Trình bày dự thảo (lần 1) báo cáo chính trị đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Trần Lưu Quang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, chủ đề của đại hội là “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng mọi thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng Thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Theo đó, dự thảo (lần 1) báo cáo chính trị được chia làm ba phần chính: Phần thứ nhất nói về kết quả thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X; Phần thứ hai nêu lên mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ phát triển Thành phố, xây dựng hệ thống chính trị Thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025; Phần thứ ba là bốn chương trình phát triển TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng chí Trần Lưu Quang cũng cho biết, trong nhiệm kỳ 2015-2020, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Cụ thể, kinh tế Thành phố tiếp tục đà tăng trưởng khá và ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3%/năm. Lực lượng lao động 4,7 triệu người. Tỷ trọng kinh tế Thành phố trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng, đến năm 2020 chiếm hơn 22% GDP cả nước, khẳng định là đầu tàu kinh tế cả nước với 27% thu ngân sách cả nước.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, thể hiện qua cả 3 chỉ số: Đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng liên tục qua các năm, năm 2020 ước đạt 42%; Năng suất lao động của thành phố năm 2020 đạt 333,6 triệu đồng, cao hơn 2,7 lần so với cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động của thành phố bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,2%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 là 4,8%/năm; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên, chỉ số ICOR giảm từ 4,53 năm 2015 xuống còn 4,31 năm 2020.
Các ngành dịch vụ phát triển đúng định hướng, đạt kết quả cao cả về quy mô và năng suất, chất lượng, tăng trưởng bình quân đạt 8,3%/năm; giá trị gia tăng dịch vụ chiếm hơn 33% giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ, đứng đầu của cả nước. Ngành thương mại phát triển theo hướng hiện đại, nhất là thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Hệ thống phân phối hiện đại đã phát triển về số lượng và chất lượng, gia tăng lưu thô ng hàng hóa và thúc đẩy sản xuất. Thương mại điện tử dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử qua các năm. Tỷ trọng doanh số mua bán trực tuyến trên tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 8,14%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khá, tăng trưởng bình quân 9,73%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng sản phẩm chế biến tiếp tục được nâng lên, nhóm hàng công nghiệp chiếm 80,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu đa dạng, không lệ thuộc một thị trường, một đối tác.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng bình quân 7,86%/năm, cao hơn cùng kỳ (6,92%/năm), giá trị gia tăng công nghiệp Thành phố chiếm 16% toàn ngành, đứng đầu cả nước. 04 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 8,56%/năm là động lực cho tăng trưởng công nghiệp của Thành phố trong thời gian qua.
Dự thảo báo cáo cũng đánh giá các chương trình đột phá đã góp phần vào sự phát triển của Thành phố. Cụ thể bao gồm: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao toàn diện trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Chương trình cải cách hành chính mang lại hiệu quả thiết thực, ngày càng đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến, vừa giải quyết cải tạo, chỉnh trang khu vực bên trong nội thành, vừa giải quyết về đầu tư và nâng cao chất lượng theo hướng văn minh, hiện đại; Chương trình giảm ngập nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả nhất định, bước đầu góp phần dữ vững ổn định chính trị - xã hội, phòng chống ngập úng khu dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; Các chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông có nhiều nỗ lực và tiến bộ, tai nạn giao thông được kéo giảm qua các năm, ùn tắc được kiềm chế và từng bước được cải thiện; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường được triển khai tích cực, từng bước kiểm sóat và có giải pháp khắc phục ô nhiễm...đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhìn nhận mức độ hoàn thành của một số chương trình đột phá vẫn còn hạn chế.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động nhân dân đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị được củng cố, hoạt động hiệu quả; cán bộ, Đảng viên tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; lòng tin trong nhân dân từng bước được củng cố, đóng góp quan trọng vào sự ổn định, bảo vệ và phát triển Thành phố. Trong đó đáng chú ý là việc thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong cán bộ, Đảng viên. Điều này tạo chuyển biến tích cực, góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức Thành phố.
Về các chỉ tiêu phát triển chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 – 2025, dự thảo báo cáo chính trị đưa ra tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm khoảng 8,5%, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 8.500 USD/người. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP. TP. Hồ Chí Minh cũng phấn đấu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về PAPI, PCI và PAR-index.
Ngoài ra, dự thảo báo cáo cũng nêu ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp khác, như phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ phát triển kinh tế làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; đổi mới quản lý Thành phố…
Thành phố cũng sẽ tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Trong đó, quan điểm của Thành phố là kiên quyết, kiên trì thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa XII, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn suy thoái lý tưởng, đạo đức, tự diễn biến và tham nhũng.
Về các chương trình phát triển TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố đưa ra ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm phát triển. Trong đó, ba chương trình đột phá gồm: đột phá đổi mới quản lý, đột phá phát triển hạ tầng, đột phá quản lý nhân lực và văn hóa (với các đề án như chính quyền đô thị, xây dựng thành phố thông minh, đề án chuyển đổi số...). Chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố (như phát triển giống cây, liên kết phát triển du lịch, đề án hợp tác các ngân hàng…).
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định kinh tế Thành phố đóng góp hơn 20% GDP cho cả nước, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong số 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của Đại hội X Đảng bộ Thành phố đã đề ra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết dự báo cuối nhiệm kỳ sẽ đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu. Một chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch là GRDP bình quân đầu người 9.800 USD và một trong những nguyên nhân khiến chỉ tiêu này không đạt là do dự báo dân số thấp hơn so với thực tế hiện nay. Ngoài ra, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ, có một chỉ tiêu chưa đánh giá được là năng lực quản lý bộ máy chính quyền phấn đấu nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu cả nước. Đây cũng là điều mà TP. Hồ Chí Minh day dứt nhất.
Ngay sau Hội nghị, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Văn phòng Thành ủy cũng đã tổ chức Hội nghị thông tin cho báo chí các vấn đề liên quan đến Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.