần đầu tư lâu dài cho hệ thống y tế cơ sở, phân bổ tỉ lệ nhân viên y tế phải dựa trên tổng số dân cư trên địa bàn.

Nhiều người được sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir . Ảnh: Báo Lao Động
Nhiều người được sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir . Ảnh: Báo Lao Động

Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của mạng lưới bác sĩ gia đình chính là mạng lưới y tế cơ sở tốt nhất, giải quyết quá tải cho bệnh viện điều trị. Do đó, biện pháp điều trị đặc hiệu quá tải của ngành y tế là xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình.

Trong thời gian tới, TP cần chuyển chiến lược từ "đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng" sang "đánh chắc, thắng chắc".

Nhận định đây là một cuộc chiến lâu dài, do đó không nên tốn quá nhiều sức lực dẫn đến kiệt quệ, bởi nếu quét sạch COVID-19 lần này cũng không đảm bảo COVID-19 sẽ không đến một lần nữa. Vì vậy "Chúng ta có thể tiêu diệt COVID-19, nhưng không thể tiêu diệt trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong những năm tới cùng các quốc gia khác chứ không thể đơn độc", chuyên gia thống nhất.

Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục