Thực hiện kế hoạch này, tất cả các thí sinh phải thực hiện khai báo y tế, tình hình sức khỏe, lịch sử di chuyển, tiếp xúc theo quy định; chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Ngành Y tế, giữ gìn sức khỏe, chủ động báo cho cha mẹ, thầy cô chủ nhiệm nếu có những dấu hiệu dịch tễ và đi khám sức khỏe tại các cơ sở y tế gần nhất.
Các thí sinh thuộc diện F1, F2 (nếu có) sẽ không tham gia kì thi theo kế hoạch (từ ngày 8 đến ngày 10/8/2020) mà dự thi sau theo quy định của Bộ GD-ĐT. Những thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở trong các buổi thi phải được thi riêng ở phòng thi dự phòng và được cơ sở y tế địa phương điều tra dịch tễ ngay sau buổi thi đó.
Tương tự như thí sinh, tất cả các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi phải thực hiện khai báo y tế, lịch sử di chuyển và tiếp xúc, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không tham gia công tác thi nếu thuộc diện F1, F2 (nếu có),…
Đối với các điểm in sao đề thi, các điểm thi, điểm chấm, cần phải thực hiện vệ sinh khử khuẩn trước ngày làm việc đầu tiên 2 ngày và sau mỗi ngày làm việc. Các điểm phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị, vật dụng cần thiết để phòng, chống dịch Covid-19 như dung dịch sát khuẩn tay, dụng cụ đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng,… Các phòng thi phải được bố trí giãn cách tối đa, mỗi điểm thi phải có tối thiểu 2 phòng thi dự phòng, đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo mật của kì thi, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ.
Ngoài ra, các điểm cần phối hợp với địa phương nên thực hiện giãn cách, phân luồng, không để xảy ra tụ tập đông người cuối mỗi buổi thi; giữ gìn phòng thi, phòng làm việc, điểm thi sạch sẽ, thông thoáng tối đa nhưng phải đảm bảo yếu tố an toàn, bảo mật. Đồng thời, nếu phát hiện thí sinh sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở, điểm thi phải nhanh chóng bố trí thi riêng ở phòng thi dự phòng, sắp xếp nhân sự coi thi đảm bảo đúng quy chế, báo cáo về Hội đồng thi và khẩn trương thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để phối hợp điều tra dịch tễ ngay sau buổi thi đó.
UBND TP. Hồ Chí Minh giao cho Sở Y tế khẩn trương rà soát, lập danh sách thí sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi thuộc các đối tượng F0, F1, F2 (nếu có), báo cáo ban chỉ đạo thi và gửi Sở GD-ĐT trước ngày 7/8/2020, có thông tin khẩn nếu có trường hợp phát sinh. Sở cũng cần chỉ đạo y tế địa phương hỗ trợ các điểm phòng, chống dịch Covid-19, nhất là công tác vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị các phòng dự thi; chỉ đạo các đơn vị y tế ưu tiên khám, xét nghiệm cho thí sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi; đảm bảo sẵn sàng thực hiện công tác sơ cấp cứu và điều tra dịch tễ, xử lý tình huống phát sinh liên quan đến phòng, chống dịch; hỗ trợ các thiết bị tầm nhiệt để phục vụ công tác đo thân nhiệt tại các điểm thi có đông thí sinh.
Phối hợp với ngành Y tế, Sở GD-ĐT cũng cần triển khai nghiêm túc, đầy đủ kế hoạch trên, đảm bảo kì thi diễn ra đúng quy chế, an toàn, không để dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi. Dự trên danh sách F0, F1, F2 (nếu có) do Sở Y tế cung cấp, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành việc phân loại, tổ chức. Đồng thời, Sở cũng phải chuẩn bị nhân sự dự phòng, sẵn sàng thay thế nếu trường hợp có cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu trong kì thi bị phát hiện thuộc diện F1, F2.
Nhiệm vụ của UBND các quận, huyện là phải phối hợp với các ban ngành địa phương, hỗ trợ các điểm thi thực hiện quy định về giãn cách, nhất là cuối mỗi buổi thi; xây dựng phương án, đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tại địa phương; huy động trang thiết bị, cơ sở vật chât từ các nguồn tại địa phương, từ các cơ sở giáo dục không tổ chức điểm thi,.. để hỗ trợ các điểm thi.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện phải chỉ đạo y tế địa phương hỗ trợ các điểm thi vệ sinh khử khuẩn, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, ưu tiên công tác khám, xét nghiệm và sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh theo quy định; chỉ đạo các cơ sở giáo dục gần đó trên tinh thần sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ kì thi trong điều kiện cần thiết.
Các sở ngành, đơn vị có liên quan sẽ triển khai đầy đủ nội dung kế hoạch này, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Ban chỉ đạo kì thi. Đặc biệt, Công an Thành phố, Thanh tra Thành phố, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh,… cần chuẩn bị nhân sự dự phòng, sẵn sàng thay thế nếu trường hợp có cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu trong kì thi bị phát hiện thuộc diện F1, F2.
Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh cung cấp văn bản tại đây.