Cử tri đề nghị tổ chức đưa đón công nhân trở lại TPHCM làm việc

10:48 11/10/2021

Sáng 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 10 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi (TPHCM).

Tổ ĐBQH gồm các ĐB: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM.

Tham dự buổi tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu Trung ương và TPHCM: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Lê Hoà Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ ĐBQH đơn vị số 10 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi (TPHCM). Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ ĐBQH đơn vị số 10 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi (TPHCM). Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi mở, trong buổi tiếp xúc hôm nay có rất nhiều lãnh đạo các bộ, ngành tới dự và cử tri có thể chất vấn lãnh đạo bộ ngành Trung ương, sở ban ngành TPHCM những nội dung liên quan trực tiếp đến người dân trên địa bàn huyện Củ Chi, ngoài những vấn đề cử tri quan tâm gửi đến Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước đó, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã trình bày dự kiến nội dung tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, cũng như báo cáo hoạt động của Đoàn ĐBQH TPHCM từ sau kỳ họp thứ nhất đến ngày 30/9.

Theo đó, dự kiến nội dung kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV xem xét thông qua 2 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết. Đồng thời kỳ họp xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân cần hỏi thăm cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân cần hỏi thăm cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngoài ra, kỳ họp cũng xem xét, thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và giám sát các vấn đề quan trọng khác. Trong đó kỳ họp xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trình bày dự kiến nội dung tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, cũng như báo cáo hoạt động của Đoàn ĐBQH TPHCM từ sau kỳ họp thứ nhất đến ngày 30-9. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trình bày dự kiến nội dung tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, cũng như báo cáo hoạt động của Đoàn ĐBQH TPHCM từ sau kỳ họp thứ nhất đến ngày 30-9. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết thêm, từ sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đến ngày 30/9, Đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động thể hiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm chia sẻ cùng với người dân TPHCM trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các ĐBQH đã tham gia công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, các cử tri đã góp ý về công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị tác động của dịch Covid-19; một số dự án quy hoạch kéo dài trên địa bàn huyện ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Cử tri Lê Hữu Đức (ngụ Thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) góp ý, dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, nếu phát triển sản xuất mà không lo chống dịch thì rất nguy hiểm, mà nếu lo chống dịch không lo phát triển sản xuất thì sẽ đứt gãy chuỗi sản xuất. Cử tri đề nghị cần quan tâm tiêm vaccine cho trẻ em và có giải pháp phù hợp để cùng thực hiện hai nhiệm vụ rất khó khăn là phát triển sản xuất và phòng chống dịch.

Cử tri huyện Củ Chi phát biểu các ý kiến. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cử tri huyện Củ Chi phát biểu các ý kiến. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cử tri Lê Minh Sương (ngụ xã Thái Mỹ) nêu thực trạng, xã Thái Mỹ có nhiều địa bàn giáp ranh với Long An và Tây Ninh, có nhiều công nhân lưu trú. Cử tri kiến nghị ĐBQH có ý kiến với Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức đưa đón, tổ chức cho công nhân có nguyện vọng về quê một cách chu đáo, đảm bảo an toàn cho công nhân và đảm bảo an ninh trật tự. Qua đó, tạo sự an tâm cho người lao động tạm về quê, sau đó quay lại TPHCM làm việc.

Cử tri Lê Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Củ Chi phản ánh, quá trình triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Song, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn và cơ sở pháp lý để giải quyết.

Cử tri Lê Thị Ánh Tuyết. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cử tri Lê Thị Ánh Tuyết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Củ Chi cho biết thêm, huyện Củ Chi có số lượng người lao động bị ảnh hưởng dự kiến hơn 40.000 người với kinh phí dự kiến hỗ trợ hơn 150 tỷ đồng. Đây là những người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Tuy nhiên, để được hưởng thì tại khoản 1, Điều 13 Quyết định số 23 có quy định các cơ sở “… phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19”.

“Như vậy, văn bản của cơ quan chức năng cấp nào yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động thì phù hợp với quy định trên. Trường hợp doanh nghiệp chỉ dừng một hoặc một số bộ phận/lĩnh vực hoạt động (các bộ phận/lĩnh vực khác vẫn hoạt động bình thường) thì có được hỗ trợ theo chính sách tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hay không, hay bắt buộc doanh nghiệp phải tạm dừng toàn bộ hoạt động”, cử tri Lê Thị Ánh Tuyết chất vấn.

Cử tri cũng nêu thêm, theo Quyết định số 23: “Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ theo Điều 15 Quyết định này đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính ...”. Theo quy định, doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn TPHCM, nhưng có nhiều chi nhánh đặt ở các tỉnh khác thì doanh nghiệp có trách nhiệm gửi hồ sơ bao gồm của tất cả các chi nhánh đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính để được hỗ trợ.

Như vậy, nếu thực hiện theo cách thức nêu trên thì UBND huyện căn cứ văn bản nào của các tỉnh, thành phố khác để làm căn cứ “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19”?, bà Lê Thị Ánh Tuyết kiến nghị có hướng dẫn cụ thể về căn cứ, hồ sơ để giải quyết hỗ trợ cho người lao động kịp thời.

MẠNH HÒA - VĂN MINH/SGGP

Tin cùng chuyên mục