Củ Chi “Đất thép thành đồng”: Vươn lên từ truyền thống anh hùng

08:23 17/09/2022

Trên những mảnh đất xưa kia bị tàn phá bởi bom đạn, giờ đây đã là những vườn cây nông nghiệp công nghệ cao, những khu du lịch sinh thái hay những khu dân cư văn minh hướng tới một thành phố hiện đại.

Địa đạo Củ Chi - nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Củ Chi nay là một địa điểm du lịch lịch sử nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Địa đạo Củ Chi - nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Củ Chi nay là một địa điểm du lịch lịch sử nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

55 năm kể từ ngày được vinh danh “Đất thép thành đồng” (17/9/1967), Củ Chi từ chiến trường ác liệt giờ đây đã là một huyện nông thôn mới phát triển của thành phố mang tên Bác.

Trên những mảnh đất xưa kia bị tàn phá bởi bom đạn, giờ đây đã là những vườn cây nông nghiệp công nghệ cao, những khu du lịch sinh thái hay những khu dân cư văn minh hướng tới một thành phố hiện đại, một đô thị sinh thái phía Tây Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh.

Mảnh đất kiên trung bất khuất

Củ Chi là một huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc và Đông giáp tỉnh Bình Dương, phía Tây giáp Tây Ninh và Long An. Tên của huyện là do vùng đấy này trồng nhiều cây mã tiền (tên dân gian gọi là củ chi) và trở thành địa danh hành chính từ năm 1956.

Sau ngày thống nhất đất nước, quận Củ Chi (tỉnh Hậu Nghĩa) và quận Phú Hòa (tỉnh Bình Dương) được sáp nhập vào địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành huyện Củ Chi. Hiện nay, huyện gồm 1 thị trấn và 20 xã.

Với vị trí địa lý nằm kề trung tâm đầu não của chính quyền Miền Nam Việt Nam, tiếp giáp với tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An (là những vùng đất cách mạng), Củ Chi luôn là địa bàn trọng điểm, căn cứ địa cách mạng kiên trung trong trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Chính trên mảnh đất đầy bom đạn này đã xuất hiện khu địa đạo Củ Chi - một sáng tạo độc đáo của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, thể hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng kiên cường, bất khuất của những người dân nơi đây góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Theo ước tính, từ năm 1954-1975, mảnh đất Củ Chi hứng chịu khoảng nửa triệu tấn bom, đạn và khoảng gần 500 tấn chất độc hóa học các loại; hơn 5.000 cuộc càn quét của quân đội Mỹ và tay sai.

Để đối phó với kẻ thù có sức mạnh vượt trội về vũ khí, quân lực, bằng ý chí quật cường, sự sáng tạo, quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được hệ thống địa đạo khổng lồ dài hơn 200km với nhiều đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, xuyên trong lòng đất, kết hợp với hàng trăm kilomet chiến hào, công sự trên mặt đất, biến nơi đây thành một căn cứ bất khả chiến bại trước quân thù.

Trong giai đoạn 1965-1970, huyện được coi là một trong nơi khốc liệt nhất của chiến tranh. Vào thời điểm đó, hầu như không có ngày nào Củ Chi ngớt tiếng bom, tiếng pháo. Quân đội Mỹ, Ngụy liên tục mở các trận càn, các cuộc tấn công vào khu địa đạo và những vùng xung quanh nhằm bẻ gãy ý chí chiến đấu của quân và dân nơi đây bằng súng đạn.

Hàng trăm nghìn tấn bom đạn dội lên mảnh đất Củ Chi khiến ruộng đồng dày đặc các hố bom, vết đạn, cây cối ngã đổ xác xơ, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy.

Gắn bó suốt cuộc đời với vùng đất này, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (80 tuổi, tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) không thể quên khoảng thời gian ác liệt đó. Anh hùng Tô Văn Đực chia sẻ ngày nào máy bay trực thăng, máy bay ném bom cũng rà trên đất Củ Chi, sẵn sàng bắn pháo, ném bom vào bất cứ thứ gì nghi ngờ trên mặt đất. Tình hình rất căng thẳng, nguy hiểm rình rập bất cứ lúc nào. Không chỉ bộ đội, dân quân mà cả dân thường cũng bị thương vong. Trong hoàn cảnh đó, quân và dân Củ Chi vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu.

