Đại lễ Vesak 2025: 'Chấp nhận sự khác biệt và hoan hỷ cho nhau'
Chủ đề của đại lễ Vesak 2025 là 'Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững'. Thông điệp này có ý nghĩa gì?
Đại lễ Vesak là sự kiện trọng đại, thiêng liêng được tổ chức hằng năm đối với tăng ni, phật tử trên toàn thế giới. Đại lễ Vesak kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là: Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn.
Đại lễ Vesak được Liên Hiệp Quốc có nghị quyết xác lập là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình từ năm 1999. Kể từ đó, đại lễ Vesak đều được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và tại các quốc gia thành viên hằng năm.

Hòa bình và bao dung để tạo thế giới bình an
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 có chủ đề chính: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững".
Trong đó, "đoàn kết và bao dung" là truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Chiến thắng lịch sử năm 1975 là kết tinh của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc diễn ra xuyên suốt chiều dài lịch sử. Bao dung cũng nét đặc sắc văn hóa người Việt với truyền thống "lá lành đùm lá rách" và là giáo lý Đức Phật truyền lại.

Ý nghĩa của "tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững" được giải thích như sau. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh... con người luôn đối diện bất an thì tinh thần đoàn kết, bao dung, sẻ chia, đặt con người trung tâm của hành động sẽ góp phần hoàn thành sứ mệnh thiên niên kỷ về phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Bên cạnh đó, đại lễ có 5 chủ đề phụ là:
- Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới
- Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải
- Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người
- Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững
- Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) cho biết, đại lễ Vesak không chỉ là một lễ hội tôn giáo mà còn là cơ hội để nhân loại ngồi lại với nhau, bàn về các giá trị văn hóa, đạo đức và hòa bình cho toàn cầu.

Theo thượng tọa, nền tảng của hạnh phúc, bình an, thành công hay đạt được một yếu tố phải được thiết lập trên tinh thần đoàn kết. Hai chữ đoàn kết đã được phát triển, hun đúc và nuôi dưỡng trong lòng của dân tộc Việt Nam suốt hàng nghìn năm qua.
Còn bao dung là chấp nhận và hoan hỷ cho nhau, thừa nhận sự có mặt của người kia ở nhiều lĩnh vực; không lấy tư kiến của mình để định đoạt người kia mà chấp nhận sự khác biệt trên nhiều lĩnh vực.
Thượng tọa Thích Trí Chơn đúc kết: "Ban tổ chức Vesak 2025 muốn nhấn mạnh thông điệp nâng cao nhân phẩm của con người. Tình hình thế giới hiện nay đầy biến động, chiến tranh ở một số nơi, nhân mạng con người đã bị đe dọa vì ý thức hệ, vì tranh giành chủ quyền… gây nên bao nhiêu đau khổ và tội ác. Vậy nên, cuộc sống này phải hòa bình và bao dung để kiến lập thế giới bình an".
Tuệ giác Phật giáo là gì?
Theo viện chủ tu viện Khánh An, tuệ giác trong "tuệ giác Phật giáo" không phải là kiến thức hay trí tuệ do hiểu biết, cũng không phải là sự thông minh mà tuệ giác là do tu tập giác ngộ mà có.
Người con Phật sẽ nhìn thấy tuệ giác khi thực tập từ, bi, hỷ, xả theo Phật giáo. Nói cách khác, chúng ta có thể thực tập những điều sau để nhìn thấy tuệ giác. Cụ thể, đó là 3 điều: vô thường (mọi việc, mọi vật đều sinh - diệt, diệt - sinh), duyên sinh (những cảm xúc không thật sự có) và vốn dĩ bất toại nguyện (mọi chuyện không như ý).

"Phát triển bền vững" trong chủ đề của đại lễ Vesak 2025 là sự phát triển xã hội ngày hôm nay, không làm tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực, không làm đổ vỡ các thế hệ mai sau. "Mỗi chúng ta cần ý thức và trách nhiệm để thực hiện, thực tập sống đoàn kết và bao dung, nhân phẩm con người được nâng cao, sự công bằng và bình đẳng được thiết lập trong cuộc đời, tu tập có được tuệ giác của Đức Phật. Làm được như vậy là mỗi người đã góp phần kiến tạo một thế giới hòa bình và sự phát triển bền vững, tốt đẹp cho mình, cho đất nước và toàn thế giới", thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ.
Trong khuôn khổ đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tôn trí xá lợi Đức Phật (bảo vật quốc gia Ấn Độ) tại Việt Nam 20 ngày, cụ thể như sau:
- Tại chùa Thanh Tâm, Học viện Phật giáo Việt Nam, công viên Láng Le (H.Bình Chánh, TP.HCM) từ ngày 2 - 8.5
- Tại Núi Bà Đen (Tây Ninh) từ ngày 8 - 13.5
- Tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) từ ngày 13 - 16.5
- Tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) từ ngày 17 - 21.5, sau đó xá lợi được đưa về lại Ấn Độ