Tinh thần kiên cường của quân và dân Củ Chi được khắc ghi trên văn bia đền Bến Dược-Củ Chi viết “Quân và dân Củ Chi với tinh thần sáng tạo không ngừng, đánh giặc bằng trăm phương ngàn cách, với mọi thành phần không phân biệt già, trẻ, lớn, bé. Mỗi người dân đều là chiến sỹ, với mọi công cụ trên mọi địa bàn tác chiến, “vũ khí thô sơ ngựa trời, mìn gạt, địa đạo dài theo thế trận lòng dân, du kích lập vành đai diệt Mỹ, bắn tỉa ngày đêm xuất quỷ nhập thần.”

Đại tá Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi cho biết hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân huyện Củ Chi đã lập được những chiến công xuất sắc như tham gia hơn 4.000 trận chiến đấu; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 22.000 tên địch, trong đó bắt sống hàng chục nghìn lính Mỹ, ngụy; phá hủy và đánh chiếm hơn 5.000 thiết bị quân sự; bắn rơi và làm hư hỏng 256 máy bay; bắn chìm và cháy 22 tàu…

Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, huyện Củ Chi có hơn 17.000 liệt sỹ, thương binh, bệnh binh; được Nhà nước phong tặng, truy tặng 33 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và 772 Mẹ Việt Nam Anh hùng... Vinh danh những chiến công trong chiến đấu của quân và dân Củ Chi, tại Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua và Dũng sỹ các lực lượng vũ trang Nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ II do Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền Nam tổ chức ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tặng Củ Chi danh hiệu “Đất thép thành đồng” và Huân chương Thành đồng hạng Ba.

Đất thép vươn mình

Sau ngày thống nhất đất nước, phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, Củ Chi cùng với các địa phương khác của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội. Vượt qua những giai đoạn khó khăn chung của lịch sử đất nước, bằng ý chí và nghị lực, tinh thần cách mạng, huyện đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố mang tên Bác.

Năm 2005, Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Năm 2015, địa phương là huyện ngoại thành đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận huyện nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn hóa của người dân có chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng địa phương được tăng cường, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho huyện Củ Chi vì những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 12/4/2022. (Ảnh: TTXVN phát)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho huyện Củ Chi vì những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 12/4/2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh là tâm dịch COVID-19, Củ Chi là một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống dịch, là một trong những vùng “xanh” an toàn lớn nhất, sớm nhất của thành phố. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, cùng với các địa phương của thành phố, huyện bước vào giai đoạn phục hồi, ổn định kinh tế-xã hội với những giải pháp quyết liệt và đã có những hiệu quả tích cực ban đầu.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi, tính đến tháng 8/2022, toàn bộ các xã của huyện được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; đã có 13/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện vượt và đạt từ 90% trở lên. Công chức chuyên môn cấp huyện có trình độ Đại học đạt 97,8%, công chức cấp xã đạt trình độ Đại học đạt 97,4% (chỉ tiêu giao 97% trở lên). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,95%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi là 0,42% (chỉ tiêu giao dưới 5%); tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%…

Trong buổi làm việc tại Củ Chi cuối tháng Tám vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chỉ đạo Củ Chi cần quan tâm khai thác các lợi thế đặc thù về đất đai, điều kiện tự nhiên, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, giá trị cao.

Huyện cần quan tâm hài hòa đến công năng sinh thái và hạ tầng xã hội trong công tác phát triển quy hoạch; định hướng phát triển du lịch gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển “du lịch hòa bình” dựa trên truyền thống của vùng “Đất thép thành đồng.”

Chia sẻ về phương hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy Củ Chi cho biết giai đoạn 2020-2025, huyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng huyện phát triển toàn diện, văn hóa, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, huyện sẽ kết hợp nguồn lực đất đai với nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Củ Chi sẽ chuyển một phần đất nông nghiệp sang bất động sản công nghiệp, từng bước hình thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc của thành phố.

Với truyền thống anh hùng của người con vùng đất cách mạng và tiềm năng phát triển còn chưa được khai thác hết, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Củ Chi hướng tới phát triển thành một thành phố-đô thị trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững hài hòa trong các lĩnh vực thế mạnh..../.

Xuân Khu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